Chi tiết tin tức

Ý nghĩa thí dụ gã cùng tử trong kinh Pháp hoa

19:45:00 - 01/08/2024
(PGNĐ) -  Kinh Pháp hoa có 9 thí dụ. Thứ nhất là thuyết pháp châu, Đức Phật nói về các pháp cho loài người chúng ta, nhưng mọi người không hiểu được, nên Ngài mới đưa thí dụ gọi là thí dụ châu.

Trong phẩm Thí dụ, Đức Phật khẳng định rằng không phải Ngài mới thành Phật trong đời này như trời, người, a-tu-la hiểu lầm. Ngài đã tu thành Phật từ vô lượng kiếp trước và ở thế giới thật báo của Ngài, từ thế giới đó, Ngài thương nhân gian mà sanh lại trên cuộc đời này, vì những người đệ tử của Ngài là những người có căn lành đã sanh vào thế giới Ta-bà. 

Các Phật tử nên biết không phải tu một đời mà thành Phật được, phải trải qua nhiều đời sau nữa tiếp tục tu. Vì mình có căn lành, nên tái sanh lại cuộc đời này thì Đức Phật cũng sanh trên cuộc đời này để cứu mình, hay Ngài cho các vị Bồ-tát đến cứu mình, thứ ba là mình sanh ở thế giới Ta-bà để tiếp tục tu, Đức Phật ở thế giới của Ngài cũng hộ niệm cho mình. 

Người có căn lành dễ nhận ra điều này, vì mình ở trong thế giới đau khổ của loài người, nhưng cảm giác đây không phải là chỗ của mình, thế giới của mình ở chỗ khác. Từ ý nghĩ đó, mình tha thiết nghĩ về thế giới Phật. Thật vậy, lúc mới 6 tuổi, tôi nhìn thấy hình Phật trên bao nhang, tự nhiên có độ cảm sâu xa giữa tôi và Đức Phật có mối liên hệ thân thương, nên tôi thường hay vẽ hình Đức Phật mà tôi đã thấy trên bao nhang. Người có căn lành thường nghĩ về Phật, về thế giới Phật, nên được Phật hộ niệm, có như vậy mới dễ tu.

Phật nói nếu đời trước mình tu rồi, hoặc đã chứng quả Tu-đà-hoàn, Phật sẽ khiến các vị Bồ-tát hộ cho mình, chỉ lối đưa đường để mình khỏi bị đọa. Từ sự bảo chứng này, Phật mới nói thí dụ ba xe và nhà lửa. Ông trưởng giả sanh lại, đi vào nhà lửa tam giới này chỉ cho Đức Phật sanh vào cung dòng họ Thích, rồi từ trong nhà lửa này, Ngài mới đi ra là Ngài tu đắc đạo khiến những người có căn lành nhìn thấy như vậy, mới phát tâm tu. 

Những người có căn lành thời đó như Xá Lợi Phất nhìn thấy Phật là đắc quả La-hán liền, vì đời trước ngài là vị La-hán rồi. Hay ba anh em Ca Diếp đang lãnh đạo một ngàn đồ chúng, có cả vạn người đi theo và được vua Tần Bà Sa La quý trọng coi như là Quốc sư. Nhưng ba ông này thấy Phật, tự nhiên nhớ lại Đức Phật đời trước là thầy của mình, dù Đức Phật nhỏ tuổi hơn. Lúc đó Phật mới 30 tuổi, trong khi Ưu Lầu Tần Loa Ca Diếp 50 tuổi.

Từ lý nhân duyên này, Phật nói thí dụ ba xe và nhà lửa chỉ cho pháp Tam thừa mà Phật dùng để độ hàng đệ tử của Ngài là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Ba hạng người này đời trước đã từng theo Phật tu hành, mới đi được nửa đường thôi, bây giờ họ tái sanh lại để tiếp tục tu thì Đức Phật cũng sanh lại để dắt họ ra khỏi nhà lửa tam giới. Đó là những vị tu trong thời Đức Phật.

Còn mình cũng sanh vô thời đó, nhưng mình không phải hạng người đắc đạo như các vị kia, mà mình mới kết duyên thôi. Mình thấy Đức Phật và Thánh chúng khiến mình cũng phát tâm tu, nhưng mình đâu đắc đạo nổi, cho nên mình vẫn còn ở lại trong thế giới này, vẫn tái sanh trong thế giới này.

Muốn đắc được Sơ quả phải đoạn phiền não, trần lao, nghiệp chướng, nhưng mình còn nghiệp tham, nghiệp bực tức... Trước hết, đối với nghiệp tham, mình không còn ham muốn cái gì trên đời này và đời sống vật chất như ăn uống, ngủ nghỉ của mình cũng rất đơn giản, không bị nó trói buộc. Và trong cuộc sống, ai làm gì mình cũng không còn thương và ghét, không vướng mắc cái tương đối này, vì mục tiêu của mình là ra khỏi sanh tử. 

Vượt được sự chi phối của vật chất và tình cảm là chứng Sơ quả, thì Phật nói mình chỉ thọ sanh thêm bảy lần sanh tử nữa thôi, vì mình mới đoạn được kiến hoặc phiền não, nhưng chưa đoạn được tư hoặc. Kiến hoặc là sai lầm về cái thấy, tư hoặc là sai lầm về suy nghĩ. Kiến hoặc chưa đoạn thì chưa ra khỏi sanh tử.

Sống trong thời kỳ khó khăn vô cùng, tôi không sợ, vì hướng tâm mạnh mẽ về Phật, giả sử bất đắc kỳ tử chết thì thần thức mình về Phật. Cho nên bốn việc buồn, giận, lo, sợ không có. Tâm mình hoàn toàn trống không, kinh Pháp hoa gọi là ra tới bãi đất trống là ra khỏi sanh tử, mới lên đại bạch ngưu xa. Lúc bấy giờ, thân đã trong sạch vì không vướng bận gì thì tâm đã sáng, mình mới thấy được Đức Phật, mới theo Đức Phật, không bị đọa nữa, gọi là tu Pháp hoa. Vì thực chất của kinh Pháp hoa là vô tự chân kinh, không có chữ mà trong đó chỉ kết hợp hai thứ là thân trong sạch và tâm sáng suốt.

Nhờ thân trong sạch và tâm sáng suốt giúp mình nhận thấy được Đức Phật thực vĩnh hằng bất tử. Thấy theo người đời thì Phật nhập diệt rồi, đâu còn nữa.Nhưng mình có căn lành, nên tin Phật và thấy Phật không chết, Ngài đang ở trong thế giới của Ngài, nên mình quyết tâm đi tìm Phật. Nhớ lại trước kia, Hòa thượng Nhất Hạnh qua Nhật họp, ngài tới thăm tôi, nói một câu rất dễ thương: “Thôi, anh em mình đi tìm Phật”. Đi tìm Phật là bây giờ Phật vẫn hiện hữu, nhưng Phật ở đâu, tìm bằng cách nào?

Phật ở trong thế giới Phật mà Ngài dặn mình rằng người có chánh niệm, chánh định sẽ thấy Phật. Vậy, bây giờ hãy ngồi xuống, tập trung tư tưởng lại, nghĩ tới Phật thì mình thấy Phật. 

Bốn vị đại đệ tử của Phật là Ma ha Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Ca Chiên Diên và Tu Bồ Đề đại diện cho những đệ tử cao thủ của Đức Phật mới thưa rằng Phật dạy như vậy, nhưng con hiểu như thế này và các ngài trình bày phẩm Tín giải nói lên sự hiểu biết theo niềm tin. 

Giải thích cuộc đời Đức Phật, mỗi người giải thích khác nhau. Giải thích theo lịch sử khác với giải thích theo người có niềm tin. Theo lịch sử, khi thái tử vượt thành xuất gia, tới bìa rừng, Ngài gặp một ông thợ săn mặc áo tu có giấu cung tên trong người. Thái tử hỏi ông tu sao còn đem cung tên làm chi. Ông nói phải mặc áo tu để loài dã thú không sợ, nó tới gần, ông mới giết nó được. Thái tử nói Ngài cần áo tu, ông muốn giàu sang nên đổi áo tu lấy áo cẩm bào của Ngài, đem bán sống cả đời không hết. Ông thợ săn bằng lòng đổi liền. Thái tử mới mặc áo thầy tu vô và Ngài tu. Đó là thấy theo lịch sử.

Nhưng thấy theo niềm tin là thấy theo căn lành thì thấy tất cả mọi việc đã được Đức Phật ở thế giới thật báo hộ niệm và Ngài đã sắp xếp hết rồi. Trong đời tu của tôi, tôi thấy điều này rất rõ. Khi tôi đi tu, có những vị thiện tri thức xuất hiện để chỉ lối đưa đường cho tôi nên đi tới chỗ nào. Lúc tôi 12 tuổi đi tu, tôi đâu biết gì. Tôi từ Củ Chi lên Đức Hòa, gặp vị thầy nói đây không phải chỗ của chú, chú nên đi về Thủ Đức. Khi tôi về tổ đình Huê Nghiêm, Thủ Đức được một năm lại thấy vị thầy này xuất hiện và nói chú hết duyên ở đây rồi, hãy về chùa Ấn Quang học. Trong đời tôi có những điều lạ như vậy, tôi mới hiểu Đức Phật ở dạng tâm linh.

Người có niềm tin hiểu rằng tất cả mọi việc của Đức Phật đều có sự sắp xếp. Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời mà không có những vị Hộ pháp Long thiên phò trợ, làm sao Ngài làm đạo được. Tôi còn được những điều vi diệu như vậy thì Đức Phật còn được gấp trăm ngàn lần, Ngài mới dễ dàng thành tựu việc lớn. 

Cho nên người có căn lành hiểu khác. Ở trong rừng mà tự nhiên có người thợ săn xuất hiện đúng lúc để đổi áo tu cho thái tử, tôi nói đây là Bồ-tát vô hình mà hiện hình để đem ca-sa trao cho Thái tử Tất-đạt-đa mặc áo này vô đi tu. 

Giống như khi Đức Phật nhập diệt, Phật truyền trao y bát cho ngài Ma-ha Ca Diếp, bảo ngài hãy đợi khi có Bồ-tát Di Lặc ra đời thì đem giao y bát cho Di Lặc. Tôi có cảm giác đây là vị Bồ-tát nào đó ở thời Phật Ca Diếp hiện thân lại trên cuộc đời này để giao y bát cho Tất-đạt-đa. Người có căn lành và có niềm tin thấy như vậy.

Cái thấy của người có niềm tin và cái thấy của người không có niềm tin, hai cái thấy này hoàn toàn khác nhau. Còn cái thấy của người có trí tuệ, có tu chứng thì còn khác nữa. Cuộc đời này không ai thấy giống nhau, nên hiểu khác nhau và tu đắc đạo cũng khác nhau, không ai giống ai. Chừng nào thành Phật thì giống nhau. 

Bốn vị trưởng lão này mới hội ý với nhau, nói phẩm Tín giải là giải thích theo niềm tin của các ngài, không phải giải thích theo hiểu biết. Kinh Hoa nghiêm nói niềm tin là mẹ sanh ra tất cả các công đức.

Các ngài nói với Phật thí dụ có đứa trẻ thơ bỏ cha trốn đi. Sau năm mươi năm lưu lạc khắp nơi, sống nghèo đói, khổ sở, bất chợt người này gặp lại cha của mình, nhưng không nhận ra được đó là cha mình, vì hai cuộc đời khác nhau xa quá, một bên là cùng tử, một bên là trưởng giả. Ông trưởng giả này giàu có vô cùng, ví cho Đức Phật hiện thân trên cuộc đời với phước báo vẹn toàn. Còn người lưu lạc phải đi làm thuê mướn, một hôm anh ta tình cờ đi lần tới nhà ông trưởng giả quá cao sang, hay đó là thế giới Thật báo trang nghiêm của Đức Phật.

Cái thấy của người có niềm tin và cái thấy của người không có niềm tin, hai cái thấy này hoàn toàn khác nhau. Còn cái thấy của người có trí tuệ, có tu chứng thì còn khác nữa. Cuộc đời này không ai thấy giống nhau, nên hiểu khác nhau và tu đắc đạo cũng khác nhau, không ai giống ai. Chừng nào thành Phật thì giống nhau.

Nghĩa là khi chưa tu, mình thấy Đức Phật bề ngoài không có gì, nhưng tu rồi, mắt huệ sanh ra, nhìn sâu bề trong thấy Đức Phật có nhiều hơn tất cả mọi người trên đời này. Thật vậy, nghĩ Phật bỏ ngôi vua đi tu là mất hết, nhưng ở Ấn Độ thời bấy giờ có 16 ông vua, mà 8 ông vua lớn đều theo Phật, nên toàn xứ Ấn cũng theo Phật. Phải thấy sự thật đó, không phải thấy Phật bình thường như mình, hay thấy Phật như bà già ăn mày đi sau lưng Phật, bà thấy Phật cũng xin ăn y như bà ta. 

Thấy theo niềm tin là thấy uy lực của Phật quá lớn, thấy Phật là người quá giàu có trên thế gian này. Của cải của Phật rộng lớn đến mức độ, Ngài không cần giữ gì cả, nhưng toàn xứ Ấn Độ theo Ngài, như vậy phước báo của Phật lớn lao đến dường nào. Và nghĩ cho cùng, Phật vào Niết-bàn đã mấy ngàn năm, nhưng cất chùa phải thỉnh tượng Phật ngự trước, tất cả các chùa lớn nhỏ ở đâu cũng là của Phật. Chùa Huê Nghiêm cũng vậy, chủ chùa là Phật, tôi chỉ là người quản gia làm công cho Phật. Vì vậy, nhìn bằng tâm, bằng trí tuệ, bằng tuệ giác thấy sự nghiệp của Phật quá vĩ đại.

Khi gã cùng tử đến trước nhà ông trưởng giả, nhận thấy gia thế của trưởng giả quá hùng mạnh, tức thấy Đức Phật uy đức vô cùng, nên cùng tử sợ hãi, sợ ở đây bị người ta bắt giết, nên gã vội bỏ chạy trốn qua xóm nghèo để làm thuê mướn, nghĩa là tu theo ngoại đạo. Ý nói bốn vị trưởng lão này trước đây đã từng theo ngoại đạo, nhưng bây giờ là con của Phật, thấy gia tài đồ sộ của Phật mà khiếp sợ, bỏ đi.

Ông trưởng giả mới sai hai người, một người chột mắt, một người què chân đuổi theo để khuyên bảo cùng tử về làm công cho ông trưởng giả, chỉ quét dọn phân nhơ mà được trả lương gấp đôi. Nghĩa là Phật đưa ra hai pháp môn tu thích hợp để độ hàng đệ tử là Thanh văn, Duyên giác. Thí dụ người què chân mà mắt sáng chỉ cho hàng Duyên giác có trí tuệ, người khỏe hai chân có mắt mù là hàng Thanh văn. Bốn vị trưởng lão bạch Phật nói lên cảm nghĩ rằng họ đúng là hạng người chột mắt, què chân đã được Phật dạy tu quét dọn phân nhơ thôi mà họ được hưởng lương gấp đôi, tức có phước báo hơn là tu theo ngoại đạo.

Quét dọn phân nhơ là quét dọn tâm tham của mình cho sạch. Tu theo Phật khác với tu theo ngoại đạo. Ngoại đạo có lòng tham lớn, cho bùa ngải để gạt người lấy tiền. Trong kinh Pháp hoa, Phật nói người tham là người làm công hèn hạ, làm ít nhưng muốn hưởng nhiều, tham lam quá, nên Phật không thể thọ dụng, không thể thu nhận được.

Còn cùng tử quyết tu, quyết dọn sạch phân nhơ của anh, một lòng thực tập lời Phật dạy. Phật dạy rằng phân nhơ là tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, vô tàm, vô quý, ganh ghét, keo kiết, che giấu tội của mình…, gọi là thập triền, thập sử tức hai mươi điều xấu ở trong tâm anh đó, nó trói buộc và sai khiến anh nghĩ sai, nói sai, làm sai, mới tạo cho anh cuộc sống đầy đau khổ. Anh cố gắng dọn sạch những tánh xấu này, Ta sẽ trả giá gấp đôi cho anh, anh được hưởng phước.

Vì vậy, khi thực chất mình tu, người ta thấy mình không làm gì, nhưng sao phước báo mình có. Phước báo này là Phật cho, Phật hứa trả gấp đôi, thì mình làm ít nhưng Phật cho nhiều hơn, với điều kiện phải dọn sạch những tâm xấu ác của mình. 

Theo kinh nghiệm tu của tôi, chỉ mới cắt tiệt được lòng tham, phước báo đã sanh ra thấy rõ. Thật vậy, được Phật thọ dụng, Phật mới giao cho mình nhiều việc làm gọi là Phật sự và có Hộ pháp Long thiên giữ gìn, vì là việc của Phật thì các ngài phải bảo vệ. 

Diệt lòng tham rồi, đến pháp thứ hai là diệt lòng sân hận thì ai gây khó khăn cho mình cỡ nào đi nữa, mình cũng không giận, coi như nghiệp đời trước phải trả. Nghiệp đời trước thế nào? Như tôi sanh trong gia đình nghèo, vì nghiệp đời trước của mình, nên khi đi tu, ở chùa, ai mất cái gì cũng nghĩ mình ăn cắp, cho rằng mình nghèo thì phải tham. Nhưng mình tu là cùng tử, tập sống nghèo mà không tham, cho nên thời gian đó, tôi sống dưới mức nghèo khó, không bao giờ mua sắm bộ đồ nào, lượm đồ tang người ta bỏ rồi nhuộm để mặc. Họ thấy tôi không có vật gì, không ai nghi mình ăn cắp nữa. Tôi phải trải qua suốt mười năm, đoạn hết lòng tham và lòng sân, huệ bắt đầu sanh ra, mình bắt đầu sáng lần ra, dễ coi ra là do việc dọn sạch phân nhơ. 

Các vị La-hán thưa với Phật rằng nhờ quán thuần thục Tứ niệm xứ, cuối cùng đoạn sạch những tánh xấu, bấy giờ ông trưởng giả gọi cùng tử đến nói rằng con nghèo nhưng không tham, không giống những người làm công hèn hạ khác, bây giờ con được ở trong ngôi nhà này. Hồi nãy cùng tử ở ngoài am tranh, ở ngoài cửa. Mình bắt đầu đi tu cũng vậy, mình ở ngoài cửa, lần lần mới đi vào nhà ông trưởng giả, vì mình không còn những tánh xấu. Vô nhà trưởng giả, hay vô nhà Phật rồi thì làm việc thay Phật, được Hộ pháp Long thiên bảo vệ, làm Phật sự dễ dàng. Ở đó, mình thấy tất cả các vị Bồ-tát và các vị Hộ pháp Long thiên cũng thường tới lui với Đức Phật, thường giữ gìn sự nghiệp của Đức Phật. Và mình được Phật giao quản lý các Phật sự, được tiếp xúc với các vị Bồ-tát, cho nên mình được học hành, được quen biết với những người lớn. 

Điển hình như tôi lúc mới đi tu, làm công việc dọn dẹp nhà vệ sinh, vì hồi đó, tôi ở nhà quê xuống, đen xấu, thô kệch thì làm việc này thích hợp với tôi. Làm được một thời gian, Hòa thượng Đốc giáo Phật học đường Nam Việt xuống nhà vệ sinh nói với tôi một câu giống trong kinh Pháp hoa rằng vì con đã làm vệ sinh kỹ lưỡng, sạch sẽ, nên con không cần làm việc này nữa, con đi lên làm thị giả cho thầy! 

Xưa kia, Đức Phật cho Ca Diếp quản lý gia tài của ngài. Còn ngày nay, Hòa thượng cho tôi làm thị giả ngài. Và cũng nhờ đi theo hầu Hòa thượng Trưởng ban Hoằng pháp thời đó mà tôi quen biết với các vị Hòa thượng, Thượng tọa giúp tôi học hỏi được nhiều hơn, nên về sau, tôi làm Trưởng ban Hoằng pháp là tôi kế thừa sự nghiệp của Hòa thượng trước đây. Giao cho mình quản lý xong thì khi ngài viên tịch, ngài giao luôn cho mình, vì khả năng mình có, uy tín mình có thì mình tự tiếp tục công việc của ngài dễ dàng.

Trong kinh ghi ý này rằng khi ông trưởng giả sắp chết, ông tập họp thân tộc lại, tức những người quan hệ với Đức Phật, với các Bồ-tát, Ngài mới nói rằng chính cùng tử này là con của Ta. Ta giao tất cả sự nghiệp của Ta cho nó. 

Các vị trưởng lão kết lại một câu rất ý nghĩa rằng các ngài không cầu mà được. Đó là thí dụ cùng tử của các ngài cho mình thấy trên bước đường tu, mình không cầu gì, nhưng đi tới đâu cũng được những điều tốt đẹp, đó chính là gia tài của Phật mà mình được hưởng. 

Trong phẩm Tín giải, kinh Pháp hoa, bốn vị đại đệ tử nói rằng các ngài đã tin chắc là được hưởng gia tài vô giá của Đức Phật và sẽ về thế giới Phật. Đây là ý quan trọng để các Phật tử tu Pháp hoa phải thực tập, mà khởi đầu phải nhớ hễ tham là bỏ liền lập tức, vì tham thì Phật không dùng. Nên siêng năng làm việc thiện lành theo Phật dạy, không tham thì được nhiều người thương, sẽ thành công nhiều việc tốt, sẽ được gặp Phật khi mãn duyên ở cõi tạm này. 

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin