Chi tiết tin tức Một đóa hoa dâng đời 20:34:00 - 04/08/2022
(PGNĐ) - Trong không khí ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), chúng ta có dịp cùng nhau ôn lại những câu chuyện bi hùng.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ, Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh. Áo bào thay chiếu, anh về đất, Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. (Bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng) Các anh chị ở những ngày đẹp nhất của cuộc đời mình, đã hiến dâng tuổi xuân và máu thịt nhuộm thắm màu cờ Tổ quốc, gìn giữ toàn vẹn non sông gấm vóc. Những trang sử được viết bởi máu và nước mắt. Ngày đất nước ta hội ngộ Bắc – Nam, nối liền một dải tự do là ngày có được bởi bao ngày chia ly, bởi những cuộc hẹn ước sẽ mãi không thành và bởi bao con người đã ngã xuống: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa, Gục lên súng mũ bỏ quên đời! …. Tây Tiến người đi không hẹn ước, Đường lên thăm thẳm một chia phôi”. (Bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng) Bi nhưng không luỵ, vì khi ấy đâu ai tiếc nuối những gì đã trao đi. Thế hệ trước, họ đã chọn là những bông hoa rực rỡ nhất, sống với “Mặt trời chân lý chói qua tim” (Bài thơ Từ ấy – Tố Hữu), gieo vào đất những cánh hoa, để từ đó đất lại sinh sôi và viết tiếp những câu chuyện của mai sau. BIẾT ƠN VÀ TRI ÂN VỚI TRÍ TUỆ Nếu chỉ còn một ngày để sống Làm sao ta trả ơn cuộc đời Làm sao ta đền đáp bao người Nâng ta lên qua bước đời chênh vênh. (Nếu chỉ còn một ngày để sống – Nguyễn Hồng Ân) Có lẽ, khi chỉ còn một ngày duy nhất trên cõi đời này, người ta mới thật sự thấu hiểu sự quý giá của cuộc sống. Từ khi sinh ra đến khi kết thúc một kiếp người, chúng ta vẫn thường cho rằng nhiều sự vật, sự việc hoặc hiển nhiên tồn tại, hoặc vô cớ xảy đến, mà ít khi quán chiếu và dùng trí tuệ đi đến góc nhìn minh triết để nhận ra bản chất thật sự của vấn đề. Khi vừa mang được thân người, nghĩa là ta đã thọ nhận ân sâu nghĩa dày của bao con người có công khai khẩn mở hoang, gìn giữ nước non, làm nên văn minh, bảo tồn văn hoá rực rỡ của dân tộc Việt Nam. Còn được sống là còn chịu ơn trên vai. Ơn đồng bào, ơn Tổ quốc. Sự sống ngày hôm nay không thể nào hiển nhiên, mà là cả sự gánh gồng, đánh đổi của bao đời, bao kiếp, bao người. Cuộc sống này quý không? Hãy hỏi một người đang thoi thóp giành giật từng hơi thở trên giường bệnh. Hãy hỏi một quân y thời chiến khi nhìn thấy đồng đội mình người còn, kẻ mất. “Một buổi ngồi bên giường bệnh Lâm, Lâm bị một mảnh đạn cối cá nhân xuyên vào tuỷ sống, mảnh đạn ác nghiệt đã giết chết một nửa người Lâm – từ nửa ngực trở xuống, Lâm hoàn toàn bại liệt, lở loét và biết bao nhiêu đau đớn hành hạ Lâm…, một mảnh đạn nhỏ đã giết hại đời Lâm một cách đau đớn. Lâm chưa chết nhưng chỉ còn nằm chờ để chết. Đứt tủy sống…” [1]. Hay gần nhất, hãy hỏi những y bác sĩ ngày đêm gồng mình chiến đấu giành giật sinh mạng bệnh nhân COVID-19 từ tay tử thần. Tự do có quý không? Khi giờ đây, ta sống với tự do là điều chẳng cần bàn cãi. Đã có một thời như thế, khi dân tộc vẫn lao đao: “Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao. Nhưng Thuỳ ơi! Hãy ghi đi, ghi cho đủ tất cả những máu xương, mồ hôi nước mắt của đồng bào ta đã đổ hai mươi năm nay” [2]. Những ngày đau đáu chờ đón độc lập: “Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao? Nụ cười sẽ ra sao?… Ơi, độc lập! Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc Khi tự do về chói ở trên đầu”. (Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên) Còn nhiều và nhiều hơn nữa những câu chuyện đau thương mà hùng tráng được kể lại. Cuộc sống ngày nay tuy đã bình lặng, nhưng chúng ta không được quên, mãi không được quên. Ta sống để mà nhớ lấy. Đức Thế Tôn đã chỉ rõ: “Nếu cái này có, cái kia có, do cái này sanh, cái kia sanh, nếu cái này không có, cái kia không có, do cái này diệt, cái kia diệt,…” [3]. Khi quán chiếu sự việc dưới góc nhìn Duyên khởi, ta mới thấu hiểu tận cùng ý nghĩa của sự sống này. Có thế, lòng biết ơn mới thực sự sâu đậm và chân thật. Vì sự biết ơn cũng như hành động thể hiện sự tri ân không đơn giản như những con chữ cấu tạo nên chúng. Nên việc thấu hiểu nếu quá khứ không có, lịch sử hào hùng chẳng còn thì ta ngày hôm nay cũng chẳng hề tồn tại là vô cùng cần thiết. Với sự hiểu biết như thế, chúng ta sẽ nhận rõ sự thật rằng sinh mạng này tồn tại không phải hiển nhiên. Thiết nghĩ, những người đã nằm xuống không hề mảy may gợn nghĩ thế hệ con cháu phải ghi ơn và đền đáp bao giờ. Điều ý nghĩa nhất chúng ta thực hiện được để bày tỏ tấm lòng tri ân khắc cốt ghi tâm cũng chẳng cần phải vĩ đại, kinh thiên động địa, mà đơn giản chính là sống tốt phần đời của mình, sống vẹn toàn và rực rỡ như cha anh đã từng. Được như thế đã quý lắm rồi. MỖI NGƯỜI LÀ MỘT BÔNG HOA TỎA HƯƠNG, GIỮ VỮNG TINH TẤN ĐỂ SỐNG TRỌN VẸN VÀ Ý NGHĨA VỚI SỨ MỆNH CỦA MÌNH CHÍNH LÀ SỰ TRI ÂN, BÁO ĐỀN CHO THẾ HỆ ĐI TRƯỚC Sống ở đời, ai cũng muốn được yêu thương và tôn trọng. Giống như một bông hoa giữa vườn, bông hoa nào cũng muốn toả hương thơm ngát và khoe sắc rực rỡ để được mọi người nhớ đến. Ví như hoa hướng dương luôn rực rỡ vươn về phía mặt trời, hoa sen nhu mì và thanh tịnh giữa ao hồ thì cũng có những bông hoa khẽ đưa hương dịu dàng, kín đáo về đêm như hoa nhài hay hoa quỳnh. Mỗi loài mỗi vẻ, cũng như giữa người với người, có ai nào giống ai. Tuy nhiên, Đức Phật đã chỉ ra điểm chung để một con người luôn được nhớ đến, một loài hương luôn bay xa: “Ít giá trị hương này, Hương già la, chiên đàn; Chỉ hương người đức hạnh, Tối thượng tỏa Thiên giới”. (Kinh Pháp Cú số 56) Một thời Đức Phật cùng với chúng đại Tỳ kheo cư trú ở vườn Cấp-cô-độc, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đến gặp Đức Phật. Đến rồi, Tôn giả đầu mặt lễ chân Đức Phật, chắp tay cung kính mà bạch Đức Phật: – Thế Tôn! Con có chút nghi ngờ muốn hỏi, kính mong Đức Thế Tôn giảng giải cho con rõ. Rồi Tôn giả A-nan nói: “Con thấy thế gian có ba loại hương là hương thơm của rễ, hương thơm của hoa và hương thơm của hạt. Ba loại này lan tỏa khắp nơi, có gió cũng nghe, mà không có gió cũng nghe. Hương ấy là gì?”. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan: “Ông chớ nói ba loại hương này lan tỏa khắp nơi có gió cũng nghe được mà không có gió cũng nghe được. Ba loại hương này dù có gió hay không có gió cũng lan toả khắp khắp nơi, nhưng không nghe được. A-nan! Nay ông muốn nghe loại hương lan tỏa khắp nơi có gió hay không có gió cũng nghe thì phải lắng nghe kỹ, Ta sẽ nói cho ông nghe”. A-nan thưa Phật rằng: “Thế Tôn! Nay con muốn nghe, mong Thế Tôn vì con mà nói rõ”. Phật bảo A-nan: Những loại hương ấy dù có gió hay không có gió cũng lan tỏa khắp mười phương. Ở thế gian, nếu có cận sự nam [4], cận sự nữ [5] giữ gìn tịnh giới và làm các pháp lành, như: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, thì hương giới của những cận sự nam, cận sự nữ ấy lan tỏa khắp mười phương và được chúng sanh ở mười phương kia đều khen ngợi. Những chúng sanh ấy tuyên truyền: “Ở trong thành nọ có cận sự nam, cận sự nữ như vậy, giữ gìn tịnh giới của Phật và làm các pháp lành, như không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu,… Người nào thực hành đầy đủ giới pháp ấy, thì người đó được hương thơm của giới như vậy. Dù có gió hay không có gió hương thơm ấy cũng tỏa khắp mười phương và được tất cả chúng sanh nghe biết khen ngợi, kính mến”. Bấy giờ, Thế Tôn mà nói kệ: Tất cả hoa quả ở thế gian Cho đến trầm đàn, long xạ hương, Những loại hương ấy không lan tỏa Chỉ nghe hương giới tỏa khắp nơi Chiên-đàn, Uất-kim và Tô-hợp, Hoa Ưu-bát-la và Ma-lệ Trong các loại hoa hương quý ấy Chỉ có giới hương là tối thượng. Các loại trầm đàn ở thế gian, Hương ấy dù thơm nhưng không tỏa, Còn hương người trì tịnh giới Phật Chư thiên đều nghe cùng ái kính. Như vậy tròn đầy giới thanh tịnh, Cho đến siêng năng làm việc lành, Người ấy hay mở trói thế gian, Tất cả các ma thường tránh xa [6]. Thật vậy, vật chất không quyết định giá trị bản thân, mà chính sự tinh tấn giữ giới, cốt hầu điều phục thân tâm, trở thành người sống đúng với chân chánh, hoàn thành sứ mệnh với trái tim từ bi ở kiếp này của mình mới là điều quan trọng trong đời sống mỗi người. Vì sao chỉ đơn giản với việc tịnh giới và làm các pháp lành lại tạo nên tôn nghiêm của một người nhiều đến vậy? Mà hơn cả thế, lại chính là sự báo ân với thế hệ cha anh đã hy sinh cho độc lập dân tộc? Bởi việc nói thì dễ, có đi vào thực hành mới thấy khó vô cùng. Hơn nữa, ở thời đại ngày nay, khi cuộc sống hiện đại, cởi mở với quá nhiều sự lựa chọn để giải trí, việc thực hành nâng cao đời sống tâm linh, giữ gìn pháp thiện lại càng nan giải hơn. Đã bảo lần chúng ta giải đãi với sự tu tập? Có lẽ là không ít. Vì khó, nên đáng quý. Việc vượt qua những thử thách ấy với lắm sự đời sóng gió, ô trược như những bài thi nan giải, để rồi từng bước lần tìm ánh sáng Chánh đạo, noi theo gương Đức Phật Thích Ca, quyết lòng trở thành con người tốt hơn, buông bỏ ngã mạn, ắt hẳn sẽ dẫn đến một xã hội, rộng ra là một thế giới an lành hơn. Từ đó, cũng phần nào an ủi anh linh của người đã khuất. Vì suy cho cùng, cha ông ta chỉ mong mỏi ngày đất nước tốt đẹp hơn, đời sống mỗi người bớt lầm than và ai rồi cũng được sống trong yêu thương, từ ái. BIẾT BAO NGƯỜI ĐÃ NGÃ XUỐNG VÌ DÂN TỘC. ĐỪNG BAO GIỜ NỠ QUÊN ĐI VĂN HOÁ DÂN TỘC MÌNH! Thẳng thắn nhìn nhận, có một thực trạng khá buồn khi càng về sau, thế hệ ngày nay càng mải mê chạy theo trào lưu mà dễ quên mất gốc gác, cội nguồn. Ví như một đứa trẻ con mải ngắm nhìn những chiếc kẹo bông đủ màu sắc sặc sỡ mà đôi khi quên mất mọi điều xung quanh. Ai ơi, chữ viết mình, tiếng Việt mình, những câu hò điệu lý xàng xê cống, những điệu ả ru hời, tiếng đàn bầu… đẹp lắm. Chúng đẹp vô cùng, quý báu vô cùng vì đó chính là lịch sử của cả một dân tộc. Mỗi thế hệ lại gửi gắm vào đó chút tình, chút nghĩa nên văn hoá dân tộc mới ngọt bùi được như thế đến hôm nay. Không sai khi mỗi cá nhân chúng ta phải chuyển mình theo sự chuyển dịch của cách mạng công nghiệp hoá – hiện đại hoá. Xã hội ngày nay cũng yêu cầu con người với nhiều tiêu chí cao hơn nên chúng ta cũng chẳng thể nào cho phép bản thân dậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, sự phát triển nên dựa trên nền tảng kế thừa tinh hoa, duy trì văn hoá để phát huy rực rỡ cốt cách giống nòi. Nếu sự phát triển phải đánh đổi cả lịch sử hào hùng của một dân tộc, cả tự hào văn hoá của một thế hệ thì hiển nhiên là điều không đúng đắn. Chẳng hạn như việc trau dồi thêm ngôn ngữ khác để hội nhập, phát triển là cần thiết nhưng nếu vì vậy mà một người Việt sinh ra trên đất nước Việt Nam, lớn lên trong sự ấp ôm yêu thương của gia đình, trong tinh thần từ bi của ông bà đã truyền trao, lại không thể nói rành rẽ tiếng Việt là không nên bao giờ. Cũng như ta không thể đòi hỏi thế hệ trẻ phải am hiểu tận ngóc ngách từng cái tên anh hùng làm nên lịch sử, từng giai điệu truyền thống quê hương, từng di tích hào hùng để lại. Thế nhưng, các bạn trẻ cũng không nên nhìn những gì thuộc về quê hương, xứ sở mà cho đó là lỗi thời. Thái độ mới là điều quan trọng nhất. Có lẽ vì sự đủ đầy, thậm chí quá dư dả về vật chất nên thái độ biết ơn của một số người ở xã hội ngày nay còn lệch lạc, cũng như cho mọi điều mình đang được thụ hưởng là hiển nhiên. Cây muốn tươi tốt thì tận từ gốc rễ phải toàn vẹn đủ đầy. Đường đi vạn dặm vốn cũng bắt đầu ở bước đầu tiên. Thế nên, thái độ tốt nhất ở chính thời điểm này là không than trách hay đổ lỗi quá khứ, hoặc vả mong đợi ở một cuộc chuyển mình trong tương lai, mà là từng ngày từng giờ ta ghi nhớ tận thâm tâm cũng như dung dưỡng lòng biết ơn những gì ta có. Dần dà, ta thương hơn mỗi ngày hay mỗi người ta gặp. Trên mỗi bước đi, ta buông bỏ bớt một chút ngã mạn của mình. Đức Phật dạy có được thân người là quý. Dù rằng, vốn dĩ sinh ra đã là thân người, nghĩa là ta còn tồn tại vô cùng nhiều duyên nghiệp từ nhiều đời nhiều kiếp, những bài học kinh qua mãi chẳng xong nên mới phải lộn nhào lại đây để mà thọ khổ, mà trả nợ đời để từ bùn vươn dậy nở đóa hoa tâm sáng ngời. Biết ơn, tri ân nguồn cội, sống đúng đạo đẹp đời, gìn giữ văn hoá dân tộc, tôn nghiêm đạo đức chính là cách sống rực rỡ, ý nghĩa nhất để dâng tặng những con người đã cho chúng ta được cuộc sống như ngày hôm nay. TRAU DỒI ĐỜI SỐNG TÂM LINH MỖI NGƯỜI CŨNG LÀ CÁCH ĐỂ ĐỀN ĐÁP CÔNG ƠN Cuối cùng, nhưng vô cùng quan trọng, đừng bao giờ quên học hỏi và trau dồi đời sống tâm linh. Bởi đó mới chính là điểm tựa vững chãi nhất nương ta qua bao dãi dầu cuộc đời, để ta không những tu tâm cho chính mình, mà còn góp phần mang lại an lạc cho hương hồn người quá cố. Có hiểu, có biết và có tin, ta mới có thể miên mật dấn thân vào lời kinh, tiếng kệ, thời thiền. Khi bản thân đã vững vàng, lúc đó, ta càng có nhiều thiện duyên hơn để sám hối, hồi hướng đến những chiến sĩ trận vong. Một câu kinh vang lên là ta không chỉ đang đọc cho tâm mình, mà còn đọc cho biết bao con người còn trôi lặn chưa được gần ánh đạo vàng. Ở nơi tối tăm, tâm hồn họ được tưới tắm sự thanh mát dịu huyền của Phật pháp, được hào quang chiếu sáng mà dẫn lối tìm về. Công đức ấy, lành lắm thay! THAY LỜI KẾT Được sống đời này kiếp này, hãy là một đoá hoa toả hương đức hạnh như bao đóa hoa đã rực rỡ và đã ngã xuống cho chúng ta một ngày bình lặng như hôm nay. Khi ấy, ông cha ta ước mong cho một đất nước thanh bình, một cuộc đời rồi sẽ yên ả. Thế nên, hãy sống thật an lạc, chân thành tự tâm, yêu thương vạn loài như những gì mà người đi trước đã chiến đấu để có được. Mỗi người chúng ta, chính là một đóa hoa dâng đời.
Quốc An/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 394Chú thích: [1] Đặng Kim Trâm (chỉnh lý), Vương Trí Nhàn (giới thiệu) (2009), Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nxb. Hội Nhà Văn, tr.60-61. [2] Đặng Kim Trâm (chỉnh lý), Vương Trí Nhàn (giới thiệu) (2009), Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Nxb. Hội Nhà Văn, tr.64. [3] Thích Minh Châu dịch (2001), Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh số 115, Nxb. Tôn giáo. [4] Cận sự nam 近事男 (S: Upāsaka): Người nam tại gia thụ trì năm giới, thân cận Tam bảo, phụng sự Như Lai. [5] Cận sự nữ 近事女(S: Upāsikā): Người nữ tại gia thụ trì năm giới, gần gũi Tam bảo, phụng sự Như Lai. [6] Kinh Phật Thuyết Giới Hương (Tạp A-hàm quyển 38), Pháp Hiền đời Bắc Tống dịch, Việt dịch Thích Quảng Năng.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |