Chi tiết tin tức

Có một tượng Phật chẳng ngự tòa sen

21:04:00 - 16/04/2022
(PGNĐ) -  Mỗi khi chúng ta tới thăm chùa lễ Phật hoặc hành hương tới bất cứ nơi đâu có thờ tự Phật giáo là chúng ta có dịp được tiếp cận, chiêm ngưỡng những bậc ĐẠI GIÁC NGỘ là các vị Phật, Bồ – tát được thể hiện qua các tranh tượng thờ rất trang nghiêm và đẹp.

Các Ngài đều “ngự” trên một tòa sen, vì sen biểu hiện sự “bất nhiễm” là nơi sinh ra các bậc Thánh, các bậc đại giác ngộ. Có một Bồ tát lịch sử, một đạo sư Ấn Độ đã tới Tây Tạng Xiển dương giáo Pháp Kim cương Thừa (mật tông) mà tiểu sử cùng kho giáo lý Mật Tạng của Ngài mới được khám phá vào năm 1350. Ngài được sùng mộ ở Tây Tạng và là nguồn cảm hứng thiêng liêng tại phương Tây với tôn danh là Liên hoa Sinh (Padma Sambhava), tương truyền, Đạo sư được sinh ra từ một đóa sen. Huyền sử Phật Thích ca Mâu ni đản sinh với bảy bước đi của Ngài hiện lên bảy đóa sen báu nâng gót. Thế nên, biểu tượng của Phật giáo là hoa sen.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Chua Hoe Nhai 111 scaled
Chùa Hòe Nhai, Hà Nội – Ảnh: Minh Nam

… Ấy vậy mà ở Việt Nam ta lại có một tòa sen vô cùng lạ lẫm, có một không hai. Tòa sen ấy với phần thân chính là tượng nhà vua mặc triều phục đang quỳ mọp, hai bàn tay mở rộng vẻ cung kính, nhẫn nại mang trên lưng pho tượng Phật ngồi trên những cánh sen mỏng được cách điệu như lá sen. Tòa sen và tượng Phật này thường được gọi là tượng vua sám hối. Tòa sen độc đáo ấy được đặt tại chùa Hòe Nhai (có tên chữ là Hồng Phúc tự) tại phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngôi chùa được kiến lập từ thời nhà Lý (1010-1225). Chùa được đại trùng tu vào các năm 1689 và 1899. Đây được xem là chốn tổ Thiên Thai, Tào Động của Phật giáo miền Bắc nước ta. Chùa hiện lưu giữ 28 bia đá, 68 pho tượng; cổ nhất là tượng Cửu Long và đặc sắc nhất là tượng Phật ngồi trên lưng vua quỳ mọp. Hòa thượng Thích Đức Nhuận (1897-1993), vị Pháp chủ đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (từ 1981 đến 1993) từng trụ trì tại ngôi cổ tự này.

Tương truyền về Tòa sen – Tương vua sám hối này là do chính vua Lê Hy Tông (1663-1776) sai tạc để tỏ lòng sám hối “Pháp nạn năm 1678”. Pháp nạn này được vua Lê Hy Tông “giải tỏa” bởi được thiền sư Tông Diễn khai thị và cảm hóa.

Theo sách “Thiền sư Việt Nam”: Thiền sư Tông Diễn hiệu là Chân Dung (1640-1711) đời Pháp thứ 37 tông Tào Động. Truyện tích về ngài được dân gian gọi là “Hòa thượng Cua” như sau. Lúc nhỏ khi được mẹ sai giã cua để nấu canh ăn. Nhưng khi thấy những con cua trong giỏ sủi bọt trắng, Ngài ngỡ chúng đang khóc vì sợ bị giã chết nên động lòng thương, nên đem cả giỏ cua thả hết xuống ao. Khi biết chuyện, ngài bị mẹ đánh và chạy dài, rồi… biệt tích. Sau, ngài tu trở thành hòa thượng, về quê rước mẹ lên chùa phụng dưỡng rồi cứu độ mẹ sinh thiên! Ngài được gọi là hòa thượng cua từ đấy!

Nhưng kỳ tích của hòa thượng Cua tức thiền sư Tông Diễn là việc hóa độ Vua Lê Hy Tông quy Phật.

Chuyện xảy ra được bắt đầu từ Pháp nạn “Đuổi hết tăng, ni về rừng núi” của Vua Lê Hy Tông vào năm 1678, niên hiệu Vĩnh trị. Khi ấy, thiền sư Tông Diễn trụ trì ở Đông Sơn. Trước đó, khi nghe tin thiền sư Thông Giác ở chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử đắc đạo, Ngài đã tìm tới để cầu Pháp, rồi đắc đạo ở đó, sau mới quay trở lại Đông Sơn. Tại Đông sơn, khi hay tin Vua đuổi hết sư về rừng núi, Thiền Sư đã rất đau lòng nghĩ: Sao nhà vua đối với đạo Phật lại cho là vô dụng chứ? Đây chính là lúc trưởng tử của Như Lai phái Xiển dương Chính Pháp để báo đền ơn Phật-tổ. Nghĩ vậy rồi sư xuống núi, tìm tới Kinh đô, xin yết kiến vua, nói rằng “để dâng ngọc quý”. Triều thần dâng tráp ngọc lên vua, khi mở tráp xem, chỉ có một tờ Biểu; Lê Hy Tông cho tuyên đọc thấy biểu lý rõ ràng, sự tình đầy đủ, văn phong bình dị, tự nhiên, lưu loát, uyển chuyển giống như nước chảy mây bay (lưu thủy hành vân) rất là khúc triết, ý tứ thâm trầm, kể rõ lợi ích của việc ứng dụng lời Phật dạy trong phép trị nước an dân, đưa đất nước đến thái bình thịnh trị như các đời Lý Trần.

Vua Lê Hy Tông đã lắng nghe từng lời, cảm phục mà bảo rằng: đạo Phật quả là viên ngọc quý, chẳng lẽ trong nước ta, không dùng, rồi lập tức thu hồi lệnh trước, Pháp nạn được giải tỏa, lại thảo chiếu khuyến khích tăng ni tùy duyên giáo hóa, lại nói lời cảm kích với thiền sư Tông Diễn đã giúp triều đình đem Phật pháp khai hóa dân chúng để trị nước, an dân.

 

Hình ảnh tượng Phật trên lưng Vua chùa Hoè Nhai

 

Sau việc “dâng ngọc quý lên Vua” Thiền sư Tông Diễm được vua Lê Hy Tông mời lại ở Kinh đô để hoằng dương Phật pháp. Và để tỏ lòng sám hối, Vua đã sai tạc hình vua quỳ mọc mang tượng Phật trên lưng. và pho tượng Phật “chẳng ngự tòa sen” ra đời và được bảo lưu tại chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc Tự) cho đến ngày nay.

Và cũng xin… “bật mí” vì sao pho tượng Tòa sen độc đáo nhất Việt Nam này lại được đặt tại chùa Hòe Nhai: Là bởi, như đã trình bày ở phần trên: Thiền sư Tông Diễn (1640-1711) là thiền sư thuộc đời Pháp thứ 37 của tông Tào Đông, mà chùa Hòe Nhai lại là chốn Tổ đình Thiên thai Tào Động của Phật giáo miền Bắc nước ta.

 

Pháp Vương Tử/TCNCPH

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin