Chi tiết tin tức Hòa thượng Thích Hải Ấn: Kết hợp tự lực và tha lực để vượt sóng dữ 09:24:00 - 02/09/2021
(PGNĐ) - Tổn thương tinh thần là một sự tổn thương khá phức tạp mà người chữa trị cần phải nhận thức rõ thì việc điều trị mới mong đem lại kết quả tốt.
Hòa thượng Thích Hải Ấn, Bác sĩ Y khoa, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế
Tất cả các pháp môn mà Phật giảng dạy đều là những phương pháp tu tập mà hiệu quả cuối cùng là đem lại cho người thực hành một tinh thần vững chãi và niềm an lạc, hạnh phúc. Cao hơn - kết quả cuối cùng là sự chứng ngộ. Thức ăn quan trọng để nuôi dưỡng tinh thần là sự thiền định, quán chiếu, từ đó hành giả chế tác được hạnh phúc đích thực cho cuộc sống của mình. Đức Phật dạy rất nhiều pháp môn thực hành thiền định quán chiếu, tùy theo căn cơ của mỗi người, trong đó có: Thiền Tứ niệm xứ (tức hành trì theo 4 phép quán: thân, thọ, tâm và pháp), thiền sổ tức (niệm hơi thở), quán duyên khởi, quán từ bi, niệm Phật, tụng kinh... Theo đó, mỗi người có thể chọn lựa phương pháp thực tập phù hợp với mình để đem lại kết quả tốt. Làm sao để điều trị được tổn thương tinh thần do Covid-19 gây nên là vấn đề mỗi người cần suy nghĩ. Với người Phật tử, trước hết, cần phải tinh cần và có niềm tin chân chính thì mới đạt được kết quả tốt. Trong hoàn cảnh bị vây bủa bởi bao nhiêu nỗi khổ niềm đau, con người càng cần phải tỉnh táo và thực hành chánh niệm mới mong chuyển hóa được. Người sơ cơ thì cần có niềm tin và thực hành các pháp môn đơn giản. Đó là vừa tự tin vào chính mình vừa nương vào sự hỗ trợ của tha lực qua pháp môn niệm Phật. Từ đó có được sự định tĩnh để thoát khỏi tổn thương tinh thần. Cũng cần nói thêm, niệm Phật không phải là cầu nguyện và hoàn toàn dựa vào tha lực (tức Phật lực) mà là cầu nguyện vào tự lực của mình để vượt thắng nỗi khổ (nương vào Đức Phật trong chính tự tâm mình, làm lớn mạnh lên sự an tĩnh, không sợ hãi để vượt qua nỗi khổ). Nếu là người có căn cơ cao, có sự tự tin vào sức mình thì có thể áp dụng các pháp môn trực chỉ hơn, điều trị những tổn thương của tự thân - đem lại an lạc và chuyển hóa khổ đau. Tóm lại, muốn vượt qua nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau, trước hết ta phải bình tĩnh, huy động mọi sự tự tin vào bản thân để vượt thắng sợ hãi. Tất nhiên, để một người có được niềm tin tự thân cũng là việc khá khó khăn, cần thực tập với quá trình dài. Trước hết phải thực tập bằng những phép luyện tâm của người Phật tử để khi một nỗi sợ hãi nào tìm đến, mình sẽ trở lại với niềm tự tin vốn có mà mình đã thực tập từ trước. Như vậy, điều trị tổn thương tinh thần tức phải thực tập các pháp để rèn luyện tâm mình tự tin vào nội lực để vượt qua sợ hãi và nỗi khổ đau hiện tại. Nói cách khác, đó là nương nơi tha lực cùng tự lực để làm thuyền bè vượt sóng.
Hữu Tình
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |