Con sẽ về thăm cô, thăm chùa...
15:40:00 - 20/11/2014
(PGNĐ) - Con gặp lại cô trong ngày tang của nội, cô đến viếng và tụng thời kinh cầu siêu. Cô nay tóc đã lấm tấm bạc, da nhăn nhiều và dáng cô cũng không cao thẳng như ngày xưa. Cô ơi, ngót nghét đã 17 năm rồi.
Cô là người gieo hạt mầm yêu thương cho con - Ảnh minh họa
Cô dạy con năm lớp 2. Con vốn là đứa nhát đòn nên không thể học lớp của mình mà phải xin qua lớp cô để học. Vì cô rất hiền và từ tốn với đám học trò nhỏ ngây ngô. Con nhớ như in khi cô cầm tay con viết chữ, khi cô dạy con phát âm từng con chữ. Con cũng không sao quên được bốn cái phòng học trường làng, không cửa nẻo, mưa to là nước ngập đến chắn ngang của chân bàn, gió tạt ướt cả nửa dãy bàn bên cửa sổ và dáng cô trong chiếc áo dài hay có khi là chiếc bà ba sẫm màu.
Nghe đâu nỗi niềm riêng nào đó đã đưa cô đến mái chùa tĩnh lặng này. Ngày ấy, trưa trưa ba hay chở con xuống chùa để cô dạy con viết chữ và tập kể chuyện. Chiều chiều, con lại cùng cô lên chánh điện chong đèn và lạy Phật. Trong cái thâm u trang nghiêm của mái chùa quê khi chập choạng, một ánh đèn dầu dù có mỏng, có leo lét cũng chừng như làm sáng lên tuệ giác người thế gian, vốn bị bao vây bởi bao vòng trói buộc. Vậy mà khi ấy, con thấy sợ sợ, sợ cái bóng tối chưa hẳn tối, sợ cái sáng chưa đủ rạng ấy… Chùa quê nghèo, cô làm bánh bò nước cốt dừa ngọt béo bán ở chợ quê mỗi sáng.
Con nhớ không quên câu chuyện dạy làm người, cô dạy con kể để đi thi. Con nhớ không quên những nụ cười hiền như bà tiên khi cô cầm tay con viết chữ. Con nhớ không quên sự kiên nhẫn và tận tụy của cô. Con nhớ không quên hình ảnh cô mặc áo dài nâu hay áo bà ba sẫm màu cùng chiếc xe đạp cũ kỹ. Và cũng chiếc xe đạp ấy, cô đã chở con đi thi hết vòng huyện rồi vòng tỉnh. Và con, ngồi sau lưng cô, nhỏ xíu, tay thì giữ cho hai tà áo cô khỏi bị gió bay.
Ngày gặp lại cô, con bồi hồi, không nói nên lời. Mười mấy năm không thường viếng thăm cô, cô nay cũng đã yếu hơn xưa nhiều, nét thời gian hiển hiện rõ hơn trên gương mặt từ ái và nghiêm khắc ngày xưa. Âu cũng là quy luật của tạo hóa. Nhưng con tin chắc rằng, mỗi tháng ngày cô trải qua là những ngày đẹp đạo, đẹp đời vì cô là người của cửa Không nhưng có tấm lòng lớn với những đứa trò nhỏ quê nghèo.
Lớn lên, con không nghĩ mình là giáo viên. Nhưng nhân duyên đã cho con cơ hội được làm giáo viên một thời gian, để con hiểu hơn về những gian khổ và tấm lòng của người thầy. Sau lần lên lớp đầu tiên, con nghĩ đến cô thật nhiều - người đã cho con một khởi đầu tươi đẹp sau những ngày trốn học vì sợ đòn… Và con cũng đã hạnh phúc trong niềm vui và trách nhiệm của một người dạy chữ, dạy tình cho người học.
Giờ đây, con nhận ra rằng, muốn dạy giỏi phải học giỏi. Người thầy tốt là người thầy có thể truyền cho người học cảm hứng học tập chủ động và độc lập, chứ không phải ép buộc họ phải học.
Người thầy không chỉ làm công việc chuyển giao kiến thức mà còn phải bằng tấm lòng của mình, giúp học viên hấp thụ và chuyển hóa kiến thức được tiếp nhận từ người dạy thành tri thức của người học.
Người thầy cũng là người học khi giảng dạy, học về con người, về cuộc sống từ những học viên của mình. Và người thầy cũng nên là chiếc cầu nối giữa tri thức và những ái ngại, khó khăn của học viên khi tiếp nhận những tri thức mới…
Và con cũng nhận ra rằng, không hề có sự nhàm chán trong cuộc đời của người thầy. Vì thế giới của người học là một thế giới sinh động và muôn màu đến vô cùng; người thầy là người thâm nhập thế giới ấy, bằng tri thức và tấm lòng, nhiệt huyết và tình yêu nghề của mình. Con đường tri thức, sẽ có thể đưa người ta đến bến bờ tươi sáng nào đó trên đường đời.
Dân gian có câu: “Muốn sang thì bắt cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”; lòng yêu kính của con dành cho cô không phải bằng sự tiếp thu vật lý từ câu chữ mà chính từ sự cảm nghiệm khi con may mắn được làm học trò của cô - thưa cô, cô của con!
Hôm bữa, ba cho hay là ba xuống chùa cô công quả sửa sang lặt vặt gì đó, cô lấy mấy tấm hình chụp chung với con ra cho ba xem và nhắc lại những chuyện ngày xưa. Nghe ba kể, con như sực nhớ rằng lâu lắm rồi, con quên đi điều gì đó thiêng liêng và thân thương lắm: Lâu lắm rồi con chưa về thăm cô, chưa về thăm lại mái chùa ngày xưa…
20-11-2014
Trọng Hiếu
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|