Chi tiết tin tức

Bảo tồn thành cổ Nam Định

20:25:00 - 26/05/2014
(PGNĐ) -  Trải qua hơn 200 năm, Thành cổ Nam Định có giá trị sâu sắc, tiêu biểu về giá lịch sử, kiến trúc của tỉnh ta. Thành cổ Nam Định còn là chứng tích của những trận chiến đấu ác liệt, quả cảm của quân, dân thành Nam chống thực dân Pháp xâm lược trong các năm 1873, 1883. Bảo tồn và phát huy giá  trị những di tích lịch sử nói chung và Thành cổ Nam Định nói riêng là trách nhiệm, toàn xã hội nhằm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa của quê hương, thiết thực giáo dục truyền thống cho các thế hệ kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ cha anh.

THÀNH CỔ NAM ĐỊNH - GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ KIẾN TRÚC

Trong lịch sử hình thành và phát triển của các đô thị Việt Nam đều gắn liền với những đặc điểm kinh tế văn hoá, chính trị mang những đặc thù riêng biệt. Thời nhà Nguyễn, năm Minh mệnh thứ 3 (1822), đất Sơn Nam hạ trấn đổi thành trấn Nam Định; đến năm 1831, đổi trấn Nam Định thành tỉnh Nam Định. Với vị trí là trung tâm văn hoá kinh tế quan trọng của khu vực Nam đồng bằng sông hồng, ngay từ năm 1804, vua Gia Long đã cho xây thành Nam Định- lúc này, thành được đắp bằng đất theo kiểu hình vuông. Đến năm1833 mới ghép gạch xây thành; tường xây bằng gạch hộp cao 3m7; chân đế của tường phía dưới xây bằng đá xanh, phía trên bằng đá ong dày 6m8; cách tường thành có hào sâu 2m40, rộng gần 7m. Hiện nay, có 2 bản đồ lưu trữ về thành cổ Nam Định. Trong đó, bản đồ do Hangri Rivie vẽ ngay sau khi quân Pháp chiếm thành Nam Định ngày 27- 3- 1883 cho thấy: khác với thành Hà Nội (có 5 cửa), thành Gia Định (có 8 cửa), thành Nam Định có 4 cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Trên mỗi cửa thành có xây lầu, còn gọi là thú lâu (nơi gác). Phía ngoài cửa thành có xây một đoạn tường hình chữ V (gọi là Dương Mã thành dài 5m, cao 3m. Các Dương Mã thành đều có một cửa bên phải rộng một trượng gọi là nhân môn. Đi từ ngoài vào cổng thành phải qua cửa nhân môn. Ở phía ngoài, chung quanh tường thành có dải đất rộng 6,7m rồi đến hào. Liền ngoài hào có đường đất đi vòng quanh thành. Mặt Đông thành hướng ra phường phố buôn bán, mặt Nam nhìn ra một bãi tập của lính. Xế về bên phải là một cánh đồng lầy khá rộng. Qua một đoạn đường là đến Đồn Thuỷ, một đồn có quan đóng bảo vệ thành phố khi thành bị quân địch tiến công từ phía cửa Độc Bộ theo sông Đào lên. Trước mặt Tây là cánh đồng khô rộng lớn. Ở đó nổi lên khu Trường Thi lịch sử, Văn Miếu, và nhà học của tỉnh. Mặt Bắc là vùng chiêm trũng ngập nước lầy lội. Về mùa mưa, thuyền nan có thể từ thành phố đi về các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Bình Lục, Thanh Liêm.

 

Thành cổ Nam Định

 

Khu nội thành hình vuông. Bên trong thành có toà Vọng Cung, dinh tổng đốc, kho bạc, kho lương, nhà lao, cột cờ, dinh đề đốc, dinh bố chính. Trong đó, tòa Vọng Cung gọi là điện Kính Thiên (nay là chùa Vọng Cung)- nơi các quan tỉnh vào tết Nguyên Đán tới đây tế cáo trời đất, hướng về triều đình huế bái vọng. Phía Nam cách toà Vọng Cung 100m là Kỳ đài( tức cột cờ) được xây vào năm Nhâm Thân (1812) cao 23,84m có 3 bệ. Cột cờ Thành Nam là nới diễn ra những trận chiến đấu của quân và dân thành phố Dệt chống thực dân Pháp xâm lược trong các năm 1873, 1883. Đây cũng là nơi cắm cờ đỏ, sao vàng, khẳng định thắng lợi của cách mạng Tháng 8 trên quê hương Nam Định. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cột cờ Nam Định là trạm quan sát và trực chiến của tự vệ Nhà máy Dệt Nam Định. Năm 1972, cột cờ bị bom mỹ đánh sập. Năm 1997, cột cờ Nam Đinh được dựng lai theo nguyên gốc- là một công trình kiến trúc cổ có giá trị lịch sử văn hóa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Những năm 50 của thế kỷ trước, thực dân Pháp đóng chiếm thành phố Nam Định dựa vào thành Cửa Bắc làm phòng tuyến, chúng đã xây dựng lô cốt kiên cố nay di tích vẫn còn. Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định không rời xưởng máy nhờ hệ thống “địa đạo” sơ tán mau lẹ dài hơn 2km lối từ Nhà máy Liên hợp Dệt bám dựa vào đoạn chân thành cửa Bắc ra tận Nhà máy Cơ khí ở phía bắc thành phố. Khi hòa bình lập lại, công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định và nhân dân vùng phụ cận về đây lập phố dựng nhà mang tên ngõ 5 Thành Chung thuộc phường Cửa Bắc với hơn 100 hộ dân bám sát vào chân thành.

 

Cột cờ Nam Định

 

BẢO TỒN THÀNH CỔ NAM ĐỊNH - CẦN SỰ VÀO CUỘC CỦA TOÀN XÃ HỘI

Trải qua hơn 200 “tuổi”, Thành cổ Nam Định đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay, “dấu tích” của Thành cổ Nam Định chỉ còn tồn tại khoảng hơn 200m tường thành nằm trọn vẹn trong phường Cửa Bắc (Thành phố Nam Định), chạy theo hướng Đông-Tây, từ số nhà 7B, tổ 11, khu Quân Nhân A, đến số nhà 20B, tổ 11, khu Quân Nhân B. Một số hộ gia đình như: Gia đình ông bà Hoàng Thị Hồng, 74 tuổi, số nhà 19 C, tổ 11, Trần Thị Thành, số nhà 8C, ngõ 2, khu Quân nhân A Đỗ Thị Nguyệt Mai, số 7A, khu Quân nhân A, Nguyễn Trọng Phẩu ở số nhà 44, ngõ 5 Thành Chung là một trong những hộ dân thuộc phường Cửa Bắc đang sinh sống và “sở hữu” một đoạn tường thành. Nhìn chung các đoạn tường thành đều bị “biến dạng”. Thời gian qua, Bảo tàng Nam Định bước đầu tiến hành công tác khảo sát thực trạng của Thành cổ Nam Định. Đồng chí Nguyễn Văn Thư, giám đốc Bảo tàng Nam Định cho biết: Việc nghiên cứu, khảo sát thực trạng di tích là một công việc mang nhiều ý nghĩa góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hoá của mảnh đất Nam Định. Đây là công việc mang tính chất bước đầu giúp cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền có cơ sở xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị của Thành cổ Nam Định.

 

Di tích còn lại của thành cổ

Thành cổ Nam Định không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc độc đáo, mà Thành cổ Nam Định còn là chứng tích của những trận chiến đấu ác liệt, quả cảm của quân, dân thành Nam chống thực dân Pháp xâm lược trong các năm 1873, 1883. Bên cạnh đó, tại tổ 11, phường Cửa Bắc, hiện nay, nằm sát Thành cổ Nam Định còn có Khu chỉ huy sở Nhà máy Dệt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1979. Qua tìm hiểu thực trạng di tích, điều đáng buồn là một di tích cấp Quốc gia- biểu tượng cho truyền thống yêu nước, hào hùng của giai cấp công nhân trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gần như bị “biến dạng” và trở thành “phế tích”. Hiện tại, “dấu vết” của Khu chỉ huy sở Nhà máy Dệt thời kỳ chống Mỹ cứu nước là hầm công sự (hơn 10 m2) do gia đình bà Hoàng Thị Hồng, số nhà 19 C, tổ 11, phường Cửa Bắc lưu giữ tương đối nguyên gốc, còn lại các hạng mục thuộc di tích đều bị xuống cấp trầm trọng hoặc bị “xóa bỏ”. Thiết nghĩ, Thành cổ Nam Định nói riêng và các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến nói chung trên đại bàn tỉnh ta không chỉ đơn thuần là hầm hào quân sự, bia di tích, đài tưởng niệm, không gian chiến trường và những địa danh quân sự gắn liền với những trận đánh, chiến công của quân và dân tỉnh nhà, mà đó là những không gian thiêng liêng ghi lại dấu ấn lịch sử, vinh danh truyền thống yêu nước, cách mạng quật khởi của quê hương đất nước trong sự nghiệp lẫy lừng trong hai cuộc đấu tranh chống xâm lược. Nhằm phát huy truyền thống yêu nước hào hùng của dân tộc, trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều chính sách đầu tư khôi phục và xây dựng nhiều điểm di tích lịch sử; tạo điều kiện thuận lợi để các thế hệ hôm nay được biết thêm về những chiến công và sự hy sinh lớn lao của lớp lớp cha anh đi trước. Tuy niên, hiện nay, hầu hết nguồn kinh phí để bảo vệ, tôn tạo các di tích là từ ngân sách Nhà nước. Đây là một khó khăn không dễ khắc phục, một bài toán chưa có lời giải, bởi hầu hết các di tích, tiêu biểu là Thành cổ Nam Định đang đứng trước nguy cở trở thành “phế tích”. Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích nói chung và di tích lịch sử cách mạng kháng chiến nói riêng ngày càng thu được kết quả tốt hơn cần đẩy mạnh tuyên truyền luật Di sản văn hoá để nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử cách mạng kháng chiến. Cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và tôn tạo đối với di tích một cách khoa học, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Bên cạnh đó sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của các tầng lớp nhân dân để từng bước tu bổ tôn tạo Thành cổ Nam Định nói riêng và các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến nói chung. Trước hết, trong công tác bảo tồn di tích trong giai đoạn hiện nay phải là ưu tiên cho việc chống xuống cấp, sau đó là tu bổ di tích rồi mới đến tôn tạo, xây mới. Ðẩy mạnh xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích lịch sử cách mạng kháng chiến là một giải pháp quan trọng. Bên cạnh đó, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương và cộng đồng nhân dân. Bởi thực tế, những người dân sinh sống tại các khu vực có di tích Thành cổ Nam Định phải là những người chủ thực thụ, biết nâng niu, trân trọng “tài sản” đang nắm trong tay, nhưng nhiều khi, chính họ lại trở thành “thủ phạm” chính trong việc tàn phá di tích. Đây lại là vấn đề về giáo dục ý thức. Do vậy, nếu chính quyền địa phương biết “cách” làm cho toàn bộ dân hiểu giá trị của di tích, họ sẽ trở thành những người bảo vệ di tích một cách hiệu quả nhất.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin