Chi tiết tin tức

Phật giáo thể hiện nét đẹp đạo – đời trong mùa dịch

12:03:00 - 04/09/2021
(PGNĐ) -  Khi làn sóng COVID-19 ập đến và lây lan trên diện rộng với tốc độ chóng mặt ở các địa phương, Tăng Ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước đã tích cực hướng về tâm dịch. Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đã chia sẻ yêu thương, đóng góp nguồn lực cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 mua sắm vật tư, thiết bị y tế ủng hộ các bệnh viện, xung phong vào tuyến đầu chống dịch.

iễn chư Tăng lên đường vào Nam chống dịch.

HÀNH ĐỘNG THIẾT THỰC, HỖ TRỢ TUYẾN ĐẦU 

Cuối tháng 4/2021, làn sóng lây lan dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở TP HCM và nhiều tỉnh/thành phía Nam với số ca nhiễm không ngừng tăng lên. Hàng loạt bệnh viện dã chiến được thành lập, khiến ngành y khó khăn giải quyết bài toán nhân sự. Trước tình cảnh ấy, GHPGVN đã phát động phong trào “Cởi áo cà sa khoác áo blouse trắng tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch”. Nhất loạt hưởng ứng, nhiều Tăng Ni, Phật tử đã đồng lòng liên tục gửi đơn xung phong lên tuyến đầu chống dịch.

Các tình nguyện viên Phật giáo đã không quản ngày đêm, vượt mọi khó khăn, làm nhiều công việc khác nhau như: Sàng lọc bệnh nhân, hồi sức – cấp cứu, chia sẻ và xoa dịu nỗi đau của những bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt, lau dọn vệ sinh,…

Dù ban đầu chỉ đăng ký tham gia hỗ trợ trong một tháng, nhưng nhận thấy dịch bệnh còn đang phức tạp, có những người đã tự nguyện xin kéo dài thời gian phục vụ. Có thể nói, tinh thần dấn thân, sự cảm thông, lòng yêu thương, sự kiên nhẫn và chấp nhận nguy hiểm chính là hành trang của những tình nguyện viên Phật giáo đang ngày đêm miệt mài góp sức vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao bảng hỗ trợ cho đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM

Tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12, Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình (tình nguyện viên Đội cấp cứu) khẳng định tiếp tục ở lại cống hiến cho đến khi hết dịch mới trở về. “Chúng tôi muốn hỗ trợ cho đội ngũ tuyến đầu cũng như giúp đỡ được một chút xíu gì đó để gánh bớt sự nhọc nhằn vất vả cho đội ngũ y bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh nhân”, Sư cô tâm nguyện.

Nhóm tình nguyện viên Phật giáo thuộc GHPGVN TP. HCM trao tặng tại Bệnh viện dã chiến số 12 các vật dụng y tế, gồm: 1.270 bộ đồ bảo hộ (trong đó có 880 bộ cấp 4 và 390 bộ cấp 2, cấp 3), 800 khẩu trang N95-3M, 200 máy SPO2, 3 máy MONITOR theo dõi bệnh nhân 5 thông số PVM-2701…

Đặc biệt, có 10 vị Tăng trẻ tuổi ở Nam Định đã tình nguyện lên đường từ miền Bắc vào miền Nam hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Long An. Đó chỉ là những vị Tăng đầu tiên lên đường trong số hàng trăm Tăng Ni sinh của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội đã viết đơn phát nguyện xin tham gia vào tuyến đầu chống dịch.

Để chia sẻ khó khăn với các chiến sĩ đang ngày đêm chống dịch, suốt thời gian qua, nhiều ngôi chùa đã đồng lòng hưởng ứng phong trào “Bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch”, gửi gắm vào những suất ăn đến các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly phòng, chống dịch COVID-19.

Bác sĩ CKII Phạm Đăng Trọng Tường – Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 (thứ hai, từ phải sang) tiếp nhận các vật dụng y tế cho bệnh viện từ Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình và nhóm tình nguyện viên Phật giáo
Sư cô Nhuận Bình tháo đồ bảo hộ sau khi tan ca chăm sóc F0

Ước tính mỗi ngày có hàng chục nghìn suất cơm do Ban Trị sự hoặc các chùa công đức tới các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tại TP HCM (chùa Vĩnh Nghiêm mỗi ngày phục vụ từ 10.000 đến 20.000 suất; chùa Tường Nguyên mỗi ngày chăm sóc hơn 20.000 suất ăn phục vụ các bệnh viện dã chiến,…).

Tính đến ngày 26/8/2021, GHPGVN đã ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch 382,5 tỉ đồng (tính từ ngày 27/4 đến 26/8). Trong đó có hơn 100.000 khẩu trang N95, 25 máy thở đa năng cao cấp, 400 máy tạo oxy, 10 xe cứu thương, hơn 3.000 tấn nông sản, 500.000 phần quà và gần 1.000 tấn gạo, 5 triệu suất ăn…

Không chỉ đóng góp kinh phí chống dịch, đến nay, số lượng tình nguyện viên Phật giáo đăng ký tham gia hỗ trợ người dân các khu cách ly, phong tỏa là 1.250 người, đã tham gia tại Bệnh viện dã chiến số 10, 13 (TP HCM) và tại các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An là 150 người. GHPGVN còn cho mượn 13 điểm tại các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương để trưng dụng thành nơi chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19, nơi cách ly.

Các chùa chuẩn bị hàng nghìn phần cơm mỗi ngày gửi vào các khu cách ly, khu phong tỏa

LAN TỎA YÊU THƯƠNG, ĐẨY LÙI ĐẠI DỊCH 

Không chỉ vậy, phát huy tinh thần “Hộ quốc an dân”, GHPGVN đã khuyến khích các chùa tích cực phát tâm đăng ký, đề nghị chính quyền địa phương sử dụng cơ sở tự viện làm bệnh viện dã chiến, khu cách ly, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến đầu.

Các chùa còn đăng ký nhận tro cốt của những bệnh nhân COVID-19 tử vong và tổ chức cầu siêu cho vong linh của họ; lồng ghép các nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch COVID-19 thành bài giảng trực tuyến, thuyết pháp trên các phương tiện truyền thông…

Trước đó, GHPGVN TP. HCM đã chọn chùa Long Hoa, tọa lạc tại số 44 Trần Minh Quyền, phường 11, quận 10 làm nơi thờ tạm tro cốt của người dân qua đời vì COVID-19 khi chưa có thân nhân tiếp nhận hoặc thân nhân đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly, điều trị có nguyện vọng để tạm trong chùa theo tín ngưỡng tôn giáo.
Nhằm chia sẻ những khó khăn với người dân chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, Ni sư Thích Nữ Như Hiền (chùa Bồ Đề Lan Nhã) đã lặn lội khắp nơi, vận động các mạnh thường quân để tổ chức siêu thị “0 đồng” tại chùa dành cho người lao động nghèo trên địa bàn quận 6 (TP. HCM). Mỗi túi quà từ siêu thị “0 đồng” có tới 17 món gồm: Tiền mặt, gạo, mì, dầu ăn, khẩu trang, đường…

Các cơ sở tự viện Phật giáo như: chùa Giác Quang, Phước Viên, Vạn Đức… đã kêu gọi quyên góp từ Phật tử, nhà hảo tâm để tặng hàng trăm phần quà đến với người dân gặp khó khăn tại khu bị phong tỏa trên địa bàn; nấu cơm từ thiện tặng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Nhóm Phật tử từ thiện Hội Pháp hoa Ấn Quang (quận 10) tặng 1.000 phần cơm chay/ngày cho người lao động nghèo. Chùa Giác Ngộ sau 3 lần tổ chức đã trao tặng 23 tấn khoai và 18 tấn gạo cho người dân đang thực hiện cách ly y tế tại quận Gò Vấp, quận 12 và người nghèo trên địa bàn thành phố…

Ni sư Thích Đàm Giao – Trụ trì chùa Phúc Long – tổ chức nấu cơm từ thiện cho Bệnh viện K (Hà Nội)

Từ ngày 14/7, một góc chùa Vĩnh Nghiêm (quận 3, TP.HCM), đã trở thành bếp ăn dã chiến cung cấp những phần cơm nóng, canh ngọt cho người dân, y – bác sĩ tuyến đầu. Đều đặn mỗi ngày, từ sáng sớm, bếp ăn đã đỏ lửa với sự chung tay của các sư, Phật tử tại chùa.
Trước khi áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố, hằng ngày nhà chùa đều đặn chia sẻ 1.000 suất cơm chay cho người nghèo trên địa bàn. Sau này, do nhận thấy còn rất nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cần được hỗ trợ, nhà chùa quyết định nấu 6.000-10.000 suất cơm/ngày gửi đến các bệnh viện, khu cách ly, phong tỏa. Ngoài các suất ăn chay, để bảo đảm dinh dưỡng cho các đội ngũ y – bác sĩ tuyến đầu, Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN TP.HCM còn bố trí các nhóm Phật tử nấu 2.000 suất ăn mặn tại các bếp riêng.
Những việc làm thiện nguyện giàu lòng nhân ái kể trên chỉ là những hoạt động tiêu biểu trong rất nhiều hoạt động thiện nguyện đã và đang được các Tăng Ni, Phật tử thực hiện suốt thời gian qua, trong nỗ lực chung tay chia sẻ khó khăn với người dân TP.HCM để vượt qua đại dịch COVID-19.

Những việc làm thấm đẫm tinh thần “từ bi” ấy của Tăng Ni, Phật tử trong mùa dịch không chỉ như một lời khẳng định về truyền thống “càng trong khó khăn càng sáng nghĩa đồng bào” của người dân thành phố mà còn góp phần tô thắm thêm nét đẹp của TP.HCM – thành phố nghĩa tình. Tất cả như ngọn lửa tỏa lan những giá trị tích cực đến cộng đồng, thổi bùng lên ánh sáng của lương tri, để những dòng yêu thương san sẻ chảy tràn lòng người, vun đắp thêm niềm tin chiến thắng đại dịch.

Ni sư Thích Nữ Như Hiền tổ chức “Gian hàng 0 đồng” tại chùa Bồ Đề Lan Nhã
Chùa Bồ Đề Lan Nhã đã trao 200 phiếu mua hàng cho bà con, mỗi phiếu được mua 17 món hàng khác loại với giá 0 đồng và tặng thêm một phong bì tiền mặt.
Các tình nguyện viên của Quỹ Đạo Phật ngày nay – chùa Giác Ngộ phân phối nông sản để kịp gửi đến các điểm tiếp nhận. (ảnh dưới)
 

Lam Phương/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 373

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin