Chi tiết tin tức Mối quan hệ giữa cha mẹ & con cái theo Phật giáo 21:35:00 - 07/09/2018
(PGNĐ) - Trong xã hội loài người, có rất nhiều mối quan hệ bắt buộc một người phải trải qua. Tùy mỗi mối quan hệ, con người cần phải thể hiện bổn phận trách nhiệm cũng như được hưởng những quyền lợi từ mối quan hệ đó. Trong tất cả mối quan hệ tồn tại thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là quan trọng, thiêng liêng và có sự ràng buộc hay nương tựa nhau nhiều nhất.
Về mối quan hệ này, Đức Phật đã giảng dạy qua nhiều bài kinh được ghi chép trong hệ thống kinh Nguyên thủy và Đại thừa. Tác giả Thích Đạo Phong cũng đã phân tích mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được Đức Phật dạy trong kinh Thiện Sinh.1 Bài viết này sẽ tiếp tục bàn thêm về mối quan hệ này nhằm làm rõ hơn vai trò trách nhiệm của cha mẹ. Trên cơ sở đó, bổn phận người con được nhấn mạnh theo tinh thần Phật giáo.
Nhân duyên quyến thuộc
Sự kết thân trở thành mối quan hệ cha mẹ và con cái là do nghiệp duyên. Theo Phật giáo, có bốn loại duyên nghiệp đưa đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong kiếp hiện tại. Đó là người con sẽ báo ân, người con sẽ báo oán, người con sẽ đòi nợ và người con sẽ trả nợ.2 Theo thuyết này, chúng ta có thể bổ sung trường hợp nghiệp duyên tương trợ tức là cha mẹ và con cái nương tựa nhau theo nhân quả bình đẳng mà không phải nghiêng về một bên nào chịu quả tích cực hay tiêu cực.
Nhân duyên tạo nên mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được Đức Phật dạy trong kinh Trung bộ. Có ba yếu tố cần thiết tạo nên một bào thai để sau này trở thành người con. Ba yếu tố đó là cha mẹ có giao hợp, người mẹ trong thời kỳ có thể thụ thai, và hương ấm hay tâm thức có hiện tiền.3 Như vậy, cả ba yếu tố không tự độc lập quyết định tạo nên mối quan hệ cha mẹ con cái theo ý muốn mà chính “duyên nghiệp” mới là điều kiện quyết định.
Một người học Phật và hiểu giáo lý nhân duyên nghiệp thì sẽ không có thái độ trách cứ người đã tạo ra thân phận con người hay ngược lại. Điều cần làm là người con và cả cha mẹ nên chấp nhận thân phận của mình để chuyển nghiệp.
Cha mẹ đối với con cái
Thông thường, cha mẹ sinh con cái là vì tình thương yêu đối với đứa con do chính mình tạo ra. Một cặp vợ chồng trước khi sinh con thường có mong muốn làm cha mẹ và có sự chuẩn bị chu đáo. Trong trường hợp “vỡ kế hoạch” hay “ngoài ý muốn” thì cha mẹ có tình thương con cũng sẽ chăm sóc đầy đủ cho con khôn lớn. Chính tình thương khiến cha mẹ nuôi con không quản gian lao khó nhọc và không kể công nuôi nấng. Những bậc cha mẹ có tình thương con cái, nuôi chúng lớn khôn và tạo điều kiện tốt cho chúng vào đời được Đức Phật ví như Phạm Thiên đáng được cúng dường.4
Xưa nay, có rất nhiều câu ca dao và thơ văn ca ngợi về ân đức của hai đấng song thân. Những câu ca dao như “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” hay “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng…” đã ăn sâu vào tâm thức của những người con Việt. Thật sự may mắn cho những người con có được hai đấng sanh thành có nhiều tình thương yêu đối với con cái.
Tuy nhiên, điều bất hạnh vẫn xảy ra đối với một số ít người con bị những bậc cha mẹ không có tình thương, thậm chí nhẫn tâm với con cái. Nó thể hiện qua việc cha mẹ không biết lo toan cho con hay hy sinh cho con. Có bậc cha mẹ còn bỏ rơi con, đánh con, bắt con phải làm để phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ của mình cho dù chúng còn rất nhỏ bé và ngây thơ. Hình ảnh những trẻ em ăn xin mà không được thọ hưởng là một ví dụ.
Bằng tuệ giác thấy rõ nhiều hạng cha mẹ khác nhau, Đức Phật đã đưa ra năm bổn phận dành cho các bậc cha mẹ đối với con cái được ghi lại trong kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt. Năm bổn phận bao gồm: ngăn chặn con làm điều ác, khuyến khích con làm điều thiện, dạy con nghề nghiệp, cưới vợ gả chồng xứng đáng cho con, đúng thời trao của thừa tự cho con.5
Dựa vào lời dạy của Đức Phật, mặc dù tình thương của cha mẹ đối với con cái là thiêng liêng nhưng cũng phải có bổn phận cụ thể. Năm bổn phận này đã được nhiều bậc tôn đức giảng giải. Ở đây, người viết bàn thêm về điều một, hai và năm để làm rõ bổn phận của cha mẹ theo lời Phật dạy. Điều một và hai nhấn mạnh bổn phận của cha mẹ về việc giáo dục con cái để chúng tránh ác làm thiện. Vấn đề đặt ra là cha mẹ giáo dục con cái như thế nào để làm trọn bổn phận của mình.
Theo nền văn hóa phương Đông, cha mẹ thường giáo dục con cái tại môi trường gia đình. Ở đây, cha mẹ dạy con cái các phép tắc lễ nghi hàng ngày như thưa, chào, chắp tay, vòng tay…, vâng lời cha mẹ, ông bà, người lớn…, tránh xa bạn xấu, nên gần bạn lành, nói lời lịch sự, không nói lời thô tục..., tránh giết hại vô cớ, tránh gây gổ người khác, có tình thương người và động vật… Những cách thức chung này các bậc cha mẹ có tình thương con đều áp dụng dạy con. Một trong các yếu tố tạo nên hiệu quả của cách giáo dục này là tấm gương từ cha mẹ. Thật khó cho con cái trở nên tốt khi cha mẹ nói và làm mâu thuẫn nhau. Chẳng hạn như cha mẹ dạy con nói lịch sự nhưng cha mẹ hay chửi thề… thì hiệu quả giáo dục khó thành công.
Theo truyền thống Phật giáo, tất cả những bậc cha mẹ Phật tử phải học và hành theo lời Phật dạy. Sự thực hành đúng bổn phận của người Phật tử tại gia là các bậc cha mẹ đã đóng góp một phần lớn trong việc giáo dục con cái theo Phật giáo. Từ cơ sở đó, cha mẹ có thể dễ dàng giáo dục con trở thành Phật tử. Có thể nói, sự giáo dục con cái tránh ác và làm thiện không gì có thể so sánh bằng hướng dẫn con cái trở thành Phật tử và tu học Phật pháp ngay từ khi chúng còn nhỏ. Chỉ cần hướng dẫn con cái quy y Tam bảo và thực hành năm giới hay năm điều đạo đức của Phật giáo là các bậc cha mẹ có thể hoàn thành bổn phận giáo dục đạo đức của mình.
Rất tiếc, nhiều bậc cha mẹ đã không quan tâm giáo dục con cái trở thành Phật tử. Tình trạng cha mẹ là Phật tử, con cháu không tiếp tục là Phật tử rất phổ biến ở Việt Nam ngày nay. Việc cha mẹ hướng dẫn con cái trở thành Phật tử ngay từ nhỏ để chúng được giáo dục đạo đức tránh ác làm thiện là hoàn toàn khả thi. Nó dễ hơn nhiều so với việc con cái thuyết phục cha mẹ quy y Tam bảo. Điều này sẽ trình bày bên dưới.
Về điều năm, Đức Phật dạy cha mẹ đúng thời trao của thừa tự cho con. Theo ngôn ngữ hiện đại, điều năm được hiểu là cha mẹ đúng thời trao di chúc cho con. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với các bậc cha mẹ có tài sản, còn những người không có tài sản thì không thể áp dụng được. Với trường hợp một, mặc dù Đức Phật dạy rõ ràng nhưng không nhiều bậc cha mẹ Phật tử thực hiện bổn phận trao di chúc. Dù lý do gì đi nữa, nếu không trao di chúc cho con khi còn sống để khi chết con cái tranh giành là chưa thực hiện trọn vẹn bổn phận cha mẹ đối với con cái theo Phật giáo. Nội dung di chúc như thế nào cha mẹ có toàn quyền quyết định khi còn minh mẫn.
Như vậy, bổn phận của bậc cha mẹ Phật tử đối với con cái theo lời dạy của Đức Phật cần được được thực hành ít nhất trong cộng đồng Phật tử.
Con cái đối với cha mẹ
Đáp lại công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ, các người con phải thể hiện lòng hiếu thảo hay thực hành đạo hiếu. Phật giáo khẳng định công ơn cha mẹ thật bao la vô bờ bến. Do đó, thực hành đạo hiếu cũng phải tương xứng mới làm tròn đạo làm con. Ở đây, trường hợp những đứa con bất hiếu không bàn.
Công ơn cha mẹ thật sự là bao la vô bờ bến. Khi thai đã đậu, người mẹ phải mang chín hay mười tháng, rồi sinh đẻ với sự lo âu đối với bào thai ấy. Sau khi đã sinh, người mẹ nuôi con với sữa của mình.6 Trong kinh Tăng nhất A-hàm, Đức Phật dạy: “Cha mẹ ân nặng, bồng bế, nuôi dưỡng, làm cho người con khôn lớn nên người…”7 Kinh Báo đáp công ơn cha mẹ giải thích chi tiết hơn bao gồm mang thai chín tháng, sinh sản đau đớn, nuôi con khổ nhọc, cho con ăn thức ăn dễ tiêu, nhịn đói dành thức ăn cho con, chịu thiệt thòi vì con, giữ cho con sạch sẽ, lo lắng khi con đi vắng và vì con chịu tội.8 Tuy nhiên, dù kể đại cương hay chi tiết về công ơn cha mẹ, chúng ta không thể không kể đến năm bổn phận của cha mẹ như đã nêu ở phần trên.
Sau khi dạy về năm bổn phận của cha mẹ, Đức Phật cũng dạy về bổn phận của người con. Năm bổn phận của người con bao gồm cung kính vâng lời cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ khi cha mẹ già yếu, giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình, bảo quản tài sản do cha mẹ để lại và lo lễ tang chu đáo khi cha mẹ qua đời.9 Những bổn phận dành cho người con rất thiết thực và một người con hiếu thảo, có tình thương cha mẹ có thể làm một cách trọn vẹn. Trong năm điều trên, chỉ có điều thứ ba là người Phật tử cần lưu ý thêm. Nếu truyền thống gia đình là Phật giáo thì người con hiếu thảo phải nhớ giữ gìn và phát huy truyền thống ấy. Người con hiếu thảo không được và không nên từ bỏ truyền thống Phật giáo cao đẹp của gia đình mình dù cho bị ép buộc hay dụ dỗ với bất cứ hình thức nào.
Bổn phận hay sự báo ân của người con cũng được đề cập ở khía cạnh giúp đỡ cha mẹ với vai trò như là một người hướng dẫn đời sống đạo đức tâm linh. Trong kinh Tăng chi có bốn cách báo ân cha mẹ được ghi lại. Một là nếu cha mẹ chưa có đức tin Tam bảo thì người con hướng dẫn, tạo duyên cho cha mẹ tin sâu Tam bảo. Hai là nếu cha mẹ có tâm bỏn xẻn, tham đắm luyến tiếc của cải vật chất thì người con khuyên cha mẹ bố thí cho người bất hạnh, cúng dường Tam bảo. Ba là nếu cha mẹ làm ác thì người con khuyên cha mẹ làm lành, bỏ ác. Bốn là nếu cha mẹ có tà kiến theo tà đạo mê tín thì người con khuyên cha mẹ học Phật pháp, quay về Chánh pháp.10
Bốn cách báo ân vừa nêu có lẽ dành cho những người con là bậc đạo sư, các nhà tâm linh, hay những Phật tử thuần thành có tu học thành công bởi những người con chưa đạt tiêu chí trên thì khó có thể thuyết phục được cha mẹ. Tuy nhiên, thực hành được bốn điều trên đối với cha mẹ là sự tri ân cao quý và đầy đủ.
Điều một áp dụng cho gia đình cha mẹ chưa là Phật tử vì nếu cha mẹ đã là Phật tử thuần thành thì ắt phải tin sâu Tam bảo. Trong trường hợp này, người con trở thành Phật tử trước rồi giúp cha mẹ trở thành Phật tử tin sâu Tam bảo như trường hợp của ngài Xá-lợi-phất độ mẹ.
Điều hai, có những bậc cha mẹ vì nghiệp lực nên vẫn còn bị tham lam, bỏn xẻn làm khổ. Những người con có tâm rộng lượng tạo nhiều phước báu có thể giúp cho cha mẹ chuyển được bớt nghiệp xấu này.
Điều ba nói về nghiệp xấu của một số người khi làm cha mẹ. Sự thật thì không phải tất cả cha mẹ đều có đạo đức vì vẫn có những bậc làm cha mẹ phạm pháp, chịu tù tội. Trong trường hợp này, nếu người con có đạo đức, có phẩm hạnh tốt thì có thể giúp cha mẹ xa lìa con đường xấu ác.
Điều bốn thuộc trường hợp cha mẹ tin theo tà kiến. Có hai trường hợp xảy ra: một là cha mẹ là Phật tử nhưng do không nghe học giáo pháp nên tin theo tà kiến; hai là cha mẹ không phải là Phật tử nên tin theo tà kiến ngoại đạo. Người con do tu học Phật pháp thấy giá trị cao quý của đạo Phật nên khéo léo đưa cha mẹ tin theo Chánh pháp. Sự thành công trong việc này phụ thuộc vào sự tu tập của người con.
Bản kinh Báo đáp công ơn cha mẹ thì dạy các cách báo hiếu theo tu tập và tạo phước. Kinh ghi là nếu các người con muốn báo đáp ân dày của cha mẹ thì phải thực hiện các điều như sau: biên chép và lưu truyền kinh này, vì cha mẹ tụng kinh, ăn năn tội lỗi, cúng dường Tam bảo và tu phước để cầu nguyện cho cha mẹ, giữ gìn tam quy và năm giới. Bản kinh này dạy người con phương cách báo hiếu cho cha mẹ không chỉ khi đã qua đời mà còn thiết thực khi cha mẹ còn tại thế. Sự tu tập bản thân để hồi hướng cho cha mẹ khi họ còn hiện tiền vẫn có giá trị nhất định. Việc lưu truyền kinh, tụng kinh, cúng dường, tạo phước thực chất là tạo phước cho chính người thực hành. Giữ tam quy và năm giới cũng như sám hối tội lỗi là những điều thực hành của người Phật tử. Khi bản thân tốt thì cha mẹ cũng hưởng theo như là cộng nghiệp. Làm trọn bổn phận căn bản của người Phật tử cũng là báo hiếu.
Từ ba bản kinh trên, có thể rút ra hai cách báo hiếu cho cha mẹ là phụng dưỡng cha mẹ và hướng dẫn cha mẹ trở thành Phật tử khi cha mẹ còn sống và tạo phước cầu nguyện cho cha mẹ khi họ đã qua đời. Phương cách báo hiếu bằng cách giúp cha mẹ trở thành Phật tử để tu tập Phật pháp thường được cho là điều tối thắng so với đạo hiếu thế gian. Điều đó đúng trong trường hợp cha mẹ chưa là Phật tử hay đã là Phật tử nhưng chưa có cơ hội tu học Phật pháp. Dù cha mẹ đã là Phật tử hay chuẩn bị là Phật tử do người con hướng dẫn thì chính các người con phải là Phật tử thuần thành và có tu học Phật pháp mới quan trọng. Nói cách khác, báo hiếu trong đạo Phật hơn thế gian ở điểm là các người con phải là Phật tử, có thực tập Phật pháp. Bởi vì chính sự thực tập Phật pháp thì người con mới có chánh kiến, có công đức phước báu, có uy tín để hướng dẫn cha mẹ theo Phật pháp. Nếu không như vậy, phương pháp báo hiếu tối thắng này sẽ khó thành công.
Thay lời kết
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là rất thiêng liêng. Đức Phật thấy rõ công ơn cha mẹ đối với con cái nên đã dạy các người con các phương pháp báo hiếu để trở thành người con có hiếu, nền tảng đi đến bậc Thánh. Đối với bậc cha mẹ, Đức Phật cũng dạy trách nhiệm đối với con cái. Do đó, để mối quan hệ trở nên tốt đẹp thì cha mẹ và con cái nhớ thực hành các bổn phận như Phật đã dạy. Năm trách nhiệm của cha mẹ và năm bổn phận của người con rất thiết thực và rất cần được thực hành trong xã hội loài người để cuộc sống gia đình trở nên hạnh phúc, xã hội bình yên.
Thích Hạnh Chơn _________________ (1) Thích Đạo Phong, Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong kinh Thiện Sinh, http://phatgiao.org.vn/loi-phat-day/201305/Moi-quan-he-giua-cha-me-va-con-cai-trong-kinh-Thien-Sinh-10677, truy cập ngày 24/72017. Kinh Thiện Sinh cũng có tên khác là kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt. (2) http://kienthuc.net.vn/thien/nhan-qua-nghiep-bao-giua-cha-me-con-cai-khong-phai-ai-cung-biet-660318.html, truy cập ngày 25/7/2017. (3) Thích Minh Châu dịch, kinh Trung bộ, Đại kinh Đoạn tận ái, Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2012, tr. 328. (4) Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng chi bộ, chương IV, phẩm Nghiệp công đức, phần Bằng với Phạm Thiên, Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr. 414. (5) Thích Minh Châu dịch, kinh Trường bộ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2013, tr. 628. (6) Thích Minh Châu dịch, kinh Trung bộ, Đại kinh đoạn tận ái, Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2012, tr.328. Ngày nay, nhiều bà mẹ không cho con bú sữa của mình vì sợ hư dáng. (7) Kinh Tăng nhất A-hàm, chương hai pháp, phẩm Thiện tri thức, kinh số 11, https://thuvienhoasen.org/p16a11265/hai-phap, truy cập ngày 2-8-2017. (8) Thích Huệ Đăng dịch, kinh Báo đáp công ơn cha mẹ, Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2008, tr.34-35. (9) Thích Minh Châu dịch, kinh Trường bộ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2013, tr.628. (10) Thích Minh Châu dịch, kinh Tăng chi, chương II, phẩm Tâm thăng bằng, Hà Nội: Nxb.Tôn Giáo, 2015, tr.98-99.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |