Chi tiết tin tức

Chùa Thiên Mụ có tượng Phật Bà cao nhất tỉnh Long An với truyền thuyết về vua Gia Long

22:04:00 - 23/05/2022
(PGNĐ) -  Ở khu vực gần bến đò Bến Bạ, thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, có ngôi cổ tự nép bên con đường nhỏ. Đó là chùa Thiên Mụ - ngôi chùa cổ gắn liền với truyền thuyết về vua Gia Long.

Những năm gần đây, người dân trong vùng biết đến đó là ngôi chùa có tượng Phật Bà cao 40m, được nhiều tín đồ phật tử lui tới chiêm bái và thưởng ngoạn. 

Đó là chùa Thiên Mụ - ngôi chùa cổ gắn liền với truyền thuyết về vua Gia Long.

Mái già lam Thiên Mụ trầm nghiêm bên dòng Vàm Cỏ Đông và nổi bật với bức tượng Phật Bà cao 40m. Đến viếng chùa, chúng tôi được cô Thuận - tín đồ đến chùa làm công quả, dẫn đi tham quan quanh khuôn viên. 

Cô giới thiệu, ngôi chùa này từng lưu dấu chúa Nguyễn và vẫn còn lưu giữ những báu vật vua ban. Có vẻ như người dân và Phật tử quanh vùng ai cũng biết câu chuyện vua Gia Long - Nguyễn Ánh từng lưu lại chùa thời chưa xưng đế.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình từng viếng thăm chùa Thiên Mụ, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. (Ảnh do chùa cung cấp)

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình từng viếng thăm chùa Thiên Mụ, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. (Ảnh do chùa cung cấp)

Truyền thuyết kể lại rằng, trong quá trình lẩn trốn quân Tây Sơn sau trận giao chiến thất bại, Nguyễn Ánh đã ghé lại một thảo am thuộc làng Tân Trạch và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của sư thầy trụ trì cũng như xã trưởng trong vùng.

Một đêm, khi đang ngủ, nhà vua nằm mộng thấy bà lão tóc bạc gọi người dậy và chỉ tay về hướng Tây. Tỉnh giấc, vua nhanh chóng cùng tùy tùng rời đi. Ít ngày sau, quân Tây Sơn bao vây chùa nhưng không tìm được Nguyễn Ánh.

Sau này, khi đã đẩy lùi Tây Sơn, chúa Nguyễn cho người tìm về ngôi chùa cũ nhưng trụ trì và xã trưởng đã mất. Chúa đặt tên chùa là Thiên Mụ như nhắc nhở đến giấc mơ năm xưa và ban cho chùa 2 tượng Phật bằng đồng đặt trong 2 phổ đà bằng gỗ chạm lọng, 1 mõ, 1 trống sấm cùng 2 đôi câu đối.

Một số kỷ vật đó vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay tại chùa. Đại đức Thích Tắc Minh - Trụ trì chùa Thiên Mụ, cho biết: “Những kỷ vật do chúa Nguyễn ban cho, nhà chùa vẫn luôn gìn giữ. Mõ vẫn còn nguyên vẹn nhưng không tránh được bị mối mọt. Trống sấm thì qua thời gian sử dụng bị hư hỏng nên cắt bớt một phần. Phổ đà hiện còn 1 cái và đang được lưu giữ tại chùa. Riêng bộ ván xưa Chúa ngự thì không còn nữa”. 

Khách đến viếng chùa có thể nhìn thấy các kỷ vật trên như minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của nước nhà.

Trống sấm -bảo vật chùa Thiên Mụ đã bị cắt ngắn so với trước đây

Trống sấm -bảo vật chùa Thiên Mụ đã bị cắt ngắn so với trước đây

Chuyện kể về việc chúa Nguyễn ngự tại chùa vẫn là truyền thuyết nhưng chùa Thiên Mụ có lịch sử hình thành lâu đời, gắn liền với quá trình khai hoang, lập ấp của người dân Nam bộ là điều không cần tranh cãi.

Theo tư liệu của chùa, chùa Thiên Mụ được thành lập từ năm 1726, vốn là một thảo am nhỏ. Trải qua nhiều biến động, già lam Thiên Mụ vẫn là nơi lui tới, tu học của các tín đồ Phật giáo và người dân gần xa.

Ngày nay, chùa Thiên Mụ còn được biết đến như ngôi cổ tự có tượng Phật Bà cao nhất Long An. 

Bức tượng được tín đồ phụng cúng, đứng uy nghi trên quảng trường rộng. Đường dẫn vào tượng Phật Bà đặt tượng 18 vị La Hán tạo nên một tổng thể đẹp, hài hòa và đậm màu sắc tín ngưỡng, được nhiều người biết đến, tìm tới tham quan, chiêm bái.

Chùa Thiên Mụ còn là nơi có nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người dân gặp khó khăn. Theo Đại đức Thích Tắc Minh, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi tháng 4 lần, bếp ăn từ thiện được nhóm lên tại chùa, nấu khoảng 100 - 150 suất ăn tặng Trung tâm Y tế huyện Cần Đước. 

Ngoài ra, hàng năm, chùa còn tổ chức nhiều đợt tặng quà cho người nghèo, tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em,...

Trải qua bao thăng trầm, chùa Thiên Mụ vẫn là ngôi cổ tự bình yên giữa đồng lúa mênh mông cạnh dòng Vàm Cỏ Đông.

Mõ cổ đang được lưu giữ tại chùa Thiên Mụ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Mõ cổ đang được lưu giữ tại chùa Thiên Mụ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Long An- Nguyễn Tấn Quốc từng nhận định: Câu chuyện (truyền thuyết về vua Gia Long tại chùa Thiên Mụ) phản ánh sinh động một giai đoạn đầy biến động, chiến tranh liên miên giữa 2 tập đoàn phong kiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh vào giữa cuối thế kỷ XVIII; làm chúng ta liên tưởng đến sự tích sông Song Ma hay sông Tình Trinh (tức Vàm Đôi Ma ở ranh 2 xã Long Sơn và Long Cang, Cần Đước) mà một số chi tiết Trịnh Hoài Đức ghi trong sách Gia Định thành thông chí, qua đó, phản ánh vùng Cần Đước từng là địa bàn giao tranh ác liệt của 2 thế lực phong kiến này trong lịch sử dân tộc.

 

Quế Lâm (Báo Long An)

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin