Chi tiết tin tức Hình tượng Bồ-tát Quán Thế Âm 20:55:00 - 29/10/2022
(PGNĐ) - Nói đến Quán Thế Âm Bồ-tát là nói đến vị Thí Vô úy giả - người hiến tặng sự không sợ hãi, vị Bồ-tát có đại nguyện cứu nạn cho chúng sinh, người lắng nghe nỗi khổ của muôn loài.
Bồ-tát Quán Thế Âm có tên tiếng Phạn là Avalokiteśvara. Trong tiếng Hán, Bồ-tát Quán Thế Âm còn được gọi là Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại, Quán Thế Âm Tự Tại, Quán Thế Tự, Khuy Âm, Hiện Âm Thanh, Quán Âm… Mỗi năm, Phật tử Bắc truyền có ba dịp để tưởng nhớ hạnh nguyện Bồ-tát, phát tâm tu học theo Ngài, đó là 3 ngày vía 19-2, 19-6 và 19-9 âm lịch. Lòng từ rộng khắp Trong kinh Diệu pháp liên hoa (kinh Pháp hoa), ở phẩm Phổ môn thứ 25, Đức Phật tán dương lòng từ của Bồ-tát Quán Thế Âm, vì thương tưởng chúng sinh mà Ngài dùng vô số phương tiện để nhiếp hóa chúng sanh, tùy nghi mà thị hiện. Theo đó, Bồ-tát Quán Thế Âm có khi hiện thân Phật, thân Phật Bích-chi, thân Thanh văn, thân Phạm Thiên cho đến thân Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, thần Chấp kim cang, miễn hóa thân ấy có thể cứu độ chúng sinh. Với hạnh nguyện của mình, hành giả niệm danh hiệu của Bồ-tát Quán Thế Âm, người ấy lửa lớn không đốt được, nước lớn không cuốn trôi được, Dạ-xoa, La-sát không hại được; những ai sợ hãi thì Bồ-tát ban tặng cho sự không sợ hãi; những ai bị trói buộc bởi tham, sân, si thì Bồ-tát làm cho hết tham, sân, si...
Trong cái nhìn của người thực tập niệm danh Bồ-tát thì những mầu nhiệm ấy chính là sự chuyển hóa bên trong của mỗi người. Có trì danh Quán Thế Âm Bồ-tát đến nơi đến chốn, lòng ta sẽ trở nên thanh lương, mát mẻ, mảnh đất tâm của ta như nước cam lồ nơi nhành dương liễu rưới xuống. Do vậy, đối trước lửa sân hận hay nước tị hiềm của người khác, ta không một mảy may bị tác động. Nhờ Đức Quán Thế Âm Bồ-tát mà ta từ bi, tỉnh thức, sống có an lạc, hạnh phúc. Nên xưng tôn Ngài như mẹ hiền cũng là lẽ đó - luôn mang tới điều tốt đẹp nhất cho đàn con… Phụng thờ Bồ-tát Vì sự gần gũi của Bồ-tát Quán Thế Âm mà hình tượng của Ngài được tôn thờ ở nhiều tự viện, tư gia cùng những nơi công cộng khác như ở bệnh viện, những cung đường hiểm trở… Hình ảnh quen thuộc nhất của Bồ-tát chính là vị Bạch Y Đại Sĩ tay cầm tịnh bình và dương liễu, thường lắng nghe nỗi khổ chúng sanh.
Khi chế tác tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, người nghệ nhân ngoài lấy những chi tiết chung đã được mô tả trong kinh điển, biểu hiện rộng rãi thì còn có thể làm mới theo văn hóa của mỗi vùng miền, cảm nhận riêng với đôi mắt nghệ thuật lẫn cái tâm tôn kính. Trong đó, có thể kể tới tôn tượng mẹ hiền Quán Thế Âm mang những đặc trưng của nét văn hóa vùng quê Bắc Bộ, Việt Nam. Đó là mẫu tôn tượng Bồ-tát tay cầm tịnh bình và nhành dương liễu, thị hiện cứu khổ trong nhân gian. Vẫn giữ nét dịu dàng và khuôn mặt đầy từ bi trong hình tướng “Đại Từ Đại Bi”, các nghệ nhân Diệu Tướng Am đã khiến Bồ-tát Quán Thế Âm trở nên gần gũi hơn với những chi tiết được lấy cảm hứng từ nét đẹp của người phụ nữ Bắc Bộ với chiếc khăn mỏ quạ, chiếc áo tứ thân mềm mại. “Chiếc khăn mỏ quạ đã được khéo léo chuyển tải vào phần đầu của tôn tượng nên nhìn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm rất Việt Nam”, anh Nguyễn Hoàng Duy, pháp danh Thiện Nguyên chia sẻ khi được chiêm ngưỡng tôn tượng do nghệ nhân Huệ Khương chế tác. Còn nét áo tứ thân cũng được uyển chuyển vào y của Bồ-tát tạo nét riêng, đặc biệt, Phật tử Hoa Tâm nhận xét. Quán Tự Tại Bồ-tát cũng là một hình ảnh được phụng thờ nhiều bởi sự an nhiên, tĩnh tại. Theo Phật sử Bắc tông, danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm xuất phát từ tiếng Phạn là Avalokiteśvara, có nghĩa là cùng khắp. Ở thời Tây Tấn, ngài Trúc Pháp Hộ đã dịch là Quán Thế Âm, còn ở đời Đường thì ngài Huyền Trang Pháp sư dịch là Quán Tự Tại.
Được biết, các nghệ nhân Diệu Tướng Am còn có dự án tạo tượng Quán Âm Tự Tại - được khơi nguồn cảm hứng từ một bức tranh cổ. “Trải qua nhiều công đoạn, từ ý tưởng ban đầu cho tới những nét phác thảo đầu tiên, tạo khuôn đất, đổ khuôn đồng, đánh bóng, lên màu nhiệt, tôn tượng Quán Âm Tự Tại đã thành hình. Từng nếp gấp y áo cũng được gia tâm để đạt đến sự tỉ mỉ, sống động”. Đặc biệt, khi nhìn vào tôn tượng, từng đường nét đều toát lên sự tự tại, ung dung, mang đến cảm giác bình yên hiếm có. Có lẽ, người nghệ nhân đã đặc biệt chú trọng vào việc truyền thần, đặc tả từng đường nét, chi tiết nhỏ, đặc biệt là nét mặt, cử chỉ “mắt hiền nhìn chúng sanh” - điều mà dường như rất khó để lột tả với một chất liệu bền vững như đồng. Trường An
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |