Chi tiết tin tức

Thân tịnh tâm an từ góc nhìn của David R.Hawkins

15:18:00 - 27/10/2022
(PGNĐ) -  Với Hawkins, mục đích của việc “tu trì” nhằm nâng cao tần số rung động, để chữa trị những tổn thương và vấn nạn tâm linh, hướng đến tiến hóa tâm linh cho tồn tại người.

 

David R. Hawkins (1927-2012) được biết đến như người thầy tâm linh, bác sĩ tâm lý trị liệu, nhà nghiên cứu – diễn thuyết và người sáng lập – sở hữu Lược đồ Ý thức (Map of Consciousness). (Ảnh: sưu tầm)

David R. Hawkins (1927-2012) được biết đến như: người thầy tâm linh, bác sĩ tâm lý trị liệu, nhà nghiên cứu – diễn thuyết và người sáng lập – sở hữu Lược đồ Ý thức (Map of Consciousness). Ông sinh trưởng ở Wisconsin, phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ và sau đó trở thành bác sĩ tâm lý trị liệu. Hawkins từng giữ chức Giám đốc sức khỏe tại The North Nassau Mental Health Center (1956-1980) và Giám đốc nghiên cứu tại Brunswick Hospital ở Long Island (1968-1979). Các công trình nghiên cứu – diễn thuyết chuyên sâu của ông về vấn đề thực tại tâm linh được ứng dụng vào việc chữa trị sức khỏe tinh thần. Có thể nói, ông dành cả cuộc đời cho việc nâng đỡ tâm hồn và giải trừ nỗi khổ niềm đau cho nhân loại [1].

Với Hawkins, mục đích của việc “tu trì” nhằm nâng cao tần số rung động, để chữa trị những tổn thương và vấn nạn tâm linh, hướng đến tiến hóa tâm linh cho tồn tại người. Ý hướng này bàng bạc hầu hết trước tác của ông như: Reality, Spirituality and Modern Man; Transcending the Levels of Consciousness: The Stairway to Enlightenment; The Eye of the I: From Which Nothing Is Hidden; Power vs. Force: The Hidden Determinants of Human Behavior;… Trong đó, quan niệm “Thân tịnh tâm an” trên phương diện tâm lý trị liệu, có thể xem như trạng thái “Thức” thuần túy, chỉ là sự biết thấy như nhiên bất tác – bất cấu – bất động [2]. Bấy giờ, bất tác có thể siêu vượt làm cho tan biến ngã thức linh động rời rạc, đạt đến chỗ An – Tịnh vậy! Thần tính/Divinity (trong quan niệm Hawkins) cũng gần gũi với Thần thức vũ trụ/Cosmic Consciousness (trong quan niệm Ouspensky) [3]. Bất tác của Hawkins hồ như liên thông với “vô vi” của Lão! Phải chăng hằng hà người thầy tâm linh/“Bồ tát” cùng nói đến một vấn đề trong những ngữ thức khác nhau!

Với Lược đồ Ý thức, Hawkins muốn cụ thể hóa các cấp độ ý thức, biểu hiện và xu hướng vận động tâm linh nên hướng đến [4]. Phân chia giới hạn trên (cấp độ ý thức tích cực) và giới hạn dưới (cấp độ ý thức tiêu cực), lược đồ Hawkins dựa trên biểu hiện tâm lý (ý hướng tính) và luân lý để xác định tần số, cảm xúc và mức độ tiến hóa tâm linh. Chẳng hạn, tủi hổ nhục nhã (Shame) đến kiêu căng tự phụ (Pride) thuộc về giới hạn dưới tương ứng xu hướng bài trừ (Elimination) tới duy ngã khoa phóng (Inflation). Ngược lại, biểu hiện lòng quả cảm (Courage) tới giác ngộ (Enlightenment) thuộc về giới hạn trên, tức quá trình từ khẳng định (Empowerment) đến ý thức thuần túy (Pure Consciousness) – cầm bằng chẳng còn ý thức – tiềm thức – vô thức mà chỉ là Thức: Hoàn toàn an lạc, thanh tịnh, thường trụ, vững chãi, vô lượng, vĩnh hằng. Phải chăng, “quang chiếu” và “thuần thức” mà David Hawkins nói tới chính là trạng thái “Thân tịnh tâm an” lạc phước viên mãn, trọn vẹn! 

Theo đó, mỗi người có thể đi từ nhận thức đến thực hành kiện toàn rồi phát tỏa năng lượng tích cực, giúp chữa lành tổn thương thân tâm [5], chữa lành “thể phách” để cứu chữa thể xác. David Hawkins chỉ ra sức tác động tức thì mạnh mẽ của các cấp độ ý thức trên thang tiến hóa tâm linh, bằng cách “Thực chứng hóa” sức chi phối của “tâm thức” lên “thân hành” như là cơ chế hoạt động của sinh lý não và các chất dẫn truyền thần kinh kéo theo (concomitant neurotransmitters). Ví dụ, ở tần số rung động từ 200 trở lên, não giải phóng endorphins; dưới 200 não giải phóng adrenaline với các biểu hiện bản năng. “Trở lại với mình trong giây phút hiện tại”, thương lấy mình, đồng hành với mình để thấu triệt chính mình: Vừa chạy chữa, đồng thời bồi bổ thân tâm kiện tráng tinh khiết. Hơn thế, vấn đề tần số rung động và năng lượng tích cực (hay Phật quang/ bioplasmic body/ ether body), không chỉ dừng lại ở cơ chế sinh lý não và tác dụng chữa lành thể phách lẫn thể xác; mà còn là vấn đề chạy chữa kiện toàn nhân tính trong xã hội hiện đại (vốn phủ trùm bởi nguồn năng lượng đen của tam độc, ái dục, vô minh).

Ý hướng và sức hành trì tinh thần có khả năng thay đổi chức năng não và sinh lý cơ thể. Theo đó, lập thành khu vực đặc biệt lưu chứa thông tin tâm linh tương ứng giữa não bộ (như thể xác) và não bộ (như thể phách) [6]. Thể phách/ linga sarira có thể hiểu như “bioplasmic”, sáng trong như “hào quang”/“vô lượng quang Phật” phát tỏa quanh thể xác khi ta đạt đến trạng thái thiền định (interpenetrating). Điều này càng minh xác mối tương liên tức thì bền chặt giữa thể xác và thể phách. Việc tu tập, hành trì Phật pháp có thể góp phần khêu sáng thêm nguồn năng lượng ánh sáng vốn có trong thân tâm mỗi người. Giúp cho thân tịnh (không dao động ở tần số thấp bởi các ý hướng tiêu cực) có thể thúc đẩy thể xác kết thông chặt chẽ hơn với thể phách. Mối gắn kết này càng bền chặt, thông suốt, thường trực bao nhiêu thì Phật quang càng chiếu tỏ sáng trong rạng rỡ bấy nhiêu. Cho nên nói, thân tịnh trước hay tâm an trước, không thể nói cái nào trước. Có lẽ, đồng thời thể xác – thể phách, thân và tâm thấu triệt tức thì đồng thời, bấy giờ có thể khai mở nguồn năng lượng an tịnh vững chãi bát ngát. Nhưng, ta cần đến người hỗ trợ cộng hưởng?

Cho nên nói, thân tịnh trước hay tâm an trước, không thể nói cái nào trước. Có lẽ, đồng thời thể xác – thể phách, thân và tâm thấu triệt tức thì đồng thời, bấy giờ có thể khai mở nguồn năng lượng an tịnh vững chãi bát ngát.

Mỗi khi bàn đến nguồn năng lượng thanh khiết nâng cao tần số rung động tha nhân, Hawkins thường nhắc tới vai trò người thầy tâm linh/người dẫn dắt tinh thần. Việc kết thông, tương hỗ giữa người thầy tâm linh và người tìm kiếm bến bờ “Thân tịnh tâm an” biểu hiện qua sự đồng hiện tức thì thị tại đôi bên, khiến cho hào quang tâm linh (hay bức xạ/Radiation) cộng hưởng khuếch trương [7]. Nhờ đó, người thầy tâm linh có thể dìu dắt kẻ khổ đau nhìn thấy phương hướng tự thân đi tới bến bờ thanh tịnh.

Bởi sự cộng hưởng khuếch trương sản tạo trường hấp dẫn với năng lượng vô hạn từ Ý thức (consciousness itself) [8]. Trường năng lượng này chi phối hành vi người, lập thành nhân tính và sử tính một con người. Nói khác, sự hiện hữu người thì thuộc trường năng lượng vốn sẵn liên thông giữa chính mình và mọi người. Việc trở về, tìm thấy và tác động trường hấp dẫn này, có thể sửa chữa, điều phối, cân bằng, thăng tiến đến cấp độ hiện hữu sâu sắc hơn, vững chãi hơn. Nói khác: Thân tịnh tâm an!

David R. Hawkins cùng hằng hà sa số “Bồ tát” khác từng đến trong cõi người – những người thầy tâm linh chạy chữa và nâng đỡ con người khỏi những nỗi khổ niềm đau bao vây thân tâm, đã gửi lại nhân thế bài học dẫn lối về con đường nội hiện, lối thoát cho cơn khủng hoảng nhân tâm/nhân tính hôm nay. Sức khỏe người và tính người thống nhất tương liên với nhau trong căn nguyên năng lượng duy nhất. Có thể nói, Hawkins gắn liền khoa học sức khỏe với khoa học, xã hội và nhân văn. Việc này buộc chúng ta nghiêm túc nhìn lại quá trình tiến hóa tâm linh của nhân loại đương thời. Cho đến nay, quá trình tiến hóa tâm linh đã đi tới đâu và vướng mắc những chướng ngại gì, đồng thời chỉ rõ những thách thức đối với tiến hóa nhân bản của nền văn minh nhân loại nói chung.

 

Võ Quốc Việt/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 399

Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Bài viết dựa trên giới thiệu về David R. Hawkins trên https://innerpathway.com/

[2] David R. Hawkins. I – Reality and Subjectivity. USA: Veritas Publishing, 2003, p.338-339.

[3] Ouspensky, P. D. Tertium Organum: The Third Canon of Thought, a Key to the Enigmas of the World (translated from the Russian by Nicholas Bessaraboff and Claude Bragdon  with an Introduction by Claude Bragdon). USA: Vali-Ballou Co., 1922,  p.306-332.

[4] David R. Hawkins. Healing and Recovery. USA: Veritas Publishing, 2006, p.16.

[5] David R. Hawkins. Healing and Recovery. USA: Veritas Publishing, 2009, p.41.

[6] David R. Hawkins. Healing and Recovery. USA: Veritas Publishing, 2009, p.42.

[7] David R. Hawkins. I – Reality and Subjectivity. USA: Veritas Publishing, 2003, p.304.

[8] David R. Hawkins. Power vs. force: the hidden determinants of human behavior. USA: Hay House Inc, 2012.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin