Chi tiết tin tức

Pháp môn Tịnh độ Việt Nam giai đoạn thế kỷ XX

20:41:00 - 15/04/2022
(PGNĐ) -  Pháp môn Tịnh Độ đã có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ thứ V, tuy nhiên sự phát triển của nó vẫn ở hàng thứ yếu, Thiền học vẫn được cho là pháp tu chủ đạo của Phật giáo Việt Nam. Vị thế đó bắt đầu chuyển đổi dần, đặc biệt là từ thế kỷ XX trở đi. Vậy trong giai đoạn này diễn ra sự kiện gì, pháp môn Tịnh Độ đã đồng hành với lịch sử như thế nào?

1. Pháp môn Tịnh Độ được xiển dương trong phong trào Chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX

1.1. Bối cảnh Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX

Cuối thế kỷ XIX, đất nước Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng bởi chính sách xâm lược của thực dân Pháp. Nhằm mục đích làm suy yếu tinh thần nước nhà, đồng thời sớm hoàn thành ước vọng thống trị dân tộc Việt, Pháp đã chia đất nước ra thành ba miền và thiết lập một thể chế chính trị mới hoàn toàn lệ thuộc vào thẩm quyền của họ[1].

Về mặt văn hóa, Pháp ra sức đồng hóa người Việt, dùng nhiều thủ đoạn dụ dẫn dân chúng thực tập theo nếp sống văn hóa phương Tây và triệt tiêu các tín ngưỡng truyền thống Nho – Phật, kéo theo sự tàn diệt chữ Hán. Thay vào đó, Pháp đẩy mạnh vai trò của Thiên Chúa giáo và phát minh ra chữ Quốc ngữ[2]. Chỉ trong thời gian ngắn số lượng tín đồ Thiên Chúa giáo ngày càng tăng nhanh.

Bên trong nội tại Phật giáo, kể từ khi chữ Hán bị lụi tàn, Phật giáo bị suy vi tột độ. Vốn dĩ trước đó tăng sĩ có dấu hiệu trụy lạc thì giờ đây do không được tiếp cận Kinh – Luật – Luận bằng chữ Hán càng khiến họ trở nên sai lạc trầm trọng hơn. Tình trạng suy đồi đạo đức và hoạt động thiếu tổ chức diễn ra hàng loạt. Thêm vào đó, đồ chúng bị dẫn dắt vào con đường mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, lên cốt đồng bóng càng trở nên phổ biến. Mặt khác, một bộ phận các bậc chân tăng do tránh né các cảnh suy đồi của đạo Pháp và thế vận bi thảm của dân tộc nên đã ẩn tu trên non cao. Đạo Phật tuy vẫn tồn tại trong lòng dân tộc nhưng chân lí Phật Đà không còn rọi sáng ở nhân gian và hoàn toàn mất đi sự ảnh hưởng đến quần chúng.

Trong những giai đoạn đó, các tôn giáo mới xuất hiện như: Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo, Islam… Nhất là đạo Cao Đài[3], do đáp ứng nhu cầu xã hội nên dần dần thu hút được nhiều tín đồ[4]. Từ những nguyên nhân trên, Phật giáo bước xuống vực thẳm suy thoái và rất có thể sẽ bị diệt vong.

Cay đắng cho số phận Phật pháp, các bậc Tôn đức sống trong nổi trăn trở lo âu. Hướng vào bên trong các Ngài luôn nuôi dưỡng ước nguyện chấn chỉnh lại Pháp mạng dân tộc. Hướng ra thế giới, cao trào Chấn hưng Phật giáo ở các quốc gia như: Ấn Độ, Tích Lan, Trung Quốc, Nhật Bản… diễn ra sôi nổi[5]. Từ nguyên nhân đó, chư Tôn đức quyết định cải đổi vận mệnh Phật giáo nước nhà bằng phương thức dấy lên công cuộc Chấn hưng Phật giáo. HT.Khánh Hòa và các bậc đồng chí của Ngài là những người vươn cao ngọn cờ Chấn hưng đầu tiên ở Nam Bộ[6].

1.2. Nguyên nhân pháp môn Tịnh Độ được xiển dương

Thời đại thay đổi, người Việt cũng thuận chiều đổi thay. Khi thực dân Pháp sang xâm lược, họ đã dùng chữ quốc ngữ, báo chí, các phương tiện truyền thông để truyền bá ảnh hưởng đến người Việt thì chính người Việt cũng sử dụng những công cụ đó để bồi dưỡng lại tinh thần dân tộc. Chỉ nói riêng lĩnh vực Phật giáo, các bậc cao đức không những lập nên tổ chức Hội, học đường, thư viện Phật pháp mà còn dùng báo chí làm cơ quan ngôn luận nhằm thực hiện chiến lược truyền tải giáo pháp đến dân chúng. Chữ quốc ngữ trở thành ngôn ngữ chính yếu để xây dựng nên nền Phật giáo hiện đại.

Ngoài việc phục chỉnh lại chính giáo của đức Phật, pháp môn Tịnh Độ được chư tăng đặc biệt quan tâm làm nguồn mối dẫn dắt quần chúng trở về với đạo Phật. Vì sao lại chọn pháp môn Tịnh Độ? Có ba quan điểm luận giải được đưa ra.

Một là do đặc điểm dễ tu dễ thành của pháp môn Tịnh Độ. Như trên đã phân tích, Tịnh Độ bao gồm cả ba căn cơ thượng, trung, hạ. Trước đây, ngoại trừ tầng lớp quý tộc, đa số người dân Việt Nam vốn dĩ không được học hành, nay lại thêm chính sách ngu dân và khai thác kinh tế của thực dân Pháp đè nặng càng khiến cho quần chúng thiếu tri thức trầm trọng, cơ cực, lầm than hơn.

Vì vậy các bậc Cao đức xiển dương pháp môn Thiền sẽ thất bại, bởi vì nó xa vời với hiện thực. Hơn nữa, những lý luận cao siêu về Thiền pháp không có khả năng xóa bỏ được tư tưởng mê tín, sai lạc trong tăng đồ thất học. Nếu xiển dương Mật giáo cũng không thành công, bởi Mật chú là những pháp ngữ thần bí khó đọc, khó hiểu, khó thuộc, nó không thể thích ứng với hoàn cảnh bấy giờ. Cả hai pháp môn trên chỉ thích hợp với các bậc Thượng và Trung căn. Nếu như xiển dương hai hành pháp này, chỉ một phần nhỏ đồ chúng đủ khả năng hưởng ứng.

Ngược lại, nếu truyền bá rộng rãi pháp môn Tịnh Độ, dù cho một người có tâm thức và trình độ thấp kém vẫn có thể tiếp nhận được đạo Phật một cách dễ dàng. Do đặc điểm dễ hành của pháp môn Tịnh Độ, nhiều người sẽ dễ chịu và có cảm tình với đạo Phật, tăng đồ thất học dễ hấp thụ Chính pháp. Thiết nghĩ pháp môn Tịnh Độ được các bậc Tôn đức hoằng dương trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo đã thể hiện tầm nhìn trí tuệ của Tăng đoàn. Đây chính là bước đi đầu tiên dẫn dắt mọi người hướng đến cuộc sống ý nghĩa nơi đạo Phật.

Hai là lí do bài trừ các cổ tục mê tín dị đoan. Ý nghĩa chân chính của đạo Phật hướng chúng sinh thoát khỏi tà kiến, tìm về suối nguồn của chân tâm bản nhiên. Những hoạt động buôn thần bán thánh, lên đồng gọi cốt, bói toán, tử vi v.v… không thuộc về phạm trù đạo Phật. Song con người đã trộn Phật giáo với Đạo giáo và các ma thuật cổ truyền lẫn nhau và ngộ nhận cho đó là sản phẩm của đạo Phật. Bản chất của đạo Phật không phải như vậy, nhưng qua bàn tay cải biến của những Tăng nhân ít học và dân gian, đạo Phật đã không còn thuần chất.

Vì sao mọi người lại ưa thích những sinh hoạt tâm linh mê tín? Vì họ muốn thoát khỏi những khổ đau, bế tắt và tìm cầu sự an bình trong cuộc sống thực tại. Nhưng sẽ viễn vông nếu đi theo con đường mê tín dị đoan. Duy chỉ hướng Phật chân chính, chúng sinh mới có được an vui và chỉ có pháp môn Tịnh Độ là bờ bến Cực Lạc mà họ dễ tìm thấy nhất. Do đó, pháp môn Tịnh Độ trở thành tiêu điểm để các nhà Sư làm phương tiện đưa quần chúng thoát khỏi sự mê cuồng của các tập tục mê tín, lạc hậu.

Ba là vì tinh thần “Hộ quốc an dân” của đạo Phật. Vì muốn củng cố địa vị chính trị nên thực dân Pháp đã phế bỏ Nho – Phật, phát triển Thiên Chúa giáo vào Việt Nam với nhiều phương pháp khuyến dụ, chẳng hạn như theo Chúa sẽ được Chúa ban phước trong cuộc sống và được về Thiên đường. Tìm kiếm hạnh phúc luôn là khát vọng của mỗi con người, sự ban phước của Đức Chúa và Thiên đường đã thỏa mãn ước nguyện của nhiều người. Trước sự khuyến khích của người Pháp, đồng bào Việt với tính cách chất phát đã dễ dàng tin theo, số lượng tín đồ Thiên Chúa ngày một tăng nhanh.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phap mon Tinh Do o Viet Nam 1

Tuy nhiên, nếu như đạo Chúa có Thiên đàng thì đạo Phật có Cực Lạc. Những nghiên cứu của TS. Tsu – Kung Chuang cho thấy giữa Thiên Chúa giáo và Tịnh Độ giáo có nhiều điểm tương đồng về đức tin, sự gia trì (sự ban phước), đấng Giáo chủ (đấng Sáng thế), sự cứu độ (sự cứu rỗi), thậm chí là cứu cánh Niết bàn (sự cứu tinh)[7]. Thời ấy, các bậc Cao đức đã nhìn thấy được mối tương quan giữa hai giáo thuyết này. Mặt khác, đạo Phật đã là tôn giáo truyền thống của dân tộc. Như vậy, vì để giảm tốc độ ồ ạt tín ngưỡng ngoại lai và ngăn chặn người dân theo thực dân Pháp, chư Tăng đã dùng giáo nghĩa Tịnh Độ khuyến dẫn mọi người quay về với đạo Phật. Đó là tinh thần “hòa quang đồng trần”, là vẻ đẹp Phật giáo Việt Nam đã tồn tại từ truyền thống lịch sử dân tộc.

1.3. Thời kỳ của Luận thuyết Tịnh Độ nhân gian

Tư tưởng Tịnh Độ Việt Nam trong giai đoạn Chấn hưng Phật giáo đã có sự chuyển tiếp sang hình thức mới, đó là Luận thuyết Tịnh Độ nhân gian.

Luận thuyết Tịnh Độ nhân gian đề cao lối sống thực tại hơn sự ước vọng hão huyền. Mặc dù thực hành theo giáo nghĩa Tịnh Độ, nhưng bổn phận của các hành giả phải gắn bó với đời sống thiết thực, tạo dựng Cực Lạc ngay tại thế gian mới là chân nghĩa của pháp môn Tịnh Độ. Nói cụ thể hơn, không phải nhàm chán thế giới xấu ác, bất bình trong thế gian mà hành giả bỏ lơ chỉ một lòng niệm Phật cầu về Cực Lạc. Muốn vãng sinh cõi Tây Phương Cực Lạc thì trước tiên phải tích lũy các thiện duyên, tạo niềm an vui, hạnh phúc ngay tại nhân gian. Nhân tố đó là công đức thù thắng để hành giả hồi hướng trang nghiêm Tây Phương Tịnh Độ. Do vậy, tu Tịnh Độ không phải là thái độ sống trốn tránh thế gian, niệm Phật cầu về một thế giới xa xăm cách đây mười vạn ức cõi Phật.

Nếu nói rộng hơn, Tịnh Độ nhân gian chính là bản chất của Phật giáo Nhập Thế hay Phật giáo Dấn Thân. Sự tu tập của hành giả phải góp phần hình thành nên nhân sinh quan cho xã hội và góp phần hoàn thiện đạo đức cho nhân loại. Học thuyết Tịnh Độ nhân gian, nhân sinh Phật giáo do Đại sư Thái Hư (1889 – 1947) cổ súy[8]. Trải qua quá trình tham khảo, học hỏi thế giới, các bậc Cao đức Việt Nam rất đồng tình với quan điểm của Đại sư và cũng đề cao tư tưởng Tịnh Độ, nhân gian Phật giáo. Từ ngàn đời truyền thống, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, nay phát huy vai trò của Luận thuyết Tịnh Độ nhân gian càng làm cho Giáo hội gắn bó khăn khít với xã hội hơn.

Người tiên phong xiển dương Tịnh Độ môn trong phong trào Chấn hưng Phật giáo là HT. Bích Liên, Liên Tôn và Khánh Hòa.

Trước khi tham gia vào sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo, HT. Bích Liên (1876 – 1950) vốn dĩ đã thực hành và thông suốt giáo nghĩa Tịnh Độ. Những tác phẩm Liên Tôn Thập Niệm Yếu Lãm, Tịnh Độ Huyền Cảnh, Tây Song Ký, Tích Lạc Văn thể hiện kiến thức Tịnh Độ uyên thâm của Ngài. Năm 1932, sau khi được HT.Khánh Hòa mời làm chủ bút của tạp chí “Từ Bi Âm”, HT đã dùng ngòi bút thông thái vẽ lên bức tranh giáo lý Phật Đà thích hợp với thời đại, đồng thời Tịnh Độ là pháp môn được Ngài chú trọng xiển dương. Phần ít nội dung các tác phẩm Tịnh Độ của Ngài đã được đăng vào tạp chí Từ Bi Âm[9].

Một trong những đệ tử xuất sắc của HT.Bích Liên là HT.Liên Tôn (1891 – 1951). Ngài cũng một lòng tha thiết Chấn hưng Phật giáo và đã cùng với Thầy đem hết tài năng của mình truyền tải kiến thức Phật pháp, giáo lý Tịnh Độ đến quần chúng thông qua tạp chí Từ Bi Âm. Dù trong hoạt động trước tác hay giáo dục, Hòa thượng đều một lòng khuyến dương mọi người thực hành Tịnh Độ. Cả cuộc đời Ngài là tấm gương của một bậc Thạc đức nuôi dưỡng lý tưởng Tịnh Độ nhân gian.

Các tác phẩm: Tịnh Độ Tông, Nhơn Gian Tịnh Độ, Dò Nguồn Tịnh Độ Cảm đã thể hiện toàn bộ tư tưởng Tịnh Độ của Ngài. Những nhận thức tích cực về pháp môn Tịnh Độ đương đại của HT.Liên Tôn được các học giả ca ngợi rằng Ngài đã “soi sáng những ngộ nhận của thế gian về pháp môn này, đồng thời khẳng định được chân giá trị của Phật giáo trong xã hội đương đại”[10]. Do vậy, khởi đầu cho sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo, HT.Liên Tôn trở thành một trong những nhân vật quan trọng đầu tiên vươn cao giáo nghĩa Tịnh Độ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Hoa thuong Khanh Hoa 1

Khánh Hòa (1877 – 1947) được xem là ngọn cờ đầu trong phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Ngoài việc cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp Chấn hưng, Hòa thượng còn là tấm gương sáng ngời về một bậc Thầy thực hành pháp tu Tịnh Độ nhân gian. Qua nghiên cứu của Nguyễn Văn Quý về các kỳ báo số 24, 25, 26, 27, 31, 33, 34 trong tạp chí Từ Bi Âm với tựa đề “Lời Vấn Đáp và Pháp Tu Tịnh Độ”, học giả nhận định kiến thức Tịnh Độ của Ngài thể hiện sự am tường và trải nghiệm sâu sắc[11].

Bằng hình thức vấn – đáp về Tịnh Độ với ngôn ngữ bình dị, ví dụ dễ hiểu, Ngài đã giúp cho nhiều người nhận ra được giá trị của đạo Phật. Thiết nghĩ, Hòa thượng xiển dương pháp môn Tịnh Độ trong giai đoạn này là một việc rất xác đáng, đồng thời cho thấy Ngài là một bậc Cao tăng có tầm nhìn vĩ mô của thời đại, ôm ấp hoài bão tịnh hóa dân gian bằng pháp môn Tịnh Độ. Chính nhờ tiền đề của Hòa thượng mới có một bước đệm vững chắc để định hình nên một nền Phật giáo ngày nay.

Nhìn chung, việc truyền bá giáo lý Phật Đà, giải thích các vấn đề xung quanh đạo Phật và chấn chỉnh lại Tăng già là mục đích tối hậu của công cuộc Chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên, một trong những phương pháp để các bậc Tôn đức Chấn hưng đạo Phật và giúp cho mọi người tiếp cận với đạo Phật dễ dàng là xiển dương Tịnh Độ, đồng thời xiển dương Tịnh Độ cũng để tịnh hóa dân gian. Qua đó cho thấy pháp môn Tịnh Độ có một vị trí rất quan trọng và ngày càng đóng góp tích cực cho nền Phật giáo Việt Nam.

2. Công cuộc hoằng dương Tịnh Độ thế kỷ XX

Không chỉ có ba bậc Cao tăng trên nhiệt tâm xiển dương Tịnh Độ mà toàn bộ quang cảnh Phật giáo Chấn hưng, nơi đâu cũng thấy các bậc Tôn đức hết lòng thực hiện sứ mệnh này. Mặt khác, Tịnh Độ còn được xem là mối liên kết qua lại giữa các Ngài. Xin điểm qua một số danh tăng điển hình hoằng pháp trên ba lĩnh vực sau:

2.1. Phương diện trước tác, dịch thuật

HT.Khánh Anh (1895 – 1961) quê ở Quảng Ngãi, sớm vào Nam hành đạo. Bên cạnh công việc đào tạo Tăng tài, mỗi ngày Ngài thường thực hành pháp trì danh niệm Phật miên mật. Ngoài ra Ngài còn phiên dịch và trước tác hơn 26 tác phẩm, trong đó có hai tác phẩm Tịnh Độ: Nhị Khóa Hiệp Giải và Niệm Phật Hiệu Nghiệm đã giúp cho tên tuổi của Ngài được lan xa. Nhờ đó mà hàng tăng ni, phật tử xa gần đều phát tâm thực tập Tịnh Độ.

Ngoài các trước tác Tịnh Độ kể trên, HT.Liên Tôn (1891 – 1951) còn để lại thêm hai dịch phẩm có giá trị đến nay. Đó là A Di Đà Kinh Diễn Nghĩa và Đáo Liên Thành Lô bằng chữ Hán. Tổng kết về kiến thức và sự trải nghiệm, Ngài đã đưa ra 14 điểm trọng yếu của pháp môn Tịnh Độ, giúp cho hàng hậu học dựa vào đó vững chãi trên bước đường tu.

Cả cuộc đời HT.Trí Thủ (1909 – 1984) là tấm gương của một hành sĩ Tịnh Độ. Những kinh nghiệm học hỏi và tu tập đã được Ngài đúc kết thành “Pháp Môn Tịnh Độ”. Nó được xem là kim chỉ nam cho các hành giả Tịnh Độ. Đây là một tác phẩm có giá trị quý báu đến tận ngày nay.

Tận tụy suốt đời cho sự nghiệp Chấn hưng Phật giáo, HT.Hành Trú (1904 – 1984) vẫn không quên bổn phận niệm Phật và dịch thuật. Hai dịch phẩm còn để lại mãi trên thế gian là: Kinh A Di Đà Sớ Sao và Long Thơ Tịnh Độ. Khi xưa nhờ các nguyên tác này mà nhiều người quy hướng Tịnh Độ, hôm nay nhờ hai dịch phẩm này đồ chúng Việt Nam có cơ hội đào sâu vào giáo nghĩa của pháp tu.

Hòa thượng Trừng Nguyên – Đôn Hậu (1905 – 1992) là bậc thạch trụ tòng lâm của Huế. Mọi tầng lớp trong xã hội đều được sự giáo hóa của Ngài. Pháp hành của Ngài là Chỉ quán trong Tịnh Độ và Tịnh Độ trong Chỉ Quán. Tác phẩm Ngài để lại cho hậu học là Ý Nghĩa Niệm Phật và Khoa Nghi Bạt Độ Giải Oan. Trong các buổi tang lễ, Hòa Thượng thường lập đàn thuyết pháp Khoa Nghi Bạt Độ Giải Oan tại nhà gia chủ. Pháp âm của Ngài không những giúp cho người sống được huân tập Chính pháp mà tâm linh người chết cũng hiểu rõ con đường siêu tiến về Tịnh Độ.

Nhắc đến nhà dịch thuật nổi tiếng không thể thiếu HT.Trí Quang (1923 – 2019). Bên cạnh những tác phẩm đóng góp cho Phật giáo nước nhà, Ngài còn để lại các dịch phẩm Tịnh Độ có giá trị đến ngày này như: Kinh A Di Đà, Kinh Đại A Di Đà. Những luận giải về Tịnh Độ của Ngài đã giúp cho nhiều người phân biệt được đâu là tích cực, tiêu cực trên bước đường tu.

HT.Trí Tịnh (1917 – 2014) là bậc Cao Tăng của Giáo Hội. Ngoài tư cách là một nhà phiên dịch vĩ đại, Ngài là tấm gương về bậc hành giả Tịnh Độ – Pháp Hoa. Trong các tác phẩm của Hòa thượng, Ngài để lại cho thế nhân hai tác phẩm Tịnh Độ là: Cực Lạc Liên Hữu và Đường Về Cực Lạc. Tác phẩm Hương Sen Vạn Đức kể về cuộc đời của Ngài, trong các buổi ban pháp từ, Hòa thượng thường khuyên Tứ chúng thực tập pháp môn Tịnh Độ.

Người có nhiều trứ tác và dịch phẩm tuyệt vời cho pháp môn Tịnh Độ là HT. Thiền Tâm (1925 – 1992). Các tác phẩm gồm: Lá thư Tịnh Độ, Tịnh Độ Tân Lương, Hương Quê Cực Lạc, Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Tịnh Độ Pháp Nghi, Quán Vô Lượng Thọ Sớ Sao, Niệm Phật Thập Yếu, Niệm Phật Sám Pháp. Tác phẩm “Niệm Phật Sám Pháp” trở thành quyển Kinh quý giá để các hành giả Tịnh Độ sám hối hằng ngày. Tác Phẩm “Niệm Phật Thập Yếu” là một tuyệt tác Tịnh Độ không phai mờ theo quỹ đạo thời gian.

Ở hải ngoại, những bản Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ và Pháp Môn Niệm Phật do chính HT. Huyền Vi (1926 – 2005) dịch giúp Ngài thành tựu sự nghiệp hoằng pháp ở nơi Pháp Quốc. Với bản dịch Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, HT. Đức Niệm giúp cho các Phật tử Hoa Kỳ tìm cầu về pháp môn Tịnh Độ. HT. Nhất Hạnh (1926 – 2022) tuy hoằng dương Thiền pháp nhưng đối với Tịnh Độ Ngài cũng một lòng xiển dương. Kinh A Di Đà do chính Ngài dịch được đưa vào công phu chiều thứ sáu của Thiền Môn Nhật Tụng.

2.2. Phương diện giảng dạy, khuyến tu

Đào tạo Tăng tài là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phong trào Chấn hưng Phật giáo. Trong môi trường giáo dục, Tăng chúng sẽ được chấn chỉnh lại toàn bộ cách nhìn đối với đạo Phật theo chân lí. Giáo nghĩa Tịnh Độ cũng được đưa vào chương trình giảng dạy các cấp Phật học.

Năm thứ ba, tư, năm của cấp tiểu học và năm thứ nhất của cấp Đại học trong Hội Bắc Kỳ Phật Giáo đều giảng dạy các Kinh căn bản và các Luận của Sư tổ Tịnh Độ như: Kinh A Di Đà Sớ Sao, Tịnh Độ Hoặc Vấn Lục, Kinh A Di Đà Đại Bản, Kinh A Di Đà Viên Thông.

Đối với trường An Nam Phật Học, năm thứ hai và thứ năm của cấp tiểu học, các Tăng Ni đều phải học Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà Sớ Sao. Năm thứ hai của Sơ Đẳng Phật Học thì dạy Nhị Khóa Kiệp Giải, trong môn học này kèm theo Kinh A Di Đà và những bài văn nguyện Tịnh Độ. Việc đưa giáo nghĩa Tịnh Độ vào giảng dạy, phần nào cho thấy các nhà giáo dục Phật giáo rất quan tâm đến vấn đề hoằng dương Tịnh Độ.

Song song với sự ra đời Luận thuyết Tịnh Độ nhân gian, tông chỉ của các truyền thừa Tịnh Độ Trung Quốc thể hiện trong các dịch phẩm, trước tác bắt đầu được phổ biến sâu rộng không chỉ thông qua giáo dục mà còn qua các báo chí, thư viện và các hoạt động khác. Do vậy, phương pháp thực hành Tịnh Độ của thời kỳ này bắt đầu đa dạng.

Những tấm gương giảng dạy và khuyến tu Tịnh Độ, điển hình ở các bậc danh tăng như:

HT.Thiện Hòa ((1907 – 1978)) rất tha thiết trong sự nghiệp đào tạo Tăng Tài. Trong hoạt động giáo dục, Ngài thường khuyên dạy Tăng Ni nên thực hành pháp môn Tịnh Độ. Trong cuộc sống đời thường, Ngài là hình tượng mẫu mực của một bậc Cao tăng đức hạnh, thậm chí thường xuyên chùi dọn nhà vệ sinh. Hành động thân giáo[12] ấy ngầm gửi gắm thông điệp “Cầu sinh Tịnh Độ chính là tịnh hóa Ta Bà”.

HT.Thiện Hoa (1918 – 1973) là tác giả bộ sách Phật Học Phổ Thông. Nhìn qua tác phẩm đồ sộ này, mọi người đều có thể hình dung được sự nghiệp giáo dục và Chấn hưng Phật giáo của Ngài. Không những thiết lập lại ý nghĩa chân chính của đạo Phật, Hòa thượng còn đưa 48 đại nguyện của Phật A Di Đà, Lịch Sử Phật A Di Đà, Pháp Môn Tịnh Độ, Tịnh Độ Tông vào chương trình giảng dạy. Thông qua những bài học, Tăng Ni và cư sĩ đều có cái nhìn trạch pháp về Tịnh Độ đương đại.

Vai trò cư sĩ khuyến tu Tịnh Độ trong giai đoạn này rất nổi bật. Ở miền Bắc, trên các đàn diễn thuyết, cư sĩ Trần Trọng Kim từng kêu gọi mọi người phát huy giá trị pháp tu Thiền – Tịnh. Ở miền Trung, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thường xuyên thể hiện quan điểm Tịnh Độ trong tạp chí Viên Âm. Cư sĩ đã thành lập nhiều Niệm Phật Đường và các Khuôn Hội Tịnh Độ, ngoài chức năng tổ chức pháp tu Tịnh Độ, nơi đây còn là cơ sở để Chấn hưng Phật giáo. Ở miền Nam, cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền cũng khuyến tấn Tứ chúng vững bước trên con đường niệm Phật Tam muội. Điểm chung cả ba vị đại cư sĩ này đều muốn giữ nguyên bản sắc của pháp tu Thiền – Tịnh, đồng thời xem đó là pháp tu cần thiết để xây dựng nên Tịnh Độ nhân gian trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo.

2.3. Phương diện tổ chức các đạo tràng và hội Tịnh Độ

Năm 1948, đạo tràng Thiền – Tịnh đầu tiên được lập ra do HT.Chơn Như – Minh Trực (1895 – 1976). Đạo tràng dùng Thiền pháp để thông đạt các lý, tuy nhiên lại lấy sự mầu nhiệm của Tịnh Độ để làm cứu cánh nơi cõi Tây Phương[13]. Dù đã thị tịch rất lâu, nhưng đạo tràng của Ngài vẫn ngày một phát triển, hiện nay còn nhiều cơ sở. Kế thừa di nguyện của Ngài là TT.Tịnh Hạnh (chùa Phật Bửu, quận 3, TP.HCM), Thầy đang là người dẫn đầu tiếp quản các cơ sở này.

Năm 1955, HT.Trí Tịnh (1917 – 2014) lập ra Cực Lạc Liên Xã. Đây được xem là hệ thống chính thức của Pháp Môn Tịnh Độ. Các đồ chúng ngưỡng mộ đạo hạnh của Ngài và đã tôn vinh Ngài lên làm Tổ Sư Tịnh Độ[14]. Ngoài ra Hòa thượng còn khai sơn ra chùa Vạn Đức và các cơ sở Tịnh Độ. Ngày nay, đồ chúng học tập theo pháp tu Tịnh Độ của Ngài dường như rải rác khắp cả nước. Hình tượng của Ngài sáng ngời mãi trong lòng các hành giả Tịnh Độ nói riêng và toàn thể Tăng chúng nói chung.

Năm 1957, Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng (Bà Rịa Vũng Tàu) ra đời bởi sự sáng lập của HT. Thiện Phước (1924 – 1986). Hằng năm Ngài thường mở ra khóa “Niệm Phật Bá Nhựt Trì Danh”[15] và thu hút đông đảo hành giả tham dự[16]. Sau khi viên tịch, Ni sư Huệ Giác (tu viện Quan Âm) kế thừa di nguyện của Ngài tiếp tục phát huy vai trò của môn phái.

Năm 1971, HT.Thiền Tâm (1925 – 1992) tổ chức nên đạo tràng Mật – Tịnh và Phương Liên Tịnh Xứ[17]. Với đạo hạnh cao thâm, Hòa thượng được đồ chúng kính mộ và tôn vinh làm Tổ sư Tịnh Độ[18]. Ngày nay uy danh của Ngài còn vang vọng tại làng chùa ở Đức Trọng – Lâm Đồng. Tại đây, pháp tu Mật – Tịnh rất thịnh hành và đồ chúng của Ngài tu tập rất tinh tấn.

Trên đây là năm cơ sở Tịnh Độ quy mô được hình thành ở thế kỷ XX, còn có rất nhiều đạo tràng Tịnh Độ mọc lên lẻ tẻ. Chẳng hạn như các đạo tràng Tịnh Độ chùa Dược Sư (Lâm Đồng), chùa Vạn Linh (An Giang).

Không chỉ có các bậc Cao tăng mới quan tâm đến việc tạo dựng các đạo tràng Tịnh Độ mà ngay cả cư sĩ hữu tâm cũng chú trọng thành lập các cơ sở Tịnh Độ. Đó là cư sĩ Đoàn Trung Còn. Năm 1955, ông thành lập nên tổ chức Tịnh Độ Tông Việt Nam, trụ sở chính đặt tại chùa Giác Hải (Sài Gòn). Các cư sĩ trợ giúp đắc lực của ông gồm: Nguyễn Văn Vật, Nguyễn Văn Thiện, Ngô Trung Hiếu[19]. Hội có tôn chỉ và điều lệ hoạt động rất rõ ràng. Hiện nay, các chi nhánh rải rác khắp miền Nam[20].

3. Pháp môn Tịnh Độ góp phần hình thành nên tôn giáo nội sinh

Cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, một số tôn giáo nội sinh ra đời ở Nam Bộ. Tuy xưng danh tôn giáo nhưng thực chất giáo thuyết đạo Phật vẫn là nguyên lý cốt lõi để hình thành. Các học giả cho rằng đây là kết quả của 2000 năm Phật giáo được truyền vào Việt Nam[21]. Vậy yếu tố Phật giáo biểu hiện như thế nào trong các tôn giáo nội sinh? Có tôn giáo đề cao Bồ tát hạnh, có tôn giáo lưu tâm đến Tứ Trọng Ân nhưng đặc điểm chung của họ là đều thực hành pháp môn Tịnh Độ.

Đối với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An – Đoàn Văn Huyên sáng lập năm 1849[22], pháp môn Tịnh Độ được xem là phương pháp thực hành căn bản để cứu độ chúng sinh thời Mạt pháp[23]. Tuy nhiên quan niệm của họ có phần khác với pháp tu Tịnh Độ Bắc Tông. Thường ngày niệm Phật để được thân tâm thanh tịnh, nhưng cảnh giới muốn đạt được lại là được dự Hội Long Hoa của Phật Di Lặc ở cuối thời hạ ngươn[24]. Những ai không đủ phước duyên cũng nương nhờ công đức niệm Phật sẽ được quá vãng nơi miền Cực Lạc, sau đó nếu còn nguyện vọng dự Hội Long Hoa sẽ được tái sinh về cõi Ta Bà. Trong Kinh Sấm Truyền, Đức Phật Thầy thường khuyên các tín đồ niệm Phật: “Tây phương thẳng bước chân lần, Hưởng nhờ muôn thuở bửu châu thiếu gì”[25], hoặc: “Di Đà lục tự Nam mô, Vãng sinh Tịnh độ ra vô thanh nhàn”[26]. Đạo dùng giáo nghĩa Tứ Trọng Ân làm nền tảng căn bản hình thành nên công đức. Đó là: ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo và ân đồng bào nhân loại.

Đối với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Đức Bổn Sư – Ngô Lợi khai mở năm 1867[27], pháp môn niệm Phật được xem là hành pháp căn bản để được cứu độ trong thời Mạt thế. Giống như Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho rằng thế giới sắp đến thời đại họa nên cần gấp niệm Phật để được sự gia trì của Phật trong đời sống hiện tại và cứu rỗi linh hồn về Cực Lạc khi bỏ xác thân. Do đó, Đức Bổn Sư của đạo từng dạy: “Niệm Phật đừng có lôi thôi, Niệm cho chính niệm mới ngồi tòa sen”[28]. Các tín đồ phải làm tròn bổn phận của một phật tử tại gia và tôn thờ Tứ Trọng Ân. Cúng niệm theo nghi thức Phật giáo nhưng ứng đối môi trường xã hội lại lấy Nho học làm nền tảng.

Đối với Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam do Đức Tông Sư Minh Trí – Nguyễn Văn Bồng sáng lập năm 1934[29], niệm Phật và thực hành Lục độ là pháp tu căn bản của Hội. Hội lấy đạo lương y làm phương tiện để cứu khổ độ sinh. Niệm Di Đà là nền tảng tu tuệ, lấy đạo lương y cứu thế để tu phước. Chủ trương phước huệ song tu là nhân tố được vãng sinh về thế giới Cực Lạc. Tuy hoạt động trong thời gian dài nhưng đến năm 2007, Hội mới đủ tư cách pháp nhân trở thành một tôn giáo chính thức[30]. Ngày nay, hoạt động tôn giáo này đã lan tỏa từ Khánh Hòa đến Cà Mau.

Đối với Phật giáo Hòa Hảo do Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ sáng lập năm 1939, pháp môn Tịnh Độ rất được chú trọng. Niệm Phật được chia thành ba mức độ. Mức thấp nhất nhằm an dưỡng tâm linh. Mức trung được vãng sinh Cực Lạc. Mức cao nhất Đức Phật Thầy khuyên nên trở về với thật tướng chân tâm. Do vậy, tín đồ muốn đạt được cấp độ nào thì cũng đều niệm Phật và phải cố gắng đạt được nhất tâm, Ngài dạy: “Sự trì niệm này phải thành khẩn, thiết tha, niệm niệm cho đến chừng nào nhất tâm bất loạn mới đạt được hiệu quả”[31], hoặc: “Muốn niệm Phật bất cần sớm tối, Ghi vào lòng sáu chữ Di Đà, Thì hiền lương quên mất điều tà, Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng”[32]. Tín đồ Hòa Hảo rất siêng tu niệm. Ngoài ra phải luôn ghi nhớ Tứ Trọng Ân, học theo lời Phật dạy để tu sửa mình và hành theo giáo hóa của Đức Thầy để làm tròn trách nhiệm trong đời sống thực tại. Đó là nhân tố để vãng sinh Tịnh Độ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 1.2022 Phuong thuc niem Phat cua Phat giao Nam tong va Bac tong 3

Nhìn chung, tôn giáo nội sinh ra đời góp phần làm đa sắc thái văn hóa Việt Nam. Đồng thời những nếp sống cao đẹp của mỗi tôn giáo làm cho xã hội càng hướng về năng lượng tích cực. Sự thành tựu của các tôn giáo có được không thể thiếu bóng dáng của pháp môn Tịnh Độ. Điều này cho thấy pháp môn Tịnh Độ bước sang giai đoạn thế kỷ XX không đơn thuần là một hành pháp tu tập, nó đã trở thành một trong những thành tố quan trọng hình thành nên các tôn giáo nội sinh.

4. Kết luận

Tóm lại, thế kỷ XX là giai đoạn diễn ra sự kiện Chấn hưng Phật giáo toàn quốc. Các bậc Cao đức đã phục chỉnh nền Phật giáo Việt Nam với nhiều phương diện như: giáo dục, chỉnh đốn Tăng già, xây dựng giá trị chân chính của đạo Phật. Một trong những công cụ để các Ngài thực hiện sứ mệnh này là phát huy vai trò của pháp môn Tịnh Độ. Chính vì vậy, pháp môn Tịnh Độ bước sang giai đoạn này đã đánh dấu một bước ngoặt phát triển lớn mà trong lịch sử chưa từng diễn ra. Đồng thời, nhờ bước đệm vững chắc này đên nay Tịnh Độ trở thành một pháp môn phổ biến và có thể nói là đang thịnh hành nhất trong Phật giáo Việt Nam.

Không những vậy, thế kỷ XX còn là mốc thời gian chuyển biến sâu sắc của Phật giáo Việt Nam. Đó là sự ra đời của các tôn giáo nội sinh dựa trên giáo lý Phật đà. Đặc biệt hơn, mỗi tôn giáo đều lấy pháp môn Tịnh Độ làm căn bản của sự cứu cánh. Hiện nay các tôn giáo nội sinh này đang hoạt động rất tốt và lan tỏa khắp khu vực Nam bộ.

Như vậy, từ hai sự kiện lịch sử vừa nêu trên, ta thấy pháp môn Tịnh Độ trước kia chỉ được xem là một pháp tu kết hợp với Thiền và Mật thì đến đây đã đóng vai trò chủ đạo và dần dần phổ biến về sau.

Tác giả: Thích Nữ Liên Hiền
Học viên Cao học khóa III Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

[1] Ninh Thị Sinh (2020), Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Ở Bắc Kỳ Trường Hợp Hội Phật Giáo (1934 – 1945), NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 34
[2] Là ngôn ngữ được viết theo ký tự La Tinh. Ngôn ngữ này gần gũi với hệ ngôn ngữ của Pháp và là công cụ để họ tiếp cận người Việt.
[3] Đạo Cao Đài được gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đạo là sự kết hợp của Phật, Nho – Lão và Thiên Chúa giáo. Đây là sự tiếp xúc giữa tam giáo đồng nguyên của dân tộc và văn minh phương Tây. Xem tại: Phật Giáo Việt Nam, Nguyễn Đăng Thục (1974), NXB. Mặt Đất, Sài Gòn, tr.72
[4] Thích Nhật Từ (chủ biên) (2020), Phật Giáo Vùng Nam Bộ Trong Thế Kỷ XX, NXB. Hồng Đức, TP. HCM, tr.96
[5] Lê Tâm Đắc (2012), Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Ở Miền Bắc Việt Nam (1924 – 1954), NXB. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.04.
[7] Tsu-Kung Chuang, Pure Land Buddhism: History, Pressupositions, Doctrines and Implications, Liberation Ebook, p.12
[8] Phần đông trong xã hội thường ngộ nhận rằng Phật giáo chẳng liên hệ gì đến nhân sinh, Phật giáo là đạo dùng để siêu độ ma quỷ và người chết. Vì để đối trị lại những hiểu lầm trên và kiến lập một tư tưởng nhân sinh với một đạo đức hợp lý, Đại sư Thái Hư đã chủ trương Tịnh Độ nhân gian, nhân sinh Phật giáo. Xem tại: Phật Giáo Nhân Gian Của Pháp Môn Tịnh Độ, PS. Tịnh Không (giảng), Minh Chánh (dịch), Thư viện Ebook, tr.06
[9] Tiểu Sử Hòa Thượng Bích Liên – Chủ Bút Tạp Chí “Từ Bi Âm” [online], Nguồn:  https://phathocdoisong.com/tieu-su-hoa-thuong-bich-lien-chu-but-tap-chi-tu-bi-am-.html
[10] Thích Đồng Thành., “HT Liên Tôn và Tư Tưởng Tịnh Độ Nhân Gian”,  Xưa Và Nay, (Hà Nội), số 497 (7/2018), tr. 22 – 28, tr.27.
[11] Nguyễn Văn Quý, HT. Khánh Hòa Với Pháp Tu Tịnh Độ [online], Nguồn: http://chuaxaloi.vn/thong-tin/hoa-thuong-khanh-hoa-voi-phap-tu-tinh-do/2729.html
[12] Cách giáo dục bằng cử chỉ, hành động.
[13] Nguyệt san Giác Ngộ, Pháp Môn Tịnh Độ Ở Nam Bộ Việt Nam [online], Đăng 27/06/2016, Nguồn: https://giacngo.vn/phap-mon-tinh-do-o-nam-bo-viet-nam-post35279.html
[14] Chùa Khai Nguyên, Tâm Thư Thông Bạch Suy Tôn Tổ Sư Tịnh Độ Việt Nam [online], Đã đăng: 02/06/2014, Nguồn: https://chuakhainguyen.com/index.php/vi/news/Su-kien-tong-hop/Tam-thu-thong-bach-suy-ton-To-Su-Tinh-Do-Tong-Viet-Nam-404.html
[15] Khóa tu 100 ngày, tổ chức ngày 8/8 – 17/11 âm lịch (lễ vía Di Đà) hằng năm. Pháp tu này tương tự như Bát Chu Tam Muội bên Trung Hoa. Niệm Phật luân chuyển theo từng nhịp điệu A Di Đà Phật. Cứ 30 phút thay đổi phương pháp: hoặc đi kinh hành, hoặc ngồi, hoặc lạy Phật.
[16] HT Thích Giác Quang, Tịnh Độ Lược Giảng, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2010, tr.194.
[17] Nguyệt san Giác Ngộ, Pháp Môn Tịnh Độ Ở Nam Bộ Việt Nam, Nguồn: https://giacngo.vn/phap-mon-tinh-do-o-nam-bo-viet-nam-post35279.html
[18] Chùa Khai Nguyên, Tâm Thư Thông Bạch Suy Tôn Tổ Sư Tịnh Độ Việt Nam [online], Đã đăng: 02/06/2014, Nguồn: https://chuakhainguyen.com/index.php/vi/news/Su-kien-tong-hop/Tam-thu-thong-bach-suy-ton-To-Su-Tinh-Do-Tong-Viet-Nam-404.html
[19] Thích Thái Hòa (2013), Đi Vào Bản Nguyện Tịnh Độ, NXB. Văn Hóa – Văn Nghệ, tr.113.
[20] Trần Hồng Liên (1995), Đạo Phật Trong Cộng Đồng Người Việt Ở Nam Bộ Việt Nam Từ Thế Kỷ XVII Đến 1975, NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr. 74 -75.
[21] Nguyễn Văn Quý, “Ảnh Hưởng Của Đạo Phật (Tịnh Độ Tông) Trong Sự Hình Thành Một Số Tôn Giáo Nội Sinh Ở Nam Bộ Cuối Thế Kỷ XIX Đầu Thế Kỷ XX”, PGS.TS Võ Văn Sen và tgk (biên tập), Phật Giáo Vùng Mê Kông: Lịch Sử và Hội Nhập, (2015), NXB. Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr.237.
[22] Trần Hồng Liên., “Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương Ở Nam Bộ”, Tạp Chí Khoa Học, (TP.HCM), số 4 (128) (2009), tr.86.
[23] Theo Từ Điển Phật Học Việt Nam, HT. Thích Minh Châu và Minh Chi (1991), NXB. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.383: Đời Mạt pháp chỉ cho giai đoạn Phật pháp đang tiến dần đến sự suy tàn. Con người thiên về cái ác xấu nhiều hơn làm thiện. Người học Phật không còn nhiều. Chất lượng học Phật cũng có nhiều sai lệch so với thời Chính pháp và Tượng pháp.
[24] Đây được xem là tôn giáo thuộc dòng tiên tri Nam Bộ. Đức giáo chủ của Bửu Sơn Kỳ Hương cho rằng Phật pháp đã đến thời tận diệt, kéo theo đó là những cảnh tượng dịch bệnh, chiến tranh, tai họa v.v… Lúc đó Phật Di Lặc sẽ ra đời cứu độ nhân loại và mở Hội Long Hoa khởi đầu cho thời kỳ Phật giáo Di Lặc.
[25] Nguyễn Văn Hầu, Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An, NXB. Ban Quản trị Tây An cổ tự, tr.106.
[26] Nguyễn Văn Hầu, Sấm Truyền Đức Phật Thầy Tây An, NXB. Ban Quản trị Tây An cổ tự, tr.110.
[27] Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Hệ Phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tủ sách Sưu khảo dữ liệu, tr.7.
[28] Vương Kim, Đời Hạ Ngươn Hay Lịch Trình Diễn Tiến Nhân Loại, NXB. Long Hoa, Sài Gòn, 1960, tr.99.
[29] Nguyễn Văn Quý, “Ảnh Hưởng Của Đạo Phật (Tịnh Độ Tông) Trong Sự Hình Thành Một Số Tôn Giáo Nội Sinh Ở Nam Bộ Cuối Thế Kỷ XIX Đầu Thế Kỷ XX”, PGS.TS Võ Văn Sen và tgk (biên tập), Phật Giáo Vùng Mê Kông: Lịch Sử và Hội Nhập, (2015), NXB. Đại Học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr.240
[30] Bachchan Kumar, “Tịnh Độ Tông – Xã hội hài hòa”, Thích Đức Thiện và Thích Nhật Từ (chủ biên), Phật Giáo và Giáo Dục Đạo Đức Toàn Cầu, (2019), NXB Hồng Đức, TP. HCM, tr.155 – 168, tr.164
[31] Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Pháp Khai Tâm, Bản Phổ Thông Giáo Lí Trung Ương tái bản, 1969, tr.36.
[32] Giáo Hội Phật giáo Hòa Hảo, Đạo Pháp Khai Tâm, Bản Phổ Thông Giáo lí Trung Ương tái bản, 1969, tr.40.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin