Chi tiết tin tức

Đôi điều về Phật giáo với Tuổi trẻ

21:10:00 - 20/01/2021
(PGNĐ) -  Tuổi trẻ cần được học hỏi để sống với tinh thần bao dung và đạt được giá trị hạnh phúc an vui theo tinh thần đạo Phật, cần được hướng dẫn để ứng dụng lời Phật dạy, biết làm lành lánh dữ, theo con đường hướng thiện, biết chọn cho mình những người bạn tốt, những bậc thiện tri thức mà giao lưu, học hỏi.

Câu ca “Trẻ vui nhà, già vui chùa” đã là quan niệm ăn sâu trong tâm trí người Việt Nam. Thế nhưng suy nghĩ cho rằng đạo Phật chỉ dành riêng cho người già đến chùa để an ủi tuổi già, hoặc chùa là nơi để những người vấp ngã trên đường đời đến nương tựa… là hết sức lạc hậu và sai lầm. Cũng do quan niệm sai lầm đó nên khi thấy một người trẻ cạo tóc xuất gia hoặc đến chùa lễ Phật thì có một bộ phận người dân suy nghĩ là do chán đời, thất tình… Họ đâu có hiểu được đạo Phật chính là đạo của tuổi thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết với những lý tưởng cao đẹp. Đức Phật xuất gia khi tuổi đời của ngài đang căng tràn nhựa sống. Ngài đã từ bỏ ngôi vị thái tử, từ bỏ cung điện, gia đình để đi tìm con đường giải thoát. Đức Phật của chúng ta bỏ lại tất cả, Ngài đi tìm con đường giải thoát để cứu khổ chúng sinh bằng mọi phương tiện và mọi hình thức, đó là hy sinh đời mình để mưu cầu hạnh phúc cho chúng sinh, tâm rộng mở để bao trùm cho tất cả mọi loài trong tình thương bình đẳng.

Tôn giả Da-xá, một thanh niên giàu sang, duyên may được gặp Đức Phật tại vườn Lộc Uyển, được Đức Phật tiếp độ và được chứng quả A-la-hán. Tiếp đó là 4 người bạn cũ của Tôn giả, cũng là những thanh niên con nhà quyền quý, noi gương ngài, đến với Đức Phật và cũng được chứng Thánh quả A-la-hán. Rồi 50 thanh niên bạn của ngài cũng đến xin gia nhập Tăng đoàn, ít lâu sau, tất cả đều trở thành A-la-hán. Như thế, Tăng đoàn đầu tiên của Đức Phật gồm hầu hết là những người trẻ.

Tuổi trẻ cần được hướng dẫn để ứng dụng lời Phật dạy, biết làm lành lánh dữ, đi theo con đường hướng thiện, biết chọn cho mình những người bạn tốt, những bậc thiện tri thức mà giao lưu, học hỏi.

Tuổi trẻ cần được hướng dẫn để ứng dụng lời Phật dạy, biết làm lành lánh dữ, đi theo con đường hướng thiện, biết chọn cho mình những người bạn tốt, những bậc thiện tri thức mà giao lưu, học hỏi.

Phật giáo cũng luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, dù lúc hưng thịnh hay trong cảnh thăng trầm. Đất nước phát triển thì Phật giáo xương minh; đất nước suy vong, Phật giáo một lòng cùng non sông giữ gìn quê cha đất tổ. Đồng hành cùng dân tộc nghĩa là đạo Phật luôn có trách nhiệm góp phần kiến tạo xã hội ổn định, tươi trẻ, nhiệt huyết và giàu sức sống đạo đức, nhân văn, nhất là đối với thế hệ trẻ. Công cuộc giáo dục thế hệ trẻ, hướng cho các em đến với một sân chơi bổ ích trong ngôi nhà Phật pháp là điều mà lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hết sức chú trọng, từ đó có thể đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ cuộc sống an bình cho xã hội, đất nước Việt Nam.

Làm thế nào để xây dựng mô hình hoạt động Phật giáo dành riêng cho giới trẻ? Làm thế nào để giải quyết những vấn đề xuống dốc đạo đức của một bộ phận tuổi trẻ? Làm thế nào để sử dụng tài nguyên tuổi trẻ, giáo dục thế hệ trẻ sống và trở thành người có ích cho xã hội? Tuổi trẻ chính là sức mạnh, là nền tảng của quốc gia, vậy chùa, tự viện có giải pháp gì để trở thành ngôi nhà thứ hai của tuổi trẻ?

Hiện nay, có một bộ phận giới trẻ có cách sống thực dụng, manh động trong suy nghĩ và hành động, bất hiếu với cha mẹ, bất kính thầy cô, thích hưởng thụ, ăn chơi… đa phần không có khái niệm về nhân quả, không ý thức được phải trái trong đời, coi trọng vật chất, bỏ qua những giá trị đạo đức, truyền thống căn bản của người Việt. Chuẩn mực đạo đức ngày càng bị xem nhẹ khi liên tiếp có những sự việc bạo lực trong học đường và khi xảy ra thì chúng ta quy trách nhiệm cho nhà trường, gia đình, xã hội… Những năm qua, Phật giáo không hề đứng ngoài những vấn nạn của xã hội. Từ nhiệm kỳ VI, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng thuận và cho phép Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thành lập Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử. Kể từ đó đến nay từng bước Phân ban đã kiện toàn cơ cấu nhân sự từ cấp cơ sở ở các tự viện, đến cấp quận, huyện, tỉnh; thành lập các Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử… tổ chức nhiều hội trại, khóa tu tại các vùng miền dành cho thanh thiếu niên trên toàn quốc… đã thu hút được sự quan tâm của các phụ huynh, đặc biệt là giới trẻ.

Người trẻ còn trước mặt cả một con đường dài, còn sức khỏe, còn sự tự tin, phải biết luôn tu dưỡng thân tâm, làm giàu trí tuệ, sống lạc quan, sống hạnh phúc không bi quan, không đầu hàng khi đối mặt với những khó khăn, không phụ thuộc vào sự may rủi để hưởng thụ.

Người trẻ còn trước mặt cả một con đường dài, còn sức khỏe, còn sự tự tin, phải biết luôn tu dưỡng thân tâm, làm giàu trí tuệ, sống lạc quan, sống hạnh phúc không bi quan, không đầu hàng khi đối mặt với những khó khăn, không phụ thuộc vào sự may rủi để hưởng thụ.

Các hội trại, khoá tu do Giáo hội, chùa, tự viện tổ chức đã thu hút được đông đảo phụ huynh và các em thiếu nhi tham gia. Kết thúc mỗi khoá tu, hội trại, có những tâm tư, tình cảm, những điều thầm kín trong ngày sống, sinh hoạt đã được các em viết ra, tuy nét chữ thô sơ và nguệch ngoạc, nhưng đâu đó, chính là những cảm xúc chân thật mà các em muốn gửi đến quý thầy, quý sư cô, các anh chị tình nguyện viên và những bạn đang ở bên cạnh mình.

Trong Hội trại “Hào khí miền Đông” được tổ chức ở Thiền viện Phước Sơn – Đồng Nai cho 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ vào năm 2018, bạn Trúc Linh – trại sinh chia sẻ: “Thế là kỳ Hội trại đã trôi qua trong những niềm vui khôn xiết, con và các bạn đã cùng có mặt bên nhau trong những khoảnh khắc tuyệt vời của tuổi trẻ – tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời. Nhìn lại những ngày qua, từ ngày chân ướt chân ráo đặt chân về đất trại trong sự bỡ ngỡ, lạ lùng, tuy vậy, con vẫn cảm nhận được sự nhiệt tình, nhiệt tâm, tình thương yêu của quý thầy cô dành cho chúng con. Gần 5.000 trại sinh và các anh chị tình nguyện viên không chỉ lo ăn uống, quý thầy cô còn lo đến chỗ ngủ an toàn, khu vệ sinh tiện lợi, đủ đầy cho chúng con từ khi Hội trại bắt đầu cho đến ngày kết thúc. Nhiều đêm chợt thức giấc, con vẫn thấy phòng ban tổ chức đèn vẫn sáng, quý thầy cô còn lo họp bàn và chuẩn bị chương trình ngày mai.

Quý thầy cô nhiều ngày liền ngủ không đủ giấc, ăn không đủ bữa. Biết bao nhiêu mồ hồi đã đổ xuống vì tất cả chúng con, vì tương lai đạo pháp và dân tộc. Chúng con thấy mình thật hạnh phúc, may mắn khi đến nơi đây và học hỏi được nhiều điều bổ ích mà ngoài thế giới rộng lớn bao la kia chúng con không thể nào học được. Cảm ơn quý thầy cô, các anh chị tình nguyện viên, cảm ơn kỳ Hội trại thân thương này đã cho con có được những kỷ niệm đẹp cùng những cảm xúc khó quên. Tấm lòng này con xin gìn giữ, nghĩa cử này con xin khắc ghi. Mai này, trong cuộc sống hàng ngày, con vẫn nhớ những lời giảng quý báu từ qúy thầy cô, khắc ghi bao tình cảm ấm nồng và tấm chân tình mà các anh chị tình nguyện viên đã dành cho chúng con. Tương lai, dù con có là ai, có đứng ở vị trí nào trong xã hội, con hứa sẽ cố gắng sống tốt, sống có đạo đức và có trách nhiệm với chính mình, gia đình và xã hội”.

Tuổi trẻ cần được học hỏi để sống với tinh thần bao dung và đạt được giá trị hạnh phúc an vui theo tinh thần đạo Phật.

Tuổi trẻ cần được học hỏi để sống với tinh thần bao dung và đạt được giá trị hạnh phúc an vui theo tinh thần đạo Phật.

Có thể khẳng định rằng hơn mười năm đi vào hoạt động, bằng sức trẻ của mình, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng toạ Thích Phước Nghiêm, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, Trưởng Phân ban Thanh thiếu niên Phật tử, quý Tăng, Ni trẻ trong phân ban đã đồng hành và hướng dẫn và các bạn thanh thiếu nhi biết đến đạo Phật, đã từng bước tạo nên một phong trào tu học đầy khởi sắc trong phạm vi cả nước. Nhiều khóa tu, hội trại mùa hè được tổ chức khắp nơi. Có thể nói, các Hội trại Tuổi trẻ Phật giáo và các khóa tu mùa hè có ảnh hưởng nhất định đối với giới trẻ, là sân chơi được các bạn trẻ thanh thiếu niên học sinh, sinh viên mong đợi mỗi khi hè về ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Thông qua các khóa tu, các em được khuyến khích hun đúc tinh thần từ bi, tương thân tương ái, quan tâm và phụng sự cộng đồng, sống và làm việc theo pháp luật, rời xa các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa văn minh tại khu dân cư, cùng nhau làm đẹp nền đạo đức xã hội… Mỗi khoá tu kết thúc, các bạn trẻ sẽ góp nhặt được cho mình hành trang để bước vào tương lai tươi sáng. Các bạn sẽ vững chãi, tự tin vì được rèn luyện kỹ năng sống, cách đối nhân xử thế thuần thiện, sống đẹp và sống hữu ích cho đạo pháp và dân tộc.

Chỉ có nhân cách và đạo đức mới theo ta suốt hành trình cuộc đời.

Chỉ có nhân cách và đạo đức mới theo ta suốt hành trình cuộc đời.

Để phát huy vai trò tích cực trong sự nghiệp giáo dục thanh thiếu niên và tập trung mô hình chương trình truyền bá Chánh pháp cho tầng lớp thanh thiếu niên, cung cấp những kỹ năng và nghệ thuật sống hạnh phúc cũng như nhận thức về giá trị thực của đời người theo tinh thần Phật giáo, Phân ban Thanh thiếu niên Phật tử Trung ương đã xuất bản 1.000 bộ Giáo trình Phật pháp vào đời, gồm 5 tập dành cho Thanh thiếu nhi Phật tử; Tiếp tục tái bản 1.000 cuốn Cẩm nang Hội trại – Khóa tu; Hướng dẫn thành lập các Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử tại các tự viện trên phạm vi toàn quốc… Việc này là nhằm thu hút giới trẻ quan tâm đến nền đạo đức tâm linh của Phật giáo, định hướng cho giới trẻ: Thiết lập một niềm tin vững chắc giữa gia đình và nhà chùa; có một niềm tin vững chắc về cuộc sống, về giá trị đạo đức xã hội, về đạo hiếu thảo với ông bà cha mẹ, về nhân quả công bằng của những hành động, đặc biệt là niềm tin tâm linh Phật giáo; đưa những câu chuyện Phật pháp gắn với xã hội, đời thường trong các buổi sinh hoạt hoằng pháp ở chùa để các em thấm nhuần luật nhân quả, luân hồi, nghiệp báo…; rèn luyện nền tảng đạo đức vững chắc giáo dục cho các em có tư duy phân biệt rõ, tốt xấu hư thực và có khả năng kiểm soát các hành vi của chính mình bằng những bài pháp sinh động, cụ thể và phù hợp với mọi lứa tuổi.

Tuổi trẻ cần được học hỏi để sống với tinh thần bao dung và đạt được giá trị hạnh phúc an vui theo tinh thần đạo Phật. Các em cần được hướng dẫn để ứng dụng lời Phật dạy, biết làm lành lánh dữ, đi theo con đường hướng thiện, biết chọn cho mình những người bạn tốt, những bậc thiện tri thức mà giao lưu, học hỏi; nhờ vậy, tuổi trẻ mới có được những tháng năm thành công và hạnh phúc. Bởi chỉ có nhân cách và đạo đức mới theo ta suốt hành trình cuộc đời; người trẻ còn trước mặt cả một con đường dài, còn sức khỏe, còn sự tự tin, phải biết luôn tu dưỡng thân tâm, làm giàu trí tuệ, sống lạc quan, sống hạnh phúc không bi quan, không đầu hàng khi đối mặt với những khó khăn, không phụ thuộc vào sự may rủi để hưởng thụ. Dù gặp mọi khó khăn, gian nguy vẫn nỗ lực để vượt qua, đó chính là chiếc chìa khóa đưa chúng ta đến bến bờ của thành công, hạnh phúc, trở thành người hữu dụng cho đời, góp phần xây dựng cho quê hương đất nước ngày càng vững mạnh.

 

Hồ Thủy

  •  
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin