Chi tiết tin tức Đêm trăng sáng nhớ hạnh Anh Nhi 23:06:00 - 21/09/2021
(PGNĐ) - Nét hồn nhiên của Anh nhi là tài sản mà năm tháng ban tặng cho chúng ta, khi chúng ta càng trưởng thành, càng lớn lên, sẽ càng hoài niệm sự ngây thơ này.
Trong Đạo đức kinh có câu: “Hàm đức chi hậu, bỉ vu xích tử”, nghĩa là: Người đức dày sống như một đứa trẻ, để miêu tả thế giới trẻ thơ – không ham muốn, không đấu tranh, thuần khiết và hạnh phúc. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, tự lúc nào ta đã mất đi niềm vui hồn nhiên đó? Đã từ khi nào bạn đánh mất đi tâm hồn thơ trẻ? Khi thơ bé tâm hồn Anh nhi luôn lương thiện, chân thành và thuần khiết nhất. Bởi lẽ “Nhân chi sơ, tánh bản thiện”. Điều thiện xuất phát từ nội tâm của con người, Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết rằng: “Thiện căn ở tại lòng ta” [1]. Theo dòng thời gian bất tận, giữa những xô bồ của cuộc sống, chúng ta lớn lên, trưởng thành, sâu sắc hơn trong suy nghĩ và có cả sự kiêu ngạo bởi sức mạnh của lý trí, nhưng ta nào có biết chính sự ngây thơ mới làm lòng ta giảm nhẹ đau thương, giảm nhẹ những rối ren và điều đen tối của cuộc đời. Nét hồn nhiên của Anh nhi là tài sản mà năm tháng ban tặng cho chúng ta, khi chúng ta càng trưởng thành, càng lớn lên, sẽ càng hoài niệm sự ngây thơ này. HẠNH ANH NHI TRONG KINH TẠNG Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn I, phẩm Anh nhi hạnh, Đức Phật đã cho ta thấy những đặc tính vô cùng tốt đẹp của Anh nhi: Hồn nhiên, vô lo, vô nghĩ… mà đôi lúc giữa cuộc sống xô bồ, nhiều lo nghĩ chúng ta cần học những đức tính tốt đẹp này để vượt qua bao thăng trầm của cuộc sống. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn phẩm Anh nhi hạnh, Đức Phật đã ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của hạnh Anh nhi: “Anh nhi không khởi, không trụ, không đến, không đi, không nói chuyện. Như Lai không khởi, là Như Lai không khởi các pháp tướng…Không nói, là Như Lai dầu vì tất cả chúng sinh diễn nói các pháp mà thật không có chỗ nói. Vì sao? Vì có chỗ nói, gọi là hữu vi. Như Lai Thế Tôn không phải hữu vi, cho nên không nói. Cũng không có ngôn từ. Như Anh nhi, ngôn từ chưa rõ. Tuy có ngôn từ mà thật là không ngôn từ. Như Lai cũng vậy. Ngôn từ chưa rõ chính là lời nói bí mật của Như Lai” [2]. Anh nhi hạnh là hạnh nết của trẻ hài nhi miệng còn thơm sữa. Hài nhi này không thể đứng dậy đi tới đi lui nói chuyện. Tâm hồn trẻ thơ như ánh nắng ban mai thuần khiết, soi sáng vạn vật sau đêm dài u tối, mang đến một năng lượng tích cực tràn trề sức sống, không tạp niệm so đo, không tính toán hơn thua, không chấp trước mà luôn rộng lòng từ bi, hỷ xả. Anh nhi ngôn từ chưa rõ chỉ có thể nói vài từ bập bẹ trên môi. Giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy cho chúng ta cũng vậy: “Một hôm Đức ThếTôn đang ở Kosambi trong một khu rừng toàn cây Simapa. Ngài nhặt một nắm lá Simsapa và cất lời hỏi các đệ tử như sau: “Này các Tỳ kheo, lá trong tay ta nhiều hơn hay ít hơn lá trong khu rừng này?” Các Tỳ kheo đáp rằng: “Lá trong tay Thế Tôn quả là ít, lá trong khu rừng này nhiều hơn.” Đức Phật cất lời: “Này các Tỳ kheo, cũng tương tự như thế, những gì mà ta trực tiếp cảm nhận được nhiều hơn gấp bội những gì mà ta đã thuyết giảng.”” Như Lai mượn nét hồn nhiên, ngây thơ không biết đắn đo, không có ý tham cầu lấy, bỏ, thân sơ, thương, ghét dùng để ví hạnh từ, bi, hỉ, xả ba la mật, bình đẳng tế độ chúng sanh qua nguồn giáo lý “Ưng vô sở trụ” của Đạo Phật. Dẫu dòng đời có tất bật giữa kiếp phù du thì Anh nhi vẫn hồn nhiên, vô tư, chẳng bị khổ, vui cuộc đời chi phối, chẳng ân oán, chẳng thị phi:“Anh nhi không biết khổ, vui, ngày, đêm, cha, mẹ. Anh nhi, không làm việc lớn, việc nhỏ. Hữu-tình-giác cũng lại như vậy, không tạo tác việc sinh tử, gọi là không làm. Việc lớn là ngũ nghịch. Hữu-tình-giác không tạo trọng tội ngũ nghịch” [3]. Người thực hành Anh nhi hạnh tức là không tạo nghiệp sanh tử, không tạo trọng tội ngũ nghịch mà phải thực hành tâm từ bi đối với chúng sanh. Lòng từ trong Đạo Phật không niệm so sánh, phân biệt, không vì “ta” và của “ta” mà luôn biết yêu thương, tha thứ, hy sinh đối với tất cả mọi loài. Con người khi càng lớn biết suy nghĩ nhiều hơn, càng không thể vô tư chơi đùa như một đứa trẻ. Phải chăng, đã là con người thì ai cũng vậy, càng bước đến tuổi trung niên hay tuổi già sức yếu, thì càng giống như một đứa trẻ, sẽ đi đến đường biên thế giới của trẻ thơ mà mình đã quên mất từ lâu, lúc đó sẽ lại nghĩ vì sao ánh trăng có thể đi cùng con người, vì sao những vì tinh tú có thể tỏa sáng trên không trung. Lòng từ bi cũng là một công hạnh của Bồ tát, nhập thế theo tinh thần Đại thừa của Kinh Pháp Hoa, là nơi trưởng dưỡng thiện pháp, nuôi lớn hạt giống trí tuệ, thành tựu đạo hạnh. Đức Phật dạy: “Này thiện nam tử, tất cả các Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, chỗ có căn lành, lòng từ là cội gốc. Nếu có người hỏi gì là bản của pháp lành nên đáp đó chính là lòng từ. Bởi tâm từ là đạo vô thượng, là cảnh giới vô song, chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật”[4]. Lòng từ bi là một phương tiện thù thắng trong công cuộc hoằng pháp, nhập thế độ sanh. Tình thương đối với chúng sanh được ánh sáng trí tuệ Phật pháp chiếu sáng và nuôi dưỡng thì mới thành tựu. Nếu tình thương bị gói gọn trong vòng luẩn quẩn của tham ái, chấp thủ, si mê, ái dục thì chẳng khác nào ta chất thêm đá trên đôi vai kẻ lữ hành đang đi giữa sa mạc rộng lớn. Ngoài việc lớn là từ bỏ ngũ nghịch, thì Anh nhi còn phải làm việc nhỏ, ấy là phát tâm dõng mãnh hướng đến Phật thừa. Tấm lòng Anh nhi hạnh thật cao cả rộng lớn biết bao: “Việc nhỏ là tâm Nhị thừa. Hữu-tình-giác không thối tâm Bồ đề mà làm Thanh văn, Bích chi, Phật thừa”. Đức Phật dùng trí huệ phương tiện diễn nói để chúng sanh đạt đến chỗ Nhứt thiết trí. “Hạnh Anh nhi là, như khi Anh nhi kêu khóc, cha mẹ liền lấy lá dương vàng dụ rằng: “Đừng khóc, đừng khóc ta cho con vàng.” Anh nhi thấy rồi tưởng là vàng thật nên liền ngừng khóc. Nhưng lá dương vàng thật không phải vàng. Trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, Anh nhi thấy rồi cũng tưởng là thật. Vì tưởng như thế nên nói Anh nhi. Như Lai cũng vậy. Nếu thấy chúng sinh muốn tạo ác nghiệp, Như Lai vì họ mà nói cõi trời Đao Lợi thường, lạc, ngã, tịnh, đoan chánh, tự tại… Chúng sinh nghe thấy, tâm liền tin thích mà dừng việc ác, chuyên làm việc thiện” [5]. Trẻ em với tâm tánh ngây thơ, vô tư luôn thích chạy theo ánh hào quang lấp lánh của thế giới bên ngoài vì thế nên dễ dàng bị dụ bởi những lá dương vàng, trâu gỗ, người gỗ…Đức Phật cũng vậy, Ngài biết rõ chúng sanh do bị vô minh vọng tưởng che lấp chân tánh nên lựa chọn những phương pháp thích hợp giảng giải khiến chúng sanh thấm nhuần chân lý giải thoát. Chúng sanh căn cơ nhiều chủng loại, trình độ tiếp nhận chánh pháp cũng khác nhau nên Đức Như Lai khéo dùng pháp phương tiện giáo hóa chúng sanh, từ bỏ việc ác, tu tập việc lành, ngõ hầu thành tựu trí huệ Phật “Như mây lớn kia mưa rưới khắp tất cả cỏ cây lùm rừng và các cỏ thuốc, theo giống của mỗi thứ đều được đượm nhuần đầy đủ, đều được sanh trưởng. Đức Như Lai nói pháp một tướng, một vị, nghĩa là: Tướng giải thoát, tướng xa lìa, tướng diệt, rốt ráo đến bậc Nhất thiết chủng trí” [6]. Trong một số văn bản Kinh điển khác như Kinh Trung Bộ, Đức Phật cũng dùng hình ảnh ẩn dụ chiếc thuyền đưa người qua sông, ẩn dụ cho việc tu tập đạt đến giải thoát: “Ta thuyết pháp như chiếc bè để đưa vượt qua, không phải để nắm lấy. Chư Tỳ kheo, các ông cần hiểu ví dụ cái bè… Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống gì phi pháp” [7]. Đức Phật thương xót chúng sinh như cha mẹ thương yêu con đỏ, những lời dạy của Ngài đều là phương tiện giúp chúng sanh trên lộ trình tu tập. Ngài nhấn mạnh Ta đã dùng phương tiện, để khai ngộ Phật tánh bên trong mỗi chúng sanh.“Anh nhi là, nếu có chúng sinh chán sinh, tử, khổ, Như Lai vì họ mà nói Nhị thừa. Song, thật không có cái thật Nhị thừa.Vì là Nhị thừa, nên biết cái lỗi sinh, tử và thấy cái vui Niết bàn” [8]. Cõi Ta Bà nhiều uế trược, khổ đau, chúng sanh cang cường khó giáo hóa, vì vậy lòng từ bi là phương tiện thiện xảo giáo hóa không gì hơn ở quốc độ khó kham nhẫn này. Trong Trường Bộ Kinh, Đức Phật dạy: “Hãy ra đi, các Tỳ kheo đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người…Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ kheo! Hãy hoằng dương chánh pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối, toàn hảo cả hai tinh thần và văn tự”[9]. Giảng dạy giáo pháp là sứ mạng thiêng liêng cao cả đối với người xuất gia. Chiếc áo thoát tục được tô điểm bởi tâm từ, người xuất gia an nhiên giữa dòng đời vạn biến nhờ hương đạo hạnh. Từ đó, biết yêu thương trên tinh thần hiện trú lạc pháp, hướng về chúng sanh, hướng về cuộc đời bằng tất cả diệu dụng từ bi. Kinh nói: “Đối với chúng sinh mà tưởng chúng sinh thì không thể phá tướng chúng sinh. Ở nơi chúng sinh mà phá được tướng chúng sinh thì được Đại bát Niết bàn. Vì được Đại bát Niết bàn nên liền ngừng khóc. Đó gọi là Hạnh Anh nhi” [10]. Khi nhận thức được như vậy chúng ta hiểu rằng: “Cái này không phải của tôi. Cái này không phải là tôi. Cái này không phải tự ngã của tôi” [11]. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ dùng búa trí tuệ phá trừ ngã chấp, mở rộng trái tim yêu thương, để hiểu, khoan dung và tha thứ cho mọi người. Tham, sân, si là nguyên nhân đem đến khổ đau cho cá nhân và những bất an cho xã hội. Vậy nên, muốn đoạn trừ những khổ não ở hiện tại và vị lai, chúng ta cần diệt trừ tham sân si: “Đối với vị Tỳ kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc và tham, sân, si này đã được chặt tận gốc như thân cây Ta-la được chặt tận gốc, khiến chúng không thể tái sanh trong tương lai” [12]. Sau khi dùng trí huệ quan sát và chọn được pháp môn chân chính để tu tập, hành giả cần phải luôn nỗ lực tinh tấn cả thân tâm, thực hành để đạt được mục đích giải thoát. “Trí tuệ thật sự là chiếc thuyền kiên cố vượt qua biển già, bệnh, chết cũng là ngọn đèn rất sáng phá tan bóng tối vô minh, là thuốc tốt của tất cả bệnh nhân, là búa sắt chặt cây phiền não”[13] .Muốn đạt được như vậy chúng ta cần phải tu tập Thiền định. Thiền định có công năng soi sáng, tẩy sạch những cấu uế còn tiềm ẩn trong tâm ta từ vô thỉ kiếp. Người có tu tập thiền định là người có nội lực mạnh mẽ, có đủ khả năng vượt qua những thăng trầm trong cuộc sống. Không còn bị sai sử và lung lạc bởi hoàn cảnh, nhìn thấy sự thật bản tính của nội tâm và thực tại đó chính là hiển tánh, tức đạt đến tuệ giác bằng sự sống, bằng công trình thắp sáng thiện hữu. Nhờ định mà trí tuệ phát sinh, tâm ý không bị tam nghiệp làm xao động, không bị ngoại ảnh xung quanh chi phối, khi tâm thường xuyên định tĩnh thì trí tuệ phát sinh: “Nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ” [14]. Cũng như ngọn đèn trong nhà kín, không bị gió chao động thì phát ra ánh sáng thấy rõ sự vật. Khi tâm ta không bị tham ái, dục tình chi phối, không bị danh, lợi, tài, sắc buộc ràng thì mọi chấp trước, mọi gánh nặng tham ái được đặt xuống, khi đó cảm giác nhẹ nhàng, hoan hỷ xuất hiện, màn vô minh từ đó dần dần tan biến. HẠNH ANH NHI NHƯ VẦNG TRĂNG SÁNG GIỮA MÙA DỊCH Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, gieo rắc đau thương đến nhiều nơi. Chúng ta đau xót trước những mất mát của xã hội. Còn gì buồn hơn nữa khi nghe tin người thân ra đi, ngay cả cái nhìn lần cuối cũng không có cơ hội. Họ ra đi với linh cữu không người thân, đạo tỳ, không ai tiễn, không kèn, không trống và hỏa thiêu trong thầm lặng. Cũng trong lúc này, xuất hiện những vị Bồ tát giữa đời thực trong những bộ đồ bảo hộ màu trắng, màu xanh, trong đó có cả những màu áo nâu, áo lam ngày đêm dấn thân phụng sự, hỗ trợ bệnh nhân COVID-19. Từng phút, từng giây giành giật lại mạng sống cho bệnh nhân từ tay tử thần. Tình người đã lớn lên từ trong đại dịch, sự hy sinh thầm lặng của những anh hùng áo trắng, áo xanh bao ngày qua căng mình ứng phó dịch bệnh đã tiếp thêm sức mạnh cho những bệnh nhân chiến thắng bệnh tật. Đôi khi chỉ là bó rau, quả trứng, hộp khẩu trang… san sẻ cho nhau những lúc khó khăn như vậy cũng chứa chan nghĩa tình. Bởi lẽ “Thêu hoa trên gấm không ai biết, giúp người hoạn nạn nghĩa tình sâu”. Dịch bệnh đã khiến chúng ta xích gần lại nhau hơn. Tinh thần đoàn kết “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta được thể hiện qua những nghĩa cử cao đẹp từ những hộp cơm yêu thương, những chuyến xe nghĩa tình, tấm lòng vô úy của những thiên thần áo trắng, áo xanh, áo nâu, áo lam. Việt Nam đã và đang cùng nhau nắm tay nhau đi qua những ngày khó khăn nhất bằng sức mạnh của niềm tin, ý chí và của tình thương. Ngay lúc này đây, chúng ta hãy tin vào điều tốt lành, tin vào nhân quả, vào một ngày mai Việt Nam sẽ sớm chiến thắng đại dịch. Điều cần thiết lúc dịch bệnh bùng phát, nếu chúng ta không thể xung phong gánh vác trách nhiệm nặng nề này thì việc tuân thủcác hướng dẫn, quy định phòng chống dịch bệnh của Chính phủ cũng là một cách để cùng nhau vượt qua đại dịch. Ta hãy cân bằng cuộc sống, hãy tập thực hành sống hạnh Anh nhi để yêu thương hơn, khoan dung hơn, vị tha hơn với mọi người xung quanh. Từ đó, mọi oán thù, sân hận sẽ tiêu tan, bởi lẽ chỉ có tình yêu thương mới đem lại sức mạnh hồi sinh. Đây cũng là dịp người con Phật thực hành hạnh nguyện Bồ tát nhập thế bằng cách dấn thân phụng sự nơi tâm dịch, cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại, tu sửa thân tâm, hóa giải những oan khiên sân hận, thù oán bằng năng lượng từ bi, cầu nguyện cho thế giới bình an, cầu nguyện dịch bệnh COVID-19 sớm qua đi thật nhanh để giọt nước mắt tang thương thôi ngừng rơi trên những bờ mi vốn đã quá nhọc nhằn. Một mùa Trung thu nữa lại sắp về, chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đều ước mong được thưởng thức những chiếc bánh dẻo, bánh nướng; được phá cỗ đón trăng, ngắm lồng đèn cùng gia đình và bạn bè. Tự bao giờ, niềm ước ao giản đơn ấy lại khó thực hiện đến như thế. Chúng ta hy vọng rằng, dịch bệnh sẽ giảm thiểu để những thiên thần áo xanh, áo trắng được trở về với gia đình, nhà nhà được quây quần bên nhau. Việt Nam tôi ơi! Cố lên! Dịch bệnh sẽ sớm tiêu trừ thôi!
Thích Nữ Quảng Hiếu/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 374
Chú thích: [1] Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb Thanh Niên TP. Hồ Chí Minh 1999, p.212.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |