Chi tiết tin tức Nhà văn trẻ đi gieo sách, truyền lửa đọc cho học trò 22:38:00 - 26/11/2019
(PGNĐ) - Văn Thành Lê - nhà văn sinh năm 1986 nhưng đã sở hữu 13 cuốn sách in riêng cùng nhiều đầu sách in chung, nhiều bài báo, giới thiệu sách thú vị.
Với sở trường văn, thơ cùng tài ăn nói dí dỏm, từng là giáo viên tại Bà Rịa-Vũng Tàu, lại đang công tác ở Nxb Kim Đồng (Chi nhánh tại TP.HCM) nên anh thường xuyên có các cuộc giao lưu, chia sẻ về sách, khuyến khích tinh thần đọc sách, xốc dậy văn hóa đọc trong học trò ở nhiều trường tiểu học, THCS. Nhà văn Văn Thành Lê có cuộc trò chuyện với Giác Ngộ về việc “gieo sách”, giá trị của đọc để viết và sống với sách: - Nhiều người cho rằng tình yêu với sách trong xã hội đang đi xuống, bi quan hơn còn nói đi xuống theo phương thẳng đứng, trẻ em ít quan tâm đến sách. Nhưng đến nhiều trường học, trực tiếp trò chuyện và đưa sách đến gần với các em, tôi nhận ra không phải vậy. Học sinh vẫn thích sách, hào hứng với sách. Do sách ở xa tầm tay của các em hơn tivi, điện thoại, máy tính… nên các em bị các phương tiện giải trí khác “dắt mũi”, chứ không phải các em thờ ơ với sách. Nhìn ánh mắt nhiều em, nhất là ở vùng sâu vùng xa, lần đầu được cầm trên tay những cuốn sách in màu với minh họa sinh động, tôi nghĩ sách vẫn đầy hấp lực với các em. Có em chọn sách kỹ năng sống, có em lại thích sách khoa học thưởng thức, khám phá sự vật hiện tượng quanh mình, có em thích sách tranh truyện, có em thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa hoặc sách văn học…
Trẻ không thích đọc do… người lớn! * Tham gia công tác xuất bản, anh thấy thị trường sách đã có những đầu sách thu hút người trẻ tìm đọc chưa? - Nhà văn Văn Thành Lê: Người trẻ là lực lượng tạo ra động lực cho các đơn vị xuất bản. Vì đây là phổ tuổi đọc sách nhiều nhất. Nếu để ý thị trường sách vài năm qua, sẽ thấy có rất nhiều đầu sách thu hút người trẻ. Lớp sách sau đè lớp sách trước. Nhưng quan trọng hơn, là người trẻ đã có những bước chuyển mình, nâng trình đọc của mình lên, từ loại sách tạm gọi là ngôn tình dần chuyển qua thể loại du ký, trải nghiệm cá nhân, rồi sách nhận diện giá trị bản thân, khuyến khích khởi nghiệp, bước qua giới hạn của chính mình… Đây là những thể loại luôn có những đầu sách best seller (bán chạy). Ngoài ra, sách văn chương hàn lâm, sách thuộc dạng khai trí đang dần hút thêm độc giả, dẫu không quá ồn ào, nhưng là tín hiệu mừng, vì trước tới nay độc giả của thể loại sách này chưa bao giờ là số đông. * Nắm bắt xu hướng đọc đó của người đọc trẻ (bạn đọc tiềm năng), theo anh, làm sao khuyến khích họ đọc sách nhiều hơn? - Thói quen đọc sách của người trẻ thành hình từ thời trẻ con. Mà trẻ con bao giờ cũng vô tội. Trẻ con không thích đọc sách là lỗi của người lớn. Chỉ cần mỗi cá nhân/ tổ chức làm tròn vai của mình chắc chắn việc đọc sách của trẻ con sẽ khác. Chúng ta cần những cuốn sách hay, điều này các đơn vị xuất bản đã làm, theo tôi là làm càng ngày càng tốt, thị trường sách phong phú, cả sách trong nước lẫn sách dịch , ngoài nội dung còn đầu tư mạnh về hình thức, công nghệ in ấn, mỹ thuật sinh động, làm mới để tác động kích thích thị giác người đọc. Tất nhiên, thi thoảng vẫn có những cuốn sách dính “sạn”, nhưng không đáng kể, nếu người biết chọn sách thì đây không là trở ngại. Còn lại là việc của gia đình và nhà trường. Tôi tin, nếu trong nhà mà bố mẹ có thói quen đọc sách, nơi trang trọng nhất là tủ sách chứ không phải tủ rượu, thì trẻ con lớn lên cũng tự khắc thích đọc sách. Nếu ở trường, thư viện luôn cập nhật các đầu sách mới, sách hay, không gian đẹp đủ sức hút, hay mỗi lớp học có tủ sách be bé, học sinh có các hoạt động đổi sách cho nhau, nhà trường có tiết học hướng dẫn đọc sách, khơi gợi tình yêu với sách, cảm nhận về cuốn sách mà em yêu thích, thì học sinh lớn lên chắc chắn sẽ không thờ ơ với sách. Với các em vùng sâu vùng xa, những năm gần đây có nhiều cá nhân, tổ chức/ đơn vị thiện nguyện xây dựng các tủ sách cho các trường, cho cộng đồng. Hoạt động tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt. Tôi cứ nghĩ, giá như những tỷ phú, triệu phú mỗi năm “nhón tay làm phúc” một chút cho các tủ sách/ thư viện thì mặt bằng dân trí vùng sâu vùng xa dần dần chắc sẽ khác, trẻ con lớn lên cũng sẽ khác. Tóm lại, là làm sao để những cuốn sách hay đến được gần hơn với đầu giường và lớp học của các bạn nhỏ. Đọc sách để đẹp hơn * Là người viết, anh nghĩ chuyện đọc sách giúp ích như thế nào cho người cầm bút cũng như con người nói chung? - Để cái duyên, sự may mắn và tài năng thiên bẩm trời cho sang một bên, tôi nghĩ, với người viết cần thêm ba yếu tố nữa, là đi (để trải nghiệm, tri nhận về cuộc sống quanh mình) - đọc (để học hỏi, thu nạp kiến thức, tránh lối mòn người khác đã viết) - viết (viết đều đặn, liên tục để hoàn thiện năng lực chữ của mình). Sẽ thật khó tin, nếu như ai đó là người viết mà lại không đọc sách. Còn đọc sách giúp ích gì cho con người nói chung, thì trò chuyện với các em, tôi vẫn hay nói toàn bộ trí khôn của nhân loại đều nằm trong sách. Đến với sách là đến với tri thức của thế giới, ở đủ mọi lĩnh vực, tùy nhu cầu tìm hiểu của mỗi người, ở các độ tuổi khác nhau để chọn sách phù hợp cho mình. Cụ thể hơn nữa, đọc sách giúp các em có vốn từ vựng phong phú, hoàn thiện dần khả năng diễn đạt, cả trong ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Sách còn kích thích khả năng tưởng tượng ở mỗi người. Mà tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức, Einstein bảo thế, bởi mọi phát minh, sáng chế khoa học hay sáng tạo nghệ thuật đều khởi đi từ trí tưởng tượng, vượt khỏi khung hiện thực dẫu đứng trên nền hiện thực. Các nhà khoa học còn thống kê và chỉ ra, những người đọc nhiều sách thường có tuổi thọ kéo dài, sự suy giảm trí nhớ chậm hơn, sống nhân văn, dễ chia sẻ với xung quanh và xác suất làm điều ác thấp hơn những người ít đọc sách. Và đọc sách còn để thư giãn, giải trí nữa. Vai trò của sách còn có thể kể ra được dài dài. Không ăn uống con người ta sẽ chết, còn không đọc sách thì con người vẫn sống, nhưng với những người có thói quen đọc sách tự nhiên như ăn uống thì chắc chắn sẽ sống với một tâm hồn/ tâm thế khác, tự tin và đẹp hơn…
* Từng là người đứng lớp, anh đã từng giúp cho học trò nào yêu đọc sách? Cách nào để rèn thói quen tốt này thay vì ôm điện thoại? - Người ta vẫn hay có thói quen khoán trắng mọi thứ cho nhà trường và thầy cô. Trong khi mọi thứ phải bắt đầu từ gia đình. Thời còn dạy học, tôi từng tập hợp các em yêu văn, thích viết văn, đọc sách, cổ vũ các em đọc và viết. Còn để rèn thói quen, tôi nghĩ, vẫn phải từ bé. Giáo dục theo lối nêu gương là cũ nhưng chưa bao giờ lỗi thời. Trẻ con cứ nhìn vào người lớn mà học và lớn lên thôi. Thẳng thắn nhìn vào đội ngũ công chức/ viên chức nước ta, nhìn vào người lớn, nếu hỏi mỗi năm một người đọc bao nhiêu cuốn sách, chắc chắn kết quả sẽ choáng. Người lớn hay đổ lỗi cho bận trăm công nghìn việc, không có thời gian. Dù phần đa vẫn có thời gian ra quán nhậu mỗi chiều (dĩ nhiên kéo đến đêm), mỗi cuối tuần. Đi nhậu hoặc chém gió cà-phê nhiều chứ đi nhà sách thì không, có khi mỗi năm đi nhà sách một lần chỉ để mua sách giáo khoa và dụng cụ học tập cho con, nếu trong nhà có con trong độ tuổi đến trường…
Lưu Đức Bình Minh thực hiện
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |