Chi tiết tin tức

Mùa Vesak đặc biệt với Phật tử toàn thế giới

19:17:00 - 17/05/2020
(PGNĐ) -  Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến và gây ra nhiều thay đổi sâu sắc trong cuộc sống của người dân thế giới, tại các quốc gia Phật giáo, hàng triệu Phật tử vẫn hân hoan chào đón ngày Đại lễ Vesak, kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật lịch sử.

Đó là ngày Đức Phật Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết-bàn.

 

qt1.png
Phật giáo Úc kỷ niệm Đại lễ Vesak LHQ vào ngày 4-5-2019 tại Công viên Belmore, Sydney

 

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công nhận Đại lễ Vesak là ngày Quốc tế vào năm 1999 và lần đầu tiên tổ chức kỷ niệm tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc năm 2000. Cùng với sự hoành hành của dịch bệnh tại các quốc gia châu Á, đầu tháng 3 vừa qua, Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đã quyết định hủy tổ chức Đại lễ Vesak LHQ lần thứ 17 năm 2020, dự kiến diễn ra tại Thái Lan. 

 
Trước các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng như phong tỏa và giãn cách xã hội, ngày Đại lễ thiêng liêng này được cộng đồng Phật giáo thế giới kỷ niệm theo cách rất riêng, tùy thuận hoàn cảnh. 

 

Theo đó, người Phật tử vẫn được kết nối tinh thần, tâm linh với cộng đồng Phật giáo, chư Tăng và nhà chùa qua việc tham dự các khóa lễ kính mừng ngày Vesak được các tổ chức Phật giáo, cơ sở tự viện trực tuyến trên các phương tiện kỹ thuật số và các kênh truyền thông xã hội. 

 

Theo ghi nhận của tờ The Buddhist Door, Hội Từ Tế - tổ chức nhân đạo xã hội Phật giáo quốc tế được thành lập vào năm 1966 tại Đài Loan bởi Ni sư Chứng Nghiêm trong tuần lễ mừng Phật đản đã vận hành cổng thông tin điện tử, tạo điều kiện để Phật tử có thể thực hiện nghi thức Mộc dục, đón mừng Đức Phật đản sinh ngay tại nhà. 

 

Trang thông tin tích hợp ứng dụng “nghi thức Tắm Phật online” này bắt đầu hoạt động vào ngày 1-5. Sau khi truy cập vào website trên, Phật tử thực hiện theo các bước hướng dẫn để cử hành nghi thức cúng dường Đức Phật đản sinh; gồm các nội dung như xưng tán Đức Phật, tắm Phật, cầu nguyện và tụng kinh Chuyển pháp luân

 

“Thông qua thiết kế ứng dụng này, Phật tử có thể thực hiện nghi thức Tắm Phật một cách đơn giản, đầy đủ tại nhà. Điều quan trọng nhất là chúng ta hiểu được ý nghĩa của nghi thức này để thanh tịnh hóa tâm mình. Kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh không chỉ là sự quán tưởng đến giáo pháp của Ngài mà còn nhắc nhở mỗi người chúng ta không quên quay trở về với Phật tánh bên trong của chính mình”, chia sẻ từ Ban Quản trị trang web, theo Malay Mail.

 

Tại Sri Lanka, các gia đình Phật tử cũng không đến chùa trong thời gian này và chào mừng Khánh đản tại nhà cùng các thành viên gia đình trong các ngày 7 và 8-5 (tức 15 và 16-4 âm lịch). Theo chỉ thị của Chính phủ nước này, chư Tăng trên toàn quốc được yêu cầu không tổ chức sự kiện cộng đồng quy tụ đông người và khuyến khích tín đồ tự trang trí nhà cửa bằng đèn lồng truyền thống với các chất liệu thân thiện môi trường để chào mừng Đại lễ.

 

qt2.jpg
Thông báo Đại lễ Vesak 2020 và Tuần lễ cầu nguyện online của Liên minh Phật giáo Thế giới (IBC - Ấn Độ) 

 

Tương tự, trong ngày rằm tháng Tư năm nay, cộng đồng Phật tử Bangladesh cũng không tập trung tại các cơ sở tự viện để tổ chức kỷ niệm theo truyền thống, như nội dung trong Thông điệp chúc mừng ngày Vesak của Tổng thống Abdul Hamid và Thủ tướng Bangladesh, Sheikh Hasina: “Tôi đề nghị cộng đồng Phật tử cả nước tổ chức kỷ niệm Đại lễ tại nhà”, theo tờ Dhaka Tribune

 

Còn tại Malaysia, Hiệp hội Phật giáo Malaysia (MBA) đã lên kế hoạch triển khai chuỗi chương trình trực tuyến, hỗ trợ Phật tử tổ chức kỷ niệm Đại lễ Vesak tại nhà do các nghi lễ cộng đồng thường lệ bị hủy bỏ vì dịch bệnh. 

 

“Dù không thể trực tiếp đến chùa tắm Phật như mọi năm, người dân vẫn có thể thực hiện nghi thức này tại nhà qua các video hướng dẫn được đăng tải trên kênh YouTube. Chúng tôi hy vọng rằng, cộng đồng Phật giáo sẽ làm giàu nội tâm của mình trong sự hiểu biết và nuôi dưỡng lòng kính tin đối với Tam bảo trong thời gian áp dụng Lệnh Kiểm soát di chuyển của Chính phủ”, chia sẻ của lãnh đạo MBA với The Star.

 

Còn tại xứ sở chùa Vàng, các nghi lễ chào mừng ngày Vesak được chư Tăng cử hành trong phạm vi nội tự và tuân thủ giãn cách an toàn phòng chống dịch bệnh theo lời khuyên của các cơ quan y tế. Theo đó, cư sĩ Phật tử “được khuyến khích ở tại nhà và bày tỏ lòng biết ơn đến Đức Phật bằng cách nghiêm giữ và hành trì Ngũ giới, thực hành thiền định, tụng kinh và nghe pháp thoại trực tuyến”.

 

Tại Australia, Liên đoàn Phật giáo Australia (BFA) cũng trực tuyến kỷ niệm Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh giãn cách xã hội. “Việc tổ chức kỷ niệm online vừa tạo điều kiện để cộng đồng có thể cùng tham dự sự kiện thiêng liêng này vừa đảm bảo tuân thủ các quy định về hạn chế tập trung đông người của Chính phủ”, thông báo về chương trình kỷ niệm ghi rõ. 

 

Trước đó, trong Thông điệp chúc mừng Đại lễ Vesak 2020 gửi đến cộng đồng Phật giáo tại nước này, Thủ tướng Scott Morrison nhấn mạnh: “Vesak là ngày kỷ niệm cộng đồng đặc biệt của Phật tử thế giới - là thời gian để chúng ta cùng cầu nguyện, quán niệm trong tĩnh lặng, để bao dung và phụng sự. Tuy nhiên, việc tổ chức kỷ niệm ngày quốc tế này trở nên khó khăn bởi chúng ta đang trải qua khủng hoảng y tế toàn cầu, một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu trong thế kỷ này. 

 

... Dù không thể tụ hội cùng nhau tại các địa điểm tâm linh để chào đón sự kiện thiêng liêng này, chúng ta có thể gặp gỡ nhau trên nền tảng tâm linh. Mỗi người vẫn có được sức mạnh từ các giá trị của lòng từ bi, thiện nguyện, sự tử tế và lòng tôn trọng từ cộng đồng Phật giáo. Đây là những giá trị mà hiện nay thế giới cần hơn bao giờ hết, để cùng hướng về những ngày tốt đẹp hơn...”. 

 

Đăng Minh tổng hợp

(theo The Buddhist Door, IBC, unvesakaustralia.org)

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin