Chi tiết tin tức

Huế: lung linh sắc màu Phật đản PL 2566

22:53:00 - 09/05/2022
(PGNĐ) -  Đại lễ Phật đản năm nay tại Cố đô Huế diễn ra từ ngày 8/5 đến ngày 15/5 (tức ngày mùng 8/4 đến ngày 15/4 âm lịch) trên toàn tỉnh TTHuế mà điểm nhấn chủ yếu vẫn là ở thành phố Huế-sẽ góp thêm tinh hoa cho một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Với Cố đô Huế, một trung tâm Phật giáo lớn của miền Trung và của cả nước, từ rất lâu rồi, mùa Phật đản luôn là một sự kiện được các giới Phật tử đón chờ với niềm tôn kính. Không chỉ có các tổ đình, tự viện, niệm Phật đường mà đến cả tư gia, tất thảy đều treo đèn kết hoa để cúng dường. Và cũng từ lâu lắm rồi, Phật đản đã không còn dừng lại là một nghi lễ tôn giáo thuần túy, mà đã trở thành một lễ hội, một sự kiện văn hóa tỏa lan trong toàn xã hội.

Với chủ trương nhất quán tôn trọng tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta, và cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đời sống người dân ngày mỗi được cải thiện, nhiều năm gần đây đại lễ Phật đản cũng được tổ chức ngày càng quy mô hơn. Bắt đầu từ đầu tháng 4 âm lịch, chùa chiền, khuôn hội, ban trị sự các cấp…đã triển khai công tác thiết trí trang hoàng. Công việc được tiến hành trong không khí khẩn trương nhưng đầy hân hoan. Và thường thì sau khoảng chừng 1 tuần lễ, mọi thứ đều đã nghiêm cẩn sẵn sàng. Sắc màu Phật đản đã lung linh rạng rỡ nơi nơi cho tuần lễ Phật đản bắt đầu.

Trên khắp các con đường, cây cầu ở Huế đều được trang hoàng cờ Phật và hoa sen. Các ngôi chùa ở Huế dường như rực rỡ hơn với Lễ Đài Phật Đản, cờ hoa được trang hoàng đẹp mắt. Con đường Lê Lợi được trang trí với những chiếc đèn lồng hoa sen trên cây đẹp mắt. Đâu đâu cũng thấy những ghánh lồng đèn của các mẹ, các chị rong ruổi trên các con đường,… Ở các chùa, tự viện, lễ đài được trang trí trang nghiêm và có phần hoành tráng. Cờ Phật giáo phấp phới bay rợp những khu phố xung quanh chùa, các đường phố, cầu,….

Theo ban tổ chức Đại lễ Phật đản năm 2022 tỉnh Thừa Thiên – Huế, trải qua dặm dài lịch sử, Phật giáo không chỉ trở thành nền tảng tinh thần của cư dân xứ Huế mà còn được xem là một trong những thành tố quan trọng, tạo nên bản sắc văn hóa Huế.

Dấu ấn văn hóa Phật giáo đã in dấu đậm sâu vào tâm thức mỗi người dân trên mảnh đất này. Dấu ấn ấy không chỉ được hiện hữu hóa cụ thể qua những ngôi chùa, niệm Phật đường, hay những món ăn chay, mà còn được hiện diện qua hệ thống các lễ hội Phật giáo. Tiêu biểu trong số các lễ hội đó là lễ Phật đản.

 
 
 

Tại Huế, ngoài các nghi thức tôn giáo tại các chùa và tự viện, còn bao gồm các chương trình mang tính xã hội như hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Thánh tử đạo, chương trình nghệ thuật, triển lãm, ẩm thực chay, diễu hành xe hoa, hoạt động thiện nguyện…Trên khắp các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, các cổng làng, cổng xóm, tư gia đều được trang hoàng cờ đèn, tạo thành một khung cảnh linh thiêng và không khí hân hoan của người dân xứ Huế đón chào mùa Phật đản.

 

Tiếp tục đồng hành với Festival Huế, Đại lễ Phật Đản Phật lịch 2566 tại Huế diễn ra từ ngày 8 đến 15-4 (âm lịch) sẽ góp thêm tinh hoa cho một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng Lễ hội mùa Hạ nhằm làm phong phú thêm các chương trình lễ hội diễn ra bốn mùa trong năm, vừa phát huy được các giá trị di sản văn hóa đặc hữu, yếu tố tâm linh, vừa tạo sản phẩm du lịch, hướng đến Tuần lễ Festival Huế 2022 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” cuối tháng 6.

Đại lễ Phật đản năm nay gồm nhiều hoạt động trải khắp các địa điểm Nghinh Lương Đình, Liễu Quán, Quốc tự Diệu Đế, Tổ đình Từ Đàm... với các chương trình chính như: Lễ Thắp sáng 7 đóa hoa sen trên sông Hương, triển lãm văn hóa Phật giáo, ẩm thực chay, diễu hành xe hoa quanh thành phố Huế và các vùng phụ cận, lễ Mộc dục, rước Phật và Đại lễ Phật đản chính thức vào ngày 15 Âm lịch tại Tổ đình Từ Đàm…

 
 

Trên dòng sông Hương thơ mộng là bảy đóa sen khổng lồ. Đây là cụm biểu tượng nỗi bật giữa lòng thành phố Huế, truyền thống này được bắt nguồn từ ý tưởng của nhóm Tăng Ni trẻ ở Huế phát họa và thực hiện từ năm Lễ Vesak 2008, từ đó hằng năm được sự cho phép của tỉnh nhà, GHPG tỉnh TT Huế và người dân chú ý quan tâm, Bảy Hoa Sen cứ đến mùa Phật Đản là nở rộ trên sông Hương.

LePD (8)

Hoạt động này rất có ý nghĩa và ấn tượng, trong đó phải kể đến lễ thắp sáng 7 hoa sen. Đêm 8/5 (mồng 8 tháng 4 Âm lịch), lễ được sự chứng minh và tham dự của đông đảo mọi người, khi tiếng hát và dàn giao hưởng cất lên bài Đóa Sen Trắng, thì từng đoa sen được thắp sáng, hoa đăng lung linh dưới ánh trăng, tô điểm cho sông Hương một vẻ đẹp huyền bí, thành phố Huế trở nên chan hòa ấm áp giữa tiếng cầu nguyện thanh bình. Hai đầu thành phố, phía bắc là công viên An Hòa và phía nam là công viên An Cựu. Ở đây là hai cụm biểu tượng chính của thành phố, có logo, biểu tượng và cờ đèn được trang hoàng hoàn tất vào trước tuần lễ Phật đản.

 
 
 

Mỗi cụm biểu tượng đều mang ý nghĩa thanh tịnh và hòa bình. Khi nhìn những cụm biểu tượng như thế, người đi vào thành phố thấy lòng yên bình và an lạc của thánh địa Phật giáo. Hai bên đường trong thành phố là những lễ đài tư gia, cờ đèn điểm xuyết. Cho đến các cổng làng, cổng xóm đều được trang hoàng cờ đèn và tôn tượng Đản Sanh tạo thành một khung cảnh linh thiêng và thành kính của người dân xứ Huế đón chào ngày Đản Sanh.

 

 

Có lẽ ở Huế, Đại lễ Phật đản không đơn thuần mang sắc màu của vănhóa, tâm linh mà con ngày đặc biệt của quần chúng nói chung và các bậc tăng ni, Phật tử nói riêng. Đại lễ Phật Đản tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa tích cực của mình, thắp sáng niềm tin về một tương lai an lành cho thế giới sau thời gian chống chọi với dịch bệnh, góp phần thực hiện mục tiêu đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp hòa bình, thịnh vượng, an lạc cho đất nước Việt Nam và toàn thể chúng sinh, nhân loại... 

 

Xuân Trường

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin