Chi tiết tin tức

Các vị cao tăng tiêu biểu trong lịch sử Phật giáo trường hợp Tam tạng Pháp sư Huyền Trang

20:07:00 - 19/11/2022
(PGNĐ) -  Đặc biệt, một nhân vật tiêu biểu nhất góp phần vào sự phát triển rực rỡ của Đại Đường là Tam tạng pháp sư Huyền Trang với cuộc du hành vĩ đại trên quê hương Đức Phật vào thế kỷ VII. Những đóng góp của Ngài đến nay đã được rất nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu trên thế giới.

 

Nương theo các nguồn tư liệu lịch sử, Ngài Huyền Trang (602-664) là một trong bốn dịch giả lớn nhất của Phật giáo Trung Quốc, lừng danh dưới đời Đường vào thế kỷ thứ VII và đồng thời cũng là vị cao tăng sáng lập Pháp tướng tông, một dạng của Duy thức tông. (Ảnh Xuehua)

DẪN NHẬP

Nếu Lý – Trần là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo Việt Nam thì Tùy – Đường chính là giai đoạn đánh dấu sự phát triển lớn mạnh nhất của Phật giáo ở Trung Quốc. Tất nhiên, thời kỳ nhà Đường đã chính thức bước ra khỏi sự phụ thuộc về tư tưởng giáo học của Phật giáo thời Đông Tấn và Nam-Bắc triều. Vai trò và vị thế của Phật giáo lúc bấy giờ không chỉ góp phần hộ quốc an dân mà còn đẩy mạnh tư tưởng, quan điểm tu học, thông qua sự ra đời nhiều tông phái mới, như: Duy thức tông, Câu Xá Tông, Luật tông, Hoa Nghiêm tông, Mật giáo… Có thể nói, Phật giáo đời Đường (trừ giai đoạn bị pháp nạn Võ Tông phế Phật trở về sau), tất cả đều như hội đủ sắc màu của một thời kỳ “trăm hoa đua nở”. 

Trong sự phát triển hưng thịnh đó phải kể đến sự bảo trợ từ phía hoàng gia. Đặc biệt là sự xuất hiện của các bậc Đại Danh Tăng đã nỗ lực không ngừng để đưa ánh sáng đạo Phật đạt đến tuyệt đỉnh. Đơn cử như: ngài Đạo Xước, Pháp Tạng, Thần Tú, Huệ Năng, Đạo Tuyên, Bất Không, Nghĩa Tịnh… Đặc biệt, một nhân vật tiêu biểu nhất góp phần vào sự phát triển rực rỡ của Đại Đường là Tam tạng pháp sư Huyền Trang với cuộc du hành vĩ đại trên quê hương Đức Phật vào thế kỷ VII. Những đóng góp của Ngài đến nay đã được rất nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu trên thế giới. Một phần vì Ngài đã phiên dịch kho tàng pháp bảo đồ sộ cho Phật giáo, phần nữa bởi Ngài đã tạo nền móng và chuyên chở nhiều giá trị, tư tưởng trác việt đến với quần chúng tín mộ đạo Phật. 

ĐẾN TÂY TRÚC CẦU PHÁP

Nương theo các nguồn tư liệu lịch sử, Ngài Huyền Trang (602-664) là một trong bốn dịch giả lớn nhất của Phật giáo Trung Quốc [1], lừng danh dưới đời Đường vào thế kỷ thứ VII và đồng thời cũng là vị cao tăng sáng lập Pháp tướng tông, một dạng của Duy thức tông [2]. Ngày nay, tên tuổi Ngài không chỉ được biết đến qua sách vở mà còn qua phim truyện “Tây Du Ký” kể về nhân vật Đường Tam Tạng [3] đi thỉnh kinh ở Tây Trúc. Có thể nói, so với tôn hiệu Huyền Trang hay Huyền Tráng thì Đường Tam Tạng có vẻ thân quen, gần gũi trong lòng quần chúng hơn, dẫu xung quanh câu chuyện vẫn có nhiều tình tiết đan dệt, hư cấu và mang tính tiểu thuyết hóa. Đúng ra, “cuộc đời và sự nghiệp xuất thế của Pháp sư có giá trị độc lập với Trần Huyền Trang trong phim ảnh, và độc lập với Trần Huyền Trang trong tiểu thuyết Tây Du Ký” [4]. Do vậy, rất cần có sự tách biệt rõ ràng và ổn định nhận thức để người học Phật thoát ra được cảnh diễn xuất kém phần giải thoát được nhìn, nghe thấy từ nhân vật điện ảnh Trần Huyền Trang. 

Riêng nói về Ngài Huyền Trang: “Từ chối hết tất cả danh vọng, ông chỉ nghĩ đến việc dịch… Ông được ngồi riêng một chiếu trong hàng vĩ nhân thế giới cũng ở chỗ đó. Mà công việc dịch kinh của ông cũng vĩ đại như chuyến thỉnh kinh đã làm cho đạo Phật truyền bá rất mau, rất rộng trong cõi Đông Á, đã làm cho tiếng tăm đời Đường chói lọi trong lịch sử nhân loại”.

Trong ý nghĩa của một nhân vật lịch sử, ngài Đường Huyền Trang cùng thời với hai vị đại sư Huệ Năng và Thần Tú [5], xuất thân tại Lạc Dương tỉnh Hồ Nam và cũng xuất gia học đạo rất sớm tại một ngôi cổ tự thuộc thành Lạc Dương. Bấy giờ các tông phái Phật giáo đã phát triển với số lượng kinh điển được chuyển ngữ, nghiên cứu, giải thích từ Ấn – Hoa tương đối nhiều. Sư Huyền Trang đã chọn học kinh điển Đại thừa với những vị thầy lỗi lạc. Về sau, Ngài tiếp cận nhiều hơn hệ thống luận tạng như: Câu Xá, Thành Thật Luận, Nhiếp Luận, A Tỳ Đàm Luận,… qua sự chuyển dịch của các bậc cao tăng nổi tiếng như: Cưu Ma La Thập, Chơn Đế… Trong khoảng thời gian này, Huyền Trang nhận ra kinh điển Phật giáo ở Trung Hoa chưa đầy đủ, hơn nữa những tác phẩm hiện thời chưa giải thích rõ ràng, lại thêm quá nhiều ý kiến trái chiều. Điển hình như Du già Sư địa luận. Ngài cũng tự nhận: “Trải qua các triều đại Chu Tần… đến khi ngài Nghiêm Hiển cầu kinh, Ngài Phật Đồ Trừng, La-thập nối tiếp nhau phiên dịch thì tuy gió giải thoát đã thổi mà chưa cùng khắp, …” [6]. Từ đó, Ngài quyết định bắt đầu cuộc hành trình Tây Du đến Ấn Độ vào năm 629, mặc dù tình hình đất nước mới thống nhất, “cấm ngặt sự ra vào Trung Hoa” [7]. Có thể nói, “đây là một sự kiện cực kỳ quan trọng đối với sự truyền bá và chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ” [8]. 

Trong cuộc hành trình đầy khó khăn và thử thách vì phải đối diện một quãng đường xa, sự kiểm soát của triều đình và sự khắc nghiệt của thời tiết, … đã có lúc tưởng như nản lòng nhưng rồi Ngài lại tự trấn an bằng nghị lực dũng mãnh: “Hồi đầu ta đã thề là không tới Tây Trúc thì không khi nào trở về quê hương. Thà đi về phương Tây mà chết còn hơn là trở về hướng Đông mà sống” [9]. Bổn nguyện và lòng kham nhẫn của Ngài trong chuyến đi này có thể nói đã học theo chí nguyện của Đức Thế Tôn lúc tìm đạo. Về lý tưởng và mục đích du hành thì “chủ đích của Huyền Trang du hành đến Ấn Ðộ chính là để học Luận Ðại thừa Du già Sư Ðịa và mang về Trung Quốc, còn Pháp Hiển khởi hành cuộc hành trình gian khó vì muốn sưu tầm các bản văn về Luật tạng và xem xét đời sống tu viện cùng giới Luật của chư Tăng trên đất Ấn” [10]. Thời đại nhà Đường còn có ngài Nghĩa Tịnh (635-713) sang Ấn Độ cầu pháp và để lại các văn bản giới thiệu, cung cấp thông tin về các vương quốc khác nằm trên tuyến đường giữa Trung Quốc đến học viện Phật giáo Nālandā. 

TRỞ VỀ TRUNG HOA

Trải qua sóng gió buổi đầu, Pháp sư Huyền Trang đã đặt chân đến quê hương Đức Phật và nhanh chóng vượt qua cuộc khảo hạch để bước vào Nālandā – một ngôi trường đại học lớn trên thế giới, nơi tu học của một vạn chư tăng vào cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII [11]. Ở đây, Ngài đã có một quá trình tham học, nghiên cứu hơn 15 năm. Vào năm 633, Ngài cầu học Duy thức với Ngài Giới Hiền (đã hơn 100 tuổi) – người đứng đầu tu viện Nālandā và là đạo sư của trường phái Du Già. Cũng tại đây, Ngài Huyền Trang có cơ duyên thọ giáo, lãnh hội tinh hoa, yếu nghĩa từ 10 vị Đại luận sư như: “Ngài Thân Thắng, Hỏa Biện, Đức Tuệ, An Tuệ, Nan Đà, Tịnh Nguyệt, Hộ Pháp, Thắng Hữu, Tối Thắng Tử, Trí Nguyệt” [12]. Nhờ đó, sau khi trở về Trung Hoa, Ngài đã hệ thống, chuyển ngữ, giải về luận ba mươi bài tụng của Ngài Thế Thân ra bộ Thành Duy Thức luận gồm mười cuốn, lưu truyền đến nay [13]. Đồng thời, lập nên Pháp tướng tông hay Duy thức tông với chủ trương các pháp đều do thức phát sinh, chia thành “Ngũ vị bách pháp”. Ngoài ra, tông này đem giáo tướng của Phật giáo chia thành “Tam thời giáo”, lấy Giải Thâm Mật Kinh và Du Già Sư Địa Luận làm giáo nghĩa căn bản. Về truyền thừa thì “lấy Ngài Di Lặc làm Sơ Tổ ở Ấn Độ, và Ngài Huyền Trang là Sơ Tổ của tông Pháp Tướng ở Trung Quốc” [14]. Điều này cho thấy, Ngài rất nỗ lực kế thừa tinh hoa từ các vị tổ Duy thức lớn. 

Mặt khác, Ngài không đi lệch với mục đích và điểm xuất phát ban đầu trong ý tưởng Tây Du. Ngoài ra, việc thiên nặng về luận tạng của Ngài còn cho thấy sự khác biệt so với quan điểm chú trọng, đề cao luật tạng số một của ngài Pháp Hiển. Đó cũng chính là lý do mà Cố trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu từng cho rằng:“Pháp Hiển là một vị Tăng theo Tiểu thừa thuần túy; khác với Huyền Trang, một nhà Ðại thừa tận xương tủy” [15]. Về sau, đệ tử lớn của Ngài là Khuy Cơ lại làm bộ Thành Duy thức luận thuật ký để giải rộng lại những nghĩa trong bộ Thành Duy thức của thầy mình [16]. Từ đây có thể nói, “chính Ngài Huyền Trang và các đệ tử của Ngài là những vị có công lớn trong việc làm sáng tỏ giáo lý pháp tướng tôn ở Trung Hoa” [17].

Nhìn lại thành quả sau khi chuyến đi kết thúc, trở về Trung Thổ vào năm 645, Ngài đã đem về một lượng pháp bảo khổng lồ, gồm: “150 Xá lợi tử, 7 tượng Phật bằng gỗ quý cao từ 1 thước tới 3 thước 50 và 647 bộ kinh” [18]. Tất cả đều được ghi chép rõ ràng: “Tổng cộng có năm trăm hai mươi hòm, sáu trăm năm mươi tám bộ, phải dùng hai mươi con ngựa để chở về” [19]. Điều này không chỉ làm rạng danh cho Phật giáo Trung Hoa mà sự xuất hiện cũng như đóng góp của Ngài đã thực sự khiến cho Hoàng đế Đường Thái Tông cảm phục và phát tâm hộ trì Ngài trong suốt thời gian phiên dịch kinh điển. Kết quả, Ngài đã “dịch xong 75 bộ 1335 cuốn” [20] kinh sách, bao gồm cả các tác phẩm thuộc hệ thống Duy thức học như: Câu Xá luận, Biện Trung biên luận, … cùng những sớ giải của ngài Hộ pháp trên Tam thập tụng của Thế Thân. Có thể nói, “sự thành công của chuyến đi này … mang lại luồng gió mới cho Phật giáo Trung Hoa, với nhiều chuyển biến tích cực cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự học hỏi và tu tập giáo pháp của những thế hệ tiếp theo sau đó” [21]. 

PHIÊN DỊCH KINH ĐIỂN

Riêng nói về sự nghiệp phiên dịch kinh điển và trước tác, Huyền Trang không ngừng nghỉ và gắn bó miệt mài như sự sống của mình. “Mới về nước được hơn một tháng, ông bắt đầu ngay công việc dịch kinh đại qui mô và mải miết làm luôn 19 năm cho tới khi chết” [22]. So với các bậc đại danh Tăng, các nhà dịch thuật đi trước như: Cưu Ma La Thập và Chân Đế, Pháp Hiển,… thậm chí về sau có cả Tam tạng Pháp sư Nghĩa Tịnh,… Huyền Trang không đóng vai trò tiên phong nhưng dấu ấn của Ngài để lại khó ai bì kịp. Trước lúc trở về Đại Đường, có thời điểm, Huyền Trang đã thảo luận về nội dung và ý nghĩa của từng chữ trong kinh với các vị đại sư Ấn đương thời ở Đại học Nalanda, để phân biệt những quan niệm của Phật giáo đối với những quan niệm tương cận của các triết gia Trung Hoa và nhất là đối với Đạo giáo của Lão-Trang” [23]. Từ đó, sau này, Ngài luôn dung hòa cả hai hệ tư tưởng Ấn – Hoa thay vì vay mượn tư tưởng Nho – Lão như ngài Cưu Ma La Thập và ngài Chân Đế. Đây cũng là nền tảng mở đường cho sự thiết lập Câu xá tông và Pháp tướng tông trở nên phồn thịnh ở Trung Hoa lúc bấy giờ. “Điểm đặc biệt tuyệt vời nữa ở ngài Huyền Trang, có thể nói ngài là nhà dịch giả chuẩn mực nhất trong các dịch giả chuyển dịch từ Phạn ngữ Pali sang Hán ngữ” [24]. Nhờ sự thông thạo các cổ ngữ này mà sau khi về nước, Ngài đã thỉnh mời các vị Cao tăng thông cả Hoa ngữ lẫn Phạn ngữ tại Trường An hợp tác xúc tiến công tác dịch thuật trên quy mô lớn. 

Các công tác tổ chức tại dịch trường dưới sự chỉ đạo của Ngài được đánh giá “rất có phương pháp, rất chu đáo, tưởng như ngày nay, trong thời đại khoa học này cũng chưa chắc có cơ quan văn hóa làm hơn được” [25]. Trong đó, các công đoạn được bắt đầu từ việc phiên âm từ Phạn sang Hán, xét kỹ cách chia tiết, chương, đoạn và cách chấm câu. Từ đó, tìm nghĩa tương ứng, chuẩn xác với Hoa ngữ (nếu không có thì tạo ra), rồi chia nhau dịch, những chỗ không thông đều trao đổi với những vị “dịch chủ”, các bản đã dịch xong đều được mang ra đối chiếu với bản chữ Phạn, đẽo gọt câu cú để có thể đem lại một tác phẩm không xa nghĩa gốc mà vẫn đảm bảo tính điêu luyện của người dịch, dễ hiểu cho đọc giả. Kèm theo đó, “Huyền Trang đặt ra những phép dịch Kinh sách, như sáu phép tìm nghĩa những phức tử và năm loại tiếng không được dịch và phải phiên âm” [26]. Nhờ sự chỉ đạo có hệ thống mà chỉ trong thời gian ngắn, một số lượng lớn các dịch phẩm đã góp phần vào công cuộc hóa đạo của Phật giáo Trung Hoa. Có điều, “bản dịch của Huyền Trang theo nguyên tắc trực dịch, do đó nhiều câu văn Hán chịu ảnh hưởng cấu trúc ngữ pháp Phạn,… nên hai vị đại dịch giả La-thập và Huyền Trang đã không đồng ý nhau nhiều điểm, đôi khi ý nghĩa mâu thuẫn nhau” [27]. Nói dễ hiểu là ngài Cưu-ma-la-thập “phần nhiều dịch ý, nên văn chương rất lưu loát, đọc lên nghe như thơ. Còn ngài Huyền Trang dịch sát từng chữ, nên văn của ngài rất khó đọc” [28]. Cũng từ lối dịch thuật trung thành với nguyên văn này mà trào lưu “Tân dịch” được mặc định kể từ ngài Huyền Trang về sau, “còn những kinh điển được dịch thuật trước thời Ngài gọi là “Cựu dịch” [29]. 

Ngoài giới hạn tiểu tiết đó, điều đáng quan tâm hơn là sự cống hiến của Ngài. Có thể nói, vừa chỉ đạo công tác tại dịch trường, vừa lãnh chuyển dịch những bản kinh khó nhất nhưng chỉ trong ba năm đầu, Ngài dịch được chín loại kinh [30]. Điều này đã được vua Thái Tông hết lời ca ngợi trong bài tự “Đại Đường Tam Tạng Thỉnh Giáo Tự” (tại chùa Từ Ân): “Nay có thầy Huyền Trang… Chu du Tây vực,… hỏi tìm chánh giáo… đem về dịch ra truyền bá nơi Trung Quốc,… Thánh giáo khuyết mà lại tròn, thương sinh tội mà lại phúc, tưới tắt ngọn lửa hồng Hỏa trạch, trót ra khỏi đường mê; lắng trong nguồn sáng đục Ái-hà, cùng bước lên bờ giác” [31]. 

Nhìn từ sự đóng góp trên lĩnh vực này có thể thấy, Huyền Trang là người đem số lượng kinh điển từ Ấn Độ về nhiều nhất thời bấy giờ và số lượng dịch phẩm do dịch trường đem lại cũng nhiều hơn. Chính Ngài đã dịch và duyệt 1335 kinh sách từ Sanskrit sang Hoa ngữ” [32]. Trong khi, Pháp Sư Nghĩa Tịnh đi sau nhưng chỉ thỉnh thêm bốn trăm bộ kinh nữa và việc chuyển dịch cũng chỉ có 60 bộ, tổng cộng được 230 quyển [33]. Có thể nói, hai phần ba công dịch kinh Phật đều nhờ công sức Ngài Huyền Trang [34]. 

MỘT SỐ NHẬN XÉT

Từ con đường du học, phiên dịch và tu hành của của các bậc cao tăng vĩ đại, có thể nói các Ngài không chỉ để lại nhiều sự ngưỡng mộ, tôn kính trong quần chúng Phật tử nhiều thế hệ mà còn tiếp thêm nhiều động lực hứng khởi cho các nhà nghiên cứu, dịch thuật và sáng tác văn học về sau. Riêng nói về Ngài Huyền Trang: “Từ chối hết tất cả danh vọng, ông chỉ nghĩ đến việc dịch… Ông được ngồi riêng một chiếu trong hàng vĩ nhân thế giới cũng ở chỗ đó. Mà công việc dịch kinh của ông cũng vĩ đại như chuyến thỉnh kinh đã làm cho đạo Phật truyền bá rất mau, rất rộng trong cõi Đông Á, đã làm cho tiếng tăm đời Đường chói lọi trong lịch sử nhân loại” [35]. 

Còn nhìn ở góc độ rộng hơn, “Ngài Huyền Trang và các vị Đại sư đời Hán, Đường đã làm giàu cho Hoa ngữ cả mấy ngàn danh từ mới và đã mở đường cho các triết gia Tống, Minh và các học giả đời Thanh trước tác và lập ngôn” [36]. Huyền Trang có thể mệnh danh như một chiếc chìa khóa trong việc mang tư tưởng triết học Phật giáo vào tinh thần và văn hoá người Trung Hoa. 

Với tư cách của “một nhà chiêm bái, một nhà biện bác, một dịch gia, một văn nhân và một nhà thần bí” [37], Huyền Trang khởi hành cuộc chiêm bái không chỉ để hướng đến mục đích học Du già Sư Ðịa luận và tìm kiếm những giáo lý Kinh, Luận chưa được biết đến ở Trung Hoa. Dấu chân của Đại sư trên quê hương Phật giáo còn thể hiện rõ trong hành trình chiêm bái các thánh tích liên quan đến cuộc đời Đức Phật, khám phá tình hình Phật giáo ở mỗi nơi và quá trình tham gia tranh luận triết học với các học giả, tu sĩ Phật giáo cũng như Bà la môn. Khác với sư Huyền Trang, “Pháp Hiển không quan tâm gì khác ngoài ra để ý tín ngưỡng Phật giáo được thực hành như thế nào tại những xứ sở Ngài đã viếng thăm” [38]. Sự tập trung của Pháp Hiển không gì hơn ngoài luật tạng và những gì liên hệ mật thiết đến đời sống tu sĩ. Điều này cũng hợp lý khi nói rằng: “Pháp Hiển, nhà chiêm bái thuần túy” [39]. Tất nhiên, sự giới hạn này cũng có phần đặt trên sự chênh lệch góc độ tuổi tác. Sự nhiệt huyết ở độ tuổi thanh – trung niên của Ngài Huyền Trang (đi 26 tuổi, về 43 tuổi) chắc chắn xung lực mạnh hơn Ngài Pháp Hiển ở độ tuổi lão niên (đi 65 tuổi, về 79 tuổi). Dù vậy, “tài liệu của Pháp Hiển cũng cho ta một bức tranh khá rõ về một số quốc gia ngài đã đi qua: khía cạnh địa hình, cư dân, khí hậu và rau cỏ” [40]. Điều này cũng gợi cảm hứng cho Ngài Huyền Trang 200 năm sau, để theo đuổi cùng một sứ mệnh đi tìm chân lý và chánh pháp. Đáng quý hơn, “sự mô tả của Pháp Hiển về kỳ kết tập đầu tiên có thể xem là dữ kiện lịch sử đáng tin cậy, trong khi ký sự của Huyền Trang thì đầy những biến cố thần bí làm lu mờ giá trị lịch sử của giai đoạn này” [41]. 

Qua góc nhìn lịch sử có thể nói, so với hành trình chiêm bái có nhiều bạn đồng hành của Ngài Pháp Hiển thì Ngài Huyền Trang khởi hành một cách đơn độc. Thế nhưng thực tế, dù cố trang bị thật tốt để tránh cảnh đơn thương độc mã, Ngài Pháp Hiển vẫn đau lòng vì trong cuộc hành trình gian khổ ấy, Ngài đã chứng kiến đủ các lý do khiến những người bạn không thể theo mình về đến đích. Đó là chưa kể đến những khó khăn vì “niên cao lạp trưởng”. Trong dự đoán “tương lai còn dành cho Pháp Hiển một định mệnh vô cùng khắc nghiệt” [42], Ngài vẫn khơi dậy ý chí bất khuất trên chặng đường đơn độc cho đến ngày trở về bằng đường biển. Ngược lại, chuyến bộ hành trở về của Ngài Huyền Trang có người theo hộ vệ và khá nhiều nơi vua quan và dân chúng đón tiếp nồng hậu, như xứ Y Ngô [43]. Dù vậy, người ta vẫn có sự đồng cảm rất lớn với hai Ngài trong hạnh nguyện này, đó là: “Ðối với một người lữ hành, không có kẻ thù nào tệ hơn sự cô độc, nhất là khi phải phiêu lưu đến những xứ hoàn toàn xa lạ, với những phong tục, người và cảnh hoàn toàn không quen thuộc” [44]. 

Ký sự về cuộc hành trình lý thú ấy còn được so sánh về phương diện văn bản học. Phật Quốc Ký của Pháp Hiển hay Nam Hải Ký Quy của Nghĩa Tịnh, Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang đều là những sử liệu quan trọng cho việc khảo cứu tình trạng Phật giáo Ấn Độ qua nhiều thời kỳ. Phật Quốc Ký đã “có một đóng góp giá trị cho lịch sử Phật giáo ở Ấn và Tích Lan vào thế kỷ thứ V sau tây lịch. Nếu Huyền Trang có thể được tôn xưng là nhà khảo cổ về xứ Ấn, thì Pháp Hiển chính là sử gia đầu tiên về Phật giáo trên đất Phật” [45]. Xem đó, hành trình Tây Du với 15 năm của Ngài Pháp Hiển và 17 năm của Ngài Huyền Trang dù cùng xuất phát điểm nhưng mục đích, hướng đi kể cả sự nhiệt huyết được đo lường trong từng độ tuổi của các Ngài đều phản ánh sự lựa chọn thích ứng với từng bối cảnh, không gian, thời điểm, kể cả quan điểm cá nhân trong khả năng phụng sự. Từ nhận thức đó, ngày nay khi chiêm nghiệm về hành trình Tây Du của Huyền Trang, giới trí thức mạnh dạn cho rằng:“Các nhà thám hiểm Tây phương, mười nhà như một, hễ về tới nước là xin triều đình hoặc chính phủ được đi nữa,… để dò đường,… để đặt cơ sở và mưu lợi… Ngài Huyền Trang thì không. Nếu là người khác thì có thể xúi vua Trung Hoa tới giao hảo hòa hiếu sau đó đem quân xâm chiếm. Nhưng lòng ông không có ti tiện, cơ hiềm” [46].

TẤM GƯƠNG XỬ THẾ SÁNG NGỜI

Tất cả hành trạng liên quan đến cuộc đời của Pháp sư Huyền Trang đến nay vẫn còn mang tầm giá trị lớn không chỉ trên phương diện học thuật mà hơn hết là những giá trị xây dựng nhân cách, đạo đức cho giới tu sĩ. Rõ ràng, ngoài dáng vẻ đầy uyên thâm của một bậc trí thức Phật giáo, Huyền Trang đã để lại cho đời nhiều bài học lớn trong các mối quan hệ ứng xử vua tôi, môn đệ và đồ chúng. Đặc biệt là những bài học nuôi dưỡng và thắp sáng chí nguyện. Phong thái xử lý mọi vấn đề của pháp sư rất nhẹ nhàng, chân thành mà ngay cả sự trách móc từ vua Thái Tông cũng không cầm lòng để trút giận lên Ngài được. Thay vì biện minh cho lỗi không trình báo lên vua, Ngài khéo léo thưa: “Kẻ hạ thần đã có tâu, nhưng việc nhỏ quá nên không được đệ lên. Rồi vì quá mộ đạo, nên phải lẻn đi, thực mang tội lớn” [47]. Thái độ trả lời ấy đã toát lên tất cả sự chân thành của một tu sĩ. Chuyến hành trình đối với Ngài phải nói là thể hiện khát vọng cầu đạo rất lớn nhưng nó chỉ lớn đối với Ngài. Ngài biết rõ nó không lớn trong con mắt các nhà cai trị. Do vậy, việc Ngài tự nhận nó nhỏ, không được đệ lên vua và chính thái độ thú nhận chân thành đó khiến vua vừa lòng và không màng quan tâm gì nữa.  

Nhưng đạo hạnh của Ngài không chỉ dừng lại ở đó. Một vài lần được vua gợi ý “cởi bỏ pháp phục Bồ-đề, mặc áo trắng Duy-ma-cật, mà mưu tìm đường công danh huyễn lộ, ngồi dưới sân hòe mà luận đạo” [48], Ngài quyết liệt từ chối: “Huyền Trang từ thuở nhỏ đã đặt chân vào cửa thiền, quy hướng Phật đạo, tu tập lẽ huyền tông, Khổng giáo còn chưa nghe đến. Nay nếu trở về thế tục thì chẳng khác gì thuyền đang theo dòng nước mà lại bỏ nước chèo trên đất bằng. Đã không có công đức, còn khiến cho Tông đồ bị hủ bại, nguyện xin trọn đời được hành đạo để báo ơn nước, đó cũng là may mắn cho Huyền Trang lắm” [49]. .

Tư cách đó khiến vua hết lòng kính ngưỡng Ngài dưới nghĩa một bậc thầy phẩm hạnh thanh cao, luôn truyền tải đời sống ít muốn biết đủ, không tham vọng hư danh, giữ gìn thiên từ thánh đức. Vì thế, về sau vua đã truyền dựng chùa Ðại Từ Ân để Ngài dịch kinh truyền đạo và những bản dịch của Tam Tạng Pháp Sư đều được vua ngự chế đề tựa. Thậm chí, đến đời Cao Tông nối ngôi vẫn tiếp tục tôn kính Ngài hết mực [50]. Như vậy, để xây dựng mối quan hệ vượt ngoài ranh giới vua tôi, Ngài đã truyền tải nhiều bài học lớn, trong đó sự chân thật và khiêm cung trở thành thông điệp chính, như: “Huyền Trang tư chất kém cỏi, lậu hoặc lại nhiều, lại vụng về trong việc ghi chép, sợ rằng không đủ sức nhìn rộng” [51]. Với tố chất cao thượng đó nên khi Đại Sư đặt chân đến nhiều nơi đều nhận được thịnh tình của các quốc vương và Tăng nhân bổn xứ. Điều này cũng được tìm thấy trong một bức thư Ngài dâng lên để đáp ơn vua Cao Xương khi vua đã “đưa thư cho hơn hai mươi phiên cõi Tây vực,… độ cho bốn chú tiểu Sa để làm người hầu hạ. Nào là pháp nhục mũ bông, đệm cừu giầy miệt, hơn năm mươi thứ và tỉnh lụa, vàng, bạc, tiền nong, để khiến cho sung cái phí vãng hoàn trong hai mươi năm …” [52]. Ngoài ra,“vương các nước chư hầu cũng lại tiếp rước. Tính ra có 18 quốc vương Trung bộ Ấn Độ, ba ngàn Tăng lữ Đại thừa và Tiểu thừa, hai ngàn Bà-la-môn và một ngàn Tăng lữ ở chùa Nalanda tụ họp tại Kanauj để nghe ông thuyết pháp” [53]. Sự ủng hộ và kính nể hết mực này cũng cho thấy đóng góp của Cao tăng Huyền Trang đối với Phật giáo rất lớn, không chỉ được nhìn thấy trong triều đại nhà Đường mà còn cho cả nhiều quốc gia khác trên tuyến đường Tây Du cầu pháp trở về. Nhân cách giản dị và thanh cao ấy vẫn sáng chói cho đến khi sinh mệnh khép lại trang sử về cuộc đời của một đại tăng cầu pháp Tây Trúc. Trong lời di huấn cuối cùng, Ngài cố dặn môn đệ chỉ cuốn trong chiếu và chôn ở nơi vắng vẻ để tránh ô uế. Nhưng thực chất với sự tiếc thương về nỗi mất mát lớn lao đó, “vua Cao Tông khóc ông và ra lệnh cho đám tang cử hành rất long trọng. Sau đó, ba vạn người đến cất nhà cư tang ở bên mộ. Trong lịch sử nhân loại, từ xưa đến nay, chưa ai được có vinh dự ấy” [54]. 

KẾT LUẬN

Cuộc đời Ngài Huyền Trang dưới con mắt của các nhà sử học hay dưới nhận thức của các nhà nghiên cứu liên ngành đều có một điểm chung khi nhìn về những đóng góp của Ngài trên phương diện cầu pháp, thỉnh kinh, dịch thuật và trước tác… Song, Đường Huyền Trang không chỉ là một học giả, hành giả, dịch giả, … mà hơn hết Ngài là một thức giả. Thức trong sự tìm cầu, chấn chỉnh và mở mang đạo màu trên bản địa Trung Hoa và cũng thức như tinh thần, yếu chỉ lập tông của Ngài vào thế kỷ VII (Duy Thức tông). 

Tầm quan trọng và sự lỗi lạc của Ngài không chỉ mang lại những giá trị về tư tưởng Phật học mà còn góp phần hài hòa các bản sắc văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật… được đón nhận từ nhiều quốc gia khác sau chuyến hành hương trên đất Ấn trở về. Do vậy, có thể nói, hơi thở của Phật giáo Trung Hoa được bắt nhịp rất sâu từ trong hơi thở Phật giáo Ấn Độ. Bởi lẽ, so với Phật giáo các quốc gia khác trên thế giới, Phật giáo Trung Hoa đã quy tụ nhiều bậc cao tăng với nhiều chuyến hành hương cầu pháp, nhận pháp và thỉnh pháp nhiều nhất từ cội nguồn Phật giáo Ấn Độ.

Có thể nói, công lao của Tam Tạng Pháp Sư rất đáng để thế giới quan tâm, công nhận và cũng rất xứng để giới học Phật mai hậu đọc, học cũng như nuôi lớn chí nguyện cầu đạo giải thoát. Với ý nghĩa đó, Đường Huyền Trang mãi là một biểu tượng thiết thực, khơi dậy tinh thần, thắp sáng trí tuệ và trau dồi nhân cách mỗi ngày trong tự thân mỗi hành giả. 

 

SC. Thích Nữ Như Hạnh/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 401

Chú thích:

[1] Gồm: Cưu-ma-la-thập, Chân Đế, Huyền Trang và Nghĩa Tịnh.Trích: Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến hiệu đính (2010), “Các Tông Phái Đạo Phật”, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.24. 

[2] Viên Trí (2017), “Lược sử Phật giáo Trung Quốc”, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.[3] Chỉ một mình pháp sư Huyền Trang ở đời Đường đã được người đời gọi là “Đường Tam Tạng”. Tức là chỉ có tên triều đại ghép với từ “tam tạng”, là thành tên ngài Huyền Trang. Trích: Hạnh Cơ (2009), “Lược giải những pháp số căn bản”, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.97.

[4] Thích Chơn Thiện (2000), “Bàn về Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân”, Nxb. Tôn giáo, tr.8.

[5] Nguyễn Minh Tiến (2008), “Lục Tổ Đại Sư – Con người & Huyền thoại”, Nxb. Tôn giáo, tr.99. 

[6] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (2000), “Đại Tập 183, Bộ Sử Truyện V, Số 2040- 2053 (Quyển 1- 5), Số 2053- Truyện Tam Tạng Pháp Sư chùa Đại Từ Ân đời Đường, Quyển 6”, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.870.

[7] Thích Thiện Siêu (1999), “Kinh Pháp Hoa giữa các kinh điển Đại Thừa”, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.108.

[8] Nguyễn Minh Tiến (2008), “Lục Tổ Đại Sư – Con người & Huyền thoại”, Nxb. Tôn giáo, tr.99.

[9] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, tr.214.

[10] Thích Minh Châu (1997), “Pháp Hiển – Nhà Chiêm Bái”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.32. 

[11] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, tr.236 – 237.

[12] HT. Thích Thanh Kiểm (2020), “Lược sử Phật giáo Ấn Độ”, Nxb. Lao Động, tr.273.

[13] Thích Thiện Siêu (1996), Luận Thành Duy Thức, 2. Nghĩa Chữ Thành Duy Thức, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.25.

[14] HT. Thích Thanh Kiểm (2020), “Lược sử Phật giáo Trung Quốc”, Nxb. Dân Trí, tr.227.

[15] Thích Minh Châu (1997), “Pháp Hiển – Nhà chiêm bái”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.31.

[16] Dịch giả: HT. Thích Thiện Hoa (2012), “Duy Thức học nhập môn”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.76. 

[17] HT. Thích Thiện Hoa (2012), “Phật học phổ thông 2”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.35.

[18] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.250. 

[19] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (2000), “Đại tập 183, Bộ Sử Truyện V, Số 2040- 2053 (Quyển 1- 5), Số 2053- Truyện Tam Tạng Pháp Sư chùa Đại Từ Ân đời Đường, Quyển 6”, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.865.

[20] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.250. 

[21] Nguyễn Minh Tiến (2008), “Lục Tổ Đại Sư – Con người & Huyền thoại”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.99.

[22] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.252.

[23] Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1972), “Tư Tưởng số 4 (năm 1972), 7. Sinh hoạt văn hóa”, In tại Đăng Quang – Phan Thanh Giản – Sài Gòn, tr.80- 81.

[24] HT. Thích Trí Quảng (2008), “Phật giáo nhập thế và phát triển II”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.151.

[25] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.252. Trích trong: Đông Châu dịch – Ông Đường Tăng Huyền Trang- Nam phong số 143, tháng 10/1929. 

[26] Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1972), “Tư Tưởng số 4 (năm 1972), 7. Sinh hoạt văn hóa”, In tại Đăng Quang – Phan Thanh Giản – Sài Gòn, tr.81.

[27] Kumārajīva – Người Dịch: Tuệ Sỹ (2008), “Duy-Ma-Cật Sở Thuyết”, Nxb. Phương Đông, tr.16 – 17.

[28] Thích Thiện Siêu (2003), “Lược giảng Kinh Pháp Hoa”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.24.

[29] HT. Thích Thanh Kiểm (2020), “Lược sử Phật giáo Trung Quốc”, Nxb. Dân Trí, tr.230.

[30] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.253.

[31] Sđd, tr.253 – 254. (Đông Châu dịch – Ông Đường Tăng Huyền Trang – Nam phong số 143, tháng 10/1929).

[32] Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1972), “Tư Tưởng số 4 (năm 1972), 7. Sinh hoạt văn hóa”, In tại Đăng Quang – Phan Thanh Giản – Sài Gòn, tr.81.

[33] Hòa thượng Thích Thiện Hoa (2012), “Phật học phổ thông 2”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.35. 

[34] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.257.

[35] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.252. 

[36] Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1972), “Tư Tưởng số 4 (năm 1972), 7. Sinh hoạt văn hóa”, In tại Đăng Quang – Phan Thanh Giản – Sài Gòn, tr.81.

[37] Thích Minh Châu (1997), “Pháp Hiển nhà chiêm bái”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.8

[38] Thích Minh Châu (1997), “Pháp Hiển nhà chiêm bái”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.205.

[39] Sđd, tr.8

[40] Sđd, tr.205.

[41] Thích Minh Châu (1997), “Pháp Hiển nhà chiêm bái”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.13.

[42] Thích Minh Châu (1997), “Pháp Hiển nhà chiêm bái”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.55.

[43] Việt dịch: Cư sĩ Tuệ Khai (2011), Phụ chú: Thích Tâm Nhãn, “Nghiên cứu Phật giáo Tây Vực”, Nxb. Phương Đông, tr.392.

[44] Thích Minh Châu (1997), “Pháp Hiển nhà chiêm bái”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.56.

[45] Thích Minh Châu (1997), “Pháp Hiển nhà chiêm bái”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.30.

[46] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.251. 

[47] Sđd, tr.251

[48] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (2000), “Đại Tập 183, Bộ Sử Truyện V, Số 2040- 2053 (Quyển 1- 5), Số 2053- Truyện Tam Tạng Pháp Sư chùa Đại Từ Ân đời Đường, Quyển 6”, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.873. 

[49] Sđd, tr.867.

[50] Đại Sư Tông Bổn – dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến – Hiệu đính Hán Văn: Nguyễn Minh Hiến (2011), “Quy Nguyên Trực Chỉ”, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr.871.

[51] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (2000), “Đại Tập 183, Bộ Sử Truyện V, Số 2040- 2053 (Quyển 1- 5), Số 2053- Truyện Tam Tạng Pháp Sư chùa Đại Từ Ân đời Đường, Quyển 6”, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc, tr.871.

[52] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.219. (Đông Châu dịch – Nam phong số 142, tháng 9/1992).

[53] Sđd, tr.244.

[54] Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.259.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đại Sư Tông Bổn – dịch và chú giải: Nguyễn Minh Tiến – Hiệu đính Hán Văn: Nguyễn Minh Hiến (2011), “Quy Nguyên Trực Chỉ”, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

2. Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến hiệu đính (2010), “Các tông phái đạo Phật”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. 

3. Hạnh Cơ (2009), “Lược giải những pháp số căn bản”, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. 

4. Thích Minh Châu (1997), “Pháp Hiển nhà chiêm bái”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 

5. Thích Minh Châu (2005), “Đức Phật của chúng ta”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

6. Sa Môn Thích Tịnh Hạnh (2000), “Đại Tập 183, Bộ Sử Truyện V, Số 2040- 2053 (Quyển 1- 5)”, Hội Văn hoá Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc.

7. Dịch giả: HT. Thích Thiện Hoa (2012), “Duy Thức học nhập môn”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 

8. HT. Thích Thiện Hoa (2012), “Phật học phổ thông 2”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 

9. HT. Thích Thanh Kiểm (2020), “Lược sử Phật giáo Trung Quốc”, Nxb. Dân Trí.

10. Kumārajīva – Người dịch: Tuệ Sỹ (2008), “Duy-Ma-Cật Sở Thuyết”, Nxb. Phương Đông.

11. Việt dịch: Cư sĩ Tuệ Khai, Phụ chú: Thích Tâm Nhãn (2011), “Nghiên cứu Phật giáo Tây Vực”, Nxb. Phương Đông.

12. Nguyễn Minh Tiến (2008), “Lục Tổ Đại Sư – Con người & Huyền thoại”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

13. Thích Chơn Thiện (2000), “Bàn về Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

14. Viên Trí (2017), “Lược sử Phật giáo Trung Quốc”, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.Hòa thượng Thích Trí Quảng (2008), “Phật giáo nhập thế và phát triển II”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

15. hích Thiện Siêu (2003), “Lược giảng Kinh Pháp Hoa”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 

16. Thích Thiện Siêu (2002), “Chữ Nghiệp trong đạo Phật”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

17. Thích Thiện Siêu (1999), “Kinh Pháp Hoa giữa các kinh điển Đại Thừa”, Nxb. TP Hồ Chí Minh. 

18. Thích Thiện Siêu (2003), “Hư Tâm Học Đạo”, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

19. Thích Thiện Siêu (1996), “Luận Thành Duy Thức”, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

20. Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1972), “Tư Tưởng số 4”, In tại Đăng Quang – Phan Thanh Giản – Sài Gòn.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin