Chi tiết tin tức Chùa Bằng: Lễ mừng thọ cho các cụ cao niên 17:29:00 - 25/02/2017
(PGNĐ) - Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa vốn có từ lâu đời của người Việt Nam. Qua lễ mừng thọ, con cháu có dịp thể hiện lòng hiếu thảo của mình đối với ông bà cha mẹ; xã hội cũng thể hiện được sự trọng vọng tôn kính đối với những người cao tuổi; bản thân người cao tuổi cũng cảm thấy được tôn vinh, sẽ sống vui, sống khỏe hơn.
Trong tâm thức của người Việt, ai cũng đều mong muốn đạt được ngũ phúc: khang - ninh - phúc - lộc - thọ và điều mong muốn hơn cả là Thọ, bởi con người ta luôn coi sức khỏe là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng. Trân trọng người cao tuổi còn là trân trọng kho kinh nghiệm sống được tích luỹ qua bao năm tháng bởi vậy những năm gần đây, mừng thọ trở nên phổ biến rộng rãi hơn, mang một tín hiệu đáng mừng khi quốc thái dân an, cũng là nét đẹp văn hoá được gìn giữ và duy trì. Vì lẽ đó, cứ 27 tháng Giêng hàng năm chùa Bằng (Linh Tiên tự) lại tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ già tuổi 60 - 65 - 70 - 75 - 80 - 85 trở lên của đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc. Năm nay cũng theo truyền thống tốt đẹp đó, ngày 23 tháng 02 năm 2017, nhằm ngày 27 tháng Giêng năm Đinh Dậu, chùa Bằng cũng đã long trọng tổ chức lễ mừng thọ cho 1328 cụ cao niên thuộc các Đạo tràng Pháp Hoa toàn miền Bắc. Trước khi bắt đầu vào buổi lễ mừng thọ, ban nghi lễ đã cung rước Hòa thượng Thích Quang Nhuận - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng ban thường trực Ban hoằng pháp TW quang lâm pháp tòa thuyết giảng cho đại chúng về “Ân tình của người Phật tử”. Lễ mừng thọ là một nghĩa cử đẹp của dân tộc Việt Nam, của nền văn hóa Á Đông. Tinh thần lễ mừng thọ là một tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, một tinh thần có tôn ti trật tự luôn luôn kính trọng các bậc trưởng thượng. Riêng Đông Nam Á nói chung và dân tộc Việt Nam đã luôn giữ vững được tinh thần tôn trọng, kính trên nhường dưới từ ngàn xưa, cho nên luôn luôn giành được độc lập, đuổi hết được tất cả những cường quốc có ý định xâm lăng. Lễ chúc thọ hôm nay cũng không ngoài ý nghĩa giữ gìn nề nếp, nền tảng đạo đức từ trong nhà ra ngoài xã hội. Đây là nghĩa cử nói lên tinh thần hộ quốc an dân nói chung, hay nói cách khác, chúng ta là một người con dân của nước Việt thì phải luôn duy trì nền tảng giống nòi của dân tộc, những người Phật tử là những người cần phải duy trì nền tảng của Đạo pháp để được tồn tại giữa thế gian song song với sự tồn tại thái bình của dân tộc. Hòa thượng nhấn mạnh “Ban hoằng pháp nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung hàng ngày, hàng giờ không bao giờ quên vấn đề tôn trọng, giữ gìn các bậc trưởng thượng. Cho nên hàng ngày vào các thời kinh, chúng tôi luôn luôn nhắc tới tứ trọng ân để nhắc nhở bản thân giữ gìn và duy trì mạng mạch của Phật pháp, đem lại hòa bình trong chính quốc gia”. Hòa thượng cũng chia sẻ “trong mỗi con người, ân tình ai cũng có. Nhưng tình thầy trò, tình cha mẹ, tình bạn bè, tình thân bằng quyến thuộc có cấp độ khác nhau. Tùy theo tâm lý, tùy theo hoàn cảnh mà biểu lộ không giống nhau. Nhìn chung trong cuộc đời, mỗi ân tình đều có sự trao đổi qua lại với nhau. Nếu ta thương người, người sẽ thương lại ta; nếu người ghét ta, ta hay có thói quen ghét lại. Nhưng trên tinh thần người Phật tử, chúng ta đều phải yêu quý hết thảy mọi người, đối xử chân thành với tất cả mọi người”. Cuối cùng, Hòa thượng mong muốn, mỗi vị Phật tử hiện diện trong đạo tràng đều là một thành viên của Đạo tràng Pháp Hoa, tu tập theo tinh thần Pháp Hoa, thì phải giữ được sự bền vững tính Phật ở trong mỗi con người, luôn giữ đc từ bi và trí tuệ, làm thế nào để Đức Phật luôn hiện hữu ở tất cả mọi nơi, giữ cho tâm như hoa sen giữa bùn lầy mà không nhiễm ô, ở giữa cuộc sống Ta Bà đầy khổ đau phiền muộn nhưng tâm luôn thanh tịnh an lạc.
Sau đó, ba hồi chuông trống bát nhã ngân vang, toàn thể đại chúng trang nghiêm chắp tay búp sen niệm danh hiệu "Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật", cung đón chư tôn đức Tăng Ni quang lâm lễ đài để chính thức bắt đầu chương trình lễ chúc thọ. Đến chứng minh và tham dự có sự hiện diện của HT.Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN; HT. Thích Quang Nhuận - Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng ban Thường trực Ban hoằng pháp TW; HT. Thích Thanh Hùng – Ủy viên thường trực HĐTS TW GHPGVN, Phó trưởng Ban thường trực Ban hướng dẫn Phật tử TW; HT. Thích Tấn Đạt - Ủy viên thường trực HĐTS kiêm Phó ban thường trực Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN; HT. Thích Minh Thiện - Ủy viên HĐTS kiêm Phó Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN cùng Chư tôn đức HĐTS, Ban Hoằng Pháp T.Ư, Ban Hoằng pháp GHPGVN Tp.Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc cùng sự tham dự của đông đảo các cụ ông, cụ bà, các vị Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc.
Mở đầu chương trình, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó thư ký Ban hoằng pháp TW, Trưởng Ban hoằng pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội đã thay mặt Ban tổ chức đọc lời phát biểu khai mạc. Thượng tọa chia sẻ “Ngày mừng thọ chính là ngày để con cháu thể hiện sự kính trọng, lòng biết ơn, sự quan tâm của mình đối với người có công sinh thành dưỡng dục. Và để những người cao tuổi cảm thấy ấm lòng bởi sự quan tâm chăm sóc của con cháu trong những năm tháng tuổi già. Sự hiếu kính của con cháu chính là món quà quý giá nhất, hạnh phúc nhất dành cho mỗi người khi tuổi xế chiều. Đây chính là nét đẹp văn hóa không chỉ đối với gia đình, họ mạc mà còn là sự tôn vinh, tri ân người cao tuổi”.
Sau đó, Phật tử Pháp Thiện Nội - đại diện Đạo tràng Pháp Hoa cũng đã dâng lời khánh tuế chư tôn đức và có lời chúc thọ tới các Phật tử cao niên trong buổi lễ này.
Nhân dịp này, Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ cùng với Chư tôn đức đại diện Ban Hoằng pháp T.Ư và Ban Hoằng pháp Thành phố Hà Nội cùng toàn thể Phật tử đồng hướng về khánh tuế, dâng lời chúc thọ và dâng trà bày tỏ niềm tri ân tới chư tôn đức chứng minh. Cũng trong ngày mừng thọ này, các bạn Thanh thiếu niên Phật tử chùa Bằng cũng đã dâng lên những chén trà bày tỏ niềm kính trọng chia vui và mừng thọ tới những bậc cao niên.
Hôm nay, trong niềm vui của ngày lễ mừng thọ, Hòa thượng trụ trì Thích Bảo Nghiêm cũng có món quà là mô hình bảo tháp Báo Ân gửi tặng chúc thọ tới cụ ông Nguyễn Như Ngọc (90 tuổi) – người đã 3 lần lên gặp Hòa thượng vào mùa xuân năm 1996 thỉnh mời Thầy về trụ trì ngôi chùa Bằng. Hơn nữa, ông và một số cụ cao niên đã có công lớn trong việc hộ trì ngôi Tam Bảo, xây dựng và phát triển chùa Bằng cho đến ngày hôm nay.
Cuối cùng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ tới toàn thể đại chúng. Trước khi bắt đầu vào lời chúc thọ tới các cụ lão ông, cụ lão bà hiện diện trong buổi lễ mừng thọ này, Hòa thượng không quên nhắc đại chúng hướng lòng thành kính về Tổ đình Quang Lãng Viên Minh đỉnh lễ khánh thọ Đức Đệ Tam Pháp Chủ GHPGVN – trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ năm nay đã 101 tuổi, và thành tâm hướng về chùa Huê Nghiêm – thành phố Hồ Chí Minh khánh thọ Hòa thượng tôn sư Thích Trí Quảng – đương vi Phó Pháp Chủ GHPGVN cùng chư tôn Hòa thượng Giáo thọ, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa hiện tọa đạo tràng. Sau đó, Hòa thượng đã chia sẻ về ý nghĩa của việc tổ chức lễ mừng thọ tại chùa Bằng, bởi lẽ “Trong Thiền Lâm Bảo Huấn, Tổ sư dạy rằng thiền môn đa trưởng lão thiền môn thịnh, có nghĩa là ngôi chùa, tự viện, tùng lâm mà có các bậc cao thiền thạc đức, các bậc trưởng lão còn trụ thế thì nơi đó là phúc ấm cho Tăng Ni tín đồ ở tại cơ sở tự viện của Phật giáo. Trong dân gian thường nói, trong dòng họ gia đình mà có các cụ cao niên thì con cháu trong dòng họ đoàn kết quây quần. Trong gia đình có các cụ cao niên là phúc ấm cho con cháu được hưởng phúc lạc. Thật vậy, dân gian cũng như Phật giáo đều tôn trọng tuổi thọ. Dân gian thì ca ngợi rằng “ngũ phúc thọ vi tiên”. Trong Đạo Phật, kinh điển cũng ghi lại trong năm điều phúc cũng lấy thọ đứng đầu “sống lâu, sức mạnh, sắc đẹp, an vui và trí tuệ”. Như vậy, quan niệm tôn trọng mạng sống và tuổi thọ của con người trong lời dạy của Đức Phật cũng như truyền thống của dân tộc Việt Nam gặp nhau ở một điểm là “kính già già để tuổi cho”. Hòa thượng bày tỏ niềm vui mừng khi năm nay vẫn có 6 cây đại thụ hiện diện trong đạo tràng Pháp Hoa từ 100 tuổi đến 104 tuổi. Các cụ đều đang tu tập theo đạo tràng, có nghĩa rằng các cụ là những Phật tử thuần thành, Hòa thượng mong rằng “Tre già phải có măng mọc – có nghĩa là Đạo tràng Pháp Hoa lúc nào cũng phải có đầy đủ các thế hệ, có thể lại được sinh hoạt trong một Đạo tràng với tứ đại đồng đường. Nếu như vậy, mới là những gia đình Phật tử, và mỗi một gia đình Phật tử như vậy là một gia đình mẫu mực. Cả một dòng họ Phật tử là góp phần xây dựng một đất nước văn minh, an lành”. Cuối cùng, Hòa thượng mong rằng “tất cả các Phật tử theo truyền thống của Đạo Phật, tôn kính bậc trưởng thượng, sống với nhau trong đạo tràng luôn tương thân tương ái, sống bình đẳng lục hòa, cùng hướng dẫn nhau tu tập chuyển hóa, như vậy chúng ta mới thật sự là hành giả Pháp Hoa. Hôm nay ngày mừng thọ, chúng ta mừng tuổi thọ nhưng cũng phải nhớ điểm lại những năm tháng tu tập đã qua. Không phải sống lâu lên lão làng, mà sống lâu phải có nhiều kinh nghiệm, tu tập lâu phải tăng trưởng công đức, mà muốn tăng trưởng công đức phải nghiêm trì giới luật, phải tu tập hành trì lễ bái, nghe giảng lễ Phật để sám hối tà tâm trừ ác nghiệp, cơ cầu bồi cõi phúc, nghe pháp hiểu minh chính nghĩa – làm nhân duyên công đức đóng bè từ. Các Phật tử phải cố gắng phúc tuệ song tu, làm việc Phật theo sức của mình, làm từ thiện theo sức của mình, cúng dàng Tam Bảo theo sức của mình nhưng tu tập thì phải gắng hết sức vượt qua chướng duyên, vượt qua mọi khó khăn để tu tập thuần thục, để nhờ công đức đó “nhân Ta Bà tốt, quả Cực Lạc hoa khai”. Lời đạo từ của Hòa thượng đã khép lại buổi lễ mừng thọ tràn đầy hỷ lạc trong lòng mỗi người Phật tử.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |