Chi tiết tin tức Bát kỉnh pháp 19:29:00 - 22/05/2020
(PGNĐ) - Vấn đề đòi nam nữ bình quyền không phải là một vấn đề mới lạ.
Từ ngàn xưa đã xuất hiện rồi, nay lặp lại chắc cũng không giải quyết được gì; thế nhưng khi hạ tải trên mạng để tìm tin tức thì mới biết đang có một phong trào, tương đối mạnh lớn, hiện cũng đang muốn hủy bỏ “Bát kỉnh pháp” do Ni bộ Đài Loan chủ xướng; ngoài ra lại cũng có một đường hướng tìm hiểu giá trị của pháp này qua cái nhìn học thuật tân thời, mà hiện đang gặp chống đối mạnh mẽ tại Việt Nam.
Đọc qua các tin tức này, thấy cũng chẳng có gì mới mẻ, ủng hộ hay chống đối cũng đều có lập trường vững chắc và biện giải hùng hồn, mặc dầu cũng có nhiều luận điệu ấu trĩ buồn cười, tưởng cũng chẳng cần phải lăng xăng nhập cuộc làm gì. Cho nên, đợi đến cao trào thị phi “Bát kỉnh” hay không “Bát kỉnh” lắng đọng rồi, mới thấy cũng cần phải “lên tiếng” cho rậm đám vui chơi.
Khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, tại Houston, Texas, chư Tăng các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, và Việt Nam có một cuộc họp, chủ đích phục truyền Đại giới cho Ni chúng Nam tông. Trong cuộc họp, các sư Việt Nam và Tích Lan ủng hộ, viện lý là Tăng truyền (Đại) giới cho Tăng còn được, sao không thể truyền trực tiếp cho Ni? Chư Tăng Miến Điện và Thái Lan bác, cho rằng “mấy bà Ni đòi thọ Đại giới chỉ là để tranh giành quyền lợi và thế lực mà thôi; 8 giới đủ cho họ tu rồi”. Không nhất trí như vậy cho nên tuy nay nghe nói là Tích Lan đã có Ni chúng Tỳ-kheo rồi, đắp y theo như bên Tăng, nhưng vẫn chưa được chư Tăng các nước kia chấp nhận; nhất là vị nào đến Thái Lan nơi Phật giáo được xem như quốc giáo mà đắp y này có thể bị bắt cầm tù vì cho là giả mạo.
Tôi lại cười, giới như hàng rào giúp mình tiến tu, giữ đúng 8 giới mà tung tăng bên trong hàng rào có phải sướng hơn là gánh một gánh mấy trăm giới è ạch cho nặng thân, nặng tâm? Đâu phải đòi thọ cho được nhiều giới để ăn trên ngồi trước mới là tu hay sao? Cô vùng vằng bỏ đi. Đến khi ngồi vào ăn trưa đã quá ngọ, trong một hàng ghế sắp dài, Bhante H. ngồi giữa, chư Tăng ngồi hai bên, đến cuối là sư Peter, rồi cách một ghế, hai bên cô ta và tôi ngồi đối mặt nhau. Chư Tăng tụng kinh xong, bắt đầu cầm đũa, thì cô Ni người Mỹ không chánh niệm để ăn mà cứ thấp thỏm dòm chừng phía trước. Thọ thực xong, chư Tăng bắt đầu nói chuyện phiếm với nhau, một lúc, có một vị đi ra thì cô Mỹ nhanh nhẹn đứng lên chạy tọt đến đó ngồi, bắt chuyện với chư Tăng; thế là họ lặng lẽ bỏ đi hết, bỏ cô ngồi một mình.
Một chuyện khác do Sư cô Từ Ngọc kể lại. Một cô Ni người Đức xuất gia theo Nam tông, rồi sang Đài Loan thọ Đại giới, qua Thái Lan đến Wat Pak-nam xin tu học một thời gian. Ngày đầu, khi chư Ni đắp y trắng vân tập lên chánh điện ngồi thiền, cô lên sau mà nghênh ngang đi thẳng đến phía trước, chễm chệ ngồi xuống ngang hàng với vị Ni trưởng. Vị này chỉ tay bảo ra phía sau ngồi. Cô ta lên tiếng cãi, bằng tiếng Anh hay tiếng Đức gì đó, rồi chỉ vào tấm y Bắc tông đang đắp, chỉ tay xuống chỗ ngồi, ra điều ta đây là Tỳ-kheo-ni, phải ngồi trên. Cuối cùng một cô Ni trẻ phải tiến lên dắt cô Đức ra ngoài; cô bèn rời Wat Pak-nam ngay chiều hôm đó, nay không biết còn tu hay không hay đang tu ở đâu.
Những chuyện lặt vặt như thế cho thấy có một số người, cũng có thể nói là hầu hết, xuất gia mà không thấu hiểu ý nghĩa xuất gia và xuất gia để làm gì1. Cho nên chư Tăng Miến Điện và Thái Lan cũng có lý khi bài bác không chấp nhận đề nghị cho Ni Nam tông thọ Đại giới. Vị Ni trưởng Wat Pak-nam đã trên 60 tuổi, tu hơn 40 năm, tuy vẫn chỉ có 8 giới, nhưng oai nghi tế hạnh không khác những vị sư bà Cụ túc Bắc tông; các vị Ni khác cũng không kém, tụng kinh ngồi thiền nghiêm trang. Cho nên đâu phải chỉ có 8 giới thì là không phải người tu đâu. Những tranh giành ngồi trên ngồi trước chỉ là thái độ cá nhân của người không hiểu đạo, không hiểu luật, không rõ ràng trong ý hướng xuất gia; thế nhưng, tuy không thể vơ đũa cả nắm mà rồi cũng vì “một con sâu cũng có thể làm rầu nồi canh”, cho nên mới có những lủng củng như trên, đến bị chư Tăng Thái-Miến phủ bác, không cho lập lại Ni bộ Nam tông.
Trong lịch sử Đông Á thời trung đại, có hai người thuộc nữ giới lên ngôi thiên tử, đó là Nữ hoàng Suy Cổ bên Nhật và Hoàng đế Võ Tắc Thiên nhà Đường bên Tàu; họ là hai nhà vua cực lực hỗ trợ giới Tăng lữ xiển dương kinh Thắng Man, bởi vì kinh này đưa địa vị người nữ lên cao, để làm lý do biện minh và ca tụng sự trị vì của đế nữ trong khung cảnh triều đình đượm mùi Khổng giáo trọng nam khinh nữ của vùng Đông Á.
Suy Cổ Thiên Hoàng (Suiko Tennō, tại vị 592-628) là vị nữ đế đầu tiên của Nhật, lên ngôi năm 592 và phong cho Thánh đức thái tử (Shōtoku Taishi, 574-622), con của Dụng Minh Thiên hoàng (Yōmei Tennō, tại vị 585-587), làm Nhiếp chánh vương. Thái tử làu thông học vấn nội ngoại, nghiên cứu thâm sâu Phật pháp và không những quy y Tam bảo mà còn nỗ lực xiển dương để đưa Phật giáo lên ngôi quốc giáo. Ngài phái nhiều người đi sứ sang Trung Hoa để cầu pháp, sắc lệnh xây dựng rất nhiều tự viện2 và thuyết giảng kinh Thắng Man ngay trong đại nội cho Nữ hoàng Suy Cổ nghe, sau đó tập thành làm một trong bộ Tam kinh nghĩa sớ nổi danh của ngài, được các học giả Tây phương ca tụng và nhất là được tông Tendai (Thiên Thai) do Đại sư Seichò (Tối Trừng, 767-822) và hậu phái do Đại sư Nhật Liên (Nichiren, 1222-1282) sáng lập, dùng làm tông bổn.
Vài năm trước khi Nữ hoàng Suy Cổ băng hà, vào năm 623 bên Trung Hoa có một bé gái được sanh vào trong gia đình quý tộc họ Châu3, sau được tuyển vào cung làm phi và cuối cùng tiếm vị nhà Đường, lên ngôi tự xưng hoàng đế năm 690. Lần đầu tiên và là lần duy nhất trong lịch sử Trung Hoa, một người đàn bà, Võ Tắc Thiên (tại vị 690-705), tự phong làm thiên tử, nghĩa là con của Trời, cải quốc hiệu nhà Đường thành Đại Châu, trị vì với bàn tay sắt thép và bộ óc thông minh, cho đến năm 705 mới băng hà. Để biện minh cho địa vị người nữ có thể lãnh đạo quốc gia, Võ Tắc Thiên một mặt áp dụng chánh sách ủng hộ Phật giáo khiến được phát triển đến cực thịnh, một mặt mật lệnh cho các cao tăng tập trung vào việc xiển dương kinh Thắng Man, đưa kinh này lên ngang hàng với các kinh khác như Pháp hoa, Hoa nghiêm, v.v...
Đây là hai thí dụ cụ thể về địa vị người nữ, không những ngang bằng mà còn cao hơn cả người nam, nhưng chỉ là những thí dụ đơn độc, cá nhân, phần lớn do thời điểm và cơ duyên thuận tiện giúp vận, ngoài ra thì đâu vẫn hoàn đấy, nghĩa là phong tục tập quán trọng nam khinh nữ thì ngàn đời vẫn chưa xóa bỏ được, ngay cả trong thế giới văn minh tiến bộ Tây phương ngày nay. Tuy nhiên cũng nhờ thời điểm và cơ duyên như thế mà Phật giáo mới có thể xiển dương tại Trung Hoa và Nhật Bản trong buổi sơ thời truyền bá từ Ấn Độ sang. Công lao của hai người này rất lớn đối với Phật giáo, mặc dù trên thực tế Võ Tắc Thiên chỉ là lợi dụng Phật giáo để củng cố ngôi vị của bà mà thôi.
Mục đích tối hậu của hành giả khi tu Phật là để được giải thoát. Trên con đường tu đó, đối diện với nhiều - hằng hà sa số - chướng ngại duyên, mà chướng duyên nguy hại nhất lại tiềm tàng sẵn trong mỗi một con người của chúng ta ngay từ khi bắt đầu cuộc sanh tử luân hồi: cái ngã. “Trên trời dưới đất, duy chỉ có cái ngã là độc nhất khiến cho tất cả thế gian phải lăn lộn mãi trong vòng sanh già bịnh chết”4. Biết thế mà không biết diệt ngã thì không những đường tu không tiến mà còn tạo thêm nhiều nghiệp báo khiến mãi mãi trôi lăn trong vòng luân hồi sanh tử. Cái ngã đó hai hạng Tăng Ni chúng đều có, mà chắc chắn là Ni nhiều hơn, nên khi biểu hiện thì nhỏ mọn hơn, rườm rà hơn, tệ hại hơn, do vậy mà giới luật mới nhiều hơn.
Có lẽ chính vì vậy mà Đức Phật đã lân mẫn ban bố cho hàng nữ lưu một pháp môn độc đặc giúp tiến mau, bước nhanh đến mục đích tối hậu đó: Bát kỉnh pháp. Độc đặc, bởi vì hàng nam Tăng không được có. Độc đặc, bởi vì chỉ có thế mới giúp cho người nữ phá bỏ được cái ngã của mình đi. Nếu biết dùng sẽ cảm thấy đây là dụng cụ hết sức thực tiễn để dẹp bỏ cái cao ngạo tiềm tàng trong mỗi một người nữ, nhất là những người từng có địa vị cao sang quyền quý; không biết thì sẽ như con trâu điên húc bậy khiến bị đâm thương tích đầy dẫy mà thôi. Nếu không vì phải tuân thủ “lấy giới luật làm Thầy”, chắc chắn họ cũng đã làm cách mạng lâu rồi, không phải đợi đến ngày hôm nay. Ấy thế mà Ni giới lại đòi phá bỏ cái hành trang nhiệm mầu này, quả thật là không biết ân điển của Phật; đã không biết báo đền tâm từ bi của Phật thì chớ, mà còn phản bội lại ngay chính vị Thầy là Giới luật mà họ đã thọ.
Nói như vầy không phải là tôi lên mặt “thầy đời” dạy thiên hạ, bởi vì tôi cũng đã từng một thời, rất lâu, giống như cô Mỹ kia, lăng xăng đòi phải được thế này thế nọ, khiến cứ chạy loanh quanh lẩn quẩn không bước đến đâu. Nhưng rồi có thất bại mới đạt được thành công. Cổ đức đã từng dạy, một khi ngồi lại chiêm nghiệm về điều “nghiệp quả gì mà khiến phải mang thân người nữ như vầy”, mới bừng tỏ ra; đại nghi đại ngộ, thì cũng chính cổ đức đã dạy thế, nhưng chính bản thân thì lại “đại ngu đại ngộ”, thì cũng thế mà thôi.
Long nữ là một cô bé 8 tuổi - tức tuổi còn thơ, chưa nhuốm phiền não -, thuộc hàng phi nhơn - không phải loài người -, và không thuộc nam phái - tức người nữ -, mà trong một chớp mắt đã chuyển thân thành Phật. Đây là một ẩn dụ mà Phật (hay vị Tổ nào đã đắc đạo dùng phương tiện giáo hóa, tạo nên kinh Pháp hoa) đã từ bi chỉ dẫn cho biết rằng “chúng sanh ai cũng có Phật tánh”, y theo lời Phật dạy. Cá nhân tôi nhận thấy Đức Phật thương những con gái của Ngài nhiều hơn con trai khi đặt ra Bát kỉnh pháp. Ở đây tôi không bàn đến nội dung của pháp này; đã có nhiều người hiện tại đang bị quấy động, lôi cuốn vào trận chiến vì những đề nghị này kia nọ ấy rồi. Cứ kéo trên mạng xuống thì biết. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến giá trị thực tiễn của Pháp, mà Đức Phật, hay một vị Tổ nào đó, khi đặt ra nhằm đối tượng là người nữ trong một xã hội truyền thống trọng nam khinh nữ từ hơn 2 ngàn năm trăm năm về trước.
Truyền thuyết cho rằng nhờ ngài A Nan năn nỉ với Phật, kể lể công ơn Kiều Đàm di mẫu nuôi nấng Thái tử Sĩ Đạt Ta biết là bao nhiêu nên Đức Thế Tôn mới có được như vầy, v.v... và v.v..., Phật mới “xiêu lòng” chấp thuận cho ngài Ma-ha Ba-xà-ba-đề xuất gia, với điều kiện duy nhất là bà phải tuân giữ Bát kỉnh pháp. Bà lập tức chấp nhận ngay không cần suy nghĩ, bèn trở nên vị Ni đầu tiên trong giáo đoàn và A Nan nghiễm nhiên trở thành vị Sơ tổ của Ni bộ. Tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần bao nhiêu vị giảng sư nhắc đến truyền thuyết này, mà chưa được nghe vị nào nhắc đến cốt lõi của nó hết.
1. Trước hết, Đức Phật Thích Ca là vị “Thiên nhơn chi đạo sư”, đâu cần đợi đến A Nan năn nỉ ỉ ôi mới biết ra hay nhớ ra công ơn của ngài Ma-ha Ba-xà-ba đề; cũng không cần có A Nan làm “cố vấn” Ngài mới chấp nhận cho di mẫu xuất gia. Ba lần Kiều Đàm Di cầu khẩn Phật xin được xuất gia chỉ là vì để phù hợp với phong tục Ấn Độ thời đó: làm gì, nói gì, v.v..., cũng phải lặp lại 3 lần; phong tục này vẫn còn tồn tại qua nhiều hình thức, như là niệm Phật hiệu 3 biến, đóng 3 tiếng chuông, đi nhiễu 3 vòng, ngài Xá Lợi Phất khẩn xin Phật thuyết kinh Pháp hoa 3 lần, v.v...
2. Ngài Kiều Đàm không những là di mẫu của Thái tử Sĩ Đạt Ta, mà còn là hoàng hậu của vua Tịnh Phạn nữa, sau khi hoàng hậu Ma-ha Ma-da thác hóa. Nếu Đức Phật không đặt điều kiện để áp chế bà, mà vẫn cứ hoan hỷ cho bà xuất gia theo thông lệ “ehi Bhikhu” (Thiện lai, Tỳ-kheo!) tức là ngài “ehi Bhikhuni” (Thiện lai, Tỳ-kheo-ni!), rồi thì tóc bà rụng hết (may là không râu), v.v..., thì ta thử tưởng tượng, các vị Đại Tỳ-kheo - một số đã chứng quả A-la-hán - phải đối đãi làm sao với bà? Bà mà chĩa tay năm ngón, theo tập khí của một hoàng hậu lại là di mẫu của Phật, thì chắc ngay cả các Đại đệ tử của Phật như năm anh em Kiều Trần Như, Đại Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề, Phú Lâu Na, v.v... và v.v..., đều cũng phải “y giáo phụng hành” hết!
Có ai dám cãi lại di mẫu của Phật không? Ngay đến thế kỷ XXI này mà một cư sĩ tầm thường chỉ cần cúng chùa một vài ngàn đô thì cũng thừa sức để khiến sai vị trụ trì thế này thế nọ rồi, huống hồ là vào thời phong kiến ngàn xưa. Bởi thế cho nên Đức Phật mới đặt điều một của Bát kỉnh pháp nhằm trực tiếp đối với ngài Ma-ha Ba-xà-ba-đề, để một khi mà xuất gia rồi, thì bất kỳ là vị Tỳ-kheo nào mà Phật “ehi Bhikhu” sau bà bao lâu chăng nữa, bà cũng phải thụt lại đứng sau chót! Gọn hơ! Dẹp hết mọi tập chướng hoàng hậu của vua Tịnh Phạn hay di mẫu của Phật một cái rụp! Giả như mà người đàn bà đầu tiên cầu xin Phật được xuất gia không phải là Kiều Đàm Di, có lẽ chúng ta phải có một bộ Bát kỉnh pháp khác!
Trên đây là hai lý do chánh theo ý ngu đần của riêng tôi về sự ra đời của pháp này. Ngoài ra còn một vài lý do khác:
3. Mục đích tối hậu của người tu, bất kỳ Tăng hay Ni, là để được giải thoát; những công tác được gọi là Phật sự, trong tự viện để tự độ hay có liên hệ đến người khác trong hạnh nguyện độ tha cũng chỉ là để củng cố thêm tiềm lực nội tâm trên đường giải thoát cá nhân mà thôi. Mà củng cố tiềm lực nội tâm không gì ngoài hạnh nhẫn. Nhẫn thì nhịn, không nói, không đòi. Trong khi đó, các tu nữ bên Gia Tô giáo là thật sự nhập thế để phụng sự Thiên Chủ của họ trong những lãnh vực như giáo dục, y tế, xã hội; do đó, họ cần có tiếng nói đóng góp trong nội bộ để chấn chỉnh khi cần thiết theo trào lưu tiến bộ của thế giới. Ni chúng Phật giáo không cần thiết có tiếng nói như vậy.
4. Ni có đủ quyền năng như Tăng để làm pháp sự như chủ lễ khi hoàn cảnh không có một vị Tăng tại đường, cũng như làm trụ trì, thuyết kinh, giảng pháp, v.v... Các Giáo hội khác không cho người nữ tu (nun) làm linh mục (priest), làm giám mục (bishop), hay làm chủ lễ (rites performing minister) cho nên họ mới tranh đấu đòi bình đẳng trong nội bộ tổ chức hành chánh để có thể làm thế. Ni đã được làm như Tăng những điều kể trên rồi, còn đòi bình đẳng về chuyện gì, một khi chuyện đó không phù trợ với việc tiến tu cho tự thân?
5. Trong những thập niên 1960’, 70’, và có lẽ trước đó rất lâu, một khi có vấn đề trọng đại, thì chư tôn đức long tượng trong Giáo hội như (cố) Hòa thượng Từ Đàm, (cố) Hòa thượng Già Lam, (cố) Hòa thượng Vạn Hạnh, v.v..., đều tìm hỏi ý kiến của (cố) Sư bà Diệu Không và trân trọng ý kiến của Sư bà. Không ai xem thường hay bỏ qua những lời nói chân thật của Sư bà hết. Vậy mà Sư bà vẫn tuân thủ Bát kỉnh pháp một cách nghiêm túc, không hề sai sót.
Tóm lại, ngoài Bát kỉnh pháp, hình như Ni không bị một thiệt thòi nào khác trong tiến trình tu học, hay nhập thế hành đạo. Về tiến trình thực hành Bát kỉnh pháp này, thì hầu như cũng chỉ còn là hình thức cho phù hợp với giới luật đặt để, còn thực thể thì “ai tu nấy chứng”, tuy “bát kỉnh” gây nhiều trở ngại và thiệt thòi cho người nữ thật, nhưng chưa thấy có giới luật nào “cấm” người nữ được thành Phật hay A-la-hán cả. Nếu nay vì thấy các Giáo hội khác đòi bình đẳng rồi Ni chúng cũng đòi bỏ Bát kỉnh pháp (cho theo kịp trào lưu với người ta!), tức là thành lập một Ni bộ riêng, có tiếng nói riêng khi phải phát biểu về một vấn đề nào đó, như vậy sẽ có 2 tiếng nói, mà khi phải lên tiếng chắc chắn sẽ có đối lập nhau. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là tránh tình trạng bị phân tán trong Phật giáo; nếu không hàn gắn được thì thôi, xin đừng xé manh xé mún thêm nữa cho Ni bộ, chỉ vì được có chỗ đứng riêng biệt, ngang hàng với Tăng, thì quả thật là đã quên ân điển của Phật và chư Tổ rồi, đâu còn xứng đáng để có một tiếng nói riêng nữa.
Ngu Thả Độn tôi được xem như là người của nhà chùa từ hơn bốn mươi năm qua, nhưng mà là người chỉ biết ăn cơm chùa mà không biết làm việc chùa, cứ lo lăng xăng làm việc cho thiên hạ. Cho nên ở trong chùa thì không theo quy củ, ra ngoài thì cứ xách gói đi từ chùa này đến chùa khác, có nơi ở được 6, 7 năm, có nơi 9, 10 tháng, lần cuối cùng kể không giáp 3 tuần trăng, thế mà vẫn còn không biết tự kiểm thúc giới tướng, cứ học đòi làm Hàn Sơn Thập Đắc mà lại lên tiếng đứng về phe ủng hộ Bát kỉnh pháp, quả thật không hổ danh vừa ngu vừa đần! Tuy nhiên, vì đã có ưu tư, cho nên đành phải lên tiếng nói, rằng xin cho còn được giữ Bát kỉnh pháp, để còn được làm con Phật, và nhất là còn được có hành trang độc đặc trên đường diệt tận cái Ngã nghiệt ngã của tự thân. Bởi vì rằng, Trong ta là núi là rừng
Cho nên,
(Thơ Tuệ Sỹ)
Ngu Thả Độn
_______________________
2Theo truyền thống Nhật Bản, phải có sắc lệnh của Thiên hoàng đương thời, Phật giáo mới có thể kiến thiết tự viện và cũng chính Thiên hoàng bổ nhiệm trụ trì.
3Giảng lược theo R.W.L. Guisso, Wu Tse-t’ien and the Politics of Legitimation in T’ang China: a Study of the Empress Wu’s Reign and her Place in Chinese History (1978, reprinted 1989). Her use of Buddhist ideology is discussed in detail in Antonino Forte, Political Propaganda and Ideology in China at the End of the Seventh Century (1976).
4“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn, nhất thiết thế gian, sanh lão bệnh tử”, câu tuyên bố của Thái tử Sĩ Đạt Đa khi mới vừa hạ sanh, đi bảy bước (kinh Ðại bản (trong Trường A-hàm), quyển 1).
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |