Chi tiết tin tức Một bậc hành giả Tịnh độ mẫu mực 19:20:00 - 08/04/2024
(PGNĐ) - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch vào ngày 28-3-2014. Kế nhiệm cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, ngài là vị giáo phẩm ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự lâu dài nhất, tròn 30 năm (1984-2014).
Tưởng niệm 10 năm ngày viên tịch của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014), bậc đại dịch giả kinh điển Đại thừa, vị suốt đời thực hành pháp môn Tịnh độ, nhà lãnh đạo Phật giáo qua nhiều giai đoạn lịch sử, Giác Ngộ xin giới thiệu lại những nhận định của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, về ngài. *** Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN viên tịch vào ngày 28-3-2014. Kế nhiệm cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, ngài là vị giáo phẩm ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Trị sự lâu dài nhất, tròn 30 năm (1984-2014). Suốt 30 năm lãnh đạo Giáo hội, với tính cách đặc biệt, dường như ít quan tâm đến các hoạt động Phật sự, nhưng phải nói rằng trong giai đoạn Hòa thượng lãnh đạo, Giáo hội luôn bình yên, mọi Phật sự được tiến triển và vận hành nhẹ nhàng. Tính cách lãnh đạo đặc biệt của Đại lão Hòa thượng có thể nói ảnh hưởng từ con đường tâm linh mà ngài miệt mài, chuyên tâm theo đuổi và tinh tấn thực hành. Đó là pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà. Tôi được biết Đại lão Hòa thượng từ giữa thập niên 1950, lúc ngài thành lập Hội Cực lạc Liên hữu và chủ trương Tập san Đường về Cực lạc mà tôi là người say mê theo dõi để đọc. Tôi thấy ngoài việc dịch kinh điển Đại thừa, thuyết pháp, đảm trách các sinh hoạt Tăng-già, ngài đã dồn hết thời gian cho việc hành trì niệm Phật, rất ít tiếp xúc với quần chúng Phật tử. Nhiều lần tham vấn Đại lão Hòa thượng, lúc nào ngài cũng luôn khuyên tôi bớt công việc để chuyên tâm niệm Phật. Ngài quan niệm, nếu làm việc nhiều cũng có thể sanh phước đức nhưng chắc chắn phiền não, trần lao và nghiệp chướng cũng theo đó mà phát sanh. Với ngài, tất cả những gì cản trở cho sự tiến bước trên lộ trình đạt đến sự thanh tịnh của tâm đều cần phải được dứt bỏ. Cho nên, chúng ta thấy trong nhiều năm qua, là giáo phẩm lãnh đạo tối cao của Giáo hội, nhưng trong nhiều hội nghị, các sinh hoạt của Giáo hội, ngài vẫn không đến dự. Tôi cảm giác dường như, tất cả tâm ý của ngài đều trọn vẹn dành tưởng nghĩ, hình dung, quán niệm về Đức Phật Di Đà và thế giới Cực lạc thanh tịnh tuyệt đối. Đó là tất cả đời sống của ngài. Những gì diễn ra trong đời sống xã hội thường ngày không đáng để bận tâm. Do đó, chúng ta thấy ở ngài luôn có sự ung dung, tĩnh tại cho đến ngày mãn duyên, xả báo thân cũng nhẹ nhàng hiếm thấy. Tôi nhớ trong một lần đi công tác Phật sự với Đại lão Hòa thượng, cũng như những lần khác, ngài luôn khuyến tấn tôi chuyên tâm trì niệm danh hiệu Đức Phật Di-đà. Ngài còn nói thêm, là người xuất gia tu hành, chúng ta phải tinh tấn làm sao để đạt được sự an tịnh thân tâm, trước hết là tự lợi cho bản thân không uổng công tu tập, kế nữa là tạo được tín tâm cho người khác. Với cuộc đời gần 100 năm, 69 tuổi hạ, hành giả một đời chuyên tâm niệm Phật, có vai trò rất lớn trong việc xây dựng và phát triển Tịnh Độ tông tại Việt Nam thời hiện đại. Dù tuổi cao nhưng thân ít bệnh, tâm tự tại giữa mọi biến thiên của thời cuộc, phải nói rằng Đại lão Hòa thượng đã làm được những điều đã nghĩ và đã nói, tri hành hợp nhất, ngài xứng đáng là một bậc hành giả Tịnh độ mẫu mực, tạo tín tâm cho vô số Phật tử trong nhiều năm qua, ở hiện tại và mai sau. Hòa thượng Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |