Chi tiết tin tức Ngôi chùa vang mãi tiếng chuông ngân 22:59:00 - 09/09/2013
(PGNĐ) - Hình ảnh chùa Chòng và tiếng chuông ngân đã đi vào lịch sử đấu tranh của cán bộ và nhân dân khu Cháy nói riêng và xã Trầm Lộng nói chung. Gắn liền với tên tuổi những người con ưu tú từng tham gia hoạt động cách mạng như: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thị Minh Châu, Bình Phương, Đỗ Mười, Bùi Quang Tạo, Bạch Thành Phong…
Chùa Chòng (tên chữ Hán: Hồng Thập tự) cũng thường gọi là chùa Trầm. Đây là ngôi chùa cổ tọa lạc trên một khu đất rộng đầu làng Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (Hà Nội ngày nay). Chùa được xây dựng vào thời nhà Lê (năm Giáp Thân - 1764), gồm 5 gian Đại bái và 1 hậu cung, phía sau là nhà thờ Tổ. Năm 1942, chùa Chòng được chọn là địa điểm trung tâm hoạt động của ATK Xứ ủy Bắc Kỳ để chỉ đạo phong trào cách mạng ở khu Cháy cũng như cả vùng nam Ứng Hòa, nam Mỹ Đức và Phú Xuyên.
Để thực hiện kế hoạch xây dựng ATK, đồng chí Hoàng Quốc Việt (Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ) quyết định thành lập Ban cán sự ATK, chỉ định đồng chí Nguyễn Thị Minh Châu (tức Mai) làm Bí thư Ban cán sự; đồng chí Thỉnh (tức Bình Phương) làm Phó Bí thư Ban cán sự. Sau đó đồng chí Bạch Thành Phong, Tỉnh ủy viên tỉnh Hà Đông, thành viên trong ban cán sự đưa đồng chí Mai về Trầm Lộng. Ngày 20/6/1942, Ban cán sự tổ chức kết nạp 3 quần chúng vào Đảng là: Phạm Đình Hồng, Nguyễn Ngọc Diệp, Phạm Thị Chuốc, đồng thời thành lập Chi bộ xã Trầm Lộng. Ngày 10/01/1943 âm lịch, sư bà Đàm Nhẫn trụ trì ở chùa Chòng tạ thế, Chi bộ Trầm Lộng lãnh đạo toàn bộ phụ lão cứu quốc, có 2 ông Lý Phẩm và Chủ Đàn làm cốt cán, vận động lão giới mời sư Lâm - một quần chúng cách mạng ở Kim Giang về trụ trì công việc nhà chùa. Cơ sở cách mạng ở chùa Chòng tiếp tục được củng cố, là địa điểm đưa đón cán bộ của Xứ ủy và Trung ương … Càng đấu tranh, khí thế cách mạng ở Trầm Lộng càng sôi sục. Ngôi chùa Chòng vẫn là trạm giao liên đưa đón, nuôi giấu cán bộ về quê hương hoạt động. Đêm nào cũng có lực lượng tuần phiên, canh gác bảo vệ khu vực chùa. Tại hội nghị Tỉnh ủy ngày 18/3/1945 ở thôn Viên Nội sau khi quán triệt và bàn kế hoạch thực hiện chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về việc “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị phân công đồng chí Đỗ Mười, Tỉnh ủy viên phụ trách phía Nam hai huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức. Sau hội nghị Tỉnh ủy, đồng chí Đỗ Mười về Trầm Lộng, lấy nơi đây làm trung tâm, từ đó chỉ đạo phong trào cách mạng vùng nam Ứng Hòa, nam Mỹ Đức. Chùa Chòng đã trở thành địa điểm liên lạc tập trung trong các cuộc mít tinh, tập dượt cho cuộc tổng khởi nghĩa. Ngày 10/8/1945, trong cuộc đấu tranh chống lính Nhật về cướp thóc ở Trạch Xá (Ứng Hòa), đồng chí Đỗ Mười đã nổi hồi chuông chùa Chòng làm hiệu lệnh, huy động lực lượng và nhân dân Tổng Trầm phối hợp đánh và bắt gọn cả tiểu đội lính bảo an của địch, đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi. Ngày 17/8/1945, đồng chí Đỗ Mười nổi hồi chuông dài, là mệnh lệnh cho vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền ở Ứng Hòa. Sau khi tiếng chuông chùa Chòng vang lên, đông đảo nhân dân và lực lượng vũ trang Trầm tập hợp thành hàng ngũ chỉnh tề, hối hả tiến về thôn Tảo Khê, hợp lực với các đoàn bạn từ tổng Đại Bối, Phù Lưu, Đạo Tú… nghe đồng chí Đỗ Mười đọc quân lệnh khởi nghĩa, phổ biến kế hoạch đánh chiếm phủ lỵ. Lệnh tiến quân vừa dứt, đội quân Trầm Lộng cùng với đơn vị bạn tiến về Hoàng Xá, nhanh chóng xông vào chiếm phủ đường. Cuộc khởi nghĩa chiếm phủ Ứng Hòa giành thắng lợi, nhân dân Trầm Lộng tổ chức mít tinh mừng chiến thắng tại chùa Chòng, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời các thôn, tịch thu ấn triện, sổ sách của chính quyền cũ. Vọng mãi tiếng chuông ngân Theo nhiều nguồn tư liệu thì chuông chùa Chòng được đúc năm 1975. Quả chuông cao 1,12m; nặng 125kg; đường kính đáy 0,58m. Chữ Hán khắc xung quanh mặt chuông ghi năm đúc chuông và ghi nhận công đức của tín đồ phật tử đóng góp đúc chuông. Tiếng chuông khi thỉnh lên vang vọng rất xa và nhân dân trong vùng truyền tụng câu ca: “Chuông Trầm, mõ Bái, trống cái làng Ngăm” để nói lên giá trị của quả chuông và ý nghĩa của tiếng “chuông Trầm”. Năm 1951, trong một trận càn lớn, thực dân Pháp ném bom, bắn phá cháy chụi ngôi chùa. Quả chuông đồng vẫn còn, hiện là cổ vật và là di tích cách mạng ở chùa Chòng. Trong những năm 1993 - 1995, nhân dân Trầm Lộng đóng góp xây dựng lại chùa trên nền đất cũ. Ngày 01/02/2000, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử công nhận chùa Chòng là ATK Xứ ủy Bắc Kỳ năm 1942. Hiện Đảng bộ và chính quyền xã Trầm Lộng cho lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận ATK chùa Chòng xã Trầm Lộng trở thành di tích cách mạng kháng chiến cấp Quốc gia. Tiếng chuông chùa Chòng không chỉ đơn giản là tiếng chuông cầu nguyện, mà còn là hiệu lệnh bởi giặc đến thì đánh báo động, nhưng giặc đi thì dùng tiếng chuông ấy để báo an. Tiếng chuông còn là tiếng reo vui khi chống càn giành thắng lợi. Tiếng chuông ấy ngân vang mãi cả một vùng, nâng bước cho đảng bộ và nhân dân trầm lộng nói riêng và Ứng Hòa nói chung tiếp tục trên con đường phát triển. Ngày nay, các vị lão thành cách mạng của Đảng và Nhà nước mỗi khi về thăm Ứng Hòa thì đều đến thăm chùa Trầm, thỉnh lại tiếng chuông, hồi ức lại những năm tháng xưa.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |