Chi tiết tin tức

Tăng Ni và cư sĩ góp phần trang nghiêm Giáo hội

20:36:00 - 02/11/2022
(PGNĐ) -  Cách đây hơn 26 thế kỷ tại Ấn Độ dưới sự giáo hóa của Đức Phật, Tăng Ni được sinh hoạt tu học rất trang nghiêm, thanh tịnh. Vì thế, Cư sĩ thuộc các tầng lớp khác nhau trong xã hội như: vua chúa, quan lại, trưởng giả, Bà-la-môn, nông dân,… nhìn thấy Tăng đoàn mà phát tâm tu học. Mỗi người tuy thuộc nhiều ngành nghề, địa vị xã hội khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là hộ trì Phật pháp, làm cho Phật giáo hưng thạnh. Truyền thống của Đức Thế Tôn nhờ thế được tiếp nối. Vì vậy, việc trang nghiêm Giáo hội luôn rất cần thiết, là công việc hết sức quan trọng để giữ gìn giềng mối Phật pháp muôn đời.

TRÁCH NHIỆM CỦA TĂNG NI

Tu học trao dồi giới đức

Trong sinh hoạt tại mỗi già lam tự viện, dù theo truyền thống nào nhưng vào nửa tháng chư Tăng đều phải cùng nhau ngồi lại đọc tụng giới bổn Patimokkha. Vì giới luật còn thì Phật pháp còn [1]. Thật vậy, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ có giữ giới hạnh đúng như pháp thì phiền não không sanh, tâm thức dần thanh tịnh, trí tuệ tăng trưởng, tác động đến tâm thức những người xung quanh và môi trường sống dần được thanh tịnh an vui. Phật pháp chỉ hưng thạnh khi còn những vị tu hành có giới đức tỏa sáng. Chính đức hạnh ấy đã cảm hóa quần chúng có niềm tin chân chính vào Tam bảo. Phật là bậc chứng ngộ được pháp, Pháp tác thành phẩm chất giác ngộ của Phật, Phật lại tuyên dương Chánh pháp, Phật pháp không thể tách rời nhau. Phật pháp lại tác thành phẩm chất và ý hướng của Tăng, Tăng có mặt là Phật pháp có mặt [2].

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: Bậc chân tu không mọc nhiều như nấm sau cơn mưa [3]. Tuy những vị chân tu thật học không nhiều như thời chánh pháp khi còn Thế Tôn nhưng không phải không có. Điều này đã được lịch sử chứng minh, khi có các vị vĩ nhân xuất hiện qua nhiều giai đoạn lịch sử, đưa chánh pháp sáng soi nhân gian, như: Ngài Long Thọ, Cưu Ma La Thập, Huyền Trang, Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh, Thích Phổ Tuệ … Tất cả đã tỏa sáng gương giới đức cho hàng hậu thế mỗi khi nhìn lại trang sử vàng son ấy mà lòng không khỏi hổ thẹn.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang thực hiện công tác biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam và quan tâm, chỉ đạo Tăng Ni sinh trẻ tu học nội trú để có thời gian dốc toàn lực cho việc nghiên cứu, thực hành lời Phật dạy. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp chư Tăng Ni trở về trú xứ hay hành đạo nơi nào cũng gói ghém theo sở tu, sở học để hướng dẫn quần chúng tu học làm lợi lạc cho đời.

Bậc chân tu không phải như những dấu tích linh ứng để mọi người nghe tiếng tìm tới dâng hương. Bậc chân tu cũng không phải là người có vài thủ thuật như: tiên tri, chữa bệnh để thu hút nhiều người hâm mộ. Bậc chân tu là sự hiện diện, trước hết của đạo đức vô hành. Nhìn vào người, thiên hạ thấy lòng mình thêm tin tưởng, thêm trầm tĩnh, thêm ý thức, thêm thương yêu cuộc đời một cách chân thành. Đây chính là sự trang nghiêm Giáo hội thiết thực từ sự chuyển hóa nội tâm của mỗi người con Phật, chỉ cần ngồi với một người mà cảm thấy lòng mình bình yên, tĩnh lặng, mong muốn phụng sự. Sự hiện diện của người chân tu giản dị trong sáng như khí trời, như mạch nước ngầm cho mọi vật được tồn tại và sinh trưởng. Đó là lý do nơi nào có các vị trưởng lão thanh tịnh nơi đó Tăng chúng và Cư sĩ tu học dễ có kết quả an lạc. Tu sĩ muốn có giới trước tiên cần một môi trường học tập và rèn luyện. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang thực hiện công tác biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam và quan tâm, chỉ đạo Tăng Ni sinh trẻ tu học nội trú để có thời gian dốc toàn lực cho việc nghiên cứu, thực hành lời Phật dạy. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp chư Tăng Ni trở về trú xứ hay hành đạo nơi nào cũng gói ghém theo sở tu, sở học để hướng dẫn quần chúng tu học làm lợi lạc cho đời.

ĐOÀN KẾT HÒA HỢP

Trong Kinh Tăng Chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajjī, Kinh Vassakāra, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, khi nào chúng Tỳ kheo tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được lớn mạnh, không bị suy giảm” [4]. Đức Phật khuyên chúng ta nơi nào có sự đoàn kết nơi đó có sức mạnh. Thực tế, trong bài kinh này, người dân Vajjī họ đã biết sống đoàn kết, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau nên dù vua Ajātasattu muốn chinh phạt cũng không thể được. Vì vậy, Đức Phật khuyên Tăng chúng muốn chánh pháp tồn tại, lớn mạnh, không tổn giảm nên chấp nhận, không chống phá lẫn nhau. “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Một người dù tài ba, giỏi giang đến đâu cũng không thể làm hết mọi việc cùng lúc nếu không có sự hợp tác của nhiều người. “Cùng sinh hoạt trong Tăng đoàn mà không chấp nhận nhau, không nhìn nhau được và chấp càng cao càng đi xa chân lí, chắc chắn phải bị đọa”, HT. Thích Trí Quảng dạy [5].

Đất nước hòa bình, Giáo hội thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Điều này tạo điều kiện để mọi người ngồi lại với nhau, lắng nghe ý kiến, sẻ chia khó khăn và cùng nhau giải quyết, thật sự: “Vui thay, Phật ra đời. Vui thay, Pháp được giảng. Vui thay, Tăng hòa hợp. Hòa hợp tu, vui thay” [6].

Trong Kinh Tăng Chi, phẩm Hội chúng, mười bài kinh từ số 43 đến 52 của chương Hai pháp [7] diễn tả các hội chúng khác nhau theo quan điểm Đức Phật, chứng tỏ Ngài rất quan tâm đến việc xây dựng chúng Tăng vì đây là biểu trưng của Giáo hội. Nếu chúng Tăng không hòa hợp, không cùng chung lý tưởng giải thoát, giác ngộ thì không xứng đáng cho tín đồ quần chúng tin theo tu học. Thành quả của sự hòa hợp đó là: 

“Sống an lạc là người,

Làm hòa hợp chúng Tăng;

Sống an lạc là người,

Giúp chúng Tăng hòa hợp;

Ưa thích sự hòa hợp,

An trú trên Chánh pháp.

Ai khiến cho chúng Tăng,

Ðược sống trong hòa hợp,

Trong một kiếp, người ấy

Sống hoan hỷ Thiên giới” [8].

Người đem lại sự hòa hợp, giúp chúng Tăng hòa hợp an vui, nhìn nhau bằng cặp mắt ái kính [9] sẽ đem lại hạnh phúc to lớn như chư Thiên cõi trời, tạo nên vũ trụ yên bình thịnh vượng. Vì Tăng già hòa hợp để thực thi sứ mạng giữ gìn và tuyên dương Chánh pháp. Do đó, những ai có tâm huyết với sự hưng suy Phật pháp, hãy quan tâm đến việc xây dựng chúng Tăng để Tăng đoàn hòa hợp và thanh tịnh [10].

Tuy những vị chân tu thật học không nhiều như thời chánh pháp khi còn Thế Tôn nhưng không phải không có. Điều này đã được lịch sử chứng minh, khi có các vị vĩ nhân xuất hiện qua nhiều giai đoạn lịch sử, đưa chánh pháp sáng soi nhân gian, như: Ngài Long Thọ, Cưu Ma La Thập, Huyền Trang, Thích Minh Châu, Thích Trí Tịnh, Thích Phổ Tuệ … Tất cả đã tỏa sáng gương giới đức cho hàng hậu thế mỗi khi nhìn lại trang sử vàng son ấy mà lòng không khỏi hổ thẹn.

TRÁCH NHIỆM CƯ SĨ

Sự khó khăn của Cư sĩ là còn phan duyên với đời sống thường nhật gia đình, do đó khó sắp xếp thời gian đến các đạo tràng sinh hoạt. Cuộc sống bộn bề có thể khiến Cư sĩ tiến bước rất chậm trên con đường tu học tại gia. Nhìn thấy thực trạng này, chư Tôn đức hiện đã nỗ lực hoằng pháp trên mọi lĩnh vực, ứng dụng công nghệ số để lời Phật dạy đến từng ngõ ngách, từng mái ấm gia đình, hướng dẫn hàng Cư sĩ phải thân cận, tới lui thăm viếng các vị tu sĩ, để học hỏi giáo pháp, biết được nên làm thế nào mới đúng bổn phận. Đạo Phật cần những Phật tử biết suy tư, tự tìm hiểu rồi tu tập. Vì vậy, trong Kinh Tăng Chi, chương Bảy pháp, Phẩm Vajjī, bài kinh Sự thối đọa thứ hai (7.29), Đức Phật nhắc nhở một Cư sĩ nên đến thăm các vị Tỳ kheo (Bhikkhudassanaṃ); không phóng túng nghe diệu pháp (saddhammassavanaṃ nappamajjati); tu tập tăng thượng giới (adhisīle sikk hati-giữ giới luật chính chắn); giàu niềm tin đối với các Tỳ kheo trưởng lão, trung niên, tân nhập, nghe pháp với tâm không cật nạn, không tìm tòi các khuyết điểm (anupārambhacitto dhammaṃ suṇāti na randhagavesī); không tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng (na ito bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesati); nên ưu tiên cho Tăng chúng (idha ca pubbakāraṃ karoti) [11]. 

Qua bài kinh này, Đức Phật dạy Cư sĩ muốn đi xa trên lộ trình tâm linh cần siêng năng lui tới, thăm viếng học hỏi các bậc tu hành có giới đức, lắng nghe diệu pháp từ các Ngài để tăng trưởng tín tâm, có nhận thức hiểu biết. Từ đó có những ứng xử tốt đẹp, hợp với trách nhiệm và bổn phận của một Cư sĩ đúng mực. Nên có lần, Kimbila đã thao thức, thưa hỏi Đức Phật như sau: Do nhân gì, do duyên gì, bạch Thế Tôn, sau khi Như Lai nhập diệt, Chánh pháp được an trú lâu ngày? Ở đây, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, nam Cư sĩ, nữ Cư sĩ sống tôn trọng và vâng lời bậc Đạo Sư, Pháp và chúng Tăng, sống tôn trọng và vâng lời lẫn nhau. Đây là nhân, đây là duyên, này Kimbila, khi Như Lai nhập diệt, diệu pháp được tồn tại lâu dài [12].  Điều quan trọng được nhấn mạnh ở đây, dù tu sĩ hay Cư sĩ phải tôn trọng, giúp đỡ nhau tu hành để chánh pháp còn mãi ở đời. Qua các bản kinh này, chúng ta thấy những Cư sĩ này đáng được Đức Thế Tôn khen ngợi tán thán, là những Cư sĩ lý tưởng không những ổn định về kinh tế mà còn có giới hạnh, học pháp và hoằng pháp, biết cách hộ trì chánh pháp đúng đắn.

Chủ tịch Hội Pāli Text Luân Đôn phát biểu: “Đạo Phật là một tôn giáo, một khoa học sâu sắc, một lối sống hợp lý, thực tiễn và bao gồm tất cả. Hơn 2.500 năm qua đạo Phật đã thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của gần một phần ba nhân loại. Đạo Phật hấp dẫn đối với phương Tây, nhấn mạnh đến tinh thần tự lực, đương đầu với những quan điểm khác với lòng khoan dung. Đạo Phật bao trùm hết mọi lĩnh vực khoa học tôn giáo, triết học, tâm lý học, luân lý và nghệ thuật. Và trên hết, đạo Phật chỉ rõ cho mọi người thấy chính con người là nhà sáng tạo ra kiếp sống hiện tại của họ và mỗi người là nhà thiết kế duy nhất cho số phận của mình” [13]. Phật pháp ở tương lai có tươi đẹp hay không là ở chính những suy nghĩ và việc làm của Tăng Ni, Cư sĩ hiện nay. Cư sĩ nhận thức được mối liên hệ mật thiết, quan trọng giữa chư Tăng và giới Cư sĩ đối với việc trang nghiêm Giáo hội, giữ gìn đạo pháp tồn tại sẽ tạo niềm tin đối với người chưa vào đạo, nâng cao lòng tin đối với người đã vào đạo. Mỗi người sẽ hoàn thiện đạo đức tự thân, sống và làm việc theo lời Phật dạy, theo pháp luật. Từ đó, mang lại lợi ích không nhỏ cho xã hội và Phật giáo.

 

SC. Thích Nữ Huệ Cảnh/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 400

Chú thích:

* Thích Nữ Huệ Cảnh, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP HCM.

[1] Trí Quang (2010), Tổng tập giới pháp xuất gia, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr.686.

[2] Thích Thái Hòa (2017), Niềm tin bất động đối với Tăng, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.254.

[3] Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Nxb. Lá Bối, Pl. 2548, tr.6.

[4] TTTĐPGVN (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.842.

[5] Thích Trí Quảng (2011), Phật giáo nhập thế và phát triển, quyển 3, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.109.

[6] Thích Minh Châu (dịch, 2017), Kinh Pháp cú, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.85.

[7] TTTĐPGVN (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.67.

[8] Thích Minh Châu dịch (1997), Kinh Tăng Chi bộ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.342.

[9] TTTĐPGVN (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.220.

[10] Quảng Tánh (2011), Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikaya, Nxb. Tổng hợp TP HCM, tr.532.

[11] TTTĐPGVN (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, tr.848.

[12] TTTĐPGVN (2021), Kinh Tăng chi bộ, Nxb. Hồng Đức, tr.682.

[13] Thích Chúc Phú (2013), Vài vấn đề về Phật giáo và nhân sinh, Nxb Hồng Đức, tr.9.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin