Chi tiết tin tức

Giới trẻ “đỏ mắt” tìm nơi tu học

19:36:00 - 16/05/2017
(PGNĐ) -  Việc Phật giáo có vẻ như chưa đặt nặng vấn đề thu hút người trẻ đến với các khóa tu học, khiến cho một bộ phận giới trẻ có tâm hướng về Phật pháp loay hoay tìm kiếm cho mình một địa chỉ sinh hoạt tâm linh phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và độ tuổi.

Khan hiếm khóa tu cho tuổi trẻ

Một ngày đầu tháng Ba, tôi nhận được một tin nhắn với nội dung: “Khang biết ở đâu có chùa nhỏ nhỏ thôi mà cho người vào ở để tịnh tâm tu tập hay lấy lại cân bằng gì không?”. Tôi liền giới thiệu vài địa chỉ thường hay tổ chức khóa tu dành cho giới trẻ cho người bạn của tôi nhưng điểm lại chưa được 5 địa chỉ có khóa tu phù hợp như yêu cầu của bạn. 

Anh 1, PGTT 895.jpg
Bạn trẻ về chùa Hoằng Pháp (TP.HCM) dự khóa tu mùa hè - Ảnh: H.P

Quanh đi quẩn lại chỉ thấy điển hình một số địa chỉ tự viện thường niên, uy tín và có tiếng như chùa Hoằng Pháp, chùa  Phổ Quang, tu viện Tường Vân, chùa Giác Ngộ và một số địa chỉ tu học quy mô vừa và nhỏ khác trên địa bàn TP.HCM. Rộng ra các tỉnh thành khu vực miền Nam cũng không nhiều trung tâm tu học có tiếng và được nhiều người biết đến. Chủ yếu các chùa hoạt động trong phạm vi Phật tử có giới hạn vì nhiều lý do, và đối tượng các khóa tu thường chỉ tập trung từ trung niên đến lão niên mà chưa chú ý nhiều đến bộ phận giới trẻ. Trong khi đó, số lượng sinh viên - một bộ phận đông đảo của giới trẻ ở TP.HCM ước tính hơn 50.000 và tiếp tục tăng trong những năm sắp tới.

Tôi thử dùng Google để tìm cụm từ “khóa tu tuổi trẻ” và nhận được 906 ngàn kết quả trong khi với cụm từ “liên minh huyền thoại” thì đến hơn 2 triệu kết quả được trả về. Mặc dù Google chỉ là một phép tính tham khảo nhưng kết quả này cũng phản ánh được phần nào sự quan tâm của giới trẻ đối với hai đối tượng kể trên.

Việc Phật giáo có vẻ như chưa đặt nặng vấn đề thu hút người trẻ đến với các khóa tu học, khiến cho một bộ phận giới trẻ có tâm hướng về Phật pháp luôn loay hoay tìm kiếm cho mình một địa chỉ sinh hoạt tâm linh phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và độ tuổi. Tham gia mãi khóa tu với các chú, các bác, các cô đáng tuổi ông bà cha mẹ mình với các hoạt động tụng các bản kinh Hán - Việt khó hiểu, những chủ đề thuyết giảng chưa phù hợp và không mang tính ứng dụng cao trong đời sống giới trẻ khiến các bạn nảy sinh tâm lý chán nản và dần bỏ cuộc. Đang khi tâm lý giới trẻ luôn năng động, thích những gì tươi mới và mong muốn cống hiến sức trẻ, khỏe của mình để làm đẹp cho đời thì chưa có nhiều khóa tu đáp ứng cho các bạn những điều kiện đó.

Đã có thời điểm một khóa tu mùa hè ở chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM) nhận hơn 6.000 bạn trẻ đăng ký tu học và sau đó Ban Tổ chức phải giới hạn mức tối đa 3.000 tu sinh cho các khóa tu mùa hè tiếp theo để đảm bảo chất lượng tu học, cho thấy sự khan hiếm khóa tu cho người trẻ đã cực sốt như thế nào.

Như nắng hạn gặp mưa rào

Cơn khát khóa tu cho người trẻ phần nào được giải tỏa khi thời gian gần đây quý thầy, quý sư cô trụ trì các tự viện đã bắt đầu quan tâm và đặt trọng tâm hoằng pháp sang độ tuổi vị thành niên và thành niên. Nhìn lại phong trào tổ chức khóa tu cho giới trẻ ở miền Nam gần đây thật sự có sự khởi sắc. Nhiều chùa đã mạnh dạn tổ chức thường xuyên và thường niên các khóa tu. Một số địa chỉ tự viện có khóa tu, ngày tu học cho người trẻ như chùa Hoằng Pháp, chùa Giác Ngộ, chùa Vạn Đức, tu viện Khánh An, tịnh xá Trung Tâm, Pháp viện Minh Đăng Quang… ở TP.HCM, chùa Thiên Quang ở Bình Dương… Những địa chỉ nêu trên một mặt đã mở rộng đường cho công tác hoằng pháp trong giới trẻ, mặt khác đã giúp cho giới trẻ không phải đau đầu tìm một địa chỉ để sinh hoạt tâm linh.

Với tư cách là người trẻ từng tham dự các khóa tu dành cho người trẻ từ những ngày đầu thành lập, nhận xét khách quan thì các khóa tu đã có sự chuyển biến tích cực về mặt nội dung lẫn hình thức thể hiện. Tuy nhiên, nếu nhìn trực diện vào vấn đề các khóa tu dành cho giới trẻ có thực sự đáp ứng những nhu cầu và mong mỏi của người trẻ hay không thì phải công tâm trả lời là chưa tương xứng. Lấy ví dụ như người bạn của tôi đang căng thẳng và mệt mỏi vì chuyện học tập và cuộc sống thường nhật, mong muốn tìm một địa chỉ để “tịnh tâm tu tập” và “lấy lại sự cân bằng” nhưng được mấy trung tâm tu học giải quyết được điều đó mà có giải quyết được thì cũng phải đợi đến đợt mở khóa tu.

Có thể thấy nhu cầu giải tỏa tâm lý bằng sự tu tập là cấp thiết và cái mà các bạn trẻ đang cần là một nơi có thể đến ở và tu tập bất cứ lúc nào, đồng thời giải tỏa được gút mắc về tâm lý và khó khăn trong cuộc sống. Trong đó sinh viên là một bộ phận thường xuyên bị bế tắc, đặc biệt là những bạn sinh viên xa nhà vào TP.HCM học tập. Điểm đặc trưng của bộ phận này là tâm lý ở xa ba mẹ, người thân, dễ bị cám dỗ khi thay đổi môi trường sống từ thôn quê lên đô thị lớn như TP.HCM và không có nhiều tiền để đến gặp các chuyên gia tâm lý. Không ít trường hợp sinh viên sống và học tập trong Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM giải quyết khó khăn gặp phải trong cuộc sống bằng cách tự kết thúc cuộc đời ở hồ đá.

Một ngày tu học, một buổi nói chuyện chừng vài tiếng tại các trung tâm tu học, tự viện sẽ có giá trị hết sức to lớn trong các trường hợp như vậy. Nó có thể giúp các bạn trẻ lấy lại cân bằng và tự tin, dũng mãnh đương đầu giải quyết gút mắc đang gặp phải. Các chuyên gia về y học và tâm lý đều công nhận rằng thiền tọa, thiền hành, tụng kinh và các phương pháp tâm linh khác đều mang lại giá trị trị liệu rất tốt cho người đang khủng hoảng tâm lý dưới sự hướng dẫn của chuyên gia. Mà chuyên gia về lĩnh vực tâm linh không ai khác ngoài quý thầy, quý sư cô có nghiên cứu, học tập, có sự quan tâm đối với giới trẻ và hơn hết là hướng dẫn các bạn đi đúng con đường Chánh pháp.

Cuối cùng, như một lời bộc bạch với quý thầy, quý sư cô đã, đang và sẽ có tâm nguyện hoằng pháp trong giới trẻ hãy mạnh dạn đổi mới cả nội dung lẫn hình thức để thu hút các bạn trẻ. Chính sự năng động, nhiệt huyết và sức cống hiến của tuổi trẻ mới làm cho Phật pháp trường tồn. Riêng tôi, tôi ước rằng một ngày nào đó các bạn trẻ nói với nhau: “Ngày mai được nghỉ, chúng mình tới chùa tu học đi!” thay vì “Ngày mai nghỉ học, tao với mày cày game ha!”.

Tấn Khang

 

Anh 2, PGTT 895.jpg

* HT.Thích Chơn KhôngTrưởng ban Hướng dẫn Phật tử PG TP.HCM (ảnh): “Trong thời buổi hiện đại và nhu cầu cuộc sống ngày càng cao thì những vấn đề về mặt tinh thần cũng được chú trọng. Nên ngày càng có nhiều khóa tu được tổ chức tại các tự viện... nhằm tạo một môi trường học tập tâm linh trong đời sống cũng như một sân chơi bổ ích cho giới trẻ. Tuy nhiên, việc tổ chức các khóa tu mặc dù có phát triển nhưng vẫn chưa ổn định do thiếu nguồn nhân lực, nếu có nguồn nhân lực dồi dào thì sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn. 

Bên cạnh đó bản thân tôi rất quan tâm đến chất lượng nội dung lẫn hình thức tổ chức. Vừa qua, Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) đã tổ chức tập huấn về vấn đề sinh hoạt tu học với sự tham gia của gần 700 chư Tăng Ni và quý Phật tử có đạo tâm yêu quý các bạn trẻ. Và ngày 3-3 vừa qua, Ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư cũng đã công bố thông tư hướng dẫn cụ thể nhằm giúp các đơn vị có thể tổ chức các khóa tu sinh hoạt một cách bài bản và gợi ý cụ thể về nội dung tu học. 

Tôi hy vọng các khóa tu học sẽ đạt được mục tiêu mang lại nhiều điều bổ ích cũng như thu hút được càng nhiều bạn trẻ đến với ngôi nhà tâm linh, đây cũng giống như một sân chơi lành mạnh để cùng nhau vui tu học giúp cho các bạn trẻ có thể lắng mình và nhận thức khác hơn để hoàn thiện nhân cách đạo đức cũng như giảm thiểu những mặt tiêu cực thường ngày”.

Minh Hồng ghi

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin