Chi tiết tin tức

Ngôn ngữ Phật giáo trong dòng chảy văn hóa Việt

15:27:00 - 25/12/2016
(PGNĐ) -  Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ hơn 2000 năm trước, trở thành một phần của dòng chảy văn hóa dân tộc. Sau 35 năm xây dựng, củng cố và phát triển, đã đến lúc Phật giáo Việt Nam khẳng định những nét riêng biệt của chùa Việt, chư tăng ni Việt, nghi lễ Phật giáo Việt, kinh điển Việt trong không gian chung của Phật giáo quốc tế.

 

 

 

Thống nhất nghi thức tụng niệm chung với ngôn ngữ Việt hóa là mục tiêu mà GHPGVN đang hướng tới.

Không ít người dân, phật tử không hiểu, không đọc được các văn bia, hoành phi, câu đối trên các chùa chiền, đặc biệt khi phật tử Bắc tông nghe chư tăng ni phái Nam tông kinh, Nam tông Khmer tụng niệm, thậm chí ngay trong Hệ phái Bắc tông cũng có những khác biệt vùng miền. 

 

Tìm được sự thống nhất trong đa dạng, có một bản khóa tụng, một nghi thức tụng niệm chung và hướng tới một bộ Đại tạng kinh tiếng Việt là điều mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có sau 35 năm xây dựng và phát triển. 

 

Là người từng tham gia những chương trình khảo sát đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, thạc sĩ Phạm Văn Lam nhận xét, tên gọi các chùa chiền hiện nay viết dưới nhiều dạng, chữ Việt, chữ Hán, chữ Pali-Khmer. Kinh sách thì chúng ta cũng chưa có được một hệ thống tụng niệm thống nhất chung cho GHPGVN. Trong khi đó tiếng Việt hiện nay đủ sức để đảm bảo chức năng mà ngôn ngữ Phật giáo cần chuyển tải. 

 

Câu chuyện này không chỉ là thay đổi, điều chỉnh cái gọi là ngôn ngữ mà chúng ta còn phải thay đổi, điều chỉnh thói quen sử dụng, tiếp nhận ngôn ngữ Phật giáo từ hàng ngàn năm nay mà cha ông đã để lại. Khi chúng ta đặt ra vấn đề thay đổi, điều chỉnh hoặc định hướng thì cần xác định điều chỉnh cái gì, điều chỉnh như thế nào, điều chỉnh đến đâu, điều chỉnh ở phạm vi nào. Chúng ta phải hết sức thận trọng, bài bản và có quy trình. 

 

“Đây không phải là việc của riêng một vị nào mà là công việc của toàn Giáo hội và của từng người Việt” - thạc sĩ Phạm Văn Lam khẳng định. 

 

Đó là một thực tế mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã nhìn nhận thấy và mong muốn khắc phục. Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Ban Hoằng pháp T.Ư - phân tích: Thay đổi một tập tục, một truyền thống đã có hàng thế kỷ không phải là một chuyện giản đơn. Thách thức lớn nhất là lãnh đạo Phật giáo Việt Nam ở 3 miền Bắc Trung Nam vẫn chưa nâng việc tụng niệm bằng tiếng thuần Việt lên thành một quốc sách của Phật giáo, từ đó những nỗ lực mang tính cá nhân đòi hỏi sự kiên trì để có thể vượt qua và đến lúc nào đó đạt được mục tiêu được áp dụng trên toàn quốc thì cái đó mới được xem là kết quả cuối cùng.

 

Tháng 7 năm 2015, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, đã ký Quyết định số 271 phê duyệt và chấp thuận triển khai thực hiện 4 đề án với tên gọi “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam” thực hiện đến năm 2019, trong đó có đề án đặc trưng ngôn ngữ. 

 

Sau nhiều lần nghiên cứu, khảo sát, bước đầu, các Hệ phái, các Ban trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố đã đạt được sự thống nhất trong việc đưa ra một nghi thức tụng niệm chung với ngôn ngữ Việt hóa để trình lên Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời gian tới. 

 

Theo Hòa thượng Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - làm được điều này cũng có nghĩa là một lần nữa Phật giáo Việt Nam khẳng định được điều đã được Phật giáo quốc tế ghi nhận, dù có nhiều hệ phái, tông phái, nhưng Phật giáo Việt Nam luôn giữ được sự đoàn kết, thống nhất. 

 

“Khi chúng tôi làm việc với Phật giáo quốc tế, họ thường hỏi tôi làm thế nào Phật giáo Việt Nam giữ được sự đoàn kết để cùng phát triển? Bởi vì Phật giáo Việt Nam có một truyền thống đạo gắn liền với đời, Phật giáo đồng hành cùng với mọi hoạt động của đất nước. Tinh thần đó  đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và giúp cho Phật giáo Việt Nam luôn thống nhất trong mọi hoạt động Phật sự” - Hòa thượng Thích Thiện Tâm chia sẻ. 

 

Thống nhất vì sự chung là mục tiêu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang hướng đến trong đó thống nhất Việt hóa nghi thức tụng niệm cũng như thống nhất được màu sắc pháp phục sẽ là việc quan trọng để xây dựng được bộ nhận dạng của Phật giáo Việt Nam khi hội nhập quốc tế. 

 

Thu Thùy

Nguồn: http://daidoanket.vn/cong-tac-mat-tran/ngon-ngu-phat-giao-trong-dong-chay-van-hoa-viet/142958

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin