Chi tiết tin tức Đôn Hoàng với những kho báu vô giá bị bỏ quên 23:01:00 - 02/01/2019
(PGNĐ) - Con đường tơ lụa xưa nay luôn là cung đường mê hoặc biết bao lữ hành muốn theo chân ngài Trần Huyền Trang đi thỉnh kinh. Đây là vùng giao thương giữa Trung Hoa cổ đại và các nước phương Tây, chứa đựng nhiều kho báu của lịch sử Phật giáo cổ đại, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1987.
Con đường tơ lụa Nhắc tới Đôn Hoàng, người ta nghĩ ngay tới con đường tơ lụa và là nơi chứa những bức tranh hang động cổ xưa bậc nhất thế giới về lịch sử văn hóa Phật giáo. Hang động ở Đôn Hoàng được tôn vinh là thiên hạ đệ nhất động bởi sở hữu một quần thể lên tới 492 hang động và hơn 2.400 bức tượng Phật cùng vô vàn bức bích họa cổ, trải dài trên diện tích 45.000 m2. Quay trở lại thời kỳ lịch sử, hơn 1000 năm trước, với chuỗi hang động Mạc Cao có những bức họa các hình tượng về Phật pháp trên các bức vách giữa hoang mạc Gobi gần thị trấn Đôn Hoàng phía tây Trung Quốc. Trong đó, có một căn hầm cao 150m ẩn sâu chứa đựng các di sản cất giấu hàng trăm năm trước. Căn phòng này được gọi là thư viện Đôn Hoàng, mới được khám phá từ năm 1900. Các nhà nghiên cứu khảo cổ học vô cùng ấn tượng với các thánh tích được lưu giữ ở đây như 40.000 văn vật gồm văn thư, cuộn giấy, tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh trên giấy... Có thể nói ở thời Trung cổ, Đôn Hoàng đã từng được xem như một trung tâm văn hóa phát triển phồn thịnh mạnh mẽ, được coi là trung tâm văn hóa Phật giáo với nền nghệ thuật Phật giáo phát triển rực rỡ. Nơi đây được coi là chốn thiêng để các Phật tử hành hương tới thăm các điện thờ trong hang động. Từ thế kỷ thứ 9-thế kỷ 10- nơi đây đã nổi tiếng với các bức bích họa vẽ trên các vách đá cheo leo của các hang động bởi các nhà sư Phật giáo nhà Đường, nhà Tống. Họ đã mời các nghệ nhân chạm khắc trên hang động với các bức bích họa, văn tự cổ về triết học, tôn giáo, lịch sử và cả toán học, thơ ca dân gian, bài hát, điệu múa và điển tích Phật giáo. Thánh địa quý giá Theo truyền thuyết kể lại, việc xây dựng hang đá đầu tiên có liên quan tới điển tích: Vào năm 366, có một vị Hòa thượng hiệu Lạc Tôn vân du đến núi Tam Nguy phía Nam thành Đôn Hoàng. Khi mặt trời sắp lặn, vị sư vẫn không tìm được chỗ nghỉ chân. Ngài liền dõi mắt ra xa thì bắt gặp một cảnh tượng kỳ lạ: Trên núi Tam Nguy phát ra luồng ánh sáng trang nghiêm tựa như hào quang của chư Phật. Thân tâm rung động, vị sư vô cùng xúc động bèn vội vàng làm lễ, cho rằng đây là điểm lành của đức Phật ban cho mình. "Nơi đây chính là thánh địa". Sau đó, thầy bèn hóa duyên khắp nơi, quyên góp tiền và công sức để khai mở các hang đá. Tới thời kỳ Minh Thanh, khu vực này bị chìm trong hoang mạc Gorbi, tưởng như bị quên lãng. Cho tới đầu thế kỷ 20, Đôn Hoàng mới được khôi phục lại. Năm 1900, một đạo sĩ tên là Vương Viên Lục cư trú tại khu vực, trong lúc làm việc đã phát hiện ra bức tường phía Bắc có vết nứt. Sự phát hiện tình cờ này đã trở thành sự kiện trọng đại trong lịch sử văn hóa loài người thế kỷ 20. Vương đạo sĩ thuật tay gõ vào bức tường, thấy âm thanh trống rỗng, vang vọng, khi phá tường, ông thấy có một cánh cửa nhỏ, bên trong là gian phòng chứa đầy vật quý giá như kinh sách chép tay, văn thư, tranh lụa, hội họa, pháp khí... Kho báu bị bỏ quên Nơi đây sau này gọi là Tàng kinh động. Theo một số nguồn tin, trong động có chứa Kinh Phật với 5 vạn bản kinh chép tay, tư liệu lịch sử, tranh lụa, tranh khắc gỗ và các tác phẩm thư pháp, được ca tụng là “Thư viện trên vách đá”. Khối lượng khổng lồ này đòi hỏi một phòng tranh dài 25km mới đủ để trưng bày hết. Theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ, thời kỳ Tây Hạ thống trị Đôn Hoàng (sau 1049), Hòa thượng ở khu Mạc Cao vì lánh nạn, nên đem lịch sử bảo tạng đặt trong gian phòng này, bên ngoài kiến lập một bức tường phong lấp. Sau khi chiến loạn kết thúc, các vị Hòa thượng không ai trở lại, gian phòng trở nên bí mật không người biết đến. Mặc dù không hiểu các văn tự cổ xưa, nhưng Vương đạo sĩ biết đây là một điều rất tuyệt vời và có ý nghĩa to lớn. Ông liền liên lạc với quan lại địa phương, nhưng lúc này họ đang bận rộn với phong trào Nghĩa Hòa Đoàn nổi lên dẫn đến tài chính eo hẹp, nên lời đề nghị của ông đã không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Tuy nhiên, tin tức này chẳng mấy chốc lan truyền rộng rãi và nhiều đoàn khảo cổ nước ngoài đã đến đây, trong đó có nhà thám hiểm Aurel Stein, người đang thực hiện cuộc khảo cổ thứ 2 của mình ở Trung Á. Stein đã phải chờ 2 tháng để gặp được đạo sĩ Vương tại nơi chứa đựng các văn thư này. Đạo sĩ Vương khá cẩn thận khi luôn nhìn chăm chú vào các tài liệu và ông cũng khá khó chịu khi đề cập đến vấn đề bán lại các văn thư. Stein vẫn kiên trì trong việc thuyết phục vị đạo sĩ. Cuối cùng ông cũng được mua lại một số văn thư và tranh vẽ với giá 130 bảng Anh. Cứ thế, từng đoàn thám hiểm nước ngoài, như Anh, Nga, Hungary, Pháp… đến khu Mạc Cao tìm báu vật, một số lượng lớn bảo vật bị họ mang đi, làm hư hỏng nặng một số bích họa, mãi đến khi bảo vật khu Mạc Cao chẳng còn lại bao nhiêu thì người Trung Quốc mới bắt đầu quan tâm đến. Dựa vào nét chữ khắc, người ta có thể đoán được người trông coi thư viện này trước đây là nhà sư Hongbian, người từng dẫn dắt cộng đồng theo Phật giáo ở Đôn Hoàng. Vào năm 862, sau khi ông viên tịch, bức tượng của ông đã được xây dựng bên trong một ngôi đền. Trong khi một số bản thảo đã thất lạc, thì rất nhiều văn bản khác vẫn được cất giữ trong các hang động.
Hang đá Mặc Cao vẫn luôn được trông nom bởi các nhà sư Phật giáo cho đến khi nó bị lãng quên và tái xuất hiện vào năm 1900. Dựa trên các văn tự và ngôn ngữ được ghi chép thì chúng có thể có bắt nguồn từ thế kỷ thứ nhất. Những văn vật quý giá này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà còn là bức tranh lịch sử, là di sản văn hóa xán lạn, huy hoàng của dân tộc Trung Hoa một thời. Ngày nay, những tác phẩm ở thư viện Đôn Hoàng được các học giả thế giới chú ý đến, tiến hành nghiên cứu rộng rãi, hình thành một chuyên ngành nghiên cứu, gọi là Đôn Hoàng học, đã nhiều lần tổ chức hội thảo Đôn Hoàng học có quy mô thế giới. Giờ đây, nền nghệ thuật cùng các văn vật lâu đời Đôn Hoàng đã trở thành báu vật quý hiếm trên toàn thế giới. Ngoài sự đe dọa tự nhiên như về môi trường xung quanh, do cát sa mạc luôn bị thổi tới khu vực này đe dọa sự tồn tại của quần thể hang động và nơi cất giấu kho báu quý giá của Phật giáo cổ đại. Nguyên Phong (TH)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |