Chi tiết tin tức

Những Đóa hoa Diệu ngộ Ni giới Phật giáo Việt Nam

20:00:00 - 22/10/2022
(PGNĐ) -  Đối với Phật giáo, những người con gái họ Thích, hẳn nhiên được tôn vinh là những “đóa hoa diệu ngộ” đã dấn thân phụng đạo yêu nước, tích cực nhập thế – vào đời và làm cho đời thêm sáng tươi. 

 

Hằng năm, cứ đến ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), mọi người trên khắp nước ta đều bày tỏ tấm lòng quan tâm và tôn vinh người phụ nữ Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Đó là ngày mà cách đây 90 năm, tổ chức Phụ nữ Liên hiệp Hội đã xác lập vai trò và vị trí phụ nữ Việt Nam yêu nước, thương dân với trái tim nhân hậu và khối óc đầy trí tuệ, tích cực tham giá đóng góp trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và phát triển Tổ quốc vinh quang, nhân dân an lạc. Phụ nữ Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước tôn vinh và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Đối với Phật giáo, những người con gái họ Thích, hẳn nhiên được tôn vinh là những “đóa hoa diệu ngộ” đã dấn thân phụng đạo yêu nước, tích cực nhập thế – vào đời và làm cho đời thêm sáng tươi. 

NHỮNG DÓA HOA DIỆU NGỘ THỜI PHẬT GIÁO DU NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Thực tế, ngay từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam, sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, hình ảnh Tỳ kheo Ni là nữ tướng Bát Nàn đã xuất gia, hành đạo và viên tịch tại chùa Tiên La. Sau quá trình tiếp biến đó, đến thế kỷ thứ II là hình ảnh Phật mẫu Man Nương hóa hiện giữa đời thường để độ chúng sinh. Thông qua các sử liệu, chúng ta còn biết được vào thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa còn có nữ tướng Thiều Hoa sau chiến thắng quân Hán đã xuất gia tại chùa Phúc Khánh (làng Hiền Quang, huyện Tam Thanh, tỉnh Phú Thọ); công chúa Phương Dung xuất gia tu tại chùa Thanh Vân (trang Yên Phú, huyện Thanh Đàn, nay là thôn Yên Phú, huyện Thanh Trì, Hà Nội)… Chính các vị này là những “đóa hoa diệu ngộ” đầu tiên của Ni giới Phật giáo Việt Nam. 

NHỮNG ĐÓA HOA DIỆU NGỘ THỜI LÝ – TRẦN

Khi nước nhà độc lập tự chủ, Phật giáo trở thành quốc giáo, các dòng thiền du nhập và phát triển, chùa chiền xây dựng khắp nơi, bên cạnh hình ảnh chư Tăng hành đạo thì hình ảnh Ni giới tích cực xiển dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh cũng tác động vào xã hội Việt Nam. Chỉ cần xem qua Thiền uyển tập anh [1] cũng nhận ra vai trò và vị trí của Ni giới trong giáo đoàn Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. 

Đầu tiên phải kể đến là Ni sư Diệu Nhân, tên là Ngọc Kiều, con gái Phụng Yết Vương, bẩm tính hiền thục, ngôn hạnh có pháp. Vua Lý Thánh Tông nuôi ở trong cung, đến tuổi cặp kê, vua gả cho thâu mục Chân đăng họ Lê. Họ Lê mất, tự thể ở vậy giữ nghĩa không tái giá. Ni sư xuất gia, thọ Bồ tát giới với ngài Chân Không tại làng Phù Đổng, học hỏi tâm yếu. Ngài Chân Không vì vậy ban hiệu và cho phép trú trì tại Ni viện Hương Hải. Ni sư hành thiền đạt được tam ma địa, thật là bậc tôn túc trong hàng Ni chúng. Những ai đến cầu học, Ni sư đem Đại thừa ra giảng dạy: “Chỉ trở về nguồn tự tính, thì đốn tiệm có thể tùy đó mà thể nhập, hãy thường tịch tịch, tránh xa thanh sắc, ngôn ngữ”. Ngày mồng 1 tháng 6 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (1113), Ni sư cáo bệnh nói kệ: “Sinh già bệnh chết, Từ xưa thường vậy. Muốn cầu thoát ly, Cởi trói thêm buộc. Mê mới tìm Phật, Lầm mới câu Thiền. Thiền Phật chẳng tìm, Ngậm miệng không nói”. Ni sư gội tóc, rửa mình, ngồi kiết già mà tịch, thọ 72 tuổi.

Thông qua sách Thiền uyển tập anh, ta thấy Ni sư Diệu Nhân là đại diện cho Ni giới chứng quả đắc pháp Đại thừa, được xếp ngang hàng với các Tổ sư, thiền sư. Điều đó, chứng tỏ Ni sư cũng được xem là Tổ sư Ni giới của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. 

Kế đến là Ni sư Hương Tràng, xuất thân hoàng tộc, là công chúa Huyền Trân (1287-1340) con vua Trần Nhân Tông và Thái hậu Khâm Từ Bảo Thánh. Công chúa lúc vừa trưởng thành đã sớm gánh vác nghiệp non sông, lấy sứ mệnh nhu viễn để giữ yên bờ cõi, đem về cho Tổ quốc Đại Việt hai châu Ô- Lý vuông ngàn dặm. Sau khi trở về thành Thăng Long, Công chúa Huyền Trân xuất gia tại núi Vũ Ninh (tỉnh Bắc Ninh), dưới sự chỉ dạy của Quốc sư Bảo Phác, được ban pháp danh Hương Tràng. 

Cuối năm Tân Hợi (1311), thừa mệnh Bổn sư, Ni sư Hương Tràng (24 tuổi) được Quốc sư Bảo Phác phái về tu tại chùa Hổ Sơn (Nam Định), tên chữ là Quảng Nghiêm Tự. Ni sư hoằng dương Phật pháp và có nhiều mối liên hệ với các chùa trực thuộc hoàng gia nhà Trần. Đó là ngôi chùa cổ Phúc Lâm do Công chúa Thụy Bảo lập nên. Trong thời gian làm trú trì chùa Hổ Sơn, Ni sư Hương Tràng đã đứng ra tổ chức mở lớp học đồng ấu dạy chữ cho bọn trẻ, dạy dân trồng lúa theo giống mới của người Chiêm, dạy y thuật, chữa bệnh cứu dân trong vùng. Ni sư cùng với thị nữ Phương Dung phát tâm bố thí, gom tư trang vàng bạc khi còn danh phận công chúa để mua đất cúng cho 36 làng xã; riêng làng Dành được hơn 28 mẫu. Ngày nay, người dân làng Dành (xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) gọi những mẫu ruộng ấy là “ruộng vàng”.

Trải qua 30 mùa an cư, Ni sư Hương Tràng đã viên tịch vào đêm mồng chín tháng giêng (năm 1340), thọ 53 tuổi. Công đức cũng như hành trạng của Công chúa Huyền Trân – Ni sư Hương Tràng được các triều đại phong kiến từ Hậu Lê, đến Tây Sơn, sang các triều vua Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định (nhà Nguyễn) đều sắc phong Ni sư làm Thần. 

Thông qua sách Thiền uyển tập anh, ta thấy Ni sư Diệu Nhân là đại diện cho Ni giới chứng quả đắc pháp Đại thừa, được xếp ngang hàng với các Tổ sư, thiền sư. Điều đó, chứng tỏ Ni sư cũng được xem là Tổ sư Ni giới của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. (Ảnh: sưu tầm)

Một đóa hoa tiêu biểu nữa trong thời kỳ này là Ni sư Từ Quán Huệ Thông. Theo An Nam chí nguyên và Nam Ông mộng lục, sau này sách Thiền sư Việt Nam chép lại thì Ni sư Từ Quán Huệ Thông có họ Phạm, là con gái của một gia đình nhiều đời làm quan. Ni sư xuất gia ở am trên núi Thanh Lương. Ni sư tu khổ hạnh, trì giới chuyên cần, thường thiền định, tuệ giải thông suốt. Kẻ đạo người tục xa gần đều kính mộ, danh tiếng Ni sư lừng lẫy, là bậc tông sư của Ni chúng cả nước, tên tuổi ngang hàng với các bậc cao tăng. Vua Trần Nghệ Tông (1370-1372) ban hiệu “Huệ Thông Đại sư”.

Về già, Ni sư dời về Đông Sơn. Một hôm, Sư bảo đệ tử rằng, ta muốn đem thân hư ảo này bố thí cho hổ lang một bữa no. Sư đi vào giữa núi sâu ngồi kiết già không ăn uống 21 ngày, hổ lang tới ngồi quanh nhưng không dám đến gần. Đồ đệ mời Ni sư trở về am, sư đóng cửa nhập định qua một mùa hè, rồi tập hợp đệ tử giảng đạo, viên tịch ngoài 80. Lúc hỏa táng có rất nhiều xá lợi. Quan sở tại xây tháp cho Ni sư ngay trên núi ấy. Về sau, phàm có người mắc bệnh đến khấn cầu, đồ đệ của Ni sư đem chiếc xương này mài với nước cho bệnh nhân rửa, không ai là không khỏi bệnh. 

Ni sư Tĩnh Huệ xuất thân từ con nhà võ, vốn là con gái tướng Phạm Ngũ Lão, là thứ phi của vua Trần Anh Tông, không sinh hạ được hoàng tử hay công chúa nào cả. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1309, bà đã xin phép vua được sống cuộc đời tu sĩ, thực hành giáo pháp nhà Phật. Vua Trần Anh Tông chấp thuận. Ni sư là người có công trùng tu chùa Bảo Sơn để giáo hóa đồ chúng, được vua ban cho biển ngạch để biểu dương lòng hiếu kính của bà [2] . 

Sư trưởng Như Thanh (1911 -1999) cũng là đại biểu nổi bật thời cận – hiện đại, là đệ tử cuả thiền sư Pháp Ấn, từng theo học với Quốc sư Phước Huệ, viện chủ chùa Thập Tháp (Bình Định).
(Ảnh: phatgiao.org.vn)

Ni sư Tịnh Quang, theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1341, vua Trần Anh Tông lên ngôi vị Thái Thượng hoàng và muốn sống theo hạnh người xuất gia. Vua cũng khuyến thị cung phi mỹ nữ thực hành hạnh ăn chay niệm Phật ngồi thiền. Bấy giờ mọi cung phi đều lưỡng lự, chưa thể hiện sự quyết tâm nào cả, thì cung phi Nguyễn Thị Diên đã chặt ngón tay dâng vua, thể hiện chí nguyện giải thoát. Chính công hạnh này khiến vua ban cho 40 mẫu ruộng để xây dựng Tam bảo, hoằng pháp độ sinh. Thị Diên đi tu cho đến lúc mất, được vua ban Phật hiệu Tịnh Quang Ni [3] . Tuy sử liệu chỉ ghi ít dòng thôi, nhưng cung cấp cho ta những giá trị về sự phát tâm bồ đề dõng mãnh của cung phi ở trong cung điện hoàng gia. 

NHỮNG ĐÓA HOA DIỆU NGỘ THỜI LÊ – NGUYỄN

Sang thời Lê – Nguyễn, đất nước nội chiến, Ni giới cũng tùy duyên tích cực hóa đạo. Những đóa hoa tiêu biểu của vườn thiền Ni giới thời này vốn xuất thân từ trong Hoàng cung, có tư chất thông minh, trước khi xuất gia đã được tiếp cận nguồn tri thức Phật-Nho-Lão. Tiêu biểu phải kể đến là Ni sư Pháp Giới, thế danh là Trần Thị Ngọc Am, từng vào cung hầu chúa Trịnh Tráng, thọ giới với thiền sư Minh Hành. Ni sư có công đức trùng tu chùa Phật Tích và có tầm ảnh hướng với quần chúng theo đạo Phật thời bấy giờ.

Cùng thời, còn có Ni sư Pháp Tánh tức là Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (1595-1660), xuất gia với thiền sư Chuyết Chuyết. Bà có công đức trong việc trùng tu tôn tạo chùa Ninh Phúc và khuyến giáo mọi người tu học. Về mặt nghiên cứu học thuật, Ni sư đã để lại tác phẩm Từ điển Hán Nôm, sáng tác nhiều tác phẩm văn học, được tôn vinh “Bà chúa Kim Cương”, xứng danh là Ni giới học giả, trí thức vào thế kỷ XVII.

Một đại biểu Ni giới thời Nguyễn, có pháp danh là Hải Châu, tự Thiện Hương. Bà vốn là công chúa Định Hòa, thế danh Nguyễn Phước Ngọc Cơ, con gái thứ 13 của vua Gia Long, xuất gia tu hành cầu pháp với thiền sư Tánh Không. Là nhân vật có công đức trùng kiến chùa Đông Thuyền (Huế), Ni sư có tầm ảnh hưởng trong hoàng tộc, do đó giữ vai trò rất lớn trong việc phổ khuyến mọi người tu hành đóng góp thiện lành cho dân chúng. 

Tỳ kheo Ni Hải Đăng, thế danh là Đào Thị Để, con gái tướng quân Đào Duy Tâm, nhập cung năm Tự Đức thứ 8 (1855), xuất gia học đạo với thiền sư Huệ Cảnh tại chùa Tường Vân (Huế), thọ giới đàn Báo Quốc do ngài Diệu Giác làm đường đầu. Ni sư đã trùng tu chùa Sư Lỗ Thượng (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), lấy làm cơ sở để thuyết pháp độ sanh theo hạnh nguyện của mình.

Sư bà Diên Trường, thế danh là Hồ Thị Nhàn, con gái cụ Hồ Đắc Tuấn và công nữ Thức Huấn. Sư bà thọ giới Đại giới đàn do ngài Vĩnh Gia làm đường đầu Hòa thượng tại Quảng Nam vào năm 1910. Công đức lớn của sư bà là trùng tu chùa Phổ Quang (Huế) cho Ni giới tu học và kiến tạo chùa Trúc Lâm, thỉnh ngài Giác Tiên về trú trì. Ngài Giác Tiên là một đại danh tăng sáng lập An Nam Phật học hội thời chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Sư bà là người dẫn dắt, đào tạo các danh ni về sau như: Sư bà Chơn Hương, Diệu Hương, Giác Hải… trong việc hoằng dương Chánh pháp. Sư bà là người đặt nền tảng cho sự nghiệp giáo dục Ni giới lúc bấy giờ. 

NHỮNG ĐÓA HOA DIỆU NGỘ THỜI CẬN – HIỆN ĐẠI 

Phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Bên cạnh các danh tăng lãnh đạo Phật giáo thì bấy giờ trong Ni giới đã xuất hiện một đại biểu lưu danh hậu thế là Sư bà Diệu Không, vốn xuất thân từ danh gia vọng tộc. Lúc còn là cư sĩ đã có hoài bão chí lớn muốn phụng sự đạo pháp và dân tộc. Sau khi xuất gia hành đạo, Sư bà trở thành ngôi sao sáng trong thiền môn Ni giới. Trong phong trào chấn hưng, Sư bà là một trong những người góp phần cho sự thành công của An Nam Phật học hội trên mọi phương diện: “Sư bà là quen chốn triều đình, thông tỏ việc đời, việc đạo, vận động đắc lực việc thành lập An Nam Phật học hội Trung kỳ 1932, khiến phong trào chấn hưng Phật giáo phát triển mạnh mẽ ở miền Trung. Từ đó các trường Phật học cấp Trung – Tiểu – Đại học được khai giảng, Phật pháp lưu thông mạnh mẽ, sư bà luôn là người yểm trợ đắc lực” [4]. Điểm đáng nói, sư bà không chỉ là bậc uyên thâm dịch giải kinh điển đại thừa: Thành Duy Thức luận, Trí Độ luận và có nhiều bài nghiên cứu Phật học trên tạp chí Viên Âm… mà còn là người tổ chức, xây dựng và vận động kiến tạo các Ni viện khắp cả 2 miền Trung và Nam. Đệ tử sáng giá của sư bà là Ni sư Thích Nữ Trí Hải, có thể nói Ni sư là đại biểu Ni giới sáng danh thời hiện đại, có đóng góp cho nền học thuật Phật giáo Việt Nam và có uy tín với các học giả nước ngoài về lĩnh vực văn chương, triết học Phật giáo. 

Ni sư Diệu Tịnh cũng là nhân vật đặc biệt, thế danh là Phạm Thị Thọ, người Gò Công, cầu pháp với thiền sư Chí Thiền, là dịch giả nổi tiếng các kinh Vu Lan, Phổ môn, Pháp Bảo Đàn. Vào năm 1934, bà cùng các Ni sư Diệu Tấn, Diệu Thuận xây chùa Từ Hóa ở Gia Định. Ni sư du hóa khắp ba miền Bắc, Trung, Nam thuyết pháp độ sanh, được vinh dự vào cung giảng kinh Phạm Võng cho đức Từ Cung Thái hậu 2 tháng. Ni sư là cây bút của tạp chí Từ Bi Âm, được tôn vinh là giáo thọ Ni đầu tiên vùng đất Gia Định. 

Sư trưởng Như Thanh (1911-1999) cũng là đại biểu nổi bật thời cận – hiện đại, là đệ tử cuả thiền sư Pháp Ấn, từng theo học với Quốc sư Phước Huệ, viện chủ chùa Thập Tháp (Bình Định). Là giáo thọ, dịch giả, trước tác các tác phẩm Phật học, văn học nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn trong Ni giới Việt Nam. Sư trưởng dấn thân vào sự nghiệp giáo dục, khai mở giới trường. Trên hết Ni trưởng là người vận động và thành lập Ban Quản trị Ni bộ Nam Việt, tiến tới thành lập Ni bộ Bắc tông thời bấy giờ. Đồ chúng của sư trưởng rất đông, là người có công đối với đạo pháp và dân tộc.

Và còn nhiều ngôi sao Ni giới trên bầu trời Phật giáo Việt Nam nữa, chính các Ni giới là Đóa hoa Diệu ngộ thơm ngát trong vườn thiền. Với tinh thần dấn thân phụng đạo, họ là những đại biểu Ni giới, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam phát triển vững bền, đồng hành cùng với dân tộc Việt Nam xây dựng quê hương đất nước thanh bình, hạnh phúc. 

Thay lời kết

Một trong những đặc trưng làm nên bản sắc của Phật giáo Việt Nam là hạnh nguyện dấn thân nhập thế, phụng đạo cứu đời. Chính tinh thần này mà Ni giới Phật giáo Việt Nam đã được các vương triều, Nhà nước ủng hộ, quần chúng tin theo. Các vị Ni sư, Ni trưởng và sư trưởng là những hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam đẹp nhất, chính tự thân đã phát đại bi tâm xuất gia học đạo, hành đạo, làm rạng danh Ni giới Phật giáo Việt Nam. Tất cả đã minh chứng cho vị trí, vai trò của Ni giới Việt Nam từ xưa đến nay. 

 

TT. Thích Phước Đạt/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 399

Chú thích:

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Phước Đạt – Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

[1] Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu Thiến uyển tập anh, Nxb. TP HCM, tr.296-297.

[2] Đại Việt sử ký toàn thư, (Dịch và chú thích Hoàng Văn Lâu), tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, 1988, tr.135-136.

[3] Đại Việt sử ký toàn thư (Dịch và chú thích Hoàng Văn Lâu), Nxb. Khoa học Xã hội, tr.103.

[4] Như Đức (2019), Lược sử Ni giới Bắc tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr.29.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin