Chi tiết tin tức

Mùa xuân của người tu

15:28:00 - 24/02/2023
(PGNĐ) -  Tôi đã trải qua giai đoạn dài hơn 60 năm tu theo kinh Pháp hoa, nên tôi có kinh nghiệm đón xuân theo tinh thần kinh Pháp hoa mà tôi đã thể nghiệm.

Người trì kinh Pháp hoa, theo Phật dạy phải có căn lành và có nhân duyên với Phật thì từ đó mình phát khởi niềm tin. Và từ niềm tin thanh tịnh này hướng dẫn mình từng bước đi sâu vào giáo nghĩa của kinh Pháp hoa. Đó là hành trì kinh Pháp hoa mà tôi đã trải qua, xin được chia sẻ.

Tôi có phước duyên được Hòa thượng Đạt Vương trao cho bộ kinh Pháp hoa chữ Hán. lúc đó tôi còn nhỏ, chưa biết đọc chữ Hán. Nhưng tự nhiên trong thẳm sâu tâm hồn, tôi cảm nhận đây là bảo vật vô giá đối với mình, nên tôi ôm giữ bộ kinh này và nghĩ đến kinh này, tôi cảm thấy an lành. Có thể nói đó là giai đoạn đầu tôi tu theo kinh Pháp hoa bằng niềm tin, không biết chữ nghĩa bên trong kinh, chỉ biết là kinh Pháp hoa

Đến giai đoạn hai, trì kinh Pháp hoa thường ngày tôi mang bộ kinh lên chánh điện mở từng trang kinh, đọc từng chữ từng câu. Đặc biệt đến 30 Tết năm 1975 vào giờ giao thừa, tôi mang kinh Pháp hoa ra tụng và cũng tụng bộ kinh Pháp hoa bằng giấy trắng mực đen vẫn cho tôi cảm nhận niềm an lành kỳ diệu. Vì vậy, tôi hiểu kinh Pháp hoa là cái đem đến cho chúng ta sự an lành. Đó là giai đoạn hai tôi trì kinh Pháp hoa, gọi là văn tự kinh Pháp hoa.

Nhưng đến giai đoạn ba, cũng vào mùa xuân, cũng vào giờ giao thừa, tôi mang kinh Pháp hoa để trước bàn Phật và bắt đầu trì kinh. Tự nhiên tôi thấy hoàn toàn đổi khác đối với tôi; cũng gian phòng đó, cũng bộ kinh đó, cũng tượng Phật đó, nhưng tôi cảm nhận đây là thế giới kỳ diệu khác hẳn những gì ngày thường mình có. Tôi cảm nhận sâu sắc giữa mình với Phật gần hơn. Bấy giờ không cần lật kinh đọc như trước, nhưng đây là thế giới sống động của tâm hồn mình. Nói cách khác, nếu chúng ta có quá trình tu miên mật sẽ nhận được lực mầu nhiệm ghi trong kinh. 

Vì vậy, trì kinh đối với tôi không phải đọc từng chữ nữa, nhưng nhắm mắt lại, thế giới mầu nhiệm hiện ra trong tâm tôi. 

Trước đó, ta đọc câu kinh: “Một thuở nọ, Đức Phật ở núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá, cùng chúng Tỳ-kheo một muôn hai ngàn gồm cả La-hán và bậc Tam Hiền còn đang tu học, tám vạn Bồ-tát...”. Nhưng bây giờ, chúng ta không đọc câu kinh này, nhưng cảm nhận được Phật đang ngồi ở núi Linh Thứu nói kinh Pháp hoa và mình cũng ngồi ở đó nghe Phật nói kinh Pháp hoa. Đây là sự kỳ diệu mà tôi cảm nhận được thì bấy giờ tôi cảm giác kinh Pháp hoa mà tôi nghe như vậy không giống với kinh Pháp hoa tôi đọc hàng ngày bằng văn tự. 

Kinh Pháp hoa bây giờ trở thành biểu tượng, không còn bằng giấy trắng mực đen. Biểu tượng đó là thế giới của Phật đang thuyết kinh Pháp hoa có vô số Tỳ-kheo ngồi nghe pháp, cũng có vô số Bồ-tát và chư thiên, Hộ pháp thiện thần và các loài đến nghe pháp. Thế giới mầu nhiệm này tôi gọi là thế giới của kinh Pháp hoa dành riêng cho những người trì kinh Pháp hoa, những hành giả Pháp hoa mới cảm nhận được. Thế giới rộng mênh mông là thế giới tâm, tâm thu lại thì không thấy, nhưng tâm mở ra bao trùm cả pháp giới tạo thành thế giới có vô số Tỳ-kheo, Bồ-tát, chư thiên nghe pháp. 

Lúc trước tôi tụng kinh Pháp hoa, cảm giác có người cùng tụng kinh với tôi, nhưng lần này, tôi thấy được sự việc bằng niềm tin, bằng tâm, không phải chỉ là cảm nhận. Người tu Pháp hoa không có niềm tin, không có căn lành, không thể thấy việc này được.

Bình thường tụng kinh Pháp hoa, đọc chữ. Trì kinh Pháp hoa, nhắm mắt, không đọc chữ, nhưng thế giới Phật tự hiện ra, theo tôi đó là Pháp hoa tâm, Pháp hoa cảnh là cảnh giới của kinh Pháp hoa do tâm thanh tịnh của mình nhận ra.

Mùa xuân của người tu ảnh 1

Tâm mình tu rộng vô cùng, nhưng thu hẹp lại không thấy nó đâu. Tùy tâm mình mở rộng đến đâu thì thấy đến đó, đầu tiên thấy Phật và Thánh chúng, Bồ-tát cứ lần lần mở rộng cho đến thấy cả pháp giới chúng sanh là mình đã thâm nhập thế giới Pháp hoa, mới hiểu ý nghĩa hoa Mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa. Nghĩa là tâm chúng ta hoàn toàn trong sạch và trí chúng ta hoàn toàn sáng suốt khiến cho chúng ta thấy những hiện tượng mầu nhiệm trong trời đất. 

Hoa Mạn-đà-la tiêu biểu cho tâm an vui, thấy được hoa trời mà không có hoa là thấy hoa xuân nở trong lòng chúng ta. Từ đó, thiền sư diễn tả ý này bằng câu đơn giản rằng con đã về, con đã tới. Nhưng ít người nhận ra ý nghĩa đích thực của câu này, đã về là về đâu, đã tới là tới đâu? Đối với tôi, mình đã về chốn cũ là chân linh của mình, đã tới là tới cùng tột của tri thức, tức trí tuệ của mình.

Tôi quyết lòng tìm đến Linh sơn, nói cách khác là tìm đến chân linh. Nhưng trì kinh Pháp hoa, đối trước thực tế cuộc sống có muôn ngàn khó khăn, nguy hiểm chờ đón mình, thì phải làm sao? Bỗng tôi chợt nhận ra chân linh chúng ta vô động, đứng yên, tất yếu chúng ta phải dừng tâm lại, để tâm lắng yên sẽ nghe được pháp Như Lai và tâm mình sáng ra mới thấy con đường đạo của mình quá an lành, nhờ có Bồ-tát Quan Âm, Thế Chí dẫn đường. Đây là tâm đắc của tôi khi trì kinh Pháp hoa nhận ra được. 

Nhưng đi xa hơn, quán sát kỹ thấy không phải hai vị Bồ-tát này là hai con người dẫn mình đi. Vì tâm lắng yên, thì mình và người đều không có. Bấy giờ, Bồ-tát là Bồ-tát tâm, Bồ-tát chân linh. Bồ-tát Quan Âm và Đại Thế Chí là chân linh, mình cũng là chân linh, nên chân linh gặp nhau, hay tâm hồn lớn gặp nhau. Vì vậy, có hai vị Bồ-tát này dẫn đường chúng ta hết sợ. 

Bồ-tát Quan Âm còn có tên là Quán Tự Tại, đối với các pháp, Ngài hoàn toàn tự tại. Và hạnh của Ngài là lóng nghe tất cả tiếng kêu cứu của chúng sanh, Ngài khởi đại bi tâm cứu khổ ban vui. 

Và mình cũng nhìn chúng sanh bằng chân linh của mình, thấy chúng sanh trầm luân đau khổ, mình khởi ý thương xót, cứu đời giúp người giống với hạnh Quan Âm. Và Quan Âm này khởi từ lòng chúng ta và chúng ta hiện hữu trên cuộc đời cũng phát xuất từ lòng chúng ta. 

Ta khởi tâm như thế và mọi người nhìn ta, nghĩ ta là Quan Âm, điều này cũng lạ. Mới tu, ta nghĩ mình là chúng sanh đau khổ, nên lạy Quan Âm để cầu Ngài phò hộ chúng ta. Nhưng ngược lại, người nghĩ ta là Quan Âm có thể cứu được họ. Quan Âm này từ tâm chúng ta mà hình thành. Đó là con đường thứ nhất đi vào trần ai bằng tâm Bồ-tát, thương người cứu đời, nên mọi người thấy thương ta. Còn ta nhiều tham vọng, ham muốn của ta sẽ đụng chạm với ham muốn của người, sanh ra oán thù hại nhau. 

Trong thế giới chân linh, chúng ta hoàn toàn tự tại, cái gì cũng biết, việc gì cũng làm được. Nhưng trở lại thực tế cuộc sống muôn vàn khó khăn. Một người làm vui lòng một người đã khó, huống là làm vui lòng nhiều người, khó vô cùng. Vì vậy, lòng chúng ta xuất hiện Bồ-tát Đại Thế Chí nhắc chúng ta rằng đâu phải việc nào chúng ta cũng làm được, có người chúng ta không thể giúp. Bồ-tát Thế Chí khuyên chúng ta phải hiểu người, biết người mới giúp người được. Không biết, không hiểu thì cứu người không được, còn mang họa, bị họ hại. Ta thất bại vì đối với người đáng giúp, ta không giúp, với người đáng tránh thì ta lại gặp, nên phiền não, trần lao, nghiệp chướng sanh ra. Hành Bồ-tát đạo khó là vậy.

Phật Thích Ca biết rõ người, nên Ngài cứu họ được. Điển hình Phật độ Vô Não là tên sát nhân điên cuồng chém chết cả ngàn người. Ai cũng khiếp sợ hắn, kể cả vua Ba Tư Nặc cũng phải sợ. Nhưng Phật hiểu Vô Não nên Ngài độ sát nhân này trở thành La-hán một cách dễ dàng. 

Trở lại việc trì kinh Pháp hoa ở giai đoạn hai, trong đầu tôi lóe lên tia sáng mà tôi diễn tả là Quan Âm, Thế Chí dẫn đường. Từ đó, tôi nhận ra trì kinh Pháp hoa bằng tâm, không bằng tiếng đọc. Sở đắc này quan trọng, vì từ đây có cách tu hoàn toàn khác. 

Lúc trước, tôi hay thực tập pháp bế quan là đóng kín sáu giác quan lại. Vì sáu căn tiếp xúc với sáu trần, vô số tội lỗi, trần lao, nghệp chướng nhân đây sanh ra. Thí dụ đơn giản, như sắc đụng chạm với sắc sẽ sanh ra thọ uẩn. Nếu tu theo Nguyên thủy, thực tập để xóa được sự tác động của hai uẩn này cũng gay go lắm, không đơn giản. 

Chúng ta tu theo pháp căn bản, Phật dạy rằng do căn không có và trần cũng mất nên chúng ta nhập Không môn. Tất cả người tu tìm đường giải thoát đều đi vô cửa này. 

Tôi cũng vô cửa này, nhưng sau khi thâm nhập được cốt tủy Pháp hoa là về tới chân linh, gặp Phật thì khác hẳn. Trước tu theo Nguyên thủy, chúng ta không cho mắt tiếp xúc với cảnh thì không thấy. Nhưng tu theo Pháp hoa, trong phẩm Pháp sư công đức thứ 19, Phật dạy rằng mắt của hành giả được trang bị bằng 800 công đức, lúc ấy, hành giả nhìn đời bằng 800 công đức nhãn. Đó là quá trình tu mà sanh ra con mắt công đức, hoàn toàn khác với con mắt tội lỗi nhìn đời.

Con mắt công đức có công năng rất kỳ diệu. Nếu có con mắt công đức, chúng ta nhìn người dữ thì cái dữ của họ tự biến mất. Thực tế như Phật có vô lượng công đức nhãn, Ngài nhìn Vô Não, đôi mắt từ bi của Ngài đã chuyển hóa con tim thù hận của Vô Não khiến cơn nóng giận của ông tự động tiêu tan đến mức ông liền buông dao, quỳ xuống, trong tích tắc, ông trở thành hiền lành hơn ai hết, thậm chí sau đó, ông tinh tấn thể nghiệm pháp Phật và chẳng bao lâu, ông đắc Thánh quả.

Quý vị tầm sư học đạo, tìm vị thầy hiền lành mà mình thấy họ thì cảm nhận được an lành. Đó là người tu thật có công đức nhãn.

Mùa xuân của người tu ảnh 2

 

Mùa xuân của người tu ảnh 3

Vì vậy, chúng ta hiểu Pháp hoa là hiểu sự hiện hữu của công đức nhãn trong thực tế cuộc sống. Và nâng lên, chúng ta sử dụng thêm 1.200 công đức nhĩ. Phật nói lỗ tai của hành giả Pháp hoa có 1.200 công đức khiến họ nghe được tất cả các loại âm thanh, kể cả âm thanh không có âm thanh. Do công đức trì kinh Pháp hoa, tâm thanh tịnh, trở về được chân linh, chúng ta có diệu dụng này, Không phải chúng ta vào hư không, lên Niết-bàn rồi tan biến mất là đoạn kiến. 

Sáu căn hồi nãy chúng ta thấy là sáu tên giặc làm tâm chúng ta không thanh tịnh, khổ đau, nên chúng ta bế quan, đóng kín, không sử dụng nữa. Nhưng không sử dụng sáu căn mà không được gì, vì có tai nhưng không nghe là điếc, có mắt mà không thấy là đui rồi. Như vậy là lạc thiền, trở thành than nguội.

Chẳng lẽ từ có tri kiến mà bỏ kiến văn giác tri để trở thành củi mục hay sao. Phải hiểu là bỏ tri giác trần tục để có tri giác của Phật mà kinh Pháp hoa gọi là Phật tri kiến. 

Vì vậy, sử dụng sáu căn theo Pháp hoa, chúng ta sẽ thấy biết sáng hơn. Thật vậy, người chưa tu thì sáu giác quan làm họ khổ. Biết tu, sử dụng sáu giác quan trên 6.000 công đức tạo thành vô biên công đức.

Chuyển được sáu giác quan thành 6.000 công đức thì vô công dụng đạo là tới đây, hành giả không cần tu, để công đức tự tu. Vì bấy giờ, hành giả có mắt công đức nhìn người, tác động họ phát tâm Bồ-đề. Hành giả có lỗ tai công đức thì nghe người ta giãi bày tâm sự khiến họ hết khổ. Không cứu khổ ban vui, nhưng thực sự hành giả đã cứu được nhiều người, ban vui cho nhiều người. Đó chính là Phật. Kinh Pháp hoa gọi là Phật thừa, muốn nói ý này. Chỉ cần lóng nghe thì khổ của người vơi, lần đến hết khổ. Đó là công đức nhĩ của kinh Pháp hoa làm họ hết khổ, không phải mình tư vấn, dùng khôn dại của mình chỉ họ cách sống thế này thế nọ, làm vậy là trần tục. 

Không nói, chỉ lóng nghe mà tác dụng thật tuyệt vời, là công đức có tác dụng vi diệu. Thực tế cho thấy người lạy Phật, Phật không nói, nhưng họ lạy bằng tâm thành và nhờ công đức của Phật tác động qua tâm họ khiến họ thấy an lành. Có độ cảm với Phật càng sâu thì tiếp nhận công đức càng lớn. 

Vì vậy, sáu căn của chúng ta được trang bị 6.000 công đức và đi vào cuộc đời, chúng ta hành đạo bằng 6.000 công đức. Lúc đó, chúng ta nhận thấy rõ mình không thể làm được gì hết, nhưng công đức làm được tất cả. Và đặc biệt công đức này lần lần lớn thêm. Lý này được Phật nói trong kinh Pháp hoa rằng xưa kia Ngài tu hành đạo Bồ-tát cảm thành thọ mạng, cho đến nay, thọ mạng của Phật không hết, còn phát triển thêm. Ngài không cần tu, nhưng công đức tự sanh, người thấy Phật sanh tôn kính và làm theo Phật dạy, dù Ngài đã Niết-bàn hơn 25 thế kỷ, người người trên khắp năm châu vẫn quy kính Phật. Đó chính là sự giáo hóa thậm thâm vi diệu bằng công đức của Phật. 

Tóm lại, tu theo Phật thừa tạo thành thế giới công đức là thế giới của Phật, là thế giới của hành giả Pháp hoa, của những người thật tu thấy đúng sự thật và mang an lạc cho đời. 

Nhân dịp năm mới, tôi cầu Phật gia bị cho tất cả hành giả thấy Phật, nghe pháp, liễu ngộ, tạo thành thế giới an lành của chư Phật tại Ta-bà.

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin