Chi tiết tin tức

Nhân ngày Đức Phật thành đạo

14:37:00 - 25/12/2022
(PGNĐ) -  Ngày Phật thành đạo là một sự kiện có một không hai trong lịch sử loài người, đây là cái dấu mốc quan trọng mở ra con đường giải thoát cho loài người và cho cả chư thiên, phi nhân…

Thông thường chúng ta tổ chức kỷ niệm ngày đản sanh hay những ngày lễ khác trong Phật giáo rất long trọng tưng bừng, riêng ngày Phật thành đạo thì có vẻ im lìm và số Phật tử biết hay nhớ ngày này cũng rất ít. Thật sự thì ngày đức Phật thành đạorất quan trọng, thậm chí có thể quan trọng hơn cả ngày nhập niết bàn. Vì ngày Phật thành đạo là một sự kiện có một không hai trong lịch sử loài người, đây là cái dấu mốc quan trọng mở ra con đường giải thoát cho loài người và cho cả chư thiên, phi nhân…

Theo sử sách thì sau bốn mươi chín ngày thiền định miên mật dưới cội cây ( nhờ sự giác ngộ của ngài mà cội cây này được mang tên bồ đề). Khi trông thấy sao mai lấp lánh thì ngài hoàn toàn giác ngộ, chứng tam minh lục thông, trí huệ khai mở viên mãn, phá hoàn toàn lậu tận vô minh. Ngài chứng đắc vô thượng chánh đẳng chánh giác. Chư thiên khắp các cõi trời hoan hỷ tung hoa cúng đường, đất chấn động sáu cách, thế gian như bừng lên ánh quang minh. Khi ngài thành đạo, ngài đã thốt lên:” Hỡi kẻ làm nhà kia, từ đây cột kèo ruôi mè đều gãy tan hết. Đây là kiếp chót ta không còn sanh tử nữa”

Từ khi thành đạo, ngài khai phá ra con đường giải thoát và sau đó suốt bốn mươi chín năm ngài đã đi khắp xứ Ấn Độ để thuyết pháp độ sanh. Lần đầu tiên thuyết cho năm anh em ông Kiều Trần Như. Đức Phật đã nói:
“ Đây là khổ tính bức bách, đây là tập tính chiêu cảm, đây là đạo tính có thể tu, đây là diệt tính có thể chứng. Đây là khổ ta đã biết, đây là tập ta đã đoạn, đây là đạo ta đã tu, đây là diệt ta đã chứng. Đây là khổ các ông nên biết, đây là tập các ông nên đoạn, đây là đạo các ông nên tu, đây là diệt các ông nên chứng”.

Đạo đế ở đây chính là trung đạo, là bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Trung đạo là con đường dẫn đến chứng quả thánh, chuyển phàm thành thánh, chuyển mê thành ngộ, vô minh thành minh… Trung đạo là không kẹt hai bên:” Nầy các tỳ kheo, có hai cực đoan mà bậc xuất gia phải tránh: Một là lợi dưỡng vốn hạ liệt tục lụy, phàm phu, không thánh thiện, không lợi lạc; hai là khổ hạnh cũng không thánh thiện, không lợi lạc lại khổ đau” ( Kinh chuyển pháp luân). Ngày nay chúng ta tu học Phật pháp, dù là tại gia hay xuất gia, dù là theo tông môn pháp phái hay dòng truyền thừa nào, chúng tacứ căn cứ vào cốt lõi và trung đạo mà tu học thì chắc chắn lợi lạc và đúng đường lối.

Chúng ta thấy ngài thiền định bốn mươi chín ngày, khi thấy sao mai mọc mà ngộ đạo, thành đạo. Thật sự thì ngài đã tu ba a tăng kỳ kiếp rồi, ngay cả kiếp cuối cùng cũng trải qua sáu năm khổ hạnhnơi núi tuyết. Ngài tu học với nhiều vị thầy, đạt những tầng thiền cao siêu như: Phi tưởng, phi phi tưởng xứ...có thể nói là những tầng thiền cao tột nhưng cuối cùng ngài nhận thấy vẫn không thoát khỏi sanh tử luân hồi, không giải thoát được, vì chứng đắc những tầng thiền ấy thì sanh thiênnhưng khi hết phước lại đọa lạc như thường. Bởi vậy ngài từ bỏ tất cả các vị thầy, các phương pháp khổ hạnh và cuối cùng ngài đã giác ngộ, đã thành đạo và khai mở con đường sáng cho chúng ta đi. Ơn đức ngài khai phá và chỉ dạy con đường trung đạo lớn hơn bất cứ ơn đức nào trên thế gian này, vì đây là con đường đưa ta đến giải thoát, con đường đi đến hết khổ, con đường đi đến giác ngộ niết bàn. Trước khi ngài thành đạo, thế gian này mò mẫn trong đêm trường không có lối đi đúng, không có đường giải thoát. Chín mươi sáu thứ ngoại đạo trứ danh thời ấy cũng không có cách chi giải thoát, mức độ cao nhất mà họ chứng đắc và chỉ dạy cũng chỉ sanh thiên mà thôi và dĩ nhiên thì khi hết phước thì lại đọa lạc, điều này cũng có nghĩa là vẫn quanh quẩn trong sanh tử luân hồi.

Đức Phật thành đạo, ngài mở ra con đường giải thoát, mở ra kỷ nguyên mới cho loài người. Ngài thuyết pháp giáo hóa chúng sanh, trang trải tình thương vô điều kiện ( vô duyên đại từ). Ngài và giáo pháp của ngài đã không công nhận chế độ đẳng cấp. Ngài nói:” Không có giai cấp trong khi dòng máu cùng đỏ nước mắt cùng mặn”, thâu nhận và chỉ dạy cho tất cả mọi người mà không phân biệt người đó thuộc giai cấp nào. Ngài thự thi tư do tuyệt đối, chỉ dạy mọi người nhưng không buộc mọi người phải tin một cách mù quáng:” Chớ vội tin vì đó là thầy tổ mình nói, vì nhiều người tin, vì tập quán thói quen, vì kinh sách...”. Ngài khuyến khích mọi người thực hành và kiểm nghiệm ngay trong đời sống. Ai muốn hết khổ, giải thoát thì theo tu học, ai không tin thì cứ tự do ra đi…Ngài cũng thực thi tinh thần bình đẳng và dân chủ một cách tuyệt đối:” Sanh Phật bất nhị”,”Tất cả chúng sanhđều có trí huệ đức tướng của Như Lai”, “ Ta là phật đã thành các ông là Phật sẽ thành”… Điều này trước đó chưa từng có, ngay cả hiện nay cũng thế, chỉ có đức Phật và đạo Phật mới có điều này. Trong các tôn giáo khác thì giáo chủ có quyền năng tuyệt đối và vĩnh viễn, tín đồ chỉ là tôi đòi phải vĩnh viễn thần phục, vâng lệnh. Lịch sử loài người chưa từng có một tôn giáo nào hay một giáo chủnào lại bảo tín đồ của mình cũng có thể đạt quả vị như mình!

Chúng ta tôn kính đức Phật là:” Thiên nhân chi đạo sư, tứ sanh chi từ phụ”, điều này hòan toàn xứng đáng và hợp lý vì giáo pháp của ngài đã giúp cho loài người con đường đi đến giải thoát, ra khỏi sanh tử luân hồi, giác ngộ, niết bàn. Giáo pháp của ngài không chỉ chỉ dạy loài người àm còn cho cả chư thiên, phi nhân…

Với con đường trung đạo này thì ai ai cũng có thể học, có thể tu và có thể chứng như nhau, bất kể bạn là ai, bất kẻ cái nhãn tôn giáo mà bạn dán trên trán mình. Nói cách khác bạn không nhất thiếtphải là Phật tử. Bạn có thể là tín đồ các tôn giáo khác và ở bất cứ xứ sở nào. Chỉ cần bạn muốn tu học, muốn giải thoát thì bạn có thể tu học theo con đường trung đạo tức bát chánh đạo vậy. Đức Phật và các bậc tổ sư sau nầy đều không có chủ trương cải đạo. Mọi người cứ giữ đức tin của mình, chỉ cần các bạn thọ giới, giữ giới và tu học bát chánh đạo thì cũng đều có kết quả như nhau.

Lịch sử loài người từ sơ khai cho đến nay dài dằng dặc trong khổ đau, vô vàn nỗi khổ: Ba khổ, bát khổ, trăm linh tám khổ, Tám vạn bốn ngàn khổ… Con người trong suốt quá trình ấy đã và đang tranh đoạt, tru diệt, tham lam, sân hận, si mê… lăn lộn trong vô minh. Mãi cho đến khi đức Phậtthành đạo và khai mở con đường sáng, đem ánh sáng trí huệ và từ bi đến với loài người, giáo hóachúng sanh. Từ đó con người mới biết được con đường thoát khổ, con đường giải thoát và cũng từ đó đã có biết bao thế hệ và bao nhiêu người người đã chứng đắc, đã liễu sanh thoát tử. Ngày nay chúng ta đang sống trong một thế giới chuyển biến không ngừng, loạn động bất an… May nhờ có giáo pháp của đức bổn sư mà chúng ta nên biết sống như thế nào, nên làm gì và không nên làm gì. Thế giới này dù có phồn thịnh cỡ nào đi nữa vẫn ở trong nhà lửa tam giới. Chỉ có giải thoát ra khỏi sanh tử luân hồi thì mới hết khổ, đây cũng là bản hoài của đức bổn sư cũng như của chư Phật ba đời mười phương. Muốn hết khổ, muốn ra khỏi sanh tử luân hồi thì chỉ có con đường trung đạo mà ngài đã khai mở kể từ khi thành đạo.

 

Tiểu Lục Thần Phong

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin