Chi tiết tin tức

Chùa Cổ Lễ, mảnh đất văn hóa – cách mạng

20:43:00 - 29/12/2014
(PGNĐ) -  Chùa Cổ Lễ là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Nam Định nói riêng và của nền văn hóa châu thổ sông Hồng nói chung. Đây là một ngôi chùa cổ xuất hiện từ thời nhà Lý, có tên tự là chùa “Thần Quang”tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Trải qua quá trình tôn tạo trùng tu, chùa có dáng vẻ, sắc thái riêng; trong đó đặc biệt nổi bật là phong cảnh kiến trúc độc đáo, mang yếu tố “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây”(1)

Lược sử chùa Cổ Lễ

Theo truyền thuyết dân gian và những tư liệu lịch sử ghi chép trong các sách: Lĩnh Nam chích quái, Thiền uyển tập anh, Đại nam nhất thống chí…chùa do Quốc sư Minh Không xây dựng từ thế kỷ XII dưới thời Lý. Điều này cũng được ghi nhận trong một câu văn của bài minh, khắc trên chiếc chuông đồng đúc năm 1799 (niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7) vẫn lưu giữ tại chùa, được dịch ra như sau: “Chân cảnh trời Nam, Thánh tổ đản giáng, dựng chùa Thần Quang”.

Đức Thánh tổ ở đây chính là ngài Minh Không Thiền sư, thế danh Nguyễn Chí Thành, quê làng Đàm Xá (Đàm Giang) thuộc đất Trường Yên, nay là xã Gia Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Ngài được tôn là bậc Thánh, một vị cao tăng nổi tiếng và là ông tổ của nghề đúc đồng Việt Nam. Với nhiều pháp thuật kỳ lạ, ngài thường đi chu du khắp nơi chữa bệnh cứu dân và đã từng cứu vua Lý Thần Tông thoát khỏi căn bệnh “hóa hổ” quái ác rồi được nhà vua phong làm Quốc sư.

Chùa được khởi dựng từ thời Lý, cho nên những thăng trầm của thời gian, biến động của lịch sử đã làm những dấu tích cổ xưa bị phai mờ, hoang phế. Cuối thế kỷ XIX, cảnh chùa chỉ còn lại một am nhỏ với nhiều di tích đổ nát. Năm 1902, Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, một nhà sư uyên bác lại có biệt tài về kiến trúc chùa tháp, về trụ trì tại chùa. Ngài dốc tâm kêu gọi tín đồ thập phương góp công góp của để xây dựng lại ngôi chùa. Trong khoảng thời gian từ 1914-1920, không cần một bản vẽ thiết kế nào, chỉ với gạch, vôi, vữa, mật, muối, giấy bản và công sức của nhân dân, ngài đã kiến tạo lại toàn bộ công trình chùa thành những nhóm kiến trúc có giá trị nghệ thuật riêng biệt, mang phong cách riêng nhưng vẫn hòa nhập với tổng thể cảnh quan. Sau Hòa thượng Phạm Quang Tuyên, Hòa thượng Phạm Thế Long và các thế hệ sư trụ trì kế cận đã hoàn thiện thêm những công trình nhỏ, tạo thêm sự nguy nga, tráng lệ cho ngôi chùa.

 

 

Đặc điểm kiến trúc chùa Cổ Lễ

Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông-Tây, trên một diện tích gần 10 mẫu Bắc bộ. Nếu ai đã từng tới thăm chùa Cổ Lễ ngày nay chắc không thể không nhận thấy sự khác biệt rất lớn và rõ rệt về kiến trúc so với các ngôi chùa cổ Việt Nam khác. Nếu như chùa cổ Việt Nam thường thấp và trải rộng bề ngang với bộ khung gỗ lim vững chắc thì chùa Cổ Lễ không những rộng mà còn rất cao với kiến trúc mái vòm kiên cố. Bởi vậy nếu nhìn từ xa, nét kiến trúc này cho ta cảm giác như đứng trước một nhà thờ nhưng đến gần và ngắm nghía kỹ thì ta sẽ nhận thấy là một ngôi chùa nhờ chi tiết trang trí quen thuộc: đôi rồng chầu rất lớn ở phía trước và các họa tiết trang trí khác. Có thể nói chính sự kéo léo kết hợp giữa các yếu tố kiến trúc cổ truyền với kiến trúc Gô-tích của Gia-tô giáo đã làm nên nét khác biệt, độc đáo của ngôi chùa này. Từ ngoài vào trong, người ta có thể thấy các hạng mục kiến trúc lần lượt như sau: cổng chùa, tháp Cửu phẩm liên hoa, cầu cuốn, tam quan, nhà hội quán, đền Thánh, đền Mẫu, hai cầu núi, chùa chính, nhà tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, tòa Kim chung bảo các, vườn tháp…Trong đó, một số công trình kiến trúc đặc sắc có giá trị nghệ thuật cao là tháp Cửu phẩm liên hoa, chùa chính hay còn gọi là Tòa chính cung và Kim chung bảo các.

Có thể nói, điểm nhấn của tổng thể kiến trúc chùa Cổ Lễ chính là tháp Cửu phẩm liên hoa thuộc loại kiến trúc nhiều tầng vươn cao dần lên không trung thể hiện sự tỏa rộng của Phật pháp, một đặc trưng của kiến trúc nhà Phật. Tháp cao 32m, do chín tầng hoa sen liên kết hợp thành, mang ý nghĩa “cửu trùng”là chín tầng trời, một đặc thù tín ngưỡng của đạo Phật. Nền tháp được thể hiện bằng hình ảnh một con rùa lớn nổi giữa mặt hồ, biểu tượng cho sự vững chãi, trường tồn. Dáng vóc rùa chắc khỏe, dài 18m, rộng 10m; mai rùa được cách diệu lượn cong thành tám múi lớn, mỗi múi dài 4,65m; bốn chân rùa vươn dài, trụ vững xuống lòng hồ, đầu hướng vào trong chùa, đuôi hướng ra phía ngoài. Lòng tháp được tạo bởi một trụ tròn có 64 bậc vòng từ chân lên đỉnh tháp, ứng với 64 quẻ của Kinh Dịch. Quần thể kiến trúc tháp gồm tháp chính ở giữa, đứng trên lưng rùa, quanh chân tháp là núi giả và voi làm tăng vẻ hùng vĩ cho bảo tháp. Tháp chùa Cổ Lễ thuộc dạng tháp thờ Phật và Bồ-tát, tầng trên cùng thờ Phật A-di-đà, Đức Phật chủ trì thế giới Tây phương cực lạc. Sự tồn tại vững chãi của tháp cho đến ngày nay là kết quả của việc xây cất hết sức công phu. Lần đầu xây dựng, tháp đã bị đổ; phải đến lần thứ hai, khi sư Phạm Quang Tuyên cho gia cố móng bằng 50 cây gỗ lim lớn việc xây dựng mới thành công và cho chúng ta một công trình kiến trúc tuyệt mỹ như ngày này.

Chùa chính cao 29m, một chiều cao hiếm thấy ở các ngôi chùa cổ Việt Nam, được cấu tạo theo thế cửu trùng-gồm chín tòa khác nhau, nhiều tòa ngang dãy dọcliên kết thành một khối. Nhìn chung, nét nổi bật ở đây là kiểu uốn khung, cuốn vòm dáng dấp hoa sen cách điệu được xây dựng bằng vật liệu là vôi, cát và mật. Theo nhận địnhcủa một số nhà nghiên cứu: với toàn bộ thành phần kiến trúc cơ bản của một ngôi chùa bao gồm tiền đường, thiêu hương, thượng điện đều nằm trong một bình diện hình chữ nhật, có chiều dài 31,6m, rộng 14,7m thì đây là một phong cách quy hoạch chùa chưa từng thấy ở nơi khác. Tường trước cửa chùa có sáu cột lục lăng rỗng, ba mặt trước cột có trổ ô hình chữ nhật, gắn kính màu mỗi khi thắp đèn sáng bên trong hiện lên các màu xanh đỏ tìm vàng huyền ảo như màu cớ nước Phật. Vào trong chùa, trước khi ngắm những vòm tròn mái cong, trên trần trang trí họa tiết màu sắc rực rỡ như những tấm thảm kiểu Ba Tư, ta thấy ngay trên thượng điện có tượng Phật Thích Ca rất lớn, cao 4m, ngang 3,5m, sơn son thiếp vàng trên nền gỗ bạch đàn ngự giữa tòa sen trong tư thế nhập thiền, phía sau có vòng hào quang tỏa sáng. Đặc biệt ở chùa Cổ Lễ, việc sắp đặt tượng Phật không nhất tuân thủ cứng nhắc theo một quy định cổ điển nào mà có sự bố trí sáng tạo cho phù hợp với nội dung thờ cúng. Cụ thể như hai bậc dưới chỉ có hai pho tượng Phật thời hiện tại và tươnglai. Trước bát hương thờ chung cho thế giới Phật là tòa Cửu Long to, cao gần 2m được kiến tạo như một vòm trời, có chíncon rồng uốn lượn tạo thành động nhỏ. Chín con rồng ở chín tư thế khác nhau, vừa kết cấu động, vừa tạo thành điểm để các pho tượng nhỏ của thế giới chư Phật đứng hoặc ngồi phía trong cũng như phía ngoài tòa Cửu Long, làm tôn thêm vị thế pho tượng Thích Ca lúc sơ sinh. Phật Thích Ca sơ sinh được tạc như cậu bé cởi trân, mình quấn khố, tay phải chỉ xuống, tay trái giơ hai ngon chỉ lên như đưa ra thông điệp khẳng định vị thế của Phật: “thiên thượng, địa hạ, duy ngã độc tôn”. Hai bên tả hữu phía sau tòa Cửu Long là các pho tượng Kim đồng Ngọc nữ y phục trang nghiêm, phong cách chững chạc đứng nâng hoa chầu hầu làm nghi thức thờ cúng thêm linh thiêng tôn kính. Bên dưới bệ của thượng điện là động Phật Niết-bàn có tượng Phật to bằng người thật nằm nghiêng trong ánh đèn lung linh mờ ảo yên tỉnh. Hai bên tả hữu chính cung là hai nhịp cầu thang lên xuống ôm lấy thượng điện một cách đối xứng hài hòa. Lên 24 bậc nữa cộng với chín bậc từ sân lên nền nhà là 33 bậc tượng trưng cho 33tầng trời, ta tới cung đằng sau Thượng điện thờ Phật là cung thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không.

Kim chung bảo các chùa Cổ Lễ được nhận định là “một khối kiến trúc bề thế, lộng lẫy và cổ kính tương xứng với tên gọi”. Gác chuông này là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh hoa kiến trúc truyền thống trong việc đúc các chuông chùa Việt với kỹ thuật hiện đại phương Tây. Tuy vật liệu chủ yếu để kiến tạo hình khối là xi măng, sắt thép nhưng cảm giác bức bối, nặng nề của bê tông không làm phai nhạt nét uyển chuyển, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Phong vị mộc mạc, tôn nghiêm của loại hình kiến trúc chùa vẫn toát lên từ một công trình kiến trúc tinh vi, cầu kỳ, có dáng dấp cung đình bề thế này. Chuông nhỏ được đúc năm 1799, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7; chuông lớn được đúc năm 1936, niên hiệu Bảo Đại thứ 11. Tiếng chuông chùa Cổ Lễ vang xa, không chỉ là tiếng quý nhất trong bát âm, mà còn là âm thanh thức tỉnh con người mê muội, quy y về với chính nghĩa, là tiếng gọi của Phật pháp.

Hội chùa Cổ Lễ

Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 9 âm lịch hàng năm nhằm tướng nhớ ngày ngài Nguyễn Minh Không hóa thân (14/9), một ngày đã đi vào tiềm thức nhân dân trong vùng qua câu ca dao:

Dù ai buôn bán trăm nghề
Mười tư tháng chín thì về hội Ông
”.

Đây là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Nam Định nói riêng và cư dân đồng bằng sông Hồng nói chung còn bảo lưu được nhiều nghi thức, trò chơi dân gian đặc sắc như rước kiệu, bơi trải, múa rối, tổ tôm điếm…phản ánh đời sống sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp lúa nước. Với nhiều cư dân địa phương thì đây được xem như cái Tết thứ hai trong năm. Đặc biệt, cuộc thi bơi trải truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa có ý nghĩa tái hiện sự gắn bó của Thiền sư Nguyễn Minh Không với đồng đất, kênh rạch nơi đây.

Bơi trải ở hội chùa Cổ Lễ khá vui nhộn, số trải không nhiều, chỉ có 4 chiếc dành cho 4 thôn: đông, tây, nam, bắc. Mỗi trải có 16 tay chèo là các trai làng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, được phân biệt bởi các sắc phục khác nhau: xanh, đỏ, tím, vàng. Trước đó hàng tuần, họ phải ăn chay để thể hiện lòng thành với Đức Thánh. Nếu như bơi trải ở những vùng lân cận có số lượng trải nhiều hơn, bơi nhiều vòng trên một khúc sông lớn thì ở hội chùa Cổ Lễ, các tay chèo chỉ bơi hai vòng trên một khúc sông hẹp; do vậy tạo được khoảng cách gần giữa người xem với người bơi, không khí cổ vũ sôi động, hấp dẫn hơn. Bên cạnh bơi trải thì tiết mục Tế nữ quan cũng là một trong những tiết mục hấp dẫn của hội. Các thành viên vào tế đều là những cô gái thanh tân có cả tài sắc lẫn nết na, được hội đồng các làng tuyển chọn.

Chùa Cổ Lễ-nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử

Chùa Cổ Lễ hiện lưu giữ được nhiều di vật văn hóa quý hiếm như: tượng Đức Phật Thích Ca cao 4,2m ngự trên tòa sen trong tư thế nhập thiền; một chuông đồng thời Tây sơn (1799); một chuông đồng nặng hơn chín tấn đúc năm 1936; một trống đồng trơn tương truyền có từ thời Lý; một lá cớ thần hai mặt ghi “Nam thiên Thánh tổ”và “Lý triều Quốc sư”; bốn thuyền trải dùng để thi bơi trong lễ hội truyền thống.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Năm, những câu kệ trên tháp chùa cổ Lễ mang dấu ấn Phật giáo Mật tông thời Lý. Trên bốn mặt chính của tháp đều thể hiện các tên hiệu Phật thông qua các câu kệ. Mặt trước: Nam mô Tây phương cực lạc A-di-đà Như Lai; hai mặt bên: Nam-mô Quan Thế Âm Bồ-tát và Nam-mô Đại thế Chí Bồ-tát. Mật tông là một tông phái có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội lúc bấy giờ. Chính sự phát triển của Mật tông đã góp phần để Phật giáo hòa nhập cùng các tín ngưỡng bản địa và các tôn giáo khác du nhập vào Việt Nam để sau này dẫn tới sự ra đời của Tam giáo đồng nguyên: Nho-Phật-Lão từ thời Lý. Có thể nói, dấu ấn của Phật giáo Mật tông rõ nét ở chùa Cổ Lễ là một điều có thể giải thích bời Quốc sư Nguyễn Minh Không, người khởi dựng ngôi chùa từ thời Lý, chính là một nhà sư tu hành theo phái Mật tông. Không chỉ có vậy, mặc dù tháp Cửu phẩm liên hoa được nhà sư Phạm Quang Tuyên xây dựng đầu thế kỷ XX nhưng vẫn mang phong cách chùa tháp thời Lý: tháp dựng trước chùa chính.

Không chỉ là một di tích văn hóa, tôn giáo, chùa Cổ Lễ còn là một di tích cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tuân lời Phật dạy: “Cứu khổ-Độ sinh”, chùa Cổ Lễ trở thành nơi hoạt động cách mạng, nơi ẩn giấu cán bộ trong vùng địch hậu, là trụ sở của tỉnh, huyện Phật giáo cứu quốc trong nhiều năm. Bản thân Hòa thượng Phạm Thế Long, ngoài việc phụng đạo, ngài còn nhiệt tình tham gia công tác kháng chiến-kiến quốc, đảm đương nhiều trọng trách trong Giáo hội và đã từng giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội khoa VII nước CHXHCN Việt Nam.

Tuy đi tu mà những nhà sư nơi đây không xa rời trần tục, đều quan tâm đến vận mệnh quốc gia, nghĩ đến sự hưng vong của cảnh chùa, xóm làng, đất nước, thậm chí còn vui lòng dấn thân vào cuộc, kể cả xông pha trận mạc chém giết quân thù, giữ gìn cuộc sống thanh bình cho dân tộc. Trong lịch sử, chùa Cổ Lễ đã để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc với việc ngày 27/2.1947, cùng với chính quyền, tín đồ địa phương, Tỉnh hội Phật giáo Cứu quốc Nam Định dưới sự chủ trì của Hòa thượng Phạm Thế Long đã làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư (trong đó có hai vị ni cô) “cởi áo cà sa ra trận”. Sau đó, trong kháng chiến chống Mỹ và chiến dịch bảo vệ biên cương Tổ quốc, trường hạ chùa Cổ Lễ còn tổ chức cho bảy nhà sư tiếp bước đồng đạo, tạm biệt cửa thiền ra mặt trận đánh giặc cứu nước. Một trong những lời phát nguyện hào hùng còn được ghi chép lại như sau:

“Cởi áo cà sa khoác chiến bào
Tuốt gươm cầm súng dẹp binh đao
Ra đi quyết rửa thù cứu nước
Vì nghĩa quên thân hiến máu đào”.

Tăng Ni chùa Cổ Lễ ra trận thời đó đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công. Phần lớn trong số họ đã hy sinh anh dũng, số còn lại có vị tiếp tục phục vụ quân đội, có vị sau khi hoàn thành nghĩa vụ với tổ quốc, lại trở về với đời sống tu hành.

Kết luận

Có thể nói, chùa Cổ Lễ là mảnh đất thiêng, có bề dày lịch sử văn hóa, cách mạng, một bảo tàng sống động về chữ “Đạo”hòa với chữ “Đời”. Những nét kiến trúc bề ngoài cũng đã cho thấy sự tiếp thu một cách sáng tạo tinh hoa nghệ thuật kiến trúc nhân loại, mang lại sự mới lạ, tinh tế cho cảnh quan và các hạng mục công trình trong chùa. Sở hữu những nét kiến trúc độc đáo, có giá trị phản ảnh lịch sử của nghệ thuật tạo hình thời Lý, chùa Cổ Lễ xứng đáng là một danh lam thắng cảnh trong vùng. Thêm vào đó, sự nhập thế chính là nét nổi bật, đặc sắc riêng của Phật giáo Nam Định trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, và những nghĩa cử cao đẹp của Tăng Ni chùa Cổ Lễ là một sự thể hiện tiêu biểu. Bản thân Hòa thượng Thích Thế Long, trong một số lần phóng viên nước ngoài hỏi rằng: “Đạo Phật dạy không sát sinh, vậy các vị sư ra trận cầm súng có phải chăng là đã phạm lỗi Phật dạy?” đã trả lời như sau: “Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh thì trừ một kẻ ác để cứu muôn người hiền là phúc đẳng hà sa”. Điều này càng cho thấy, rõ ràng tư tưởng “Phật pháp bất ly thế gian pháp” đã thấm nhuần vào máu thịt những thế hệ chư Tăng ngôi chùa này, góp phần đưa Phật giáo sống trong lòng dân tộc, luôn đồng hành cùng dân tộc.

Chú thích:

  1. Nguyên Hồng – Trung Tín, Chùa Cổ lễ văn hóa cách mạng, Nxb Tôn giáo, 2000

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin