Chi tiết tin tức

Những giá trị của Phật giáo góp phần xây dựng một Giáo hội vững mạnh và lan tỏa

20:33:00 - 02/11/2022
(PGNĐ) -  Bài viết Những giá trị của Phật giáo góp phần xây dựng một Giáo hội vững mạnh và lan tỏa của PGS.TS. Đỗ Lan Hiền. Đây là bài tham luận trích từ Hội thảo Phát huy vai trò của Tăng, Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ), tổ chức vào tháng 1/2022.

Thái tử Siddhartha Gautama của Ấn Độ cổ đại xuất gia tu học và giác ngộ được chân lý để thành Phật (Buddha), thành Phật rồi Ngài hướng dẫn chúng sinh thực hành Phật pháp. Song, thực hành Phật pháp là sâu rộng, không chỉ hướng đến sự giải thoát hay giác ngộ tinh thần trừu tượng, cũng không phải là một sự mặc khải hay quyền uy mà một trong những thực hành thiết thực nhất (đặc biệt ở giai đoạn đầu của con đường) là sự cho đi, là bố thí, đặc biệt là pháp thí (khai mở trí tuệ), điều đó đã tạo nên những giá trị cho Phật giáo không lẫn lộn với các giá trị của các tôn giáo khác, tạo nên một sức mạnh để Phật giáo lan tỏa khắp nhân gian. 

SỰ TIẾP NHẬN PHẬT GIÁO

Phật giáo truyền vào Việt Nam theo cả hai phương vị Bắc và Nam, qua nhiều thời kỳ, tiếp xúc với nhiều đặc tính văn hóa, phong tục bản địa, trải qua nhiều thăng trầm, Phật giáo đều được tiếp nhận cả trong tầng lớp tinh hoa và giới bình dân của xã hội. Giới tinh hoa tiếp hợp Phật giáo vì tìm thấy ở nó một hệ thống khái niệm triết học phong phú và uyên bác, phương pháp tư duy biện chứng có thể giúp nâng tầm tư duy người Việt. Giới cầm quyền tiếp nhận Phật giáo vì đã nhìn thấy một thế cân bằng trên phương diện tâm – thức xã hội (Nho giáo được sử dụng như một thứ công cụ quản lý xã hội trong một trật tự đẳng cấp khắt khe chuyên chế từ trên xuống, thì Phật giáo dường như lại “cởi trói” cho con người, với tinh thần từ bi hỷ xả, khoan thư sức dân, không đày ải và giết hại công thần, nâng đỡ, giải thoát cho con người, giúp họ bớt nhọc nhằn căng thẳng). 

Phật giáo chủ trương không bàn nhiều đến các vấn đề siêu hình học triết học, những vấn đề tư biện trừu tượng đó chỉ là phương tiện như “chiếc bè” và “ngón tay” giúp giáo chúng đạt đến trạng thái “Niết bàn” của sự giải thoát. Phật giáo cũng không chủ trương dùng ngôn ngữ để giải thích Phật pháp vì ngôn ngữ là “động” mà Phật pháp là “tịnh” lấy cái “động” để giải thích cái “tịnh” thì càng nói càng trừu tượng, càng giải thích càng khó hiểu, nên tín đồ phải tự chiêm nghiệm, tự trải nghiệm để giác ngộ – đó chính là lối học thực hành – Tu là Hành.

Còn giới bình dân tiếp nhận Phật giáo vì Phật giáo với tinh thần uyển chuyển, mềm mại, không ép buộc người Việt phải từ bỏ phong tục, tập quán, thói quen của mình để theo đạo. Phật giáo đã tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, nếp sống của người Việt để truyền đạo, hành đạo, sống đạo theo phong cách, nhu cầu, lề thói của người Việt. Khi đến với Phật giáo, người dân không quá lo sợ về một thế giới siêu nhiên thần thánh, ma quỷ với sức mạnh vô biên có thể trừng phạt họ. Phật giáo cũng không hướng con người đến cái gọi là số phận hay định mệnh. Với Phật giáo, định mệnh là do con người, là kết quả của Nghiệp do Thân, Khẩu, Ý mà ra. Và Nghiệp không phải là bất di bất dịch mà vẫn có thể thay đổi hay chuyển được Nghiệp của mình. Vũ trụ quan, nhân sinh quan đó của Phật giáo là sự thống nhất đầy ý nghĩa của bản năng, của kinh nghiệm vạn vật và của cả lý tính. Phật giáo đã tạo cho người dân một niềm hy vọng, một sự tự tin, không trốn tránh thực tại, không trông chờ, ỷ vào tha lực, vào thánh thần mà phải nỗ lực tu thân tích đức để chuyển Nghiệp. 

Chùa là “bùa” làng, Phật là “ông Tiên, ông Bụt” nhưng không cao siêu mà gần gũi thân quen. Tăng Ni với lối sống đạo dung dị, khép mình, trí tuệ không phô diễn ở bề ngoài mà nén lại ở chiều sâu, nên người dân nể trọng tu sĩ và các bậc cao Tăng. Họ đến với Phật giáo, họ tôn thờ Phật, tôn thờ Pháp cũng bởi sự dẫn dắt, hướng đạo của tầng lớp tu sĩ trung gian này.

Phật giáo có hai phép tu căn cốt là Thiền và Tịnh với mục đích thực hành tu luyện, nội quán tâm, tính để đạt đến trạng thái vô niệm, giải thoát. Thiền là một thực hành thiết yếu đối với hầu hết các bậc tu hành và cả Phật tử. Người tu hành thực hành Thiền để tập trung tâm trí, để đạt được sự tĩnh lặng bên trong, để tìm được chân lý và sự thật ở bên ngoài từ trong chính mình. Thiền còn có nghĩa là dẫn đến trạng thái giác ngộ. Mặc dù Thiền định vốn phù hợp với những tu sĩ có căn tính, tu ở tầm cao chuyên nghiệp, nhưng Thiền với tầng lớp giáo chúng có nhiều hình thức: chỉ cần ngồi tĩnh lặng ngắm nhìn một không gian, phong cảnh đẹp cũng là Thiền; Thiền cũng có thể là một môn luyện dưỡng sinh để nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất hay tập trung cao độ để suy ngẫm về một vấn đề gì đó; Thiền cũng có nghĩa là học cách buông, xả, bình tĩnh, đối diện với thực tại để không cảm thấy mọi trách nhiệm là gánh nặng, mọi khó khăn là sức ép với mình và khi gặp những bất trắc thì tìm ra lối thoát thông minh nhất, không cực đoan; Thiền cũng có thể là tụng niệm hay sử dụng một Mandala (Mạn-đà-la), lập đàn tràng, bày lễ vật, pháp khí để cầu nguyện, tu luyện… Nói chung, việc hành Thiền trở nên phong phú, thiết thực và đơn giản, nên rất được người Việt (cả bình dân và trí thức) ưa chuộng. 

Phật giáo chủ trương không bàn nhiều đến các vấn đề siêu hình học triết học, những vấn đề tư biện trừu tượng đó chỉ là phương tiện như “chiếc bè” và “ngón tay” giúp giáo chúng đạt đến trạng thái “Niết bàn” của sự giải thoát. Phật giáo cũng không chủ trương dùng ngôn ngữ để giải thích Phật pháp vì ngôn ngữ là “động” mà Phật pháp là “tịnh” lấy cái “động” để giải thích cái “tịnh” thì càng nói càng trừu tượng, càng giải thích càng khó hiểu, nên tín đồ phải tự chiêm nghiệm, tự trải nghiệm để giác ngộ – đó chính là lối học thực hành – Tu là Hành. Song, để giúp tín đồ đạt được trạng thái đó, Phật giáo đã kiến tạo một nền tảng triết học cho niềm tin vào sự giải thoát và con đường đạt đến sự giải thoát với một hệ thống khái niệm rất sâu sắc như: Sắc, Không, Vô thường, Vô ngã, Hư – Không, Chân như, Bản thể, Tâm, Thần, Thức, Tưởng, Niệm, và con đường tu tập theo Tam học (Giới – Định – Tuệ) quả là khó khăn với tầng lớp giáo chúng. Song, Phật giáo lại chọn con đường Trung đạo (không quá thiên về tư tưởng trừu tượng, không quá phức tạp về lễ nghi, không quá chấp vào văn tự, kinh sách để cầu đạo, cũng không ép giáo chúng phải khổ hạnh để thành Phật). Nên, người dân và cả giới trí thức đến với Phật giáo trong trạng thái an nhiên tự tại, “tu” là “hành” (thực hành điều thiện), tu là “sửa” (sửa nghiệp), tu khi đi làm đồng, tu khi ở chợ (nhất tu thị, nhị tu sơn), tu tại gia (nhất tu tại gia, nhì tu chợ, ba tu chùa). Lối học đạo trung dung đó rất phù hợp với tâm tính, sở nguyện của người Việt.

PHẬT GIÁO KHÔNG XA RỜI THỰC TẠI

Phật giáo là một tôn giáo nhưng không xa rời thực tại, nó khởi phát từ thực tiễn đầy khổ đau của con người, nên cũng bắt đầu bằng những tiền đề rất cơ bản là hướng dẫn con người cách vượt qua khổ đau và cuối cùng đạt đến sự siêu việt không phải là siêu nhiên thần thánh, mà chính là “trí tuệ” để con người nhận thức được rằng: Mọi thứ trong cuộc sống đều vô thường và luôn thay đổi; không có gì là vĩnh viễn, nếu chúng ta sống mà chỉ dựa trên sự sở hữu những thứ vô thường đó sẽ không làm cho chúng ta hạnh phúc. Không có linh hồn vĩnh cửu bất biến, bản ngã chỉ là tập hợp những đặc điểm hay thuộc tính luôn thay đổi mà thôi. Do vậy, dù Phật giáo là một tôn giáo, nhưng nó là một tôn giáo vượt lên trên khả tính “Thượng đế” và “thần thánh”, mặc dù có phân chia sinh giới ra làm 6 loại: Trời, người, A-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, nhưng “Trời” không phải là tối hậu như trong các triết thuyết tôn giáo khác. “Trời” cũng phải tuân theo luật nhân – duyên, không trường tồn và vĩnh hằng, không tồn tại độc lập mà phải nương tựa vào cái khác để tồn tại, có sinh có diệt, cái này diệt thì cái kia cũng diệt. 

Vì là một tôn giáo nên Phật giáo cũng chú trọng đến những giá trị tinh thần, tâm linh chứ không phải là vật chất hay thể xác. Nhưng Phật giáo chỉ khinh chê vật chất nếu nó hướng đến thứ vật chất tù đọng, tầm thường. Vật chất và thể xác khi được tinh thần hóa nó sẽ vẫn giải thoát khỏi những dục vọng bản năng và sự hưởng thụ tầm thường. Phật giáo đề cao sự kiệm dục (không có quá nhiều khoái cảm nhục dục, kiểm soát tham – sân – si), nhưng Phật giáo lại đi sâu vào nghiên cứu những cái bản năng, dục tích, cái ngã, cái siêu ngã, tiềm thức trong con người không phải để buộc tín đồ phải chối bỏ và diệt dục hoàn toàn vì đó là trái với bản tính con người, mà để hướng dẫn họ kiểm soát được cái dục của mình, vượt lên trên sự quyến rũ của bản năng để giữ sự quân bình, điều hòa. Phật giáo đề cao vô ngã nhưng không loại bỏ chủ nghĩa cá nhân mà chỉ lưu ý rằng, con người không tồn tại độc lập mà phải nương tựa vào cái khác, người khác để cùng tồn tại, tất cả chúng ta đều được gắn kết bởi các yếu tố chung.

Thời hiện đại, con người và xã hội đương đại đang rơi vào cảm giác “khủng hoảng” bởi sự phát triển dường như đi đến cùng cực của những vấn nạn thời đại: ô nhiễm môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chiến tranh, khủng bố, đói nghèo, dịch bệnh, ma túy, tự tử, giết người,… Nói chung, chỉ số an toàn sinh tồn (Existing safety) đang đè nặng lên tâm trí khiến người dân (không chỉ là những Phật tử đã quy y Tam bảo hay cư sĩ tại gia) đến chùa đông hơn. Họ đến chùa để được nghe giảng Phật pháp; để tu học; để tập thiền nâng cao sức khỏe, để kiểm soát tham, sân, si; để làm lễ hằng thuận vợ chồng; để báo hiếu; để cai nghiện; để học lối sống thanh tịnh, vô vi của các nhà sư tiếp thêm cho họ sức mạnh để họ vượt qua cuộc sống bộn bề lo toan. Như vậy, Phật giáo đã trở thành điểm tựa an định tinh thần với đầy đủ ý nghĩa nhân văn tích cực của nó.

Vào các thập niên cuối của thế kỷ XX, Phật giáo với tinh thần “vô ngã” lại có có thể thâm nhập vào được những xã hội phương Tây vốn được xem là mảnh đất dung dưỡng cho chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật chất, duy khoa học đến mức cao nhất. Sự lan truyền của Phật giáo sang châu Âu cũng không phải bằng con đường “cưỡng bức” từ trên xuống hay từ ngoài vào, cũng không phải bằng những hệ thống khái niệm có tính chất triết lý tư biện trừu tượng vốn là đặc thù của tư duy phương Tây. Trái lại, Phật giáo được đón nhận rất tự nguyện, với một niềm say mê, một sự nhận thức đầy xác tín và trải nghiệm tâm linh thực tiễn của chính bản thân giới thức giả châu Âu như: Schopenhauer, Michel Hulin [1], Jean-Claude Zandman [2],… Friedrich Nietzsche – một triết gia người Đức cuối thế kỷ XIX, người có nhiều ảnh hưởng đến chủ nghĩa hiện sinh (existentialism), chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), phân tâm học (psychoanalysis) và nhiều tư tưởng khác nữa. 

Chúng ta bàn nhiều đến các giá trị văn hóa, tinh thần của Phật giáo, còn giá trị kinh tế của Phật giáo thì sao? Đầu thế kỷ XX, một nhà xã hội học người Đức nổi tiếng với những ấn phẩm tôn giáo học của ông – Max Weber – khi so sánh các tôn giáo Ấn Độ, M.Weber đã cho rằng, các truyền thống tôn giáo Đông phương thường chỉ bàn đến sự cứu rỗi, mà bỏ qua các vấn đề trách nhiệm xã hội, bỏ qua đời sống kinh tế. Một khẳng định sai lầm của ông là, Phật giáo nguyên thủy cũng không ngoại lệ, cũng chỉ tìm kiếm “trạng thái tâm linh”, theo đuổi một lý tưởng “Bồ tát và La Hán” hoàn toàn tách rời khỏi “thế giới” của hành động lý tính, loại bỏ mọi hoạt động cả bên trong và bên ngoài thế giới. Theo nghĩa này, M.Weber đã không bàn đúng và đầy đủ đến giá trị của Phật giáo đối với lĩnh vực kinh tế và trách nhiệm xã hội. Quan điểm này của M.Weber thúc ép hướng nghiên cứu kinh tế học Phật giáo để chúng ta không bỏ lỡ sự tinh tế và cụ thể của Phật giáo với các vấn đề kinh tế.

Trên cơ sở một vài văn bản học cổ cho thấy, các Sramaṇa (Sa môn hay Tỳ kheo) trong phong trào xuất gia của Siddhartha Gautama (thời Đức Phật) vào thế kỷ thứ V TCN là một thời đại của đô thị hóa, mở rộng buôn bán, quan hệ thương mại và lưu hành tiền tệ. Chúng ta có đầy đủ các nguồn tài liệu tham khảo để chứng minh những dấu vết sớm nhất về đời sống Phật giáo của Tăng đoàn thời kỳ đó bao gồm các lữ hành, thức giả và cả thương gia,… Những nguồn tài liệu như vậy truyền đạt rằng, Phật giáo có liên hệ với sự phát triển kinh tế và mở rộng thương mại. Các cộng đồng Phật giáo truyền thống lúc đó đã phát triển mạnh khi có các điều kiện chính trị – xã hội ổn định và họ có thể tạo ra sự thịnh vượng về kinh tế và thặng dư vật chất cần thiết để duy trì các quần thể tu viện và đời sống của tăng đoàn. Đức Phật không ca ngợi sự “khổ hạnh và nghèo đói” như một con đường dẫn đến hạnh phúc thế gian hoặc giải thoát khỏi luân hồi. Điều mà Phật thường xuyên nhắc đến là sự mãn nguyện, hài lòng dù chỉ là biết đủ (Santuṭṭhi/tri túc) và ham muốn hạn chế (appicchatā/thiểu dục), nhưng Phật cũng khuyến khích cả sự tích lũy của cải, Phật khen ngợi Thánh tăng Sivali (là một vị La Hán được tôn kính rộng rãi trong Phật giáo Nguyên thủy, biểu tượng của tài lộc dồi dào và bảo trợ xua đuổi những điều xui xẻo). Mặc dù Đức Phật chưa bao giờ giảng dạy cụ thể về kinh tế học, nhưng những lời dạy về bốn điều kiện cần thiết (thực phẩm, quần áo, chỗ ở và thuốc men) xuất hiện xuyên suốt Kinh điển Pāli. Về bản chất, tất cả những giáo lý liên quan đến bốn điều kiện trên đều thuộc về phạm trù kinh tế học hoặc ít nhiều nó cũng có giá trị như một bài giảng dạy, hướng dẫn về hoạt động kinh tế. Ngày nay, sự thịnh vượng của Phật giáo ở cả châu Á và châu Âu (về Tăng đoàn, về cơ sở thờ tự và hoạt động an sinh xã hội) đã chứng minh cho năng lực và xu hướng kinh tế của Phật giáo.

LỜI KẾT

Sinh thời, Siddhartha Gautama xuất gia tu học để giác ngộ chân lý và thành Phật và tạo nên kho báu Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng) để chúng sinh đời sau nương tựa vào. Siddhartha Gautama đã làm nên một tôn giáo thành công trên cả hai phương diện Đạo và Đời, tạo nên giá trị cho Phật giáo khác biệt với các tôn giáo khác và không lẫn với các giá trị thế tục, tạo nên “sức mạnh” cho Phật giáo lan tỏa khắp nhân gian. 

 

PGS.TS. Đỗ Lan Hiền/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 400

Chú thích:

* PGS.TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

[1] Giáo sư giảng dạy bộ môn triết học Tỷ giảo tại Đại học Sorbonne (Pháp). Triết học tỷ giảo là môn khoa học về tôn Giáo, mục đích là nghiên cứu tìm hiểu các tôn giáo trên thế giới, hướng đến sự khoan dung, không cố chấp, hòa đồng giữa các tôn giáo với đức tin chung là chỉ có một đấng Thượng Đế (qua nhiều danh từ) chứ không phải đa thần như thời thượng cổ. Nghiên cứu tôn giáo trong sự so sánh các khía cạnh: nguồn gốc, đặc điểm, ngôn ngữ, giáo chủ, triết lý, tổ chức, giới luật, kinh sách, dị, đồng để đi đến nhận định tổng quát là vạn giáo nhất lý. 

[2] Bác sĩ tâm thần, người đã thực tập Thiền định Phật giáo trong suốt cuộc đời.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin