Chi tiết tin tức

Tư tưởng pháp môn Tịnh độ trong Thiền tông Phật Giáo thời Lê Trung Hưng (1533 – 1789)

21:47:00 - 09/01/2023
(PGNĐ) -  Thiền Tông và Tịnh độ Tông là hai tông phái lớn của Phật giáo Bắc truyền. Ở nước ta, tiến trình lịch sử Phật giáo chứng kiến sự phát triển song song và đồng thời có sự hòa hợp giữa Thiền và Tịnh tạo nên dòng chảy Thiền-Tịnh song tu. Đây là quá trình diễn ra vào thời kỳ nhà Lê Trung hưng (1533-1789) với đóng góp của chư Tổ sư suốt hàng trăm năm. Trong Thiền tông có hạt giống tư tưởng Tịnh độ và ngược lại. Sự dung hợp Thiền-Tịnh giúp Phật giáo phát triển rộng khắp nhân gian Đại Việt, xoa dịu nỗi đau vì chiến tranh loạn lạc của nhân dân, góp phần ổn định nhân tâm, an dân hộ quốc.

DẪN NHẬP

Thời Lê Trung hưng (1533-1789), đất nước ta bị các thế lực phong kiến chia cắt thành Đàng Trong – Đàng Ngoài. Trong hàng thế kỷ, thường xuyên xảy ra các cuộc giao tranh giữa các tập đoàn phong kiến Lê-Mạc, Trịnh-Nguyễn, các vua Lê không có thực quyền trong tay. Trong bối cảnh xã hội ấy, đối với chúa Trịnh và chúa Nguyễn, Phật giáo rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu tâm linh của số đông quần chúng, cũng nhờ tùy duyên ứng biến nên Phật giáo đã góp phần lớn vào việc “hộ quốc an dân”. Các thiền phái hoạt động tích cực và uyển chuyển phù hợp với hoàn cảnh thời đại. Điều đáng chú ý là tư tưởng Tịnh độ trong thiền tông Đại thừa Phật giáo hay Thiền-Tịnh song tu được các thiền sư, tổ sư bấy giờ khéo léo ứng dụng và hành trì trong công phu tu tập và hoằng dương Phật pháp.

KHỞI PHÁT THÂM NHẬP TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TRONG THIỀN TÔNG

Thiền tông Đại thừa Phật giáo, để phương tiện đạt đến không quán thực tiễn, đã dạy nhiều loại Tam Muội mà trong đó sự thanh tịnh hóa tâm về mặt biểu tượng, là Tam Muội có một nội dung tích cực. Ðặc biệt một điểm rõ rệt là nhờ tư niệm các Đức Như Lai và các cõi Tịnh độ của các ngài mà tâm được vui mừng, diệt bỏ được phiền não, rồi dần dần tiến sâu vào không quán tự thân để tạo thành cái gọi là “Bát chu Tam Muội Phật hiện tiền định” hay là “Quán Phật Tam Muội” [1]. 

Trong Ðại thừa, đứng trên lập trường thiền định, có thể nói đã theo Phật hiện tiền Tam Muội hoặc quán Phật Tam Muội này mà lập nên các thuyết về Phật đà. Điểm hữu hiệu nhất là tự niệm Phật A Di Ðà và Tịnh độ của ngài là thế giới Cực lạc, hay nói theo một ý nghĩa khác là quán Vô Lượng Thọ, đại khái là đại biểu cho quán Phật Tam Muội [2]. Vậy nên, trong Ðại thừa lúc đầu, cái điều kiện tất nhiên để quán chư Phật là nhập thiền định, nói cách khác nếu xa lìa thiền quán thì không thể thấy được Phật. Ðiều đó đã được nói rõ trong Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa và nhất là trong Kinh Quán Phật Tam Muội, Kinh Bát Chu Tam Muội (Kinh Chư Phật Hiện Tiền Tam Muội), và Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật A Di Ðà và thế giới Cực lạc của ngài lúc đầu cũng đã do đối tượng của thiền quán mà được thành lập. Bởi thế, cái gọi là Như Lai (Di Ðà) và Tịnh độ (Cực lạc) bản lai là sự tồn tại trong quan niệm, đây là một sự thật hiển nhiên trong giáo lý của Phật giáo [3]. 

Trong Ðại thừa lúc đầu, cái điều kiện tất nhiên để quán chư Phật là nhập thiền định, nói cách khác nếu xa lìa thiền quán thì không thể thấy được Phật. Ðiều đó đã được nói rõ trong Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa và nhất là trong Kinh Quán Phật Tam Muội, Kinh Bát Chu Tam Muội (Kinh Chư Phật Hiện Tiền Tam Muội), và Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật A Di Ðà và thế giới Cực lạc của ngài lúc đầu cũng đã do đối tượng của thiền quán mà được thành lập.

Ở Trung Hoa, từ đời Tống về sau, chư tôn túc như các ngài: Nhất Nguyên, Thiên Như, Ngẫu Ích, Triệt Ngộ, Liên Trì,… sau khi tham ngộ Thiền tông, quán xét thời cơ, vì lòng thương xót lợi sanh hết sức hoằng dương pháp môn Tịnh Độ. Sự lần lần chuyển hướng từ Thiền sang Tịnh khởi sanh từ lúc đó [4]. Ở Việt Nam, phương pháp niệm Phật đã được Phật tử biết đến khá sớm và đã được Lục độ tập Kinh do thiền sư Khương Tăng Hội dịch ở Giao Châu vào thế kỷ thứ ba đề cập [5].

Tịnh độ tông trong lịch sử Phật giáo thời Lý – Trần chịu ảnh hưởng sâu xa của Thiền tông. Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông thành lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang những nét đặc thù của Phật giáo Đại Việt. Trong đó sự kết hợp, dung hòa giữa Thiền tông và Tịnh độ tông trong thiền phái Trúc Lâm là một nét đặc thù. Tinh thần dung hợp này được đề cập trong các tác phẩm như: Lý Hoặc Luận (Mâu Tử), Lục Độ Tập kinh (Khương Tăng Hội), Niệm Phật luận (Trần Thái Tông),… Tư tưởng của dòng thiền Vô Ngôn Thông chủ trương kết hợp giữa thiền và niệm Phật, niệm Phật Tam Muội [6]. Vua Trần Nhân Tông trong tác phẩm Cư Trần Lạc Đạo, có đoạn: “Di Đà là tự tánh sáng soi, Tịnh độ là cõi lòng trong sạch, chớ mựa cầu hỏi Tây phương”. Bàn về “Phật”, phái Trúc Lâm chủ trương “Phật không có trong núi mà chỉ có trong lòng” (Thiền tông chỉ nam tự), nếu “lòng lặng lẽ mà biết, chính là Phật vậy” (Thiền tông chỉ nam tự). Như vậy, theo Trúc Lâm, Phật chính là ta, là tâm. Nhờ quan điểm này mà thiền phái Trúc Lâm gần gũi với tư tưởng thiền Nguyên Thủy hơn. Dĩ nhiên thiền phái Trúc Lâm cũng có những kiến giải của riêng mình [7]. Vua Trần Nhân tông đã phát biểu: “Chỉn Bụt là lòng, xá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ. Vậy mới hay: Bụt ở cong nhà, chẳng phải tìm xa. Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt; đến cốc hay chỉn Bụt là ta”. Phật là tâm. Niệm Phật là cách tự giáo dục để giữ miệng và tâm thanh tịnh [8]. 

Nguyễn Du (1766 – 1820), viết Văn tế thập loại chúng sanh mà trong đó ông nói niệm Phật nhất tâm là liền được siêu thoát: “Kiếp phù sinh như hình bào ảnh Có câu rằng: vạn cảnh giai không Ai ơi lấy Phật làm lòng Tự nhiên siêu thoát ở trong luân hồi”.

PHÁT TRIỂN VÀO THỜI LÊ TRUNG HƯNG 

Thời Lê Trung hưng (1533-1789), có các vị thiền sư phục hưng lại truyền thống của Thiền phái Trúc Lâm, trong đó cũng xiển dương tinh thần Tịnh độ trong Thiền tông với rất nhiều tác phẩm văn học Phật giáo. Ta có thể kể đến như: Thiền sư Hương Hải (1628-1715) với tác phẩm Giải Di Đà Kinh, Kim Cương Kinh nghĩa lý. Khi thiền sư Minh Châu Hương Hải viết Giải Di Đà Kinh, dội dung Giải Di Đà Kinh tuy lấy nguồn tư liệu từ A Di Đà Kinh sớ sao của Châu Hoằng, nhưng thực chất về mặt tư tưởng, khi phân tích ta thấy nó nằm trong quỹ đạo chung của tư tưởng Thiền Tịnh độ của Phật giáo Việt Nam [9]. 

Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) có tác phẩm Tịnh độ yếu nghĩa. Trong tác phẩm, thiền sư Chân Nguyên chủ trương hoàn toàn sử dụng phương pháp Tịnh độ làm phương pháp tu thiền tốt nhất và hiệu quả nhất. Tác phẩm thể hiện sự nỗ lực của thiền sư để phục hồi và triển khai những nét độc đáo của nếp sống đặc thù Phật giáo Việt Nam; Tác phẩm Long thư Tịnh độ văn tự là bài tựa do thiền sư Chân Nguyên viết, nội dung giới thiệu Thái thượng hoàng triều Lê ban cho tòa thánh tượng Tây phương và ban hai tập Long thư Tịnh độ, Niệm Phật bảo cảnh. Thiền sư Chân Nguyên tỏ lòng cảm ơn đối với ân đức vua ban và khắc bản để lưu truyền cho hậu thế và hồi hướng công đức, đồng vãng sanh cực lạc. Trong tác phẩm Kiến tánh thành Phật của ngài có đoạn:

Pháp giới bao trùm Cực lạc đường,

Đến cùng biển giác sáng tròn chung.

Như như diệu trạm không thừa thiếu,

Bình đẳng Di-đà chiếu mười phương [10].

Pháp giới bao trùm Cực lạc đường, đến cùng biển giác sáng tròn chung. Quyển Kiến tánh thành Phật chủ yếu giảng về thiền, nhưng đến đây Ngài nói về Cực lạc. Cõi Cực lạc là đích nhắm của người tu Tịnh độ, tuy nhiên theo cái nhìn của thiền thì “Tự tánh Di-đà, duy tâm Tịnh độ”, Cực lạc ngài nói ở đây là lý Cực lạc, cho nên pháp giới bao trùm nhà Cực lạc, Cực lạc không rời pháp giới, đến chỗ cuối cùng thì chung một Giác tánh trong sáng chớ không có riêng. “Như như diệu trạm không thừa thiếu, bình đẳng Di-đà chiếu mười phương”. Pháp giới bao dung không thiếu không dư, Tự tánh Di-đà ai cũng có, và soi sáng khắp mười phương. Như vậy theo cái nhìn của thiền sư Chân Nguyên đứng về mặt lý tánh thì Thiền và Tịnh không hai, không khác [11].

Tổ sư Nguyên Thiều (1648-1728), cũng ứng dụng Tịnh độ trong thiền phái để làm phương pháp chánh niệm tu tập. Ngài sáng tác Tổ sư huấn hối yếu tắc (Tổ sư dạy bảo những quy tắc cần yếu) gồm mười bài (tại chùa Kim Cang, Đồng Nai), trong đó có đoạn: Xuất gia yếu cần niệm Phật, niệm niệm yếu sanh lạc quốc. Niệm đáo bất niệm, nhi niệm, Di Đà tất tùng tha đắc (Người xuất gia phải chuyên cần niệm Phật, mỗi niệm điều cầu sanh về nước Cực Lạc. Niệm đến khi không niệm mà có niệm thì đức Di Đà sẽ hiện ra trước mắt) [12]. 

Kể từ Tổ sư Nguyên Thiều, những vị Tổ kế thừa chùa Thập Tháp Di Đà tiếp tục phát huy tư tưởng này, như các ngài Liễu Triệt, Minh Lý, Phước Huệ… Ở trong tập Kiết hạ an cư thị chúng, thiền sư Minh Giác-Kỳ Phương là đệ tử của tổ sư Nguyên Thiều có dạy chúng rằng: “Một câu Di Đà không niệm khác, thì phút giây chẳng nhọc đến Tây phương. Cho nên Di Đà là chính mình, sao lại hướng ngoại nhọc tìm mầu nhiệm. Chỉ ra việc niệm Phật là tự tính, cho nên chính mình với thoại đầu trở thành oan gia đối địch”. Và thiền sư Minh Giác-Kỳ Phương đã đồng ý Thiền Tịnh thống nhất với nhau với ngài Vĩnh Minh-Diên Thọ rằng: “Có Thiền không Tịnh độ, mười người tu chín người trật. Có Thiền có Tịnh độ muôn người không mất một” [13]. 

Thật Kiến-Liễu Triệt cũng là vị Tổ của Tổ đình Thập Tháp, Bình Định, ngài đã thiết lập Tịnh Nghiệp Thiền Đường, khuyến người tu tập Tịnh Độ nhất hướng Lạc bang, cũng đã khẳng định sự quyết tâm tu tập Tịnh Độ và khuyến người thực hành điều ấy, nên trong Phân ly từ, Ngài viết: “Anh làm sãi tâm vô nhất vật. Gởi cho em sáu chữ Di Đà … Phải liều mình chẳng ngại khổ thân, Cầu cho tới Tây phương Cực Lạc” [14]. Nghĩa là người tu quan niệm “vô nhất vật” là buông xả, không còn chấp trước, dính mắc vào các pháp nữa, chỉ chuyên trì niệm sáu chữ Di đà, là phương tiện duy nhất để công phu chánh niệm để được vãng sanh giải thoát về cõi Cực Lạc. 

Thiền sư Diệu Nghiêm-Pháp Chuyên (1726-1798) là vị luật sư ở chùa Từ Quang, Đá Trắng, tỉnh Phú Yên thời ấy, đã đến Tổ đình Thập Tháp, tỉnh Bình Định, học Tịnh Độ với ngài Liễu Triệt. Kể từ năm 1766, ngài Diệu Nghiêm-Pháp Chuyên nỗ lực hoằng pháp khuyến hóa mọi người “quy kính Tam bảo, niệm Phật cầu vãng sanh”. Cùng với Bảo Viện-Uẩn Không đứng ra in A di đà phật công cứ đại tượng và thành lập Liên Xã, giảng Long thư Tịnh độ văn, khuyên mọi người niệm Phật. Pháp niệm Phật công cứ, có thể bắt đầu từ ngài Diệu Nghiêm-Pháp Chuyên [15]. Cùng thời với ngài Diệu Nghiêm-Pháp Chuyên, có ngài Phật Nghĩa-Chiếu Nguyệt cũng hết lòng xiển dương giáo nghĩa Tịnh độ, trùng khắc Long thư tăng quảng Tịnh độ văn tự. Năm 1768, ông viết: “Chỉ trì danh hiệu A Di Đà Phật bốn chữ, do đó mà được rời Ta bà, được sanh Lạc quốc, được bất thoái chuyển, cho đến thành Phật mới thôi. Bởi được sanh Tịnh độ là nhờ tha lực của lời nguyện A Di Đà nhiếp thủ”. Như vậy, ta thấy ở nước ta vào thời kỳ triều Lê, Trịnh-Nguyễn phân tranh, cả ở Đàng Ngoài và Đàng Trong các bậc danh Tăng đều nỗ lực phát huy giáo nghĩa Tịnh độ mà nhất là pháp môn niệm Phật trì danh. 

Thiền sư Toàn Nhật-Quang Đài (1757-1834), là học trò của Diệu Nghiêm-Pháp Chuyên ở chùa Từ Quang, Phú Yên, trong Hứa Sử truyện vãn và trong Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu tịnh độ vãn, đã ca ngợi hồng danh của Phật A Di Đà và khuyến tấn mọi người chấp trì danh hiệu ấy để làm lành lánh dữ, rằng [16]:

“Quy y thọ pháp Như lai

Vâng truyền năm giới hôm mai giữ gìn

Việc trong Phật pháp kính tin

Thầy như cha mẹ hiện tiền Thích Ca

Chuyên trì sáu chữ Di Đà

Làm lành lánh dữ phận mà chẳng lơi”.

(Toàn Nhật-Quang Đài, Hứa Sử truyện vãn)

Thiền sư Toàn Nhật-Quang Đài nói, sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật”, rất là mầu nhiệm, tóm thâu cả vạn quyển thiên kinh và khuyến khích mọi người trì danh niệm Phật qua lần chuỗi [17]: 

“Ai ơi lòng thật chớ nghi

Tu hành đắc chí liễu kỳ tử sinh

Tuy rằng vạn quyển thiên kinh

Chẳng qua sáu chữ Hồng danh rất mầu”.

(Toàn Nhật-Quang Đài, Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu tịnh độ vãn)

Qua những tác phẩm của Toàn Nhật-Quang Đài cũng giúp cho ta biết rằng, trong thời kỳ hoằng pháp của Ngài đã có một sự dung hợp giữa đạo và đời, giữa Thiền và Tịnh, nhưng ở trong Hoán tỉnh trần tâm khuyến tu tịnh độ vãn, ngài đều quy về Tịnh độ và nhấn mạnh đến pháp trì danh như [18]: 

“Tuy rằng vạn quyển thiên kinh

Chẳng qua sáu chữ hồng danh rất mầu

Vui lòng một chuỗi giới châu

Sớm khuya tưởng niệm công phu mà lần”.

Nguyễn Du (1766-1820), viết Văn tế thập loại chúng sanh mà trong đó ông nói niệm Phật nhất tâm là liền được siêu thoát:

“Kiếp phù sinh như hình bào ảnh

Có câu rằng: vạn cảnh giai không

Ai ơi lấy Phật làm lòng

Tự nhiên siêu thoát ở trong luân hồi” [19].

“Ai ơi lấy Phật làm lòng”, Nguyễn Du khuyên mọi người hãy lấy tâm của Phật làm lòng của mình, hãy lấy nguyện của Phật làm nguyện của lòng mình, hãy lấy hạnh của Phật làm hạnh của lòng mình, và lòng mình với lòng Phật là một, nghĩa là cùng một tâm không khác, thì nhất định ngay đó sẽ được siêu thoát cõi luân hồi [20]. 

Trong Kinh Đại Bảo Tích, phẩm Pháp hội quán vô lượng thọ, Đức Phật giảng về thế giới Cực Lạc cho hoàng hậu Vi Đề Hi, như sau: […] “Phật A Di Đà cách đây chẳng xa, bà nên nhiếp niệm quán kỹ cõi nước ấy thì tịnh nghiệp được thành. Nay ta sẽ vì bà mà nói rộng các pháp quán, cùng khiến đời vị lai tất cả hàng phàm phu, những người muốn tu tịnh nghiệp đuợc thọ sanh Tây phuơng Cực Lạc quốc độ. Này Vi Đề Hi! Người muốn sang nuớc Cực Lạc ấy nên tu ba phuớc: Một là hiếu nuôi cha mẹ, kính thờ bực Sư trưởng, có tâm nhơn từ chẳng giết hại và tu tập mười nghiệp lành. Hai là thọ trì tam quy y đầy đủ các cấm giới và chẳng phạm oai nghi. Ba là phát tâm Bồ đề sâu tin nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa và khuyên dạy sách tiến người tu hành. Ba sự như vậy gọi là tịnh nghiệp. Này Vi Đề Hi! […] Ba tịnh nghiệp ấy là chánh nhân tịnh nghiệp của tam thế chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại” [21]. Đức Phật dạy muốn được vãng sanh đầu tiên nên tu phước, thực hiện hiếu đạo và tạo mười thiện nghiệp (1. Thân có 3: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; 2. Khẩu có 4: không nói dối, không nói 2 lưỡi, không nói thêu dệt, không nói lời thô ác; 3. Ý có 3: không tham lam, không sân hận, không si mê), thọ tam quy (quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng) đó là chánh nhân tịnh nghiệp, điều kiện để được vãng sanh. Tập trung niệm Phật thì cấm không được uống rượu, chơi cờ bạc, chấm dứt phỉ báng tín đồ các tông phái khác hay thần thánh, phải tuân giữ lễ nghi với tư cách của người niệm Phật, phải tôn trọng chủ nhân và song thân mình, còn đối với trường hợp mua bán thì cấm không được tham lam làm lợi quá độ, không được làm cho những người bần nông khổ sở bởi tài lực… Như vậy, vạn sự từ tính tự giác của mình, người niệm Phật cùng thương yêu đùm bọc lẫn nhau [22]. Người niệm Phật phải phát Bồ đề tâm và tin sâu quy luật nhân-quả. Những đoạn tiếp theo của Kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật dạy về phương pháp hành trì là ngồi ngay thẳng chánh niệm quán tưởng về ba tướng như: Nhựt tưởng (quán mặt trời từ lúc mọc đến khi lặn), Thủy tưởng (thấy nước như lưu ly), địa tưởng (đất nước Cực Lạc). Kế đến người tu hành nên quán tưởng Phật Vô Lượng Thọ (A Di Đà Phật), Quán Thế Âm Bồ tát bên tả, Đại Thế Chí Bồ tát,… Như vậy, chúng ta thấy được dựa vào căn bản của thiện nghiệp, việc quán niệm nhớ tưởng đến đức Phật Vô Lượng Thọ và quốc độ của ngài cũng là quá trình thực hành thiền quán về tướng thành tựu, nên gọi là Thiền có trong Tịnh độ là như thế. 

Có thể nói, tư tưởng Tịnh độ trong Thiền tông Phật giáo thời Lê Trung hưng được các thiền sư tích cực xiển dương và khuyến hóa mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ hành trì, ứng dụng. Cho nên Phật giáo thời Lê Trung hưng được phục hưng và phát triển nhiều mặt, đóng vai trò quan trọng để phát huy, duy trì đời sống văn hóa, đạo đức cho xã hội, góp phần cho quốc gia phồn thịnh, nhân dân an lạc, đạo pháp trường tồn.  

 

SC. Thích Nữ Nhuận Mỹ/TCVHPG404

Chú thích và tài liệu tham khảo

[1], [2]. [3] Kimura Taiken – Thích Quảng Độ (dịch, 2012), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb. Tôn giáo, tr.532, tr.532, tr.533.

[4] HT. Thích Thiền Tâm (2011), Niệm Phật thập yếu, Nxb. Tôn giáo, tr.17.

[6], [7], [8] Viện Trần Nhân Tông (2018), Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.391, tr.391, tr.391.

[9]) Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb. TP Hồ Chí Minh, tr. 287.

[10], [11] Thích Thanh Từ (2000), Kiến tánh thành Phật giảng giải, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.347, tr.348.

[12] Thích Nữ Hạnh Hiếu (2020), Quá trình hình thành và phát triển Tổ đình Quốc Ân Kim Cang Vĩnh Cửu – Đồng Nai, Luận văn Thạc sĩ Phật học, chuyên nghành Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.76-77.

[5], [13], [14], [15], [16], [17], [18], [19], [20] Thích Thái Hòa (2013), Đi vào bản nguyện Tịnh độ, Nxb. Văn hóa-Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, tr.57, tr.77, tr.77, tr.78, tr.78, tr.79, tr.80, tr.80, tr.81.

[21] HT Thích Trí Tịnh (dịch, 2004), Kinh Đại Bảo Tích, tập 9, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.776.

[22] Thích Nguyên Tâm (dịch, 2011), Tinh Hoa Phật giáo Nhật Bản, tập 2, Nxb. Phương Đông, tr.37.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin