Chi tiết tin tức

Hân hoan hướng về Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019

20:43:00 - 29/04/2019
(PGNĐ) -  Năm nay, lần thứ 3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Ủy ban Tổ chức Quốc tế trao quyền đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (LHQ). 

Đại lễ sẽ diễn ra từ ngày 12 - 14-5-2019 tại chùa Tam Chúc (Kim Bảng, Hà Nam) với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

tc.jpg
Tòa nhà Vesak - nơi sẽ diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và hội thảo đang gấp rút hoàn thiện - Ảnh: F.TT.Thích Minh Quang

Như vậy, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, Đại lễ Vesak LHQ 2019 sẽ diễn ra. Tính đến thời điểm này, các khâu tổ chức của các ban chuyên môn căn bản hoàn thành. Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã có các cuộc họp mở rộng triển khai công tác tổ chức sự kiện quốc tế này.

Chính phủ và nhiều cơ quan, ban ngành của Nhà nước đã hỗ trợ tích cực cho  Đại lễ, trong đó, việc đảm bảo an ninh được đặt lên hàng đầu.

Đối với Phật giáo VN, đây là Phật sự quan trọng bậc nhất của năm. Trên bình diện chung, Đại lễ Vesak 2019 LHQ là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo VN trong hội nhập quốc tế, đồng thời, khẳng định vị thế, trách nhiệm của VN đối với LHQ.

Dự kiến có khoảng 1.500 chức sắc và lãnh đạo các Giáo hội, nhà nghiên cứu, học giả... đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, cùng 10.000 Tăng Ni, Phật tử tham dự sự kiện trọng đại này để cùng gặp gỡ, giao lưu, truyền bá thông điệp của Đức Phật cho nhân loại về hòa bình, hòa hợp, tiến bộ và phát triển.

Trong bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều sự xung đột căng thẳng, những bất công mang lại nhiều đau khổ, việc LHQ tôn vinh Đức Phật và những lời dạy của Ngài là điều hết sức thiết thực.

Khác với những tôn giáo khác, đạo Phật không đề cao bản ngã cá nhân cũng như những thứ được xây dựng nên từ nền tảng của tham ái, sân hận. Đạo Phật quan niệm đau khổ là đau khổ chung, không có cái đau khổ riêng của sắc tộc này hay của tôn giáo khác; do đó Phật giáo không gây chia rẽ hận thù, cũng như không truyền bá giáo pháp vì mục đích chỉ làm cho Phật giáo lớn mạnh trên phương diện hình thức. Đạo Phật là hiện thân của hòa bình, hạnh phúc, an lạc, là con đường chung cho toàn thể nhân loại.

Sự xuất hiện của Đức Phật được “ví như một viên ngọc ma-ni bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại; viên ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nại cũng không làm nhiễm ô viên ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh”. “Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh, và hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới” (Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp - Trung bộ).

Sự xuất hiện của một Người thanh tịnh từ thân đến tâm, Người đem ánh sáng, mà sự xuất hiện của Người khiến cho thế giới rung động ấy… là hình ảnh cao cả, đầy xúc động. Hào quang và trí tuệ của Người, hạnh phúc thay, vẫn còn chói rọi cho thế giới ngày nay.

Đại lễ Vesak LHQ chính là sự tôn vinh, là sự tái hiện hình ảnh cao khiết, thanh tịnh, trí tuệ, từ bi của Phật, đem cơ hội thực hành lời dạy của Người đến với tất cả chúng sanh, khiến ai cũng có thể nếm trải được Pháp vị an lạc, hạnh phúc.

Quảng Kiến

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin