Chi tiết tin tức

Khảo sát mộc bản Niệm Phật Công Cứ tại Tổ đình Tường Vân

15:06:00 - 23/12/2022
(PGNĐ) -  Theo quan niệm Phật giáo, sau khi con người “mãn duyên trần thế” sẽ có rất nhiều nơi đến như Tam giới cửu địa [1], các cõi Tịnh độ của chư Phật, đặc biệt là cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, còn gọi là cõi Cực lạc hay nước An Dưỡng, tức là nơi không còn khổ đau bệnh tật, có đời sống an vui tự tại.

DẪN LUẬN

“Sống gửi thác về”, câu tục ngữ mang đậm triết lý nhân sinh sâu sắc về kiếp sống con người của dân tộc Việt Nam. Không chỉ riêng người Việt, nhiều dân tộc có nền văn minh lâu đời trên thế giới cũng đã có nhiều câu hỏi tương tự: Chúng ta đang sống ở đâu? Chết sẽ đi về đâu? hầu hết những câu hỏi ấy đều đã có lời giải đáp qua các học thuyết hay quan điểm của một tôn giáo nào đó. Theo quan niệm Phật giáo, sau khi con người “mãn duyên trần thế” sẽ có rất nhiều nơi đến như Tam giới cửu địa [1], các cõi Tịnh độ của chư Phật, đặc biệt là cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, còn gọi là cõi Cực lạc hay nước An Dưỡng, tức là nơi không còn khổ đau bệnh tật, có đời sống an vui tự tại.

Để đến được cõi này, hành giả phải hội tụ đủ ba yếu tố Tín [2], Nguyện [3] và Hạnh [4]. Trong đó, Hạnh tức là việc hành trì danh hiệu của đấng Giáo chủ cõi ấy, tức là niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà. Có nhiều phương pháp niệm như Quán tưởng niệm Phật [5], Quán tượng niệm Phật [6], Thực tướng niệm Phật [7] và Trì danh niệm Phật. Phương pháp phổ biến nhất được thực hành ngày nay là phương pháp Trì danh niệm Phật, tức là niệm hồng danh sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật. 

Thời đại ngày nay, thật không thể nghĩ rằng phương pháp niệm Phật lại được công nghệ hóa với hệ thống các chuỗi niệm Phật điện tử cầm tay. Tuy hiện đại nhưng phương pháp trì danh này từ xưa chư Tổ cũng đã từng sử dụng qua hình thức là niệm Phật công cứ. Nếu như ngày nay, hành giả đếm số lần niệm Phật qua những con số hiển thị trên màn hình chuỗi niệm Phật điện tử thì ngày xưa chư Tổ cũng dùng hình thức lần chuỗi tràng và đếm số lần niệm Phật qua những chấm vành khuyên đã có sẵn trên một bức tranh niệm Phật công cứ được in trên giấy. 

Tháp tùng đoàn khảo sát thu thập tư liệu điền dã của Trung tâm Văn hóa Liễu Quán và Thư viện Huệ Quang tại Tổ đình Tường Vân tháng 4/2022, chúng tôi may mắn được “tận mục sở thị” bản khắc niệm Phật công cứ trên gỗ vô cùng quý giá với niên đại từ thế kỷ XIX hiện lưu tại Tổ đình. Qua bài viết này, chúng tôi kỳ vọng người đọc có thêm nhiều thông tin mới về phương pháp trì danh tôn hiệu Đức Phật A Di Đà đã rất thịnh hành từ nhiều thế kỷ về trước. Đồng thời, qua việc tìm ra các giá trị về nghệ thuật tạo hình, điêu khắc, thư pháp… người viết mong muốn sự công nhận về đóng góp của văn hóa nghệ thuật Phật giáo trong việc làm phong phú thêm cho di sản văn hóa của dân tộc. 

TỔNG QUAN VỀ VÁN KHẮC

Ván khắc niệm Phật công cứ hiện lưu tại Tổ đình Tường Vân vốn không thuộc bổn tự mà là di sản của chùa Thiên Phước [8] trên đồi Dương Xuân thế kỷ XVIII. Sau khởi nghĩa Chày Vôi thất bại (1866), chùa là căn cứ bí mật họp bàn, tập trung khí giới nên bị triệt giải. Ván khắc này cùng với nhiều tự sản khác kể cả tháp mộ chư vị tổ sư cũng phiêu tán khắp nơi.

Về tình trạng bản khắc, ván làm bằng chất liệu gỗ thị [9] hiện còn khá nguyên vẹn, có kích thước bề rộng là 40cm, bề dài 75cm, bề dày 3cm, được khắc một mặt. Bộ ván khắc này được đại sư Tế Hội Đế Tĩnh chùa Đức Sơn đứng khắc, Đại sư Trí Giác chứng minh có niên đại độ chừng thế kỷ XVIII-XIX.

Về nghệ thuật trang trí, vì hình thức niệm Phật này du nhập từ nhà Minh sang hoặc trú trì chùa gốc người Hán nên các nét họa tiết trang trí mang nhiều dấu ấn của nghệ thuật Trung Hoa từ hình tượng con người đến y phục và cả hoa lá.

Về bố cục tạo hình, nhìn tổng thể, ván khắc như một tác phẩm nghệ thuật được sáng tác trên gỗ, trên cùng là 6 chữ Hán lớn “Nam mô A Di Đà Phật”. Tiếp đến ở phần trên với trung tâm là Đức Phật A Di Đà đang đứng ngự trên tòa sen, tay trái nâng hoa sen trang nghiêm trước ngực, tay phải bắt thủ ấn phóng hào quang tiếp dẫn chúng sanh. Hai bên Đức Phật là 6 dòng chữ Hán chia đều mỗi bên với nét khắc sắc sảo. Phần dưới Đức Di Đà là ao sen với đủ lá, hoa và sóng nước tạo nên một bức tranh sống động. Trên mặt ao sen, các đối tượng trang trí được thiết lập theo bố cục đăng đối với 5 hoa sen đã nở và hai lá. Ngồi trên 3 đóa sen đang nở là một đệ tử xuất gia (giữa) và hai vị tại gia đang chắp tay hình hoa sen hướng về Đức Di Đà. 

Về trang trí viền, đa số các ván khắc niệm Phật công cứ thường tạo hình bằng các họa tiết dây leo hoa lá kết hợp với các khuyên tròn tinh tế lồng ghép vào trong. Ở bản khắc niệm Phật công cứ này, chư Tổ đã loại bỏ những họa tiết rườm rà, thay vào đó là những vòng khuyên tròn với số lượng lớn để cụ thể hóa số lần niệm Phật được nhiều hơn.

Mộc bản Niệm Phật công cứ do Thiền sư Tế Hội Đế Tĩnh chùa Đức Sơn đứng khắc, thế kỷ XIX, hiện lưu tại Tổ đình Tường Vân – Huế.

NỘI DUNG VÁN KHẮC

Dòng bên phải 

念佛公據,案諸淨土法門,凡人信心念佛願生西方,臨命終時承佛願力接引連花化生,成等正覺,決無疑矣。德山寺,比丘諦靜鋟梓流通。[諦靜-際會].

Niệm Phật công cứ, án chư tịnh độ pháp môn, phàm nhân tín tâm niệm Phật nguyện sinh Tây phương, lâm mạng chung thời thừa Phật nguyện lực tiếp dẫn liên hoa hóa sinh, thành đẳng Chính Giác, quyết vô nghi hỉ. Đức Sơn tự, Tỳ kheo Đế Tĩnh tẩm tử lưu thông [Đế Tĩnh-Tế Hội].

Niệm Phật công cứ, xét theo pháp môn của Tịnh độ, phàm người tín tâm niệm phật nguyện sanh về cõi Tây phương, lúc lâm chung được được nương nguyện lực của Phật mà tiếp dẫn, hóa sanh trong hoa sen, thành bậc Chánh đẳng giác, quyết không nghi ngờ. Chùa Đức Sơn, Tỳ kheo Đế Tĩnh khắc bản lưu thông [dấu triện hòa thượng Tế Hội-Đế Tĩnh].

Dòng bên trái

致寶和尚證明。凡念十串珠一點,每一圈五點,共二千圈,計十萬餘串。付囑信人… 法名… 諦思淨土,決志往生,放下萬緣,一心念佛。 

Trí Bảo hòa thượng chứng minh. Phàm niệm thập quán châu nhất điểm, mỗi nhất khuyên ngũ điểm, cộng nhị thiên khuyên, kế thập vạn dư quán. Phó chúc tín nhân:… pháp danh:… đế tư Tịnh độ, quyết chí vãng sinh, phóng hạ vạn duyên, nhất tâm niệm Phật. 

Hòa thượng Trí Bảo chứng minh. Phàm niệm 10 tràng chuỗi chấm 1 điểm, mỗi lỗ khuyên chấm 5 điểm, tổng cộng có 2000 khuyên, tính ra hơn 100.000 chuỗi tràng. Giao phó cho những người có lòng tin tên:… pháp danh:… luôn nghĩ về Tịnh độ, quyết chí vãng sanh, buông bỏ mọi duyên, một lòng niệm Phật.

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VỀ PHONG CÁCH TẠO HÌNH TRÊN VÁN KHẮC

Yếu tố nhịp điệu 

Nhịp điệu là yếu tố thường thấy trong tranh của những họa sĩ đa cảm với thiên nhiên, hài hòa với các quy luật của cuộc sống. Trong bức tranh khắc gỗ này, dễ dàng thấy được bố cục nhịp điệu trải đều toàn bộ. Từ ánh hào quang uyển chuyển tỏa ra từ nhục kế của Đức Phật hòa quyện với những nếp gấp uốn lượn nhẹ nhàng của y phục. Yếu tố này tiếp tục được sử dụng qua ánh hào quang từ cánh tay mềm mại của Đức Phật tỏa xuống ao sen rồi hòa quyện vào với những làn sóng bập bềnh. 

Yếu tố đăng đối 

Nhìn tổng thể bức tranh, ta dễ dàng nhận thấy bố cục đối xứng được trình bày theo phương dọc. Dễ thấy nhất là tòa sen của Đức Phật, cách sắp xếp số lượng cánh hoa đều nhau ở hai bên. Ngoài ra, sự đối xứng này còn được sắp đặt ở những hoa sen nở trên ao, các hành giả hóa sanh và sóng nước. Với cách sắp xếp như vậy làm cho bức tranh vốn đã được trang nghiêm hóa, nay lại làm nổi bậc thêm những giá trị trong nghệ thuật tạo hình của một thời kỳ đồ họa đỉnh cao.

Yếu tố đường nét

Trong loại hình đồ họa mộc bản, đường nét luôn là yếu tố chủ đạo tạo nên hình thức của sản phẩm tạo ra, chính những đường nét ấy đã làm nên giá trị của tác phẩm. Trong mộc bản, ngoài nội dung khắc bằng ngôn ngữ, chiếm đa phần là đường nét trong hệ thống trang trí chung. Trên ván khắc niệm Phật công cứ này, yếu tố diễn hoạt về đường nét là nhân tố chính góp phần làm thổi sức sống sinh động vào bức tranh Thánh cảnh Tây phương. Ở đây, đường nét vừa là yếu tố diễn hình vừa là yếu tố diễn khối. Có thể lấy ví dụ đường nét trên y phục của Đức Phật, với những đường nét mềm mại, dày mỏng và đậm nhạt khác nhau khiến cho y của ngài giống như nổi khối qua những nếp gấp. Qua đó làm cho tổng thể kim thân của Phật trở nên sinh động, thu hút sự chú ý của người xem.

Yếu tố chuyển động

Một trong những giá trí của ván khắc niệm Phật công cứ này nằm là sự xếp đặt các yếu tố chuyển động trong tổng thể bố cục tạo hình. Chính yếu tố này vô hình trung đã tô vẽ thêm cho bức tranh trở nên sống động và gần gửi hơn với người xem. Lấy ví dụ cụ thể đường nét hào quang của Đức Phật, chính các đường nét tinh tế và chân thật đến mức khiến người xem gần như chìm vào thánh cảnh của cõi Tịnh độ, thấy được ánh sáng từ bi tiếp dẫn của đức Di Đà. Ngoài ra, yếu tố chuyển động còn được truyền tải qua hình ảnh sóng nước uốn lượn trên mặt ao sen. Giống như phong cách trang trí sóng nước trên các chuông đồng thời chúa Nguyễn, ở trên mộc bản này tuy chỉ với cách tạo hình đậm nhạt cộng sự phân chia khoảng cách hợp lý giữa các đường nét đơn giản nhưng cũng đủ để tạo nên điểm nhấn nhẹ nhàng cho phần cuối cùng của Thánh cảnh Tây phương.

NHẬN ĐỊNH

“Niệm Phật công cứ, xét theo pháp môn của Tịnh độ, phàm người tín tâm niệm phật nguyện sanh về cõi Tây phương, lúc lâm chung được được nương nguyện lực của Phật mà tiếp dẫn, hóa sanh trong hoa sen, thành bậc Chánh đẳng giác, quyết không nghi ngờ. Phàm  niệm 10 tràng chuỗi chấm một điểm, mỗi lỗ khuyên chấm 5 điểm, tổng cộng có 2000 khuyên, tính ra hơn 100.000 chuỗi tràng. Giao phó cho những người có lòng tin tên:… pháp danh:… luôn nghĩ về Tịnh độ, quyết chí vãng sanh, buông bỏ mọi duyên, một lòng niệm Phật”. 

Thông qua nội dung văn khắc trên, chúng ta vô tình mở ra cánh cửa thời gian, vén lên bức màn quá khứ, truy về cội nguồn phương pháp hành trì pháp môn Tịnh độ của tín đồ Phật giáo cách đây hơn 300 năm trước. Từ đó, thấy được phương tiện khéo léo, uyển chuyển và thực dụng trong việc khuyến khích tín đồ niệm Phật của chư Tổ sư ngày xưa. Đồng thời, cũng thấy rõ tầm ảnh hưởng lớn của Phật giáo trong đời sống tinh thần người Việt thế kỷ XVIII-XIX.

Ngoài việc là một văn khắc có công năng sử dụng để truyền đạt thông tin tín ngưỡng tôn giáo, mộc bản niệm Phật công cứ Tổ đình Tường Vân còn là một tác phẩm đồ họa đặc sắc, có giá trị nghệ thuật tạo hình vô cùng cao. Qua những đường nét chạm khắc tinh tế, người nghệ nhân đã thổi hồn vào tác phẩm, khiến nó không còn bị bó buộc vào nội dung của những con chữ khô khan mà chính những yếu tố nghệ thuật về đường nét, nhịp điệu đó đã làm cho nội hàm bức tranh trước mắt trở nên sống động, khiến người xem như đang hóa thân vào thế giới Tịnh độ vô ưu. 

 

 

Chú thích:

* Đại đức Thích Nhật Tấn, Học viên Cao học khóa II Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.

[1] Tam giới gồm có: Cõi dục, Cõi sắc và Cõi vô sắc. Cửu địa có khi còn gọi là Cữu hữu hoặc cữu chúng sanh cư hoặc cữu tình cư. Nghĩa là chỗ cư trú của các loài hữu tình. Cõi dục gồm ngũ thú tạp cư địa (tức trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh); Cõi sắc gồm cõi Ly sanh hỷ lạc, cõi định sanh hỷ lạc, cõi ly hỷ diệu lạc, cõi xả niệm thanh tịnh; Cõi vô sắc gồm cõi không vô biên xứ, cõi thức vô biên xứ, cõi vô sở hữu xứ, cỏi phi tưởng phi phi tưởng xứ.

[2] Đại thừa khởi Tín luận, quyển hạ Ngài Mã Minh có Nói: “Tín có bốn loại:  Một là lòng tin căn bản, tức là ưa thích pháp Chân Như; Hai là tin Phật có đầy đủ vô biên công đức, tức là thường thích đảnh lễ, cung kính cúng dường, khéo nghe chánh Pháp, như pháp tu tập, hồi hướng về Nhất thiết trí; Ba là Tin vào Pháp có lợi ích lớn, tức là thường ưa tu tập các hạnh ba la mật; Bốn là Tin vào Tăng có phẩm hạnh, tức là thường cúng dường các vị Bồ tát, chánh tu các hạnh lợi mình lợi người”.

[3] Luận Đại Trí Độ có dạy: “Trang nghiêm thế giới Tịnh Độ là việc to lớn, không chỉ dùng công đức mà cần phải có nguyện lực, giống như sức mạnh con trâu có thể kéo xe mà cần phải có người đánh xe mới đi được. Nguyện sanh Tịnh Độ thế giới cũng như vậy, phước đức ví như sức con trâu, nguyện lực ví như người đánh xe”. Khi có niềm tin vững vàng rồi phát nguyện tu tập theo pháp môn Tịnh Độ. Nguyện lực kiên cố thì năng lực tu học mới mạnh mẽ, chí nguyện vãng sanh vững vàng, không bị giao động trong quá trình tu học và lập trường giải thoát.

[4] Bát Nhã Kinh có dạy: “Như vị Bồ Tát, từ khi vừa thấy hình tượng Phật rồi cho đến lúc chứng đắc vô thượng Bồ Đề, cũng không xa rời tác ý niệm Phật”.  Thực hành việc tu Niệm Phật, hạ thủ công phu Niệm Phật tinh tấn, còn từ bỏ các điều ác làm tất cả các việc lành, phát tâm Bồ Đề, hồi hướng công đức có được cho tất cả chúng sanh, nguyện đồng sanh Tây Phương.  

[5] Nghĩa là trong khi niệm Phật, tâm vừa niệm Phật vừa quán tưởng đến Đức Phật A Di Đà với thân tướng trang nghiêm ở cõi Cực Lạc. Có 3 phương pháp quán tưởng là: Kinh hành quán tưởng niệm Phật, Tọa thiền quán tưởng niệm Phật, Lễ Phật quán tưởng niệm Phật.

[6] Quán tượng tức là thỉnh một bức tượng Phật A Di Ðà, rồi vừa niệm Phật vừa quán tưởng tướng hảo trang nghiêm của Phật A Di Ðà, nhất là ánh hào quang tướng bạch hào giữa hai mắt. Thường thường quán tượng để niệm Phật rất dễ đắc Niệm Phật Tam muội, đạt tới nhất tâm bất loạn.

[7] Thực tướng niệm Phật tức niệm mà không niệm, không niệm mà niệm, lúc đó hành giả đi vào tham thiền. Cho nên người hiểu rõ niệm Phật chân chính không phản đối tham thiền; người hiểu rõ tham thiền chân chính cũng chẳng phản đối niệm Phật. Chẳng những không phản đối niệm Phật mà cũng chẳng phản đối Giáo Tông, Mật Tông, Luật, Mật, Tịnh nhưng hợp lại thì “nhất tông bất lập”, một tông cũng chẳng có, tất cả đều hổ trợ lẫn nhau, tông này cùng tông nọ đều có mối tương quan với nhau.

[8] Chùa Thiên Phước còn có tên là chùa Pháp Vân, tục gọi là chùa Khoai, một danh lam cổ tự nằm phía Tây Nam kinh thành Phú Xuân. Người lập tự là bà Trần Thị Thiên (tức Cơ) thọ Ưu-bà-di giới pháp danh Thành Tú vào năm Vĩnh Khánh thứ 4 [1733]. Sau khi hoàn tất công trình, bà thỉnh thiền sư Phật Thanh Huyền Khê từ Đông Phố (Đồng Nai) ra Thuận Hóa về trú trì. Ngôi cổ tự này chính thức bị triệt giải từ năm 1866, sau khi kế hoạch đảo chính vua Tự Đức trong cuộc khởi nghĩa Chày Vôi do hai anh em Đoàn Trưng, Đoàn Trực và nhà sư Nguyễn Văn Quý khởi sự.

[9] Đây là loại gỗ có vân sớ đa chiều rất thích hợp cho việc chạm khắc những họa tiết trang trí đòi hỏi độ tỉ mỉ và chính xác cao.

 

ĐĐ. Thích Nhật Tấn/TCVHPG403

Tài liệu tham khảo:

[1] Phan Lê Chung (2018), “Phong cách trang trí trên chuông đồng thời chúa Nguyễn tại cố đô Huế”, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, số 24, tr.47-53.

[2] Thích Không Nhiên (2018), “Chùa Khoai-Pháp Vân-Thiên Phước tự qua khảo sát các nguồn sử liệu cổ”, Tạp chí Liễu Quán, số 15, Nxb. Thuận Hóa, tr.96-103.

[3] Nguyễn Hữu Thông, Lê Thị Như Khuê (2015), “Dấu ấn đặc trưng về mặt tạo hình trong bản khắc niệm Phật công cứ”, Tạp chí Liễu Quán, số 6, tr.72-81.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin