Chi tiết tin tức

Phát huy vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc xây dựng mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng góp phần trang nghiêm Giáo hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh

21:00:00 - 03/11/2022
(PGNĐ) -  Tham gia xây dựng các mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng góp phần trang nghiêm giáo hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh là một phần không thể thiếu của mọi tôn giáo, trong đó có Phật giáo.

DẪN NHẬP

Tham gia xây dựng các mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng góp phần trang nghiêm giáo hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh là một phần không thể thiếu của mọi tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Với nguyên lý “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật” và với tinh thần từ bi, nhân ái, nhập thế, Phật giáo trong hơn 2.000 năm qua đã làm nên “máu thịt” Việt Nam. Phải nói rằng, ngay từ đầu du nhập Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi gian nan khó khăn để xây dựng đất nước, trong thời đại ngày nay Phật giáo cùng đồng bào tiến bước lên Chủ nghĩa xã hội. Nhằm thực hiện được ước nguyện đó, Phật giáo đã có những đóng góp nhất định vào công việc giáo dục chung trong cộng đồng dân tộc Việt Nam trong những năm qua và cả hiện nay. Nên đã có hàng nghìn trang giấy viết về chủ đề này nhưng vẫn chưa bộc bạch được hết. Bởi giáo dục tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng không chỉ đơn thuần được hiểu là dạy chữ hay tụng kinh niệm Phật, nghe giảng pháp mà giáo dục Phật giáo chính là: Giáo dục trí tuệ; Giáo dục đạo đức; Giáo dục về sức khỏe; Giáo dục thiên hướng nghề nghiệp [1]. Hoặc nói như nhà nghiên cứu Nguyên Hảo, nền tảng của sự tu tập trong Phật giáo chính là: Giới, Định và Tuệ.

Do vậy, giáo dục Phật giáo nhìn tổng thể chính là sự hoàn thiện con người trong tính nhân bản, để con người phát triển một cách toàn diện và từ đó con người có được nhận thức đúng đắn đem lại sự đoàn kết toàn dân, xây dựng nước nhà vững mạnh theo phương châm đường hướng hành đạo của Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.

NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA MÔ HÌNH GIÁO DỤC PHẬT GIÁO PHỤC VỤ CỘNG ĐỒNG

Mô hình giáo dục Phật giáo thể hiện rõ trong triết lý giáo dục nhân bản của hệ thống giáo dục, đó là: vì con người, lấy con người làm gốc. Con người là trung tâm nhưng cũng là một bản thể ý thức về những người khác, tôn trọng và phục vụ cộng đồng, đặc biệt với các Phật tử luôn chú trọng nhất là cách học làm người qua thực hành tín ngưỡng hoặc qua việc làm từ thiện để từ đó người Phật tử có không gian để trải nghiệm, khám phá, phát hiện những vấn đề cần giải quyết xung quanh mình. 

Phải nói rằng, một trong những biểu hiện nổi bật của đạo Phật có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng dân tộc trong lịch sử cũng như hiện tại đó là Tứ vô lượng tâm: “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Chính cái Tâm này mà người tu hạnh Bồ tát không còn phân biệt kẻ lành người dữ, kẻ thiện người ác, nghĩa là luôn “thường hành bình đẳng” và rồi cùng với sự nỗ lực của Giáo hội, mà các mô hình giáo dục của Phật giáo đã đạt được những giá trị nhất định trong khối đại đoàn kết toàn dân.

Giá trị về tính nhân bản trong đời sống xã hội

Phật giáo Việt nam là một cấu trúc tinh thần được định hình trong quá trình lịch sử lâu dài, trên cơ sở những điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa nhất định, thay đổi rất chậm chạp trong sự vận động và phát triển. Phật giáo là niềm tin và là hệ thống những đặc trưng về phẩm giá của người sáng lập tồn tại một cách khách quan tất yếu, tạo thành một thiên hướng, một “lực” trội trong tinh thần, trong cách sống, ứng xử, hành động của con người mà ta có thể nhận thấy ở số đông thành viên của cộng đồng có tín ngưỡng Phật giáo trong thực hành nghi lễ, cũng như qua các lựa chọn có tính chất lịch sử, có ý nghĩa bước ngoặt đối với “vận mệnh” mỗi con người. 

Ở Việt Nam kể từ khi đổi mới, đất nước có rất nhiều khởi sắc, cộng thêm sự hội nhập kinh tế, văn hóa, đặc biệt là sự phát triển của nền khoa học công nghệ nên hơn 10 năm qua, kinh tế phát triển không ngừng cả về hạ tầng và thị trường (Cách mạng công nghiệp 4.0) [2]. 

Do vậy, đây được xem là cuộc cách mạng có tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của công nghệ cao, máy móc thông minh, các loại hình kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, logistic, robotis… thông minh hóa, dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tích hợp tất cả công nghệ thông minh nhất, hiện đại nhất, tạo ra những khả năng mới, tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, qua đó làm tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất, mang lại lợi ích to lớn cho nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nhìn chung, đây được xem là cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam để có hệ năng lực mới phát triển trong tương lai nhanh và bền vững hơn. Đúng như C. Mác đã chỉ ra: Công cụ nối dài các giác quan con người. 

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho từng cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia trong việc tận dụng những cơ hội cũng như thách thức do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Bởi nó đang, sẽ không chỉ làm thay đổi bản đồ kinh tế thế giới; suy giảm quyền lực của một số quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên; gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ, đổi mới và sáng tạo; mà còn làm đảo lộn mọi mô thức truyền thống văn hóa, tinh thần vốn đã tồn tại trong đời sống xã hội mỗi quốc gia, nhất là với thế hệ trẻ, họ dễ rơi vào thế giới “ảo”; lối sống “ảo”, “thôi miên”, không phân biệt được đúng – sai, tốt – xấu, thực – hư, dân tộc – phi dân tộc trước thế giới “ảo”. Sự kết nối mạng đang rộng mở giao lưu và giao tiếp trên tất cả các lĩnh vực nhưng đã làm cho con người như lạc vào cõi “mê”, khó làm chủ, nhất là sự xuất hiện đồng tiền “ảo”, thanh toán “ảo”, kinh doanh “ảo”, đã làm tính tổng hòa các quan hệ xã hội trong bản chất con người, như C. Mác đã chỉ ra, có nguy cơ phai nhạt. Quan hệ sự ứng xử văn hóa, đạo đức trong cộng đồng với thuần phong mỹ tục của truyền thống dân tộc xa cách dần. Chuẩn mực đạo đức được tôn thờ qua nhiều thế hệ có những nguy cơ bị mai một. Con người trong cộng đồng, trong giao tiếp tình làng nghĩa xóm bị hạn chế về chiều rộng, chiều sâu, con người vô hình trung đã trở thành nô lệ cho tư tưởng sở hữu mà không phải là hiện hữu của chính mình.

Biểu hiện của xu hướng này không chỉ riêng Việt Nam mà là sự báo động toàn cầu, báo động về sự vô cảm của con người trước những nỗi đau quằn quại của đồng loại đang xảy ra liên tiếp khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, sự báo động xuống cấp của các giá trị đạo đức, với sự gia tăng của hàng loạt các tệ nạn xã hội, các tội phạm hình sự với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân đôi khi chỉ vì một chút lợi ích vật chất mà hung thủ sẵn sàng làm tất cả, không từ thủ đoạn nào, từ lừa đảo đến giết hại đồng loại. Hệ giá trị truyền thống trong gia đình đứng trước nguy cơ to lớn. 

Vậy làm cách nào để giảm thiểu hiện trạng đó. Phải chăng cần phải có những hình thức xử phạt nghiêm minh hơn? Hay xây dựng một xã hội pháp trị như những nhà tư tưởng pháp gia cổ đại Trung Quốc? Theo chúng tôi, tất cả điều đó đều cần tham khảo. Tuy nhiên, những giải pháp đó chưa giải quyết được căn nguyên của nó vì pháp luật làm họ sợ chứ không tự tâm, nên họ sẽ luôn tìm cách né tránh hay lách luật. Do đó, vấn đề ở đây là phải làm sao thức tỉnh được lương tri, tính thiện trong mỗi con người “nhân chi sơ tính bản thiện”; phải giáo dục nhân cách mỗi con người hướng tới đồng loại, xây dựng xã hội tương lai tươi sáng. 

Bởi vậy, khi nói đến sự cứu vãn đạo đức con người trong xã hội hiện đại, không thể không phát huy vai trò những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng trong Phật giáo hiện nay vì nó đã nối kết được giữa đạo đức xã hội và đạo đức tôn giáo – Phật giáo, mà đạo đức này không nằm ở đâu xa, nó nằm ngay trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo con người, trong cộng đồng gia đình – làng – nước. Do vậy, nếu như chỉ vì một lý do nào đó mà ta đặt tôn giáo nhất là Phật giáo ra ngoài xã hội cũng giống như xây nhà trên cát. Vì Phật giáo tự bản thân đã có những giá trị đặc biệt nhất định. Đó là tình yêu con người, mà C. Mác đã gọi là chức năng an ủi tinh thần và chức năng điều chỉnh xã hội của con người. Nhìn vào tổng quan các giá trị mà xét thì bản chất Phật giáo là giàu tính nhân bản: Từ bi, trí tuệ; bản nguyện là giác ngộ, giải thoát; bản hạnh là hòa bình, giáo dục và từ thiện. Từ những tính chất thiết thực ấy đã đưa Phật giáo phát huy chức năng xã hội của mình là: nhập thế, hòa mình vào xã hội.

Vì lẽ đó, mà không ai có thể chối cãi, từ khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, dù Phật giáo có những mô hình giáo dục nào đi chăng nữa thì các mô hình giáo dục đó đều đã khai thác tính nhân bản để phục vụ cho việc phụng vụ đất nước và giữ nước của dân tộc. Hay nói cách khác chính là giáo dục con người phải có đạo đức, có tình yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình, yêu chòm xóm. Và lịch sử đã minh chứng, khi Phật giáo đạt tới mức cực thịnh ở nước ta dưới triều đại Lý – Trần, nhà nước Đại Việt cũng đạt tới mức cường thịnh chưa từng có trong lịch sử. Các vua thời Lý – Trần sùng Phật, lấy đạo Phật làm quốc đạo. Tôn người đạo cao đức trọng nhất trong Giáo hội làm Quốc sư để vấn kế hưng nước, an dân. Nhờ đó mà kinh tế, văn hóa đạo đức xã hội phát triển mạnh mẽ.

Với nguyên lý “Phụng sự chúng sinh tức là cúng dường chư Phật” và với tinh thần từ bi, nhân ái, nhập thế, Phật giáo trong hơn 2.000 năm qua đã làm nên “máu thịt” Việt Nam. (Ảnh: phatgiao.org.vn)

Và một khi đã thấm sâu vào quần chúng nhân dân, Phật giáo lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần. Các ngôi chùa không chỉ mang yếu tố tâm linh mà đã trở thành trung tâm văn hóa giáo dục trong các làng xã. Bởi thế, chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, mà còn là nhà trường, trạm xá, thiện nguyện, hội hè… Vì lẽ đó, mà rất tự nhiên, trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Phật giáo không những đứng về phía những người yêu nước, mà còn thổi bùng ngọn lửa yêu nước trong quần chúng nhân dân nên nhiều tín đồ Phật tử đã trực tiếp hướng dẫn người dân đứng lên làm cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thời nhà Trần và các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc sau này trong thời hiện đại là ví dụ. Hàng vạn thanh niên là tín đồ Phật tử đã tham gia chiến đấu, nhiều người đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào đấu tranh sôi nổi của tu sĩ và Phật tử chống Mỹ – Ngụy với các khẩu hiệu “Nhân dân đòi cơm áo, Phật giáo đòi hòa bình”… Chính lẽ đó mà trong một bài viết về bản sắc văn hóa Việt Nam, học giả Phan Ngọc đã nhận định: “Phật giáo Việt Nam là Phật giáo Tổ quốc luận” [3]. 

Cũng từ đây, trong tâm thức Phật giáo Việt Nam có một giá trị vô cùng quý báu là trách nhiệm với dân với nước, với gia đình, dòng tộc. Nó kết tinh khát vọng của một tâm thức hướng về cuộc sống xây dựng dương gian trần thế, lo khắc phục những khó khăn trong cuộc sống để tồn tại, đề cao tính nhân ái vị tha, cứu nhân độ thế bằng những hành động và việc làm thiết thực trong công tác từ thiện xã hội như: cứu chữa bệnh miễn phí, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa, người lang thang cơ nhỡ, giúp người trong cảnh hoạn nạn, cứu người trong lúc nguy nan,… chung tay xây dựng cộng đồng, xã hội [4]. Với tinh thần trách nhiệm ưu đời mẫn thế, những tín đồ Phật giáo đã không tiếc thời gian, sức lực, tiền của, họ đóng góp vật chất lẫn tinh thần, chung sức đồng lòng cùng các tu sĩ mở nhiều lớp học tình thương, nuôi dạy trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi… tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phổ biến kiến thức cơ bản, giáo dục kỹ năng sống phòng tránh HIV/AIDS cho cộng đồng; tư vấn, giúp đỡ, tổ chức thăm viếng, tặng quà, phát thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS.

Tâm từ bi của triết lý sống Phật giáo đã quyện chặt với truyền thống luân lý đạo đức của dân tộc “Lá lành đùm lá rách”, tâm nguyện “Phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Các tín đồ Phật giáo cùng quần chúng nhân dân đã miệt mài gieo trồng hạnh quả bằng những hành động thiết thực gắn “đạo” với “đời”, gắn các ngày lễ lớn như: lễ Phật đản, đại lễ cầu siêu, đại lễ Vu Lan… với thuần phong mỹ tục của dân tộc, nhằm giáo dục đạo đức và khơi dậy truyền thống dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Và do vậy, những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Phật giáo làm điểm quy chiếu tô điểm cho tâm thức và bản sắc văn hóa Việt Nam. Phật giáo đã đưa ra phương pháp vượt khỏi sự nô lệ ngoại cảnh, vượt khỏi sự hận thù của mối quan hệ người với người, vượt trên những quan niệm sai lầm của nhận thức nhị nguyên ràng buộc con người trong tội lỗi: tham, sân, si, dục vọng… Phật giáo chủ trương Đại Từ Bi, Năng Hỷ Xả, người tu hạnh Bồ tát phải không còn phân biệt kẻ lành người dữ, kẻ thiện người ác, nghĩa là phải biết “thường hành bình đẳng”, Bát nhã bình đẳng (một trong bốn đại đức của Bồ tát) vì cái hạnh Bát nhã bình đẳng đưa đến cái hạnh Đại Từ Bi, Năng Hỷ Xả của Bồ tát. Nên tâm tình yêu của Phật không còn có sự phân chia thiện – ác, thị phi. Như vậy, mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Phật giáo có nhiều giá trị trong xã hội. Bởi một xã hội hiện đại theo đúng nghĩa thì tính nhân bản phải cao, phẩm giá phải lớn và trái tim phải rung động trước nỗi đau đồng loại. Chính lẽ đó, triết lý đạo đức tôn giáo chính là sự gắn kết lương tâm con người với xã hội hiện đại.

Giá trị về sự cố kết cộng đồng

Người sáng lập đạo Phật là Thái tử Tất Đạt Đa – Đức Thích Ca Mâu Ni (563-483 TCN). Ngay từ khi ra đời, việc trước nhất của đạo Phật là tạo lập tổ chức Phật đoàn, sau đó xây dựng hệ thống kinh điển, luật tạng và giáo lý. Phật giáo đã lý giải những thách đố triết học trừu tượng muôn thuở như bản chất sự sống, lẽ sinh tử, con người đến từ đâu và đi về đâu, con người là gì giữa cõi tạm trăm năm và trước cái vô cùng vô tận của không gian và thời gian; và rồi Phật giáo cũng nhằm tới giải quyết mối quan hệ giữa khả năng nhận thức và phương tiện hành đạo, giữa những mâu thuẫn trong xã hội và mơ ước đạt tới hạnh phúc trước thách thức những “tham, sân, si, ố, hỷ, nộ” của cuộc đời và trong vòng chuyển hóa thời gian quá khứ – hiện tại – vị lai của mọi kiếp chúng sinh. Phật giáo lan tỏa thật mạnh mẽ. Ngày nay, ở phương Tây cũng đã có hàng triệu tín đồ Phật tử với đủ các tông phái khác nhau. Các thuộc tính điều hòa, dung nạp và giản dị của Phật giáo đã giúp Phật giáo mở được nhiều con đường vào đời sống con người thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Cái đặc sắc của Phật giáo có lẽ ở giáo lý “Phật tại tâm” hay “tu tại tâm”. Chính giáo lý “mềm” và “mở” này đã quán xuyến tính thống nhất của đạo Phật dù có rất nhiều tông phái. Do vậy, chính trong Kinh Thánh Cầu, Đức Phật đã giảng về bốn nền tảng của hòa hợp xã hội (Từ bi và Bố thí; lời nói chân thật; Hành động lợi ích chung tay vì cộng đồng; Công bằng xã hội). Rõ ràng, một tinh thần Từ bi, Bố thí có thể khắc phục được nhiều vấn đề trong xã hội như: đói nghèo, bệnh tật, dịch dã… Cũng có thể hiểu, một lời nói chân thật ngay thẳng sẽ tạo ra sự trong sáng, tránh hiểu lầm, mang tinh thần kết nối cộng đồng, được sử dụng trong “Bát chánh đạo”. Một hành động lợi ích chung tay vì cộng đồng đem lại một xã hội thống nhất, hòa bình. Công bằng xã hội mang lại cho sự phát triển bền vững và thay đổi xã hội. Hoàn thành nền tảng này của Phật giáo không chỉ mang lại sự đại đoàn kết trong mỗi xã hội mà còn là sự đại đoàn kết trên toàn thế giới và đại đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau. Với tư tưởng đó, những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Phật giáo (công tác từ thiện, an sinh xã hội, giáo dục dạy nghề…) mang tính cố kết cộng đồng cao và có một vị thế quan trọng trong xã hội hiện đại. Bởi một xã hội theo đúng nghĩa thì tính cố kết giữa người với người phải bền chặt, hài hòa với nhau. Đồng thời, các mô hình giáo dục đó cũng chính là sự cụ thể hóa, đưa những lời Phật dạy vào thực tiễn cuộc sống làm nhiều người biết đến Phật giáo hơn, cảm tình với Phật giáo hơn, các giá trị tốt đẹp của Phật giáo được lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng. Đặc biệt, thông qua chính những đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ những hoạt động đó, họ cảm thấy không bị cô đơn, không bị xã hội bỏ rơi, tình người thật ấm áp. Từ đó mà xét thì những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Phật giáo đã thể hiện được triết lý sống của Phật giáo, góp phần tạo nên trang nghiêm giáo hội và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thể hiện qua sự gắn kết lương tâm con người với xã hội hiện nay. Và thiết nghĩ, chính những mô hình giáo dục trong Phật giáo đã tạo ra nền tảng cho sự cố kết nhân tâm trong mỗi con người, mỗi dân tộc với cộng đồng xã hội. Bởi, trong đời sống văn hóa tinh thần không có ảnh hưởng nào mạnh hơn tôn giáo – Phật giáo và cũng không có sự quyến rũ nào bằng sự quyến rũ của tôn giáo – Phật giáo một khi đi vào lòng người. Vì tôn giáo – Phật giáo xét về bản chất có chức năng liên kết xã hội. 

Những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Phật giáo làm điểm quy chiếu tô điểm cho tâm thức và bản sắc văn hóa Việt Nam. Phật giáo đã đưa ra phương pháp vượt khỏi sự nô lệ ngoại cảnh, vượt khỏi sự hận thù của mối quan hệ người với người, vượt trên những quan niệm sai lầm của nhận thức nhị nguyên ràng buộc con người trong tội lỗi: tham, sân, si, dục vọng…

Trong một lần công tác tại Kiên Giang, có dịp đi thực tế tại Trung tâm Từ thiện Xã hội Phật Quang, chúng tôi đã rất cảm động với chia sẻ của một người bà có cháu được trung tâm nhận chăm sóc, đào tạo: “Nhà tôi nghèo lắm, bố mẹ nó bỏ nhau, mẹ nó đưa nó về khi nó mới 1 tuổi cho tôi nuôi nó rồi bỏ đi làm ăn xa, nhưng lâu lắm chưa về. Tôi già cả không nuôi được nó, nó ốm đau liên miên, sức khỏe yếu. May nhờ có quý Thầy nhận nó vào trung tâm, nó được ăn uống đầy đủ, lại được học hành như thế này. Tôi vui lắm! Chứ tôi nuôi sao được nó đi học. Thi thoảng tôi vẫn vào thăm nó. Thấy nó bảo chơi với các bạn, học với các bạn vui lắm!” [5]. Vì thế, những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Các hoạt động đó đã giúp cho một bộ phận người “yếm thế” được học hành, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho cộng đồng,… Song song với đó, các hoạt động này cũng góp phần đẩy lùi, thu hẹp những mảng tối của xã hội. 

SỰ CẦN THIẾT PHẢI PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG VIỆC XÂY DỰNG MÔ HÌNH GIÁO DỤC CỘNG ĐỒNG

Từ khi du nhập, đến nay đã hàng ngàn năm [6] nhưng tôn giáo vẫn như chất keo dính trong đời sống người Việt, giống một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt. Phải chăng như nhà triết học Hây người Đức đã nói: Nó là những giọt dịu ngọt rót vào cái chén đắng của nhân loại; sau này chính C. Mác đã nhắc lại dưới một câu nói nổi tiếng: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Một loại thuốc mang bản chất đích thực là chữa lành vết đau, an ủi nỗi đau quằn quại tinh thần cho chính đời sống của con người ở tại dương gian trần thế. Hay Phật giáo Việt Nam còn là một tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do chính Phật giáo đem lại cho cộng đồng dân tộc Việt Nam và nó đã trở thành nền tảng, sức mạnh của cả dân tộc trong tiến trình phát triển xã hội Việt Nam? Vì vậy, nhất thiết không thể thiếu đó là sự kết tụ vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam giữa triết lý sống của Phật giáo và các Phật tử Việt Nam. Bởi các tín đồ Phật giáo như một môi trường sàng lọc để kết tinh những giá trị mới bổ sung thêm cho tư tưởng, hành động về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để Phật giáo Việt Nam thực sự là nguồn lực mang lại nhiều hơn nữa những giá trị đích thực cho xã hội, nhất là giá trị trong những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng, để đất nước phồn vinh, thế giới hòa bình.

Giá trị của Phật giáo đã được đánh giá và khẳng định. Và điểm chung có thể rút ra là Phật giáo có những giá trị mang tính tích cực đối với cộng đồng xã hội. Vì vậy, phải làm sao để phát huy được những mặt tích cực đó của nó cũng như những ảnh hưởng mà nó đã, đang và sẽ đem lại cho dân tộc Việt Nam nói riêng, lịch sử nhân loại nói chung. 

Và thực tế, trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều hoạt động thể hiện sự nỗ lực tham gia xây dựng nhiều mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng. Biểu hiện cụ thể như: Tham gia xây dựng mô hình giáo dục với nhiều loại hình đào tạo như giáo dục phổ thông, giáo dục dạy nghề với nhiều hình thức như các lớp học tình thương, các trung tâm dạy nghề,… với nhiều hình thức như tổ chức độc lập, liên kết, bán liên kết,… Theo số liệu thống kê của Ban Từ thiện Xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2019, số lượng lớp học tình thương theo con số cụ thể [7]: 

Về giáo dục mầm non: Đây là đối tượng cần chăm sóc, giáo dục kỹ lưỡng nhất bởi đây là lứa tuổi hình thành nhân cách con người, vì thế Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập đã rất quan tâm đến việc tổ chức, tham gia các hoạt động giáo dục mầm non phục vụ cộng đồng. Nhằm tạo nguồn nhân lực chuyên cho hoạt động đó, ngay từ những năm 1992, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với trường Cao đẳng Sài Gòn đào tạo chuyên ngành mầm non cho hơn 100 chư Ni và Phật tử tại các tỉnh thành về học tại Thiền viện Quảng Đức (quận 3, TP. HCM).

Cả nước hiện có rất nhiều các cơ sở giáo dục mầm non của Phật giáo hoạt động, như: Trường Mầm non Dân lập Họa Mi  (chùa Giác Tâm, quận Phú Nhuận, TP. HCM), Trường Mầm non Bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm (Tiền Giang),… Nội dung giáo dục tại các cơ sở đào tạo của Phật giáo cũng bám sát những nội dung của chương trình giáo dục quốc dân, rèn luyện và dạy cho trẻ những kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục mầm non quốc gia.  

Nhằm góp phần tạo công ăn, việc làm, trang bị phương tiện kiếm sống cho những người có hoàn cảnh khó khăn về sức khỏe (người khuyết tật, người sức khỏe yếu, thương binh, bệnh binh…) về vật chất (người lang thang, cơ nhỡ, con em gia đình nghèo,…) Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều trường dạy nghề, ở nhiều địa phương đào tạo các nghề cơ bản như: may, sửa chữa xe, điện gia dụng, thêu, đan, khắc tượng gỗ… Các cơ sở tiêu biểu như: chùa Tây Linh, Long Thọ (Thừa Thiên-Huế), chùa Kỳ Quang (TP. HCM), KomPongChrây (còn gọi là chùa Hang ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), Phônôrôka (Sóc Trăng)… Sau khi đào tạo xong, các học viên sẽ được giới thiệu việc làm tại các công ty, xí nghiệp, hoặc nhận làm tại nhà. Theo số liệu thống kê của Ban Từ thiện Xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2019, số lượng trung theo con số cụ thể [8]:

Mặc dù những con số thống kê trên là chưa đầy đủ nhưng phần nào cũng đã cho thấy sự nỗ lực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, các Tăng Ni trong việc tổ chức, tham gia các hoạt động giáo dục cộng đồng giàu tính nhân văn. Những hoạt động giáo dục phục vụ cộng đồng của Giáo hội Phật giáo đã góp phần bù đắp, san sẻ những khó khăn trên với Nhà nước, hệ thống giáo dục quốc dân. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn có những mặt cần khắc phục để phát huy hơn nữa giá trị của nó trong xã hội.

Thứ nhất, những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới chỉ phát triển mạnh ở bề nổi, chưa thực sự phát triển theo chiều sâu. Ví như những việc làm cứu trợ nhanh, kịp thời nhưng chỉ là biện pháp giải quyết tình thế những nhu cầu cấp thiết lúc đó của người gặp nạn: cơm ăn, nước uống, quần áo mặc, nơi ở… chứ chưa có lộ trình để họ có một nơi ở, một nghề nghiệp ổn định cho cuộc sống, có nguồn thu nhập thường xuyên, có hướng tương lai cho các trẻ khi trưởng thành, có chế độ dinh dưỡng.

Thứ hai, những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam  cách thức làm còn manh mún, tự phát, chưa hệ thống và bài bản. Cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi tại đây là tự phát chủ yếu nuôi các trẻ xuất phát từ tình thương, lòng nhân ái với quy mô nhỏ nên điều kiện chăm sóc trẻ chưa có chất lượng như các cơ sở chuyên nghiệp. Chủ yếu nhờ cậy vào sự quyên góp, giúp đỡ nuôi nấng của các Phật tử hay người dân quanh chùa. Cơ sở vật chất, nhân lực cần đầu tư, đào tạo thêm. Qua khảo sát một số cơ sở từ thiện của Phật giáo cho thấy công tác quản lý các hoạt động từ thiện của Phật giáo chưa thật sự chặt chẽ và chuyên nghiệp, đôi lúc có những sự cố đáng tiếc do quản lý lỏng lẻo. Mặc dù với tinh thần từ bi của nhà Phật hòa quyện với tinh thần “Tương thân tương ái” của người Việt nên các vị đều có tinh thần hướng thiện, làm việc thiện giúp đỡ mọi người đều không tính toán, vụ lợi hay những Phật tử đến với các cơ sở từ thiện đều là những người thấm nhuần tinh thần Phật pháp, tự nguyện làm điều thiện, tuy nhiên sự quản lý không chặt chẽ đã tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng, làm ảnh hưởng uy tín của Phật giáo. Vì vậy, cần nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này và nghiên cứu quản lý hoạt động từ thiện thật bài bản.

Thứ ba, những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chưa có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các cơ sở từ thiện Phật giáo khác trong nước. 

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Theo điều 20, 21 Nội quy Ban Từ thiện Xã hội Trung ương, Hiến chương của Giáo hội, các mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng trong đó có công tác từ thiện xã hội phải được thu về một mối và dưới sự giám sát của Giáo hội, không thể tách rời và hoạt động thiếu sự giám sát của Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có vai trò to lớn trong việc định hướng sự phát triển các mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng. Vì thế, Giáo hội cần quan tâm sát sao, quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các mô hình này nhằm góp phần trang nghiêm Giáo hội và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh.

KẾT LUẬN

Như vậy, về tổng thể, Phật giáo Việt Nam cũng chính là bản sắc Việt Nam, là đạo đức của con người Việt Nam. Do đó, sống trong thời đại phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ 4.0, chúng ta không thể không coi trọng việc phát triển những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Phật giáo. 

Phật giáo Việt Nam trong quá trình hình thành, tồn tại đã góp phần tạo ra những giá trị nhân bản như lòng hiếu thảo, nhân ái, biết ơn, tính cộng đồng, cần cù, sáng tạo, hiếu học, yêu nước. Yêu nước là giá trị đạo đức hàng đầu trong hệ thống nhân bản truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị hết sức quý báu mà chúng ta cần phải lưu giữ, nghiên cứu, khai thác trong Phật giáo để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng xã hội hiện đại. 

Dẫu biết, bản thân mọi giá trị không phải “nhất thành bất biến” mà luôn biến đổi cùng tiến trình lịch sử. Các giá trị ngày hôm qua, chưa hẳn là giá trị của ngày hôm nay. Nhưng những giá trị nhân bản, tinh thần đoàn kết dân tộc trong những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Phật giáo Việt Nam có thể nói là vĩnh hằng cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Do vậy, để gìn giữ được những giá trị này trong Phật giáo thì nhất thiết phải phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam để củng cố và tiếp tục xây dựng những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng sao cho lòng nhân ái phải được nâng lên thành chủ nghĩa nhân đạo, tính cộng đồng trong xã hội được nâng lên thành khối đại đoàn kết toàn dân, lòng yêu nước phải luôn gắn với Chủ nghĩa Xã hội. Có như vậy, những mô hình giáo dục phục vụ cộng đồng của Phật giáo mới có ý nghĩa tích cực trong xã hội hiện đại và phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” mới được hiện thực hóa trọn vẹn.  

 

PGS.TS. Trần Thị Kim Oanh, ThS. Trần Thị Hằng/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 400

Chú thích:

* PGS. TS Trần Thị Kim Oanh – Trưởng Bộ môn Tôn Giáo học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.

* Th.S Trần Thị Hằng – Giảng viên Bộ môn Tôn giáo học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.

[1] Theo học giả Thích Nhật Từ.

[2] Năm 2017, Việt Nam lọt vào top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet đông nhất thế giới với 64 triệu người, xấp xỉ 67% dân số. Mạng di động 4G được triển khai rộng khắp với hơn 40.000 trạm, phủ sóng hơn 90% dân số. Trong hệ sinh thái số, ba thị trường chính là viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử đều có tăng trưởng vượt bậc. Doanh thu ngành công nghệ thông tin đạt 67,6 tỷ USD, ngành viễn thông đạt 6,2 tỷ USD, đội ngũ nhân lực tới 781 nghìn người. Thị trường thương mại điện tử tăng 69%, đưa Việt Nam vào tốp 3 thị trường thương mại điện tử có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo được hình thành và phát triển mạnh. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng có chuyển biến rất mạnh mẽ. Ngân hàng nhà nước đã chú trọng thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ mới vào hoạt động quản lý, kinh doanh ngành ngân hàng, đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống. Các ngân hàng thương mại cũng chủ động ứng dụng công nghệ mới như AI, Big Data và dịch vụ mới như Mobile Banking, Internet Banking, livebank247 để có thể phục vụ khách hàng mọi nơi, mọi lúc. Đến nay, có khoảng 78 công ty Fintech hoạt động tại thị trường Việt Nam, nơi được ước tính có giá trị khoảng 8 tỷ USD vào 2020.

[3] Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn học, tr. 49.

[4] Hiện cả nước có gần 60 Tuệ Tĩnh đường hoạt động có hiệu quả khám chữa bệnh và phát thuốc cho hàng ngàn bệnh nhân, tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Một số tự viện còn có phòng thuốc nam, bốc thuốc và châm cứu cho bệnh nhân đang được đồng bào các giới quan tâm.

[5] Thực tế tại Trung tâm Từ thiện xã hội Phật Quang tháng 12/2019.

[6] Thế kỷ thứ II.

[7], [8] https://vbgh.vn/index.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin