Chi tiết tin tức

Cái nhìn của Phật tử tuổi teen 9x qua câu chuyện "Em đã làm gì sai" của NS. Quách Beem

08:09:00 - 06/10/2014
(PGNĐ) -  Đôi khi, chúng ta vẫn hay tự than thân trách phận: "Sao tôi khổ thế này?", "Số mình chi mà đen rứa?", "Nhiều người sống sung sướng hơn mình quá!",...và còn nhiều, rất nhiều những câu nói khác nữa, chúng ta thường tự sự mỗi khi đối đầu với cái khổ! Mà chúng ta đâu biết rằng giữa dòng đời ngược xuôi, đầy chông gai vẫn còn đâu đó, những mảnh đời kham khổ, bất hạnh, nhưng họ vẫn mơ về một tương lai tươi sáng, họ vẫn âm thầm và lặng lẽ sống với những mong muốn bình dị và cố gắng vượt lên trên thực tại tầm thường.
 


Ảnh cắt từ clip
 
Có một câu chuyện kể về cuộc sống của hai đứa trẻ vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ xích mích, dẫn đến mái ấm tan vỡ, không còn chốn nương thân, hai em phải rời gia đình tự đi mưu sinh, kiếm sống bằng cái nghiệp đánh giày. Ngày ngày, hai anh em phải lang thang trên những con phố, chỉ với một ước muốn nhỏ nhoi là đánh được 1 đôi giày để kiếm tiền, đủ mua 1 ổ bánh mì, rồi 2 anh em cùng chia nhau ăn. Một ngày kia, người anh đến quán nước bên đường, đánh giày cho 1 người thanh niên với vẻ bề ngoài sang trọng, em mừng rỡ và hỏi thăm: "Nhà chú chắc gần ở đây ạ?" Người thanh niên giàu có chỉ tay về phía cuối con phố và đáp: "Nhà chú là căn nhà có cánh cổng màu trắng đó". Khi đánh xong, người thanh niên nói: "Tiền đánh giày của con là 12 ngàn, chú bo thêm cho con 8 ngàn nữa là 20 ngàn",  rồi người thanh niên rút tờ 100 ngàn ra đưa cho người anh, nhưng em không có tiền thối, em vội vã đi hỏi những người xung quanh nhưng cũng không một ai đổi cho em tiền. Người anh lễ phép nói với người thanh niên: "Chú đợi con 1 chút ạ! Con chạy sang bên kia đổi tiền rồi con quay lại thối cho chú". Người thanh niên đáp lại:"Ừ! Con lẹ lẹ dùm chú, chú trễ giờ làm". Và bi kịch bắt đầu xảy ra từ đây, sau một hồi lâu, không thấy người anh quay lại, những người ngồi xung quanh lên tiếng: "Hơi đâu mà ông đi tin mấy cái đứa đánh giày! Mấy cái đứa vô học đó!","Ông bị nó lừa rồi"! Người thanh niên tức giận, đứng lên và bỏ đi một mạch mà đâu hay rằng, lúc người anh đổi được tiền xong, vì sợ trễ giờ làm của người thanh niên, nên em vội vã băng qua đường, bỗng một chiếc xe hơi lao đến, hất em gục xuống đường, dù máu chảy khắp người, nhưng tay  em vẫn cố ôm chặt ổ bánh mình vừa mua được bằng số tiền đánh giày vừa kiếm được, người anh vẫn cố dặn em của mình phải đem tiền thối lại cho người thanh niên. Người em tới nhà người thanh niên theo lời anh mình và chờ đến khi người thanh niên về, lúc em đưa tiền thối lại, người thanh niên thắc mắc và hỏi, sao tiền dính máu không vậy con? Người em kể mọi chuyện cho người thanh niên nghe, và dẫn người thanh niên đến chỗ người anh. Dù muốn đưa em đến bệnh viện để chữa trị, nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Tấm thân nhỏ bé của em run lẩy bẩy vì mất quá nhiều máu, em ngẹn ngào nói: "Con xin lỗi chú vì đã để chú phải đợi, bây giờ không kịp nữa đâu, con xin chú mỗi ngày cho em con được đánh 1 đôi giày để đủ tiền mua 1 ổ bánh mì ăn", sau đó mắt em nhắm lại. Người thanh niên xúc động, hối hận vì đã hiểu lầm, và quyết định nhận người em làm con nuôi, chăm lo cho em có một cuộc sống tốt đẹp như bao đứa trẻ khác.
 
Câu chuyện khép lại với một cái kết xúc động, để lại biết bao điều khiến người ta phải suy ngẫm! Không phải bất kì ai cũng may mắn có được một gia đình hạnh phúc, có những người từ khi sinh ra đã phải mồ côi cha mẹ, sống trong hoàn cảnh rất khó khăn. Sư huynh của tôi chia sẻ: "Anh đi khám cho các em có hoàn cảnh khó khăn, thương lắm em ạ! Có em mẹ bị ung thư giai đoạn cuối, có em thì mồ côi cha mẹ nhưng vẫn học giỏi, tuy vậy nhưng các em vẫn sống mãnh liệt lắm"!  Tạo hóa thật trêu người, những thử thách đường đời, buộc con người ta phải tôi thép, mạnh mẽ hơn bao giờ hết để có thể vượt qua. Cũng như trong tác phẩm "Số phận con người", thông qua nhân vật Xô-cô-khốp nhà văn Sô-lô-khốp đã gửi đến đọc giả ý chí kiên cường của con người Nga, họ biết vượt lên, không để cho số phận đánh gục, biết gánh chịu nỗi đau do chiến tranh gây ra, quên mình vì hạnh phúc của đồng loại.

Có thể nói rằng cuộc sống vốn không công bằng với nhiều người, bởi chúng ta đâu có quyền chọn lựa chọn hoàn cảnh, nhưng nếu cố gắng thì mình vẫn có thể khắc phục, cải thiện được khó khăn. Chúng ta nên biết quý trọng những gì mình đã và đang có, có thể mình không may mắn được như những người khác, nhưng cũng đã may mắn hơn rất nhiều người. Tuy nhiên, cũng có một số người "lòng tham không đáy", "Đứng núi này trông núi nọ", "Được voi đòi tiên", khi mình đạt được điều gì đó nhưng thấy người khác hơn mình, mình lại muốn được hơn người khác, điều đó là không nên. Phật dạy chúng ta rằng: Tham, sân, si là kẻ thù lớn nhất của loài người, luôn tìm ẩn trong tâm ta, nó như đầu, thân, đuôi của một con rắn độc. Muốn diệt nó thì phải đánh vào đầu con rắn, tức là loại trừ cái tham trước!

Ngoài ra câu chuyện còn đề cập đến là quan điểm nhìn nhận đánh giá của mỗi người. Từ thuở khai sinh, xã hội không ngừng vận động và biến đổi theo quy luật khách quan, cho nên chúng ta cũng phải nhìn nhận mọi thứ một cách biện chứng, tức là nhìn nhận một cách tổng quát , theo nhiều chiều hướng khác nhau, chứ không nên nhìn nhận đánh giá một cách nhất thời, thuận theo một chiều, kiểu như "quơ đũa cả nắm". Có những người hành động lỗ mãng, chúng ta đánh giá họ là người xấu nhưng cũng không hẳn họ là người xấu, nếu họ biết cải nghiệp, tu tâm dưỡng tính, thì điều đó rất đáng để chúng ta trân trọng, nhưng ngược lại cũng có những con người bề ngoài tỏ ra mình nhân hậu, tốt bụng, nhưng sâu thẳm bên trong thâm tâm độc ác, xấu xa. Mặc dù các em chỉ là những đứa trẻ đánh giày, không được ăn học, chăm lo, nhưng các em vẫn giữ được cái thiện, chữ tín, bất chấp tất cả vẫn đem tiền thối trả lại cho người thanh niên.

Suy cho cùng người anh và người em rơi vào hoàn cảnh như vậy, phần lỗi lớn nhất là nằm ở đấng sinh thành. Trẻ  em chính là mầm non đất nước, là tương lai của dân tộc, các em cần được chăm sóc, được học hành, để mai sau trở thành những công dân tốt của xã hội. Tất nhiên không phải bất kì một đứa trẻ nào khi sinh ra cũng may mắn có được một gia đình hạnh phúc, được đến trường mỗi ngày, được lo cho từng cái ăn, cái mặc. Lúc đó phần lỗi lớn nhất có lẽ nằm ở đấng sinh thành. Chúng ta đã ban cho các em cuộc đời này, nhưng lại bỏ các em bơ vơ giữa trường đời. Cũng có không ít những trường hợp, sau khi sinh con nhưng vì đứa bé không được như mình mong muốn, họ lại sẵn sàng vứt bỏ con của chính mình, tất cả điều đó liệu có đáng trách, đáng để lên án hay không? Cách ứng xử và giáo dục của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với con cái. Có thể nói chuyện vợ chồng xích mích, cãi nhau, dẫn đến li dị xảy ra như cơm bữa trong cuộc sống hiện nay, nhưng đã có bao giờ các bạn ngồi lại và suy nghĩ rằng cái kết sau cùng của việc đó, ai sẽ là người chịu nhiều khổ đau nhất chưa?

Trong các mối quan hệ con người, có thể nói rằng mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là thiêng liêng nhất. Nhưng mỗi khi đề cập đến mối quan hệ trên, người ta hầu như chỉ nói đến tấm lòng hiếu thuận của người con, mà không chú ý đến cách giáo dục, vai trò đạo đức của đấng sinh thành. Theo lời Phật dạy, cha mẹ sinh con cái ra để thể hiện tình thương yêu đối với một phần máu mủ và sự sống của chính mình. Cái cốt của đạo Phật chính là giáo dục "nhân cách" của con cái, khi chữ "nhân" ở mỗi người được đánh thức thì không chỉ đem lại hạnh phúc cho người khác mà chính bản thân chúng ta cũng được sống trong niềm vui, sự thanh thản. Để làm được điều đó, những đấng sinh thành phải sáng suốt, luôn luôn lắng nghe và học theo những lời Phật dạy, để từ đó trở thành tấm gương sáng cho con mình.

Thông điệp quan trọng nhất mà câu chuyện muốn gửi gắm đến với chúng ta, đó chính là tình thương. Tình thương có thể hiểu là tình cảm thương yêu giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên vạn vật. Ta thấy chính tình thương của người anh dành cho người em trong câu chuyện trên đã cảm hóa được trái tim của người thanh niên giàu có. Tình thương làm cho chúng ta biết, đồng cảm, sẻ chia, sống đẹp không nhỏ nhen, ích kỉ. Từ lâu, chúng ta đã nhận thức được ý nghĩa của tình thương "Tình thương là hạnh phúc của con người".

Cuộc sống là như vậy đó, sóng gió luôn ập đến để thử thách chúng ta, trong những hoàn cảnh ấy, con người mới thấu hiểu và trân trọng giá trị mà tình thương mang lại. Vì vậy mỗi khi gặp khó khăn hay thấy người khác gặp khó khăn, chúng ta đừng bi quan, trách phận mà hãy lấy tình thương làm lẽ sống, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này đẹp biết bao.

"Em đã làm gì sai mà ai nỡ sinh em ra trên cuộc đời

Ban cho em kiếp mồ côi ôi lạc loài

Em đã làm gì sai mà nỡ bỏ rơi em đứng giữa chờ đợi

Không cho em tình thương của cha mẹ

Khi màn đêm bủa vây là lúc cô đơn tràn về

Cơn mưa đêm dường như khóc cho em

Bàn tay em bé xíu biết nương nhờ vào ai

Để em được như bao người khác

Đời em cũng ước mơ những ước mơ nhỏ nhoi

Bước bên em chỉ có cha mẹ thôi

Bàn chân em nhỏ bé biết phải đi về đâu

Khi con đường tương lai em mịt lối

Ngàn con tim hãy ôm mở vang rộng vòng tay

Hãy cho em được sống trong tình thương"
 


Ảnh cắt từ clip
 
Mỗi khi những câu hát ấy ngân lên, lòng tôi lại nhớ về hình ảnh hai đứa trẻ lang thang trên những con phố với tiếng rao: "Anh ơi! Anh đánh dùm em đôi giày đi anh!", "Chú ơi! chú đánh giày không chú?" Chạnh lòng mà thấy mình sống sao vô tâm quá! Tôi vẫn luôn mơ về một xã hội, nơi mà mọi người biết quan tâm, chia sẻ với nhau.

Xung quanh ta còn biết bao mảnh đời bất hạnh cần được giúp đỡ, san sẻ yêu thương.Xin đừng thờ ơ với họ! Chúng ta hãy rộng mở tấm lòng để giúp họ vượt lên hoàn cảnh. Chắc hẳn rồi một ngày nào đó, mình sẽ thấy rằng cuộc đời này thật đáng sống và đẹp biết bao!
 
 
 
 
 
Tác giả bài viết: Quảng Thiện - Trương Hữu Dụng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin