Chi tiết tin tức Ảnh hưởng của Phật giáo trong truyện thơ Lục Vân Tiên nhìn từ phương diện thể loại và ngôn ngữ 16:43:00 - 10/10/2022
(PGNĐ) - Cụ Đồ Chiểu chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Phật giáo trong các sáng tác của mình. Đặc biệt, truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên là tác phẩm tiêu biểu cho sự ảnh hưởng này. Bài viết sẽ chỉ ra những dấu ấn của đạo Phật trong Lục Vân Tiên trên hai phương diện nổi bật là đặc trưng thể loại và ngôn ngữ, qua đó khẳng định vị trí của Phật giáo trong sự nghiệp trước thuật của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO TRONG LỤC VÂN TIÊN – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN THỂ LOẠI Trên phương diện thể loại, ảnh hưởng của Phật giáo trong truyện thơ Lục Vân Tiên thể hiện qua sự lựa chọn yếu tố kỳ ảo của tác giả và vai trò của yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm. Lục Vân Tiên là tác phẩm mẫu mực của thể loại truyện thơ Nôm trong văn học trung đại Việt Nam. Do đó, tác phẩm này tuân theo và là điển hình của “mô hình Gặp gỡ – Tai biến – Đoàn tụ quen thuộc mà ta thường thấy trong hầu hết các truyện Nôm” [1]. Để đảm bảo mô hình này, tức phải đảm bảo cho màn đoàn viên với “kết thúc có hậu” diễn ra, các tác giả truyện Nôm phải sử dụng đến yếu tố kỳ ảo. Bởi, kỳ ảo không chỉ là “một đặc trưng thi pháp không thể thiếu được” của thể loại truyện Nôm mà còn là “một biện pháp nghệ thuật quan trọng để thực hiện mô hình cấu trúc Gặp gỡ – Tai biến – Đoàn tụ” [2]. Vậy, trong truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã sử dụng những yếu tố thần kỳ nào? Trong truyện Nôm, các nhân vật chính sẽ phải trải qua muôn vàn sóng gió mà hầu hết trong số đó nằm ngoài khả năng giải quyết của con người. Để giúp nhân vật vượt qua tai biến để đoàn viên, đồng thời thưởng thiện trừng ác, tác giả truyện Nôm bao giờ cũng tìm đến yếu tố kỳ ảo và sử dụng chúng với vai trò quyết định sự phát triển của cốt truyện, số phận nhân vật. Tín ngưỡng dân gian, đặc biệt là tín ngưỡng thờ hổ, văn hóa sông nước ở Nam bộ thể hiện rõ qua các yếu tố thần kỳ: Cọp cắn dây mở trói cho tiểu đồng, cọp đón đường đem mẹ con Võ Thể Loan vào hang Thương Tòng, giao long dìu Vân Tiên giữa dòng vào bãi, sóng thần dìu Nguyệt Nga vào bãi cát, sóng thần nhấn chìm thuyền của Trịnh Hâm. Dấu ấn của Đạo giáo với các yếu tố thần tiên, bùa chú, pháp đàn, linh đan… thể hiện qua các yếu tố thần kì: Tôn sư cho Vân Tiên hai đạo bùa thần để phòng thân, ông quán cho Vân Tiên ba hườn thuốc tiên, tiên ông cho linh dược giúp Vân Tiên sáng mắt, Vân Tiên lấy máu chó bôi lên cờ hóa giải phép thuật của Cốt Đột. Dấu ấn Phật giáo thể hiện qua các yếu tố thần kỳ: Quan Âm đưa Nguyệt Nga vào vườn hoa nhà Bùi công, Phật bà mách bảo lão bà tìm đón Nguyệt Nga đang trên đường trốn khỏi nhà Bùi Kiệm. Hai nhân vật trung tâm của tác phẩm là Vân Tiên và Nguyệt Nga. Các yếu tố kỳ ảo cũng tập trung vào hai nhân vật này, trừ hai chi tiết trừng phạt cuối truyện dành cho Trịnh Hâm và mẹ con Thể Loan. Nếu như với Vân Tiên, yếu tố kỳ ảo đến từ tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo thì với Nguyệt Nga, hầu hết đều đến từ Phật giáo. Hơn nữa, yếu tố kỳ ảo tham gia hộ trì cho nàng lại chính là Phật bà, tức Quán Thế Âm thị hiện trong thân dạng nữ giới. Việc lựa chọn yếu tố Phật bà, biểu tượng của sự cứu khổ cứu nạn phổ biến, quen thuộc trong tâm thức văn hóa người Việt cho thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo đối với truyện thơ Lục Vân Tiên. Một dấu hiệu khác cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của Phật giáo trong ý thức lựa chọn, sử dụng yếu tố kỳ ảo của Nguyễn Đình Chiểu là mức độ tập trung thể hiện đối tượng thần kỳ trong tác phẩm. Trong 12 lần xuất hiện [3], yếu tố kỳ ảo liên quan Phật giáo chỉ được dùng hai lần nhưng lại được miêu tả cụ thể hơn cả. Các yếu tố khác chỉ được nhắc đến như một biểu tượng hay một tín hiệu xuất hiện thoáng qua với chức năng thông báo đơn thuần: – Rày con xuống chốn phong trần, Thầy cho hai đạo phù thần đem theo; – Quán rằng: Thương đấng anh hùng Đưa ba hườn thuốc để phòng hộ thân; – Vân Tiên mình lụy giữa dòng, Giao long dìu đỡ vào trong bãi này; – Sơn quân ghé lại một bên, Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng; – Vân Tiên thuở ấy ở nơi chùa chiền. Nửa đêm nằm thấy ông tiên Đem cho chén thuốc, mắt liền sáng ra; – Trịnh Hâm về tới Hàn Giang, Sóng thần nổi dậy thuyền chàng chìm ngay;…
Trong khi đó, hình ảnh Phật bà được nhà thơ miêu tả đầy đủ hơn. – Có tình cảm: Quan Âm thương đấng thảo ngay. – Có ngôn ngữ: Dặn rằng: Nàng hỡi Nguyệt Nga Tìm nơi nương náu cho qua tháng ngày Đôi ba năm nữa gần đây Vợ chồng sao cũng sum vầy một nơi. – Luôn dõi theo và có kế hoạch hộ trì Nguyệt Nga bằng cách mách bảo lão bà tìm đón nàng: Khi khuya nằm thấy Phật Bà Người đà mách bảo nên già tới đây. – Thường trực trong suy nghĩ, tâm tư của người khác: Đêm khuya chong ngọn đèn ngồi Chẳng hay trong dạ bồi hồi việc chi Quan Âm thuở trước nói chi Éo le phỉnh thiếp lòng ghi nhớ hoài. Có thể nói, hình tượng Quan Âm được xây dựng tương đối kỹ lưỡng, trở thành nhân vật để lại nhiều dấu ấn là một minh chứng cho sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với truyện Lục Vân Tiên. Như vậy, nếu ở phương diện tư tưởng, Lục Vân Tiên chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Nho giáo thì ở góc độ thể loại, với khía cạnh sử dụng yếu tố kỳ ảo, truyện thơ của Nguyễn Đình Chiểu chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn tôn giáo, tín ngưỡng khác, trong đó, Phật giáo giữ một vai trò nổi bật. ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO TRONG LỤC VÂN TIÊN – NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGÔN NGỮ Trên phương diện ngôn ngữ, ảnh hưởng của Phật giáo đối với truyện Lục Vân Tiên thể hiện rõ qua ý thức sử dụng chủ động, hiệu quả lớp từ ngữ nhà Phật của tác giả Nguyễn Đình Chiểu. Trong Lục Vân Tiên, bên cạnh lớp từ ngữ Nho giáo hết sức phong phú (trung hiếu, tiết hạnh, nhơn nghĩa, sân Trình, cửa thánh, lập thân, chăn dân, Tử Lộ, Nhan Uyên, kinh luân…), từ ngữ có nguồn gốc Phật giáo cũng được tác giả thường xuyên sử dụng. Không những có số lượng tương đối lớn, lớp từ ngữ này còn khá đa dạng. Nhiều dạng từ ngữ nhà Phật được đưa vào tác phẩm cho thấy điều này. Chẳng hạn, lớp từ ngữ chỉ danh xưng của chư Phật: Phật, ông Phật Tổ A Di, thập phương chư Phật, Quan Âm, Phật bà…; lớp từ ngữ chỉ người tu hành: vãi; lớp từ ngữ chỉ không gian thờ tự: chùa, am mây, am tự, chùa chiền; lớp từ ngữ chỉ hoạt động tu hành, giáo lý nhà Phật: quy y, nương náu từ bi, quả báo, báo ứng, duyên, nhơn duyên, làm chay, chay đàn… Lục Vân Tiên là câu chuyện của trung hiếu tiết nghĩa. Nhà thơ không có ý định minh họa triết lý nhà Phật. Trong tác phẩm, ông cũng chỉ nhắc đến chùa, Phật mà không dừng lại miêu tả cụ thể. Tác giả không hề cho biết ngôi am/chùa mà Hớn Minh cùng Vân Tiên từng ở trông như thế nào. Ngay cả nhân vật Phật bà cũng chỉ thoáng hiện lên qua một vài hành động và lời nói. Do đó, khác với lớp từ ngữ Nho giáo phải huy động sử dụng như một yêu cầu bắt buộc, nhà thơ có thể không cần viện dẫn nhiều từ ngữ nhà Phật. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Chiểu cho thấy ông không chỉ am hiểu từ ngữ Phật giáo mà còn sử dụng lớp từ ngữ một cách linh hoạt, hợp lý. Có thể thấy, điều này qua việc dùng trường từ ngữ nhà Phật một cách đa dạng, độc đáo để diễn đạt một nội dung cụ thể là việc ẩn thân chốn cửa thiền của Hớn Minh, Vân Tiên: – Hớn Minh trở lại am mây; – Đã đành hai chữ quy y chùa này; – Phải về nương náu từ bi ẩn mình; – Vừa may mà gặp chùa này; – Mai danh ẩn tích bấy chầy náu nương; – Vân Tiên thuở ấy ở nơi chùa chiền; – Vân Tiên khi ấy an lòng; – Ở nơi am tự bạn cùng Hớn Minh; – Tiên, Minh hai gã đều hoàn am mây. Trong Lục Vân Tiên, ngôn ngữ nhân vật là nơi thể hiện rõ nhất sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với tác phẩm truyện thơ này. Thế giới nhân vật của Lục Vân Tiên rất phong phú, với nhiều hạng người từ vua, quan, quân binh, nho sĩ, đạo sĩ, thầy giáo, thầy bói, thầy thuốc cho đến tiều phu, ngư phủ, lão quán, tiểu đồng, tì nữ, thứ dân, giặc cỏ và nhân vật siêu nhiên, như: sơn quân, du thần, giao long, Quan Âm… nhưng tuyệt nhiên không có Phật tử hay người xuất gia tu hành. Tuy nhiên, các nhân vật vốn không có quan hệ gì với Phật giáo này lại sử dụng nhiều từ ngữ nhà Phật trong ngôn ngữ của mình. Có ba trường hợp tiêu biểu trong tác phẩm: hai trường hợp của Nho sĩ và một của Đạo sĩ. Vị Đạo sĩ trong truyện chính là thầy pháp “ở Trà Hương thôn”. Đây là tên thầy pháp huênh hoang, lừa bịp. Trong lời thần chú, pháp ta dẫn ra đủ các vị tiên, thánh. Và ông ta cũng không quên dẫn luôn danh xưng chư Phật để gia tăng mức độ “linh nghiệm” của “ba đạo phù trời”, cũng như ngầm khẳng định pháp lực cao cường của mình: Thỉnh ông Phật Tổ A Di Thập phương chư Phật phù trì giúp công.
Nho sĩ đầu tiên chính là Tử Trực. Khi nhận định về tài năng thông làu kinh sử của ông quán, thay vì viện dẫn các bậc thánh nhân của đạo Nho hay lời lẽ thánh hiền, chàng nho sĩ họ Vương lại dẫn lời liên quan đến đạo Phật. Trực rằng: Chùa rách Phật vàng Hay đâu trong quán ẩn tàng kinh luân.
Nho sĩ thứ hai là Bùi Kiệm. Sau khi từ kinh thành trở về, “từ ngày thấy mặt Nguyệt Nga”, chàng Nho sĩ có “máu dê” này không những có hành động bất chính “đêm đêm trằn trọc phòng hoa mấy lần” mà còn không ngừng thuyết phục Nguyệt Nga bằng những lời lẽ thô bỉ. Trước khi dẫn một loạt điển tích người xưa (Hồ Dương, Hạ Cơ, Lữ Hậu, Võ Hậu) cho chiến lược giao tiếp của mình, họ Bùi lại dám sử dụng hình ảnh sãi, chùa để ví von cho mục đích ti tiện của y: Hay chi như vãi ở chùa Một căn cửa khép, bốn mùa lạnh tanh.
Đặc biệt, còn có một Nho sĩ thứ ba nữa. Đó chính là nhân vật người kể chuyện trong tác phẩm, cụ đồ Nho Nguyễn Đình Chiểu. Được xem là người “bài Thích” nhưng trong ngôn ngữ trần thuật của ông, từ ngữ nhà Phật xuất hiện thường xuyên. Không ít lần nhà thơ sử dụng từ ngữ Phật giáo để kể chuyện hay triết lý về cuộc đời. Chẳng hạn: Trời kia quả báo mấy hồi; Người ngay Trời Phật động lòng; Người ngay Trời Phật cũng vưng [4]… Dù mục đích giao tiếp khác nhau nhưng việc một Nho sĩ hay Đạo sĩ mượn ngôn ngữ nhà Phật cho chiến lược giao tiếp của mình là một hiện tượng thú vị, nói lên nhiều điều. Như vậy, có thể nói, cả trong ngôn ngữ trần thuật lẫn ngôn ngữ nhân vật của truyện Lục Vân Tiên, sự ảnh hưởng trên phương diện ngôn ngữ của Phật giáo đều để lại nhiều dấu ấn rõ nét. KẾT LUẬN Dù ở góc độ nào, sự ảnh hưởng của Phật giáo đối văn chương Nguyễn Đình Chiểu nói chung, truyện Nôm Lục Vân Tiên nói riêng là điều không thể phủ nhận. Không chỉ thể hiện các tư tưởng chủ đạo của Nho gia, câu chuyện của Vân Tiên, Nguyệt Nga và các nhân vật khác trong tác phẩm còn là sự cụ thể hóa cho triết lý nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật như nhiều lần nhà thơ khẳng định trong tác phẩm. Trên phương diện thể loại và ngôn ngữ, Phật giáo để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Sự thể hiện của cảm quan Phật giáo mang đến cho tác phẩm nhiều giá trị. Nghiên cứu thơ văn Đồ Chiểu trong đó có Lục Vân Tiên dưới góc độ văn hóa, tôn giáo không thể không chú ý đến điều này.
ThS. Phạm Tuấn Vũ/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 398Chú thích: * Thạc sĩ Phạm Tuấn Vũ, TP. Quảng Ngãi. [1] Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.167. [2] Kiều Thu Hoạch, Sđd, tr.173. [3] Theo thống kê của Kiều Thu Hoạch, Sđd, tr.172-173. [4] Vưng: biến âm của “vâng”, ý nói đồng tình hộ trì cho.
Tài liệu tham khảo: [1] Võ Phúc Châu (2001), “Truyện thơ Lục Vân Tiên – sự tiếp biến ba tư tưởng Nho, Phật, Đạo, nguồn: http://www.vanchuongviet.org. [2] Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. [3] Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận toàn tập, Nxb. Văn học, Hà Nội. [4] Nguyễn Ngọc Thiện (tuyển chọn và giới thiệu) (2003), Nguyễn Đình Chiểu về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, Hà Nội. [5] Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang (biên khảo và chú giải) (1980), Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. [6] UBND tỉnh Bến Tre (2022), Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |