Chi tiết tin tức

Cưỡi xe Trâu trắng du xuân

20:45:00 - 02/01/2023
(PGNĐ) -  Xe Trâu trắng là một thuật ngữ được sử dụng trong phẩm Thí dụ của Pháp Hoa Kinh để ví cho Đại thừa. Hành giả thực hành Bồ tát hạnh như người cưỡi xe Trâu trắng đi vào cuộc đời để cứu độ chúng sinh mà không bị thế gian làm nhiễm ô; và tâm của Bồ tát tỏa sáng tự tại làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh, giải thoát sinh tử luân hồi, đạt đến Niết bàn chân thật. Muốn thành tựu hạnh nguyện cứu độ, Bồ tát phải sử dụng khéo léo phương tiện thiện xảo, bằng nhiều cách khác nhau để đưa họ thoát khỏi lo lắng và khổ đau, nhận ra chân tánh của mình, tiến lên con đường giải thoát, đạt được cứu cánh niết-bàn ngay chính trong cuộc đời này.

Đức Phật tùy theo căn cơ để thuyết pháp. Đối với người có căn tánh thấp, Đức Phật thuyết các pháp là vô thường giúp bỏ ác làm lành; đối với người có căn tánh trung bình, Đức Phật thuyết các pháp là vô ngã, giúp họ có thể chán bỏ thế gian, giải thoát sinh tử; đối với người có căn tánh lanh lẹ, Đức Phật thuyết các pháp không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh, không thêm, không bớt, đạt đến niết-bàn tịch tịnh.

Phẩm Thí dụ kể về câu chuyện một trưởng giả của cải sung túc, do thấy những người con của mình đang ham vui nô đùa trong nhà lửa mà không biết tai họa đang diễn ra, bị các phiền não và tập khí che lấp nên không hiểu được sự việc, vì thế trưởng giả lấy làm lo lắng bèn thiết lập pháp phương tiện tùy vào cá tính của từng người con, bảo rằng bên ngoài có xe dê, xe hươu và xe trâu để dẫn dụ chúng nhanh chóng ra khỏi nhà lửa, thoát khỏi nguy hiểm. Nhà lửa tượng trưng cho thế gian nhiễm ô vì phiền não và tập khí từ đời trước nên chúng sinh không thấy được chân lý vì thế cực kỳ nguy hiểm; các người con tượng trưng cho chúng sinh; trưởng giả tượng trưng cho Đức Phật; xe dê, xe hươu và xe trâu tượng trưng cho Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa; xe trâu trắng tượng trưng cho bản nguyện hay mục tiêu và lý tưởng cuối cùng của Đức Phật. Do đó, thí dụ này cho thấy trưởng giả dùng xe dê, xe hươu và xe trâu dẫn dụ những người con của mình ra khỏi nhà lửa. Cũng vậy, Đức Phật dùng các phương tiện để hướng dẫn hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát đều quy về Phật thừa, cứu độ hết thảy chúng sinh giải thoát sinh tử.

PHƯƠNG TIỆN CỨU ĐỘ CỦA ĐỨC PHẬT

Đã từ lâu nghe lời Phật dạy, có đọc kinh, có ngồi thiền, có tìm tòi học hỏi, nhưng rồi lại quên, như thể có được Trâu rồi lại để Trâu chạy mất. Lập nguyện thành Phật là vì cứu độ hết thảy chúng sinh, nhưng nay được chút ít chứng đắc lại cho đó là đủ mà quên đi bản nguyện giúp tất cả chúng sinh chứng ngộ thành Phật. Bản nguyện đó là nhìn thấy chúng sinh trong ba cõi do phiền não nhiễm ô và vô minh che lấp mà không thấy được chân tánh, dùng sáu căn tìm tòi niềm vui trong nhà lửa của thế gian, mà chẳng nhận ra nguy hiểm đang rình rập. Vì nhận thấy chúng sinh như vậy, nên chư Phật và Bồ tát lân mẫn cảm thông đi vào thế gian, dùng nhiều phương tiện để nhiếp hóa, đưa đến bến bờ an ổn, hạnh phúc. Những phương tiện đó là gì? Đó là Sáu ba-la-mật: Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định và Trí tuệ. 

Bố thí là hạnh nguyện đầu tiên của Bồ tát, vì hành giả chưa xả bỏ vật chất thì không thể từ bỏ chấp trước. Ngoài ra, bố thí còn tiến thêm một bước nữa, loại bỏ mọi khoảng cách khái niệm giữa người cho, đồ vật và người nhận bằng tâm vô ngã chân thật. Chính điều này giúp Bồ tát thương cảm thống thiết nỗi khổ của hết thảy chúng sinh. 

Trì giới là chế ngự việc làm xấu ác và tu tập các thiện hạnh làm mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nhờ vào việc tu tập thực hành các giới luật mà ba nghiệp thân, khẩu và ý được thanh tinh, giúp tâm trở nên an tịnh và kiên cố, nhờ đó mà đạt đến trạng thái tỉnh giác trong thiền định.

Nhẫn nhục là công hạnh giúp hành giả vượt qua khó khăn và hàng phục sân hận. Ở phương diện thế gian, hạnh nhẫn nhục giúp tinh thần vững chãi và nội tâm trong sạch. Ở phương diện xuất thế, công hạnh này giúp hành giả hiểu được giá trị của sự nhẫn nhịn một cách tự nhiên, tạo thành nền tảng vững chắc và nhu nhuyến để dũng mãnh bước lên những địa vị khác trên con đường Bồ tát đạt đến vô sinh pháp nhẫn. 

Tinh tấn được áp dụng trong mọi tình huống, tạo năng lượng tất yếu để đối trị các trạng thái lười biếng, giải đãi, chấp trước, chán nãn và tự ti. Tu tập cần phải có một nghị lực phi thường mới chứng ngộ được mục tiêu mà không sợ sự phỉ báng và cám dỗ của thế gian, kiên quyết hoàn thành các công hạnh tu tập. Mặc dù tinh tấn được xuất phát từ niềm tin kiên cố, nhưng sau khi Bồ tát không ngừng tiến bộ thì tinh tấn làm gia tăng khả năng nhận thức và ứng dụng giáo lý chính xác vào đời sống hằng ngày.

Thiền định là phương pháp thực hành giúp tâm đạt đến cảnh giới thanh tịnh, trực tiếp quán chiếu để phá vỡ mọi khái niệm vọng tưởng, đạt đến trí huệ giải thoát. Hành giả tu thiền xây dựng cho chính mình một sự an tịnh bên trong, do đó hành giả giải thoát khỏi sự sai quấy của tâm thất niệm và chấp ngã. Sự an tịnh bên trong vĩ đại này được miêu tả như một sức mạnh được gọi là sự chứng ngộ “chân tướng” của kinh nghiệm hằng ngày, một khả năng nhận ra “sự thanh tịnh viên mãn” của chính mình và tất cả sự vật của thế gian chỉ là mối tương quan phụ thuộc qua lại. Sự thể nghiệm cao nhất của thiền định chân chính là sự chuyển hóa và hài hòa cuộc sống cá nhân, tức thái độ và hình thức sống của một hành giả hoàn toàn tương ứng với nhận thức đạt được trong tu học và quán chiếu (hành giải tương ưng).

Trí tuệ hay còn gọi là trí tuệ bát-nhã, được xây dựng từ các công hạnh ở trên. Có được trí tuệ bát-nhã, hành giả phá bỏ cơ sở của ngã không thật, thể nghiệm được hết thảy sự vật tồn tại phụ thuộc lẫn nhau trong mạng lưới nhân quả, do u mê của tâm được diệt trừ nên chuỗi thuộc tính nhân duyên cũng chấm dứt. Nhờ vào công hiệu của trí tuệ bát-nhã mà phiền não, nghiệp và khổ đau cũng tiêu tan, lúc này hành giả tuy ở trong thế gian làm lợi lạc và cứu độ chúng sinh nhưng không bị thế gian làm nhiễm ô, và vẫn cảm nhận được niết-bàn tịch tịnh.

Lúc tâm được thanh tịnh thì quốc độ cũng thanh tịnh. Do thấy có ô nhiễm, trong sạch, cao, thấp…, chính là vì tâm có thói quen phân biệt nhị nguyên. Nhờ vào chứng đắc trí tuệ bát-nhã mà tâm hành giả trở nên bình đẳng, ở đâu cũng trang nghiêm và thanh tịnh, nên càng mong muốn làm được nhiều việc lợi lạc cho chúng sinh, càng tích lũy công đức vô lượng.

Do vọng tưởng sai lầm mà tạo nên các nghiệp báo luân chuyển trong luân hồi sinh tử, ở trong nhà lửa của tam giới tầm cầu niềm lạc thú của cuộc đời, nhưng bản chất của cuộc đời là vô thường, hư huyễn, cho nên niềm vui chóng vánh qua đi thì khổ đau lại đến. Hay nói cách khác, trong vui có chứa nguồn gốc của khổ. Chư Phật và Bồ tát đã giác ngộ viên mãn, giải thoát luân hồi, nhưng vì hạnh nguyện cứu khổ của hết thảy chúng sinh mà vào nhà lửa để cứu độ. Đương nhiên, trong lúc muốn cứu độ chúng sinh, Đức Phật phải chỉ cho họ thấy phương tiện để đi, đánh thức bản tâm giúp họ tỉnh giác cần phải ra khỏi sinh tử khổ đau. Tùy căn cơ của từng chúng sinh mà Ngài theo đó nói Pháp, nên có Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa, nhưng cuối cùng đều được thoát khổ và chứng nhập niết-bàn an lạc. Cũng như trưởng giả hứa cho những người con của mình xe dê, xe hươu và xe trâu, nhưng mục đích là giúp những người con của mình được ra khỏi nhà lửa. 

Hành giả thực hành Bồ tát hạnh như người cưỡi xe Trâu trắng đi vào cuộc đời để cứu độ chúng sinh mà không bị thế gian làm nhiễm ô; và tâm của Bồ tát tỏa sáng tự tại làm lợi lạc cho hết thảy chúng sinh, giải thoát sinh tử luân hồi, đạt đến Niết bàn chân thật.

Những chúng sinh nghe lời dạy của Đức Phật, liền cảm thấy yếm ly thế gian, mong muốn ra khỏi luân hồi sinh tử, chứng nhập Niết bàn, đó gọi là Thanh văn, giống như một số người con của trưởng giả vì mong muốn được xe dê mà ra khỏi nhà lửa.

Những chúng sinh nghe lời Đức Phật dạy, phát tâm tinh tấn tu hành, thực hành thiền định, quán chiếu nhân duyên phụ thuộc qua lại của các pháp, nên gọi là Duyên giác, như một số người con của trưởng giả vì mong muốn được xe hươu mà ra khỏi nhà lửa.

Những chúng sinh nghe lời Đức Phật dạy, liền tin tưởng tu tập tinh tấn, hướng đến trí tuệ của Đức Phật để cứu độ và lợi lạc hết thảy chúng sinh, đó là Bồ tát thừa, như một số người con của trưởng giả vì mong muốn có được xe trâu mà ra khỏi nhà lửa.

TẠM KẾT

Trên thực tế, chúng ta đều biết rằng do tâm mê vọng mà luân hồi trong sinh tử, tâm được giác ngộ thì thoát khỏi khổ đau và đạt đến an lạc tự tại. Ba phương tiện thuyết pháp của Đức Phật là giúp chúng sinh chọn lấy pháp môn phù hợp, không bị ràng buộc vào một phương tiện duy nhất. Tuy nhiên, nhờ vào trí tuệ bát-nhã mà Bồ tát tùy duyên giáo hóa, mở bày vô lượng phương tiện, độ thoát hết thảy chúng sinh mà không có bất kỳ sự chấp trước nào, cho nên đối với Bồ tát, không có người cứu độ, không có người được cứu độ và phương tiện cứu độ.

Bồ tát đi vào cuộc đời vận dụng phương tiện thiện xảo để cứu vớt chúng sinh, tùy vào hoàn cảnh để nói cho họ hiểu chân lý mà không ràng buộc, không chấp trước, do đó đạt được vô lượng phước báo, trang nghiêm tự thân và cảnh giới. Bồ tát đi vào đời không còn dính mắc, không còn chấp trước, nên có thể du hành trong tam giới mà không trở ngại nhờ trí huệ ba la mật, như trưởng giả cưỡi xe trâu trắng, bằng phương tiện dẫn dụ con của mình ra khỏi nhà lửa. Cho nên, gọi trí huệ là “bát-nhã hoa khai”, tức Bồ tát đi vào đời làm cho cuộc sống luôn đầy năng lượng như hoa nở giữa mùa xuân. Do không ràng buộc và không chấp trước, cho nên Bồ tát luôn làm cho thế gian tươi mới, ấm áp và an vui.

Nhận được tông chỉ của Đức Phật, bản hoài của Bồ tát, mỗi hành giả chọn cho mình một phương tiện thích hợp, không chấp trước vào phương tiện, cho dù Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát, đều nỗ lực tu tập thực hành mong đạt đến Phật quả để cứu độ hết thảy chúng sinh. Cũng như những người con của trưởng giả, cho dù là xe dê, xe hươu hay xe trâu, chỉ cần thoát khỏi nhà lửa là được. Hiểu được ý nghĩa chân chính của phương tiện, hành giả giải thoát cho chính mình và cho chúng sinh ngay trong thế gian này. Cưỡi xe trâu trắng đi vào đời, làm cho thế gian ấm áp và tươi sáng như mùa xuân, lợi lạc hữu tình, ở trong thế gian mà vẫn tự tại giải thoát.

 

ĐĐ. Thích Thiện Chánh/TCVHPG404

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin