Chi tiết tin tức

Xuân nơi cửa thiền

20:41:00 - 02/01/2023
(PGNĐ) -  Mùa xuân là mùa khởi đầu năm mới. Năm mới thường mở đầu bằng một mùa xuân mơ ước đầy khát vọng, hoài bão. Sự chuẩn bị cho trật tự vận hành mới được thiết lập ngay từ những ngày xuân sang để khép lại năm cũ, gọi là “tống cựu nghinh tân” để ta tự tin bước vào hiện tại, mở hướng cho tương lai. Đó là giá trị lớn nhất mà con người đón chào xuân trong sự an trú hạnh phúc của nguồn sống bất tận từ trong tự tánh vốn thanh tịnh và bình an nội tại của mỗi người.

Thế nên, Thiền sư Mãn Giác đời Lý mỉm cười nhiệm mầu khi xuân về hoa mai nở: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đêm qua sân trước một cành mai); còn Thiền sư Chân Nguyên, người có công chấn hưng Thiền học Việt Nam cuối thế kỷ XVII trong Yên Tử sơn Trần triều Thiền tông Bản hạnh thì giải bày:

“Hoa là vốn tính trạm viên

Bao hàm thiên địa dưới trên cùng bằng”.

Trong ý nghĩa đó, mùa xuân là mùa muôn hoa đua nở, mùa kết tinh sự tinh anh trời đất, mùa biểu tượng của sự an vui, hạnh phúc qua quá trình nỗ lực tự thân tu học, tự thân hành trì, tự thân giác ngộ của người con Phật. Trong niềm hỷ lạc vô biên của người con Phật, thấm nhuần Phật pháp, bạn sẽ thấy mùa xuân ngập tràn cõi lòng bởi cỏ cây hoa lá vươn hình hài lớn dậy, hương thơm quả ngọt tràn đầy, con người như thêm sức sống mới tuôn trào. Từ trong cõi lòng thanh tịnh của chính mình, bạn thật sự sống với tự tánh mùa xuân Phật giáo thường trú, chứ không còn vui buồn theo thời tiết biến chuyển. Bởi hơn ai hết, bạn là người thật sự an trú vào niềm vui Chánh pháp, khi tự mình đi theo Phật, theo Pháp, theo Tăng. Hay nói cách khác, bạn đang sống trong thế giới xuân của cõi thiền, bởi lẽ thiền là cuộc sống, ngoài cuộc sống không có cảnh giới thiền. 

Sống theo đạo thiền là sống theo mùa xuân thường tại, không bị cuốn bởi biến động đời thường. Trong Tiểu Bộ Kinh, Đức Phật thường dạy cho Bàhiya:“Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ, tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Đây là khổ diệt”. Thế nên, trước cõi xuân nồng ấm biến chuyển từng giờ từng phút của dòng đời tuôn chảy, nhà sư vẫn an nhiên, tự tại, nhìn đời bằng đôi mắt như thị, lòng mỉm cười với thực tại “đang là” trong hạnh phúc vô biên của pháp lạc, giữa trần thế phù hoa. Rõ ràng, xuân đến, xuân đi, hoa rụng, hoa cười, bốn mùa đổi thay đối với Thiền sư vẫn thế thôi! Hơn ai hết, các Thiền sư thật sự hiểu và thấy sự vận hành các pháp là như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhơn, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh. Cho nên, nhà sư an nhiên tĩnh lặng sống với mùa xuân thực tại, chơn như quanh năm suốt tháng, chứ không phải mùa xuân thời tiết ba tháng một thời hay mùa xuân khát vọng, trông chờ ở tương lai xa xôi:

“Quá khứ không truy tìm,

 Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai thì chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính nơi đây”.

(Kinh Ðại Ca-chiên-diên Nhất dạ hiền giả)

Xem ra, các Thiền sư tự do tự tại trước sự chuyển xoay vạn hữu vô thường: “Nực thì đổ mồ hôi, lạnh thì run rẩy, sự đời có gì đáng nói, đáng vui, đáng buồn, đâu nhỉ”. Khi thuận duyên, niềm vui đến, Thiền sư không hân hoan tung hứng, khi nghịch duyên chướng ngại, Thiền sư vẫn thản nhiên giáp mặt. Thậm chí ngay cả trước bến bờ sanh tử vô tận, thuyền Bát nhã vẫn lướt nhẹ trên biển khơi, mặc cho sóng to thác ghềnh. Bởi từ trong tâm khảm Thiền sư, sắc thân ngũ uẩn, tứ đại cuộc đời, chính các vị vẫn an trú trong cõi xuân thường tại nhiệm mầu mà Thiền sư Chân Không cảm hứng:

“Xuân lai xuân khứ nghi xuân tàn,

 Xuân lạc hoa khai chỉ thị xuân”.

(Xuân đến xuân đi ngỡ xuân hết

Hoa nở, hoa tàn chỉ là xuân).

Một trái tim biết yêu thương đầy hiểu biết, một cái nhìn tuệ giác thuờng xuyên quán chiếu, tất cả sẽ an trú trong mùa xuân thường tại vĩnh hằng với nhiều nguồn sống an lạc, hoan hỷ.

Rõ ràng, một sinh thể hiện hữu trên cõi đời này cần phải tiếp cận sự thật như thế để lòng được bình an hạnh phúc. Do đó, mọi khái niệm phân biệt, sự dị biệt, phân chiết vốn thường hay bóp méo thực tại được các nhà sư hóa giải là lẽ thường tình. Vấn đề sanh tử đại sự, Niết bàn an lạc, xuân sang tết đến, hạ nắng thu sầu, đông tàn gió lạnh chỉ là sự vận hành của các pháp theo lý duyên khởi mà thôi. Còn tâm lý thường tình của một người đời, thường hiểu rằng chính vận mạng của con người, một thực thể được giới hạn ở hai đầu sanh và diệt, đoạn và thường của không gian và thời gian; được quy nạp trong cặp phạm trù đi và đến, một và nhiều của tự thể và tha thể là lẽ thường tình có gì để nói để bàn với các Thiền sư đâu!

Thế mới biết các Thiền sư vượt lên tất cả để nhìn thấy cả. Nếu Krishmaurti trong Tự do đầu tiên và cuối cùng nói: “Không có vấn đề, không có vấn đề, có vấn đề thì giải quyết vấn đề” thì các Thiền sư tự tại vô cùng trước cảnh vật chuyển hóa không ngừng để vận hành các pháp: “Cứ để xuân đến, xuân đi, cứ để  hoa nở, hoa tàn” để rồi “đêm qua sân trước một nhành mai” thật tuyệt đẹp vô cùng như Thiền sư Mãn Giác chỉ dạy. Đây thật sự là mùa xuân hạnh phúc giữa đất trời ấm áp. Chỉ một cành mai qua đêm nay vẫn còn nguyên vẹn, một hạt sương long lanh trên đầu ngọn cỏ hôm nào của nhà sư Vạn Hạnh đã đủ in dấu tinh thần vô bố úy trước thịnh suy… Tất cả là chân như thể tánh thường hằng của vạn pháp, của mùa xuân thường tại nhiệm mầu.

Đến đây, Thiền sư thật sự sống với đời, chứ chẳng nói về đời qua những cảm nhận bình thường của ngữ cảnh, âm thanh đường nét màu sắc của sáu trần huyền ảo. Thiền sư nhìn thấy tất cả để chung sống với tất cả và quan trọng hơn là làm hóa hiện, thăng chứng từng sinh thể vận mạng con người trước dòng đời trôi chảy. Dĩ nhiên, đích thực đó là nếp sống bình nhật đời thường vượt ra ngoài sự cám dỗ trần thế thường hay vây bủa tâm thức con người. Một trái tim biết yêu thương đầy hiểu biết, một cái nhìn tuệ giác thuờng xuyên quán chiếu, tất cả sẽ an trú trong mùa xuân thường tại vĩnh hằng với nhiều nguồn sống an lạc, hoan hỷ. Kinh Tương Ưng tập 4, phần Hỷ Lạc đã ghi nhận nếp sống thường tại tràn đầy pháp lạc do thành tựu ba pháp:

“Này các Tỳ kheo, đầy đủ được ba pháp này, một Tỳ kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc, hoan hỷ và tạo ra nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc. Thế nào là ba? Hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm cảnh giác.

Và này các Tỳ kheo, thế nào là hộ trì các căn? Ở đây Tỳ kheo khi mắt thấy sắc, Tỳ kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỳ kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy hộ trì nhãn căn, thực hành hộ trì nhãn căn. Tương tự, khi tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức các pháp cũng vậy.

Thế nào là Tỳ kheo tiết độ trong ăn uống? Ở đây Tỳ kheo chân chánh giác sát thọ dụng món ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình mà chỉ để thân này được an trú, được bảo dưỡng khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: “Như vậy, ta phải diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an lạc”.

Và như thế nào là Tỳ kheo chú tâm tỉnh giác? Ở đây, này các Tỳ kheo ban ngày trong khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Ban đêm canh một, khi đi kinh hành hay ngồi, tâm trừ sạch các chướng ngại pháp. Ban đêm canh giữa, vị ấy nằm phía hông bên phải, trong dáng nằm con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm tỉnh giác, các ý tưởng thức dậy và trong khi đi kinh hành và ngồi tâm trừ sạch các chướng ngại pháp.

Này các Tỳ kheo, đầy đủ ba pháp ấy, Tỳ kheo ngay trong hiện tại, sống nhiều an lạc hoan hỷ và tạo nhiều nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc”.

Hay nói cách khác, khi thành tựu ba pháp nói trên là thành tựu đời sống thực nghiệm Giới Định Tuệ, hủy diệt các tâm lý tham sân si thường xuyên giáp giặp hằng ngày của một đời sống hướng nội tự thân. Tại đây, tiếng nói tri âm từ cõi xuân thường tại giữa người với người, giữa người và muôn vật mới có sự đồng nhất. Sự hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chánh niệm tỉnh giác chỉ là nếp sống vô cùng đơn giản mộc mạc nhưng luôn mang hơi thở mùa xuân đầy hương vị giải thoát khổ đau. Một hương xuân nồng ấm, thanh tao như thế sẽ tiếp nhận biết bao hạt giống tốt lành gieo vào tâm thức, làm ngăn che, hủy diệt các hạt giống ưu phiền dính kết bên trong thông qua cửa ngõ các căn đầy linh hoạt. Một đóa hoa lòng hé nở bên những cành mai vàng chào đón xuân sang khi người biết sống với nhau bằng một đời sống thiểu dục tri túc. Đây chính là chất liệu yêu thương kết nối những mảnh đời riêng biệt, những sinh mệnh nghiệp quả khác nhau chung sống trong ngôi nhà hòa hợp của từ bi và trí tuệ. Tiết độ trong ăn uống nghiễm nhiên trở thành nếp sống biết chia sẽ và đón nhận những niềm hỷ lạc có mặt trong đời sống hằng ngày, làm thăng hoa đời sống phạm hạnh đầy hạnh phúc triền miên.

Một tâm thức rộng mở, trong sáng làm lắng dịu những tác nhân gây rắc rối từ bên ngoài đem vào trong tâm thức. Nó trở nên dịu ngọt, tươi mát, khi mỗi bước đi, từng lời nói, việc làm, hơi thở an trú bằng chánh niệm tỉnh giác.

Một tâm thức rộng mở, trong sáng làm lắng dịu những tác nhân gây rắc rối từ bên ngoài đem vào trong tâm thức. Nó trở nên dịu ngọt, tươi mát, khi mỗi bước đi, từng lời nói, việc làm, hơi thở an trú bằng chánh niệm tỉnh giác. Trời sẽ xanh thêm, hương thơm quả ngọt lại trổ đầy, đâu đâu cũng hóa hiện nụ cười trên môi để sống hạnh phúc với đời. Tại đây, tuệ giác sẽ rọi chiếu hiện thực đời sống, mang hương ấm mùa xuân thường tại vĩnh hằng:

“Dù ngồi nơi cảnh trí trang nghiêm,

 Hoặc ở chốn chùa chiền cô tịch,

 Đâu cũng dòng phúc trang nghiêm”.

(Chân Nguyên Thiền sư)

Cho nên, Trúc Lâm Đại Đầu Đà cũng có cái nhìn cảnh xuân đồng điệu này rồi. Vẫn đôi mắt vô biên nhìn đời trong tuệ giác, tâm hồn Thiền sư vút lên cao để bay vào chân trời vô tận của tánh không diệu hữu:

“Dương liễu hoa thâm điểu ngữ  trì

Hoa đường thiềm ảnh mộ vân phi

Khách lai bất vấn nhân gian sự

Chỉ bạn lan can khán thuý vy”.

(Chim nhẫn nha kêu, liễu trổ đầy

Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế

Cùng tựa lan can ngắm núi trời).

(Huệ Chi dịch)

Có gì để nói trước thực tại đang trôi chảy trong giờ phút hiện tiền khi hoa liễu nở rộ bên nhà, tiếng chim hót líu lo trong từng khoảnh khắc, mây vẫn bay trên bầu trời nắng xuân gió thổi nhè nhẹ. Dù nhà vẽ hay bóng trúc quét thềm có chăng đi nữa trong cõi sắc không này, chủ khách, khách chủ chỉ nhìn núi ngắm trời. Trong tự tánh uyên nguyên của cảnh vật hữu tình, con người sống trong cảnh xuân thường trụ, hát bài ca hạnh phúc cuộc đời.

Và như thế, chẳng có gì để hạ bút hay cất lời. Dù tiếng kinh cầu vang lên từ nơi cảnh trí trang nghiêm, chốn chùa chiền cô tịch, trên các nẻo đường thôn xóm, góc phố mái nhà hay ẩn tàng im tiếng bên từng trang sách kệ thơ. Tất cả chỉ là giai điệu mùa xuân cất lên trong cõi lòng xuân thường tại bằng cuộc hành trình thực nghiệm tâm linh. Phải sống bằng hơi mùa xuân đích thực khi làm hóa hiện ba pháp thành tựu: Hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống, chánh niệm tỉnh giác để mùa xuân thời tiết, mùa xuân khát vọng trở thành mùa xuân hạnh phúc. Hẳn nhiên, bạn sẽ mỉm cười với chính mình khi uống cạn dòng suối chánh pháp ngọt trong cõi xuân an lành như xưa kia ngài Ca Diếp mỉm cười thâm ý khi nhìn đóa hoa sen nở trong lòng bàn tay đức Phật ở hội Linh Sơn ngày xưa.

 

TT. Thích Phước Đạt/TCVHPG404

Chú thích:

* Thượng tọa, Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin