Chi tiết tin tức

Hãy cùng nhìn lại và tiếp bước

22:49:00 - 07/01/2022
(PGNĐ) -  “Nhìn lại và tiếp bước” như một cẩm nang hữu ích dành cho những hành giả đang thực hiện con đường lý tưởng của chính mình.

Nếu như thế gian xem sự thành công trong sự nghiệp, mỹ mãn trong gia duyên là mục tiêu lớn nhất, thành công nhất của cuộc đời mà họ phải đạt được; thì với tu sĩ Phật giáo, lý tưởng giác ngộ giải thoát chính là mục tiêu tối hậu mà một hành giả tu Phật cần phải thành tựu. Nhưng, con đường dẫn đến mục đích cuối cùng ấy không hề thuận lợi theo kiểu “cứ đi là đến”, bởi người bước đi phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách… Tất cả chúng ta từ khi mới sinh ra, ai cũng đã cất bước trên con đường đã chọn, nhưng không phải ai cũng tới đích, không phải ai cũng hoàn thành trọn vẹn con đường ấy. Một số người vì quá mệt mỏi, chán nản, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng nên đã chọn cách “dừng cuộc chơi” để bắt đầu cho mình lối đi khác dễ dàng hơn, hoặc bước đi về hướng gót chân chứ không còn là hướng của mũi bàn chân nữa. Là một hành giả trên con đường đã chọn, chúng ta không thể nào cứ bước đi “điên dại” về phía trước; đôi khi, đến những “chặng dừng chân” hay “những bước ngoặt” của con đường, cần phải dừng lại để nghỉ ngơi, nhìn lại những gì mình đã trải qua, để rồi có thể bước tiếp một cách vững chãi hơn. “Nhìn lại và tiếp bước” như một cẩm nang hữu ích dành cho những hành giả đang thực hiện con đường lý tưởng của chính mình.

Theo quy luật vận hành của tự nhiên bốn mùa, khoảng thời gian cuối năm (tháng Chạp) chính là lúc thích hợp để mỗi người nhìn lại chặng đường một năm mà mình đã trải qua. Nhìn xem chúng ta làm được và chưa làm được những gì theo mong muốn đã lập định. Nhìn xem chúng ta đã nắm bắt được những cơ hội nào và bỏ lỡ những nhân duyên quý giá nào từng đến với mình. Nhìn xem chúng ta học được gì từ cuộc sống và chưa học được gì từ môi trường xung quanh… Với người tu sĩ Phật giáo cũng vậy, “mãn hạ” là thời điểm thích hợp để chư Tăng sau ba tháng ròng an cư, chuyên tâm trau dồi Giới – Định – Tuệ có thể hội họp, tự soi xét lại bản thân cũng như nhờ các vị tôn túc, đồng tu chỉ rõ những chỗ sai lầm, thiếu sót trong quá trình tu tập mà tự mình chưa thể nhận ra. Nhìn lại hành trạng tu tập của mình trong hạ lạp vừa qua đã tấn tu được những gì, sự tinh tấn mình có đủ để làm phát triển đời sống phạm hạnh bản thân hơn chưa, đã đóng góp được gì cho đạo pháp và dân tộc? Từ sự hoài niệm, nhìn lại những chặng đường đã đi qua mà lấy đó làm kinh nghiệm, làm nền tảng tạo động lực thúc đẩy bản thân tiếp tục bước đi trên những chặng đường kế tiếp của con đường sự nghiệp lẫn đạo nghiệp.

“Nhìn lại và tiếp bước” là hành động thể hiện tinh thần cầu tiến, biết tu sửa bản thân.

“Nhìn lại và tiếp bước” là hành động thể hiện tinh thần cầu tiến, biết tu sửa bản thân. Mỗi người cần phải nhìn nhận khách quan những mặt đối lập như: tốt – xấu, rộng lượng – hẹp hòi, sở trường – sở đoản… để có thể làm mới, hoàn thiện và thăng tiến bản thân hơn; trừ dẹp đi các thói xấu. Cuộc đời người như bước lên bậc thang, phải càng ngày càng tiến, mới mong sớm tới đích, vì “trên bước đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng” (Lỗ Tấn). Khi chúng ta mỏi mệt, chán nản muốn bỏ cuộc, hãy thử nhìn lại những gì đã trải qua, lý do tại sao ta bắt đầu; từ đó vực dậy động lực mạnh mẽ cho ta bước tiếp. Có thể một lúc nào đó thấy mệt, ta có thể dừng lại nhưng không thể bỏ cuộc. Dừng lại là để nghỉ ngơi, tổng hợp kinh nghiệm, từ đó phát hiện và sáng tạo ra những điều mới trên con đường mà ta đang bước. Mặt khác, nghỉ ngơi cũng là cách tốt để nạp lại năng lượng tích cực đã bị mất đi của thân thể, giúp tinh thần thoải mái, bớt căng thẳng hơn. Không phải cứ bước đi mãi là tốt, đôi khi, sự dừng lại giúp ta nhận rõ hơn bản chất con đường mình đang đi đúng hay sai, nhanh hay chậm, hiệu quả hay không…? từ đó cải thiện chất lượng con đường sau tiếp.

Nhìn lại còn giúp thay đổi cho đúng và hiệu quả con đường của chính mình. Nhìn lại để biết mình đang sống cho ai, do mình hay người khác chọn. Con đường của mình là do mình lựa chọn, tự bước đi mà không bị chi phối bởi một ngoại duyên nào. Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người đang lệ thuộc vào những thứ khác ngoài bản thân, lối sống có phần phóng túng, ít biết đủ, rồi lại phó mặc “số phận” cho một sự an bài nào đó mà chính họ cũng không rõ. Nếp sống này khiến họ suy nghĩ rằng: mình là một linh hồn đầu thai bị lệ thuộc bởi quy luật thế giới, hoặc dính chặt bởi những nghiệp nhân đã tạo từ kiếp trước không thể thay đổi, để rồi cam chịu số kiếp khốn khổ này. Đức Phật không bao giờ công nhận một đời sống mang tính định mệnh như vậy. Trong Tăng Chi bộ kinh – phẩm Triền Cái, Đức Phật nói rằng: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”. Ta là thừa tự của nghiệp, nhưng đồng thời, cũng là chủ nhân của nghiệp; điều này khẳng định, ta có thể làm chủ nghiệp, làm chủ đời sống của chính mình chứ không phải nhờ ai hay một thế lực, quy luật định mệnh nào khác. Và nên nhớ, nhìn lại nhưng không tự phụ vào kết quả của mình đã đạt được, chúng ta mới có thể bước tiếp và tiến xa hơn.

Tiếp tục bước đi là một biểu hiện của sự không bỏ cuộc, luôn luôn phấn đấu hướng về phía trước, sẵn sàng đương đầu với những chông gai, thử thách, vượt qua tất cả để đến với mục tiêu lớn nhất đời mình. Nếu có nhìn lại mà không chịu bước tiếp, chẳng khác nào chúng ta đang hoài niệm về quá khứ mà thôi. Nếu “nhìn lại” là điều kiện cần để chỉnh chu lại con đường đang đi, thì “tiếp bước” chính là điều kiện đủ để thực hiện con đường ấy, hướng dần về cái đích cuối cùng mình mong muốn. Cuộc sống này vốn sẵn chứa muôn vàn cơ hội, chỉ cần ta luôn mạnh mẽ bước về phía trước, thì chính ta sẽ mở ra cho mình những chân trời mới huy hoàng và hạnh phúc hơn. Hành động tiến về phía trước không ngừng nghỉ ấy, trong Phật giáo được thể hiện bằng “sự nỗ lực không ngừng” (Chánh tinh tấn). Chánh tinh tấn, phạn ngữ là sammā-vāyāma, là chi thứ sáu trong Bát chánh đạo. Thuật ngữ này cũng được Đức Phật đề cập đến trong nhiều bài kinh khác. Chánh tinh tấn với nội dung: “Điều thiện chưa sanh cần nỗ lực làm cho phát sanh, điều thiện đã phát sanh thì nỗ lực làm cho tăng trưởng, điều ác chưa sanh thì nỗ lực ngăn chặn đừng cho sanh và điều ác đã sanh khởi thì nỗ lực tìm biện pháp diệt trừ” đã trở thành phương châm sống của những người con Phật nói riêng và những người ngoài đạo Phật biết hướng thượng nói chung. Làm ác, sống buông thả, hưởng thụ dục lạc xa hoa thì dễ, nhưng sống biết làm thiện, tích đức và nỗ lực vươn lên mới khó. Việc đó giống như chèo chiếc thuyền ngược dòng nước dữ; thả cho nó trôi theo dòng thì dễ, mà chèo chống liên tục đưa nó về thượng nguồn mới khó. Kiên trì, nhẫn lại, khéo tác ý chính là cách duy nhất đưa ta đến đích.

Theo quy luật vận hành của tự nhiên bốn mùa, khoảng thời gian cuối năm (tháng chạp) chính là lúc thích hợp để mỗi người nhìn lại chặng đường một năm mà mình đã trải qua.
(Ảnh: vnexpress.net)

“Nhìn lại và tiếp bước” tuy là hai khái niệm hành động khác nhau, nhưng sâu trong nội hàm ý nghĩa, lại có liên hệ mật thiết bổ trợ cho nhau. “Nhìn lại” để soi xét việc đúng sai, thiện ác của bản thân, cũng chính là tự làm “chánh” con đường mình đang bước; “tiếp bước” là sự tinh tấn không ngừng, luôn hướng về phía trước để đạt được những gì mong đợi. Nếu ghép cả hai “nhìn lại – tiếp bước” với nhau, chúng ta sẽ thấy đây là cách diễn đạt khác của “Chánh tinh tấn” mà Đức Phật đã dạy. Tinh tấn đúng đắn chính là nỗ lực ngăn chặn, trừ bỏ cái ác và nỗ lực thực hành, tăng trưởng cái thiện, hướng thượng cho bản thân, sống đời tịnh lạc.

“Chớ theo pháp hạ liệt

Chớ sống mặc, buông lung

Chớ tin theo tà kiến

Chớ tăng trưởng tục trần

Nỗ lực, chớ phóng dật

Hãy sống theo chánh hạnh

Người chánh hạnh hưởng lạc

Cả đời, này đời sau”.

(Dhammapada 167 – 168)

 

Hạc Lâm Điểm Tuyết/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 381

 

Chú thích:

* Tỳ kheo Thích Tấn Nguyện, Tăng sinh Cử nhân Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin