Chi tiết tin tức

Quan điểm Phật giáo với đạo lý thầy trò trong ca dao tục ngữ Việt Nam

14:56:00 - 21/11/2022
(PGNĐ) -  Trong Phật giáo, mối quan hệ thầy-trò luôn mang tính truyền thừa và kế tục những giá trị nhân văn trong đời sống. Bởi người thầy là người chỉ dẫn cho hàng đệ tử, học trò đi đúng đường, hướng đến giác ngộ, an lạc, giải thoát và làm lợi ích cho nhân sinh.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nền văn hóa Việt Nam có rất nhiều giá trị sâu sắc và phong phú, tập trung vào những giá trị tinh thần to lớn như: tinh thần yêu nước, tình nhân ái giữa người với người, tinh thần hiếu đễ,… Trong đó được nhắc đến nhiều nhất là truyền thống đạo đức Việt Nam qua câu nói “uống nước nhớ nguồn” (“ẩm thủy tư nguyên”), hay triết lý “tôn sư trọng đạo”. Có thể nói, đây là tính nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa thầy và trò, một trong những mối quan hệ cơ bản của xã hội. Mối quan hệ thầy-trò được người dân ca tụng, ghi chép và truyền lại với những câu nói ngắn theo nhịp điệu tự nhiên… Từ văn chương truyền miệng tiến lên những bài dân ca dài có nhịp điệu nhằm diễn đạt truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Trong Phật giáo, mối quan hệ thầy-trò luôn mang tính truyền thừa và kế tục những giá trị nhân văn trong đời sống. Bởi người thầy là người chỉ dẫn cho hàng đệ tử, học trò đi đúng đường, hướng đến giác ngộ, an lạc, giải thoát và làm lợi ích cho nhân sinh. Bài viết ngắn với mục tiêu giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc hơn về mối quan hệ thầy-trò, đồng thời nhắc nhở mỗi người trên bước đường hành đạo sau này. 

Lúc còn nhỏ, mỗi người chịu ơn nuôi dưỡng của cha mẹ; đến khi lớn, cắp sách tới trường, chính thầy giáo là người nâng niu, uốn nắn dạy dỗ ta nên người: “Mẹ cha công sức sinh thành. Ra trường thầy dạy học hành cho hay”.
(Ảnh: sưu tầm)

Từ khóa: thầy trò, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn.

1. NHẬN ĐỊNH VỀ TÌNH THẦY – TRÒ TRONG XÃ HỘI

Tình thầy-trò là mối quan hệ mật thiết với nhau mà trong đó một người giàu kinh nghiệm hoặc am hiểu hơn dẫn dắt người có trình độ kém hơn. Người thầy có thể lớn tuổi hoặc ít tuổi hơn học trò, song phải am tường lĩnh vực chuyên môn để giảng dạy. Ở bất cứ thời đại nào, mối quan hệ này là biểu hiện cao quý của đạo đức xã hội và đạo đức học đường. Kính trọng thầy, cô giáo là bổn phận của học trò, thương yêu, giúp đỡ học trò là trách nhiệm của thầy, cô giáo. Điều này là một thuộc tính phổ biến rằng: kính trọng công đức của bậc đạo sư như “nhất nhựt chi sư chung thân vi phụ” [1]. Chỉ khác ở mỗi xã hội có kết cấu văn hóa, kinh tế, chính trị khác nhau, mà cách biểu hiện của mối quan hệ ấy được định chế trong phạm vi nhất định. 

Mối quan hệ thầy-trò được ông cha ta đặt ở một vị trí thiêng liêng và trang trọng. Nhiều câu ca dao tục ngữ ghi nhận vai trò của người thầy trong xã hội đó là sự nhắc nhở và giáo dục người học trò kính trọng, biết ơn thầy. Đó là văn hóa truyền thống từ muôn đời nay của người Việt như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Trọng thầy mới được làm thầy; Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy…”; luôn coi trọng giáo dục nhân cách và phẩm chất con người, lấy đức độ, lễ nghĩa làm đầu [2]. Ngày nay, vai trò của người thầy, bên cạnh vai trò truyền thống: “Sự thành đạt của mỗi học trò đều có công lao to lớn của thầy như câu tục ngữ: không thầy đố mày làm nên” [3] còn được nhìn nhận theo diễn ngôn mới: người thầy là động lực cho mục tiêu đào tạo. 

Từ cơ sở đó, người học trò đã trở thành chủ thể sáng tạo, chủ động học với bạn bè những điều nên học như quan điểm: “học thầy không tày học bạn”. Và cơ hội phát triển bản thân lúc này còn tùy thuộc vào khả năng tiềm tàng và ý chí tìm hiểu tự nhiên – xã hội của bản thân người học trò với tiêu chí “đi một ngày đàng học một sàng khôn – travelling forms a young man” [4]. Lý tưởng này, trong đạo Phật có thể hiểu là được hàm chứa trong bốn chữ: “tự độ-độ tha”. Đó cũng chính là lý do mà ba pháp quy y được xem là hành trình đầu tiên của tự độ, đồng thời là quy chuẩn đạo đức để xác tín rằng đây là một người con Phật đúng nghĩa. Đức Phật dạy: “Ai quy y Phật, này Mahānāma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahānāma, là người cư sĩ” [5]. Từ việc quy y này có nghĩa là khi xem Đức Phật là bậc thầy dẫn đường vĩ đại, thì mối quan hệ thầy-trò xuất hiện và định hình. Trong Kinh Trung bộ có câu chuyện cảm động về chàng thanh niên Pukkusati được nhắc lại như một hình tượng đẹp về việc nương tựa Đức Phật làm bậc thầy của mình; Pukkasati đã khẳng định: “Tôi đã xuất gia, y cứ bậc Thế Tôn ấy. Ngài là bậc Ðạo sư của tôi. Và tôi chấp thuận Pháp của bậc Thế Tôn ấy” [6]. Câu chuyện mang ý nghĩa thiết thực cho xã hội ngày nay rằng: Tuy không đủ duyên lành sinh vào thời Đức Phật và gặp Ngài, nhưng chúng ta vẫn có lòng tin vào Ngài, y cứ vào giáo Pháp và Tăng đoàn của Ngài. Đức Phật đã trở thành một vị thầy vĩ đại và chúng ta đã là người học trò nhỏ trong giáo pháp rộng lớn của Ngài. Thế nên, mối quan hệ về thầy – trò mang giá trị đạo đức thực tiễn. Bởi vì, một nhà giáo thiếu nền tảng cũng chỉ là một cái vỏ rỗng nhiều màu sắc, không đủ điều kiện để truyền thụ thiêng liêng giữa giáo sư và sinh viên. Sự giáo dục như vậy chỉ làm cách xa tình thầy trò [7].

2. TRÁCH NHIỆM NGƯỜI THẦY

Trong xã hội phong kiến, triết lý Nho gia thiết lập mối quan hệ “Quân-Sư-Phụ” cho thấy trong xã hội cũ, người xưa đã đặt vị trí người thầy rất cao trọng. Ngày nay, thầy-cô giáo vẫn là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng. Sự thành bại trong sự nghiệp của một cá nhân, một phần lớn cũng là do sự dạy dỗ của người thầy [8]. Mỗi con người, từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành luôn được chăm sóc, dạy dỗ bởi bàn tay, khối óc, tấm lòng cao cả, bao la của nhiều người thầy theo tiến trình thay đổi của dòng thời gian. Lúc còn nhỏ, mỗi người chịu ơn nuôi dưỡng của cha mẹ; đến khi lớn, cắp sách tới trường, chính thầy giáo là người nâng niu, uốn nắn dạy dỗ ta nên người: 

“Mẹ cha công sức sinh thành.

Ra trường thầy dạy học hành cho hay”.

Đến khi con người đã công thành doanh toại, người ta vẫn nhắc nhau câu: “Mười năm rèn luyện sách đèn, công danh gặp bước chớ quên ơn thầy” [9], mang ý nghĩa to lớn rằng: Đây không chỉ là truyền thống mà còn là phạm trù đạo đức, phản ánh suy nghĩ, nhân cách của mỗi người. Daniel Goleman nhận định về người thầy: “Bổn phận của người hướng dẫn là giúp cho người khác có được một tâm trạng thích hợp để thực hiện tốt công việc. Trách nhiệm của các bậc thầy đối với học trò cũng vậy; khi người ta vui vẻ, phấn khởi và tỉnh táo thì đầu óc làm việc rất hữu hiệu. Nếu người thầy thường la mắng học trò của mình, đó là họ đang tự phá hoại công trình của chính họ” [10]. Tâm trong sáng của người thầy thương yêu tất cả học trò đồng đều, không phân biệt, khéo léo sử dụng nhiều phương pháp tình thương để hóa giải xung đột và các cuộc tranh chấp hay gây rối trong học đường. Người thầy không chỉ giảng dạy chuyên môn mà còn hướng dẫn cách sống và cách làm người thiết thực trong đời sống. Để làm tốt vai trò, người thầy còn có thể thử đặt mình vào vị trí của học trò để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn để hướng dẫn và dạy dỗ một cách khoa học. 

Đối với đạo Phật, người thầy còn có vai trò, trách nhiệm và bổn phận to lớn hơn, như lời Đức Phật dạy: “Các bậc sư trưởng có lòng thương tưởng đến các đệ tử theo năm cách: Huấn luyện đệ tử những gì mình đã được khéo huấn luyến; dạy cho bảo trì những gì mình được khéo bảo trì; dạy cho thuần thục các nghề nghiệp; khen đệ tử với các bạn bè quen thuộc; bảo đảm nghề nghiệp cho đệ tử về mọi mặt” [11]. Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã làm rất xuất sắc về vai trò của người thầy, giáo dục đệ tử trở thành hình mẫu về lối sống phạm hạnh và kiện toàn về đạo đức. Ở đây, ta khẳng định, người thầy đúng nghĩa là phải có tri thức và đạo đức. Có tri thức mới chia sẻ tri thức ấy cho người học trò, có đạo đức thì có thể làm chỗ dựa cho học trò nương tựa theo. Ngoài giáo dục bằng khẩu giáo, ý giáo, truyền đạt tư tưởng nền tảng, xây dựng nên nhân cách đạo đức trên Tam vô lậu học, giáo dục Phật giáo rất xem trọng thân giáo bởi vì thân giáo nói lên nhân cách, đạo hạnh, nét đẹp khả thi của một vị thầy [12]. Việc giáo dục bằng thân giáo của Đức Phật “là bài học sống động nhất mà tất cả hàng đệ tử noi theo, bởi nhân cách đạo đức và tấm lòng từ bi, cho đến khi họ tu tập và chứng quả vị đều nhờ thân giáo của Ngài” [13]. Bổn phận của người thầy rất cao trọng, nếu không làm trọn vẹn trách nhiệm của một người thầy, trong Yết Ma Yếu Chỉ có ghi rất rõ: “làm bậc Thầy thâu nhận đệ tử mà không biết giáo dục là một trọng tội” [14].

3. BỔN PHẬN NGƯỜI HỌC TRÒ

Truyền thống kính trọng thầy trong ca dao – tục ngữ Việt Nam không những thể hiện tư tưởng hiếu học, trọng kiến thức, trọng người tài mà còn là sự thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” [15] tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Người học trò phải luôn kính mến vị thầy với tất cả tấm lòng. Thầy dạy khó thì học trò mới nên người. Và câu tục ngữ “kính thầy mới được làm thầy” chính là đề cập đến giáo lý nhân quả của Phật giáo; nếu biết tôn kính thầy thì bản thân mới được người đời tôn kính, mới có khả năng bảo ban và khuyên dạy người khác [16]. Đức Phật thường khen ngợi người biết báo đền ơn: “Nếu có chúng sanh biết báo đền, người này đáng kính, ân nhỏ còn chẳng quên huống là ân lớn. Cho dù người ấy rời nơi đây ngàn do tuần, trăm ngàn do tuần mà chẳng là xa, vẫn không khác gần Ta. Vì sao? Tỳ kheo nên biết, Ta thường khen ngợi người biết báo đền” [17]. Vì thế, ân đức của người thầy rất lớn mà văn hóa đã nói “không thầy đố mày làm nên” [18]. Người đệ tử làm tròn bổn phận của mình theo lời Đức Phật dạy; khi ấy, người học trò cũng phần nào báo đáp được ân nghĩa đối với người thầy: 

“1. Hầu hạ cung cấp điều cần.

2. Kính lễ cúng dường.

3. Tôn trọng quý mến.

4. Thầy có dạy bảo điều gì thì không trái nghịch.

5. Thầy có dạy bảo điều gì thì nhớ kỹ không quên.” [19].

Qua đây, chúng ta nhận thấy, bổn phận người trò là phải biết mình đang ở đâu, đối diện mình là ai, mình đến đây để học cái gì và phải làm những gì cho tốt đẹp cuộc đời của chính mình và có ích cho mọi người. Khi tâm kính lễ cầu học có rồi, người học trò phải nỗ lực tinh chuyên, cần cù ra sức học tập, thân cận với các bậc thiện tri thức tu học để xứng đáng với câu “một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa” [20]. Không có sự nghiệp nào lớn hơn trí tuệ, bởi trí tuệ tạo nên giá trị của một người. Nhưng để có trí tuệ không phải là chuyện dễ dàng, không phải một sớm một chiều là có được, mà đòi hỏi người học trò chú tâm và dụng công tu học.

Những việc Tôn giả Ananda hầu Đức Phật được xem là hình mẫu lý tưởng của người đệ tử. Kinh ghi rằng: “Ananda hầu hạ Thế Tôn, đem nước, đem tăm xỉa răng, rửa chân, đi theo Thế Tôn, quét phòng cho Thế Tôn. Ban ngày, Ananda ở một bên Đức Phật, nhắc nhở những điều cần làm; ban đêm cầm đèn và gậy. Ananda đi xung quanh phòng Đức Phật sẵn sàng đáp ứng nếu Thế Tôn có gọi. Thế Tôn tại Jetavana, xác chứng Ananda là vị Tỳ kheo đệ nhất về năm phương diện: Ða văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì, và sự hầu hạ chu đáo” [21]. Tất cả việc người trò làm điều một lòng một dạ hướng tâm đến thầy mình đó thuộc về đạo đức, mà được thể hiện qua đời sống hằng ngày bằng các hình thức sinh hoạt qua cử chỉ, lời nói và quan thiết là từ cái tâm; đó là trách nhiệm hầu thầy. Về đời sống tu tập, khi người trò được thầy nhắc nhở do thực tập sai đường lối thì người học trò phải biết tiếp thu và lắng nghe sự chỉ dạy từ vị thầy mình. Người trò khi vấp ngã nhưng có thể tự mình đứng lên được, như trong kinh Đức Phật dạy: “Con bò này đã vấp ngã nhưng đã đứng dậy và kéo đi gánh nặng của mình. Vậy ta phải tinh tấn, sau khi rơi vào rừng nhục dục, cần phải đứng dậy và làm tròn bổn phận của người tu hành” [22].

Quả thật, mối quan hệ giữa thầy-trò mang giá trị đạo đức thiêng liêng hơn bao giờ hết. Chính yếu tố đạo đức là cầu nối gắn kết giữa người thầy và người trò. Mối quan hệ giữa tình thầy nghĩa trò được đậm nét hơn bằng cách “hằng ngày chúng ta sống đạo đức, trong ý nghĩ, lời nói và việc làm, tức là chúng ta diệt khổ. Hằng ngày chúng ta siêng năng giữ vững chánh niệm, suy xét đúng đắn, có quan điểm đứng đắn về cuộc đời, biết tập trung tư tưởng, tức là chúng ta diệt khổ” [23].

Sự quan tâm của vị thầy xuất phát từ cái tâm tiếp dẫn hậu lai của những người đi trước là những giá trị không thể cân đong đo đếm được. Với người học trò, món quà lớn nhất dành cho người thầy chỉ có thể tóm gọn trong hai chữ biết ơn. Theo Phật giáo, hai chữ này là phẩm vật lớn nhất và không phải ai cũng có thể thực hiện được trong hành trình tu tập, mà đó là sự thực hành và ứng dụng chứ không phải là lời nói suông hay nói cho hoa mỹ. Trong Kinh Tăng chi, Đức Phật đã tuyên bố: “Có hai hạng người này, này các Tỳ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm. Hai hạng người này, này các Tỳ kheo, khó tìm được ở đời” [24]. 

Kết luận, trong Phật giáo, mối quan hệ thầy-trò được đặt trên nền tảng giác ngộ và giải thoát, lấy đó làm nhân tố để nối kết giữa thầy với trò. Mối liên kết này đã tồn tại qua nhiều thế kỷ; vì thế, nó sẽ vẫn luôn đồng hành và tồn tại cùng với văn hóa truyền thống của dân tộc khi thế gian này còn hiện hữu. Người thầy có trách nhiệm, bổn phận rằng chăm lo cho học trò mình đầy đủ các yếu tố: thể chất, tinh thần và học thức; có như vậy thì thầy mới làm tròn vai trò mình. Còn người trò thì luôn phải siêng năng tinh tấn trong việc tu và học, phải giữ gìn truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà đây là nét đẹp truyền thống có giá trị từ xưa cho đến nay và cả mai sau; đó cũng là phương pháp đáp đền ơn dưỡng dạy của người thầy đối với mình. Tóm lại, mối quan hệ thầy-trò này có giá trị mật thiết, rất thiết thực trong đời hiện tại và mai sau. Nó được kết chặt với nhau bằng tình thương mang đậm tính tương trợ, tương thân, tương ái, tương kính, hòa hợp và đoàn kết; hơn nữa, là bằng sự trao truyền và tiếp nối hay bằng sự hướng dẫn và kế thừa giáo pháp của Đức Phật. 

 

ĐĐ. Thích Phước Tiến/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 401

CHÚ THÍCH:

* Đại đức Thích Phước Tiến – Học viên Cao học Phật học khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.

[1] Hoàng Xuân Việt (1970), Gương thầy trò, Nxb. Xuân Thu, CA: Los Alamitos, tr.53.

[2] Hoàng Thị Thảo, Tìm Hiểu Một Số Nội Dung Giáo Dục Qua Triết Lí Nhân Sinh Trong Ca Dao, Tục Ngữ Việt Nam, Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt kỳ 1 tháng 5/2018, tr.276-279.

[3] Bùi Văn Vượng – Huy Linh (2015), Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam Tuyển Chọn, Nxb. Thanh Niên – Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.22.

[4] Nguyễn Đình Hùng (2007), Tuyển tập Thành ngữ – Tục ngữ – Ca dao Việt – Anh thông dụng, Nxb. TP HCM, tr.78.

[5] Thích Minh Châu (dịch, 2013), Kinh Tương Ưng Bộ (tập II), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.760.

[6] Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.580.

[7] Thư viện Đại học Vạn Hạnh (1975), Tư Tưởng Số 48, Nxb. Đăng Quang-Phan Thanh Giản-Sài Gòn, tr.131.

[8] Thích Nhật Từ, Thích Bửu Chánh, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (2015), Phật giáo vùng Mê-kông: Di sản và văn hóa, Nxb. Đại học Quốc gia, TP HCM, tr.364.

[9] Phạm Minh Hạc (2003), Về giáo dục, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.596.

[10] Nguyễn Duy Nhiên (2009), Đức Phật bên trong, Nxb. Tôn giáo, tr.163.

[11] Thích Minh Châu (dịch, 2013), Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.628.

[12] Thích Nhật Từ (2019), Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển, Nxb. Hồng Đức, tr.77.

[13] Thích Nhật Từ (2019), Giáo dục Phật giáo: Bản chất, phương pháp và giá trị, Nxb. Học viện Phật giáo Việt Nam, TP HCM, tr.116.

[14] Thích Trí Thủ (2006), Yết Ma Yếu Chỉ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.82.

[15] Thích Nhật Từ (2019), Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb. HVPGVN, TP HCM, tr.121.

[16] Diệu Kim (2011), Gánh nặng nhẹ tênh, Nxb. Phương Đông, tr.40.

[17] Thích Đức Thắng (dịch, 2011), Kinh Tăng Nhất A-hàm, tập 1, 20. Phẩm Thiện tri thức, Nxb. Phương Đông, TP HCM, tr.339.

[18] Thích Nhật Từ (2013), Gia đình xã hội và tâm linh: Ứng dụng Kinh Thiện Sanh trong cuộc sống, Nxb. Hồng Đức, tr.127.

[19] Tuệ Sỹ (dịch, 2007), Kinh Trường A-hàm, tập 1, 16. Kinh Thiện Sanh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.352.

[20] Việt Chương (1995), Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam (tập 2), Nxb. Đồng Nai, tr.90.

[21] Thích Minh Châu (dịch, 2015), Kinh Tiểu Bộ (tập II), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.472.

[22] Thích Minh Châu (dịch, 2001), Kinh Tiểu Bộ 3, Nxb. VNCPHVN, TP HCM, tr.56-57.

[23] Minh Chi (1995), Các vấn đề Phật học, Nxb. VNCPHVN, TP HCM, tr.90.

[24] Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Nxb. VNCPHVN, TP HCM, tr.160.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

2. Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng Chi Bộ, Nxb. VNCPHVN, TP HCM.

3. Thích Minh Châu (dịch, 2001-2005), Kinh Tiểu Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

4. Thích Minh Châu (dịch, 2013), Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Thích Minh Châu (dịch, 2013), Kinh Tương Ưng Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

6. Tuệ Sỹ (dịch, 2007), Kinh Trường A-hàm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

7. Thích Đức Thắng (dịch, 2011), Kinh Tăng Nhất A-hàm, Nxb. Phương Đông, TP HCM.

8. Bùi Văn Vượng, Huy Linh (2015), Tục ngữ ca dao Việt Nam tuyển chọn, Nxb. Thanh Niên – Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

9. Diệu Kim (2011), Gánh nặng nhẹ tênh, Nxb. Phương Đông.

10. Hoàng Xuân Việt (1970), Gương thầy trò, Nxb. Xuân Thu, CA: Los Alamitos.

11. Minh Chi (1995), Các vấn đề Phật học, Nxb. VNCPHVN, TP HCM.

12. Nguyễn Đình Hùng (2007), Tuyển tập thành ngữ – tục ngữ – ca dao Việt – Anh thông dụng, Nxb. TP HCM.

13. Nguyễn Duy Nhiên (2009), Đức Phật bên trong, Nxb. Tôn giáo.

14. Phạm Minh Hạc (2003), Về giáo dục, Nxb. Chính trị Quốc gia.

15. Thích Nhật Từ (2013), Gia đình xã hội và tâm linh: Ứng dụng kinh thiện sanh trong cuộc sống, Nxb. Hồng Đức.

16. Thích Nhật Từ (2019), Giáo dục đạo đức Phật giáo trong trường học và xã hội, Nxb. HVPGVN, TP HCM.

17. Thích Nhật Từ (2019), Giáo dục Phật giáo: Bản chất, phương pháp và giá trị, Nxb. HVPGVN, TP HCM.

18/ Thích Nhật Từ (2019), Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển, Nxb. Hồng Đức.

19. Thích Nhật Từ, Thích Bửu Chánh, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý (2015), Phật giáo vùng Mê-Kông: Di sản và văn hóa, Nxb. Đại học Quốc gia, TP HCM.

20. Thích Trí Thủ (2006), Yết Ma Yếu Chỉ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

21. Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh (1975), Tư Tưởng Số 48, Nxb. Đăng Quang-Phan Thanh Giản-Sài Gòn.

22. Việt Chương (1995), Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam (tập 2), Nxb. Đồng Nai.

23. Hoàng Thị Thảo, Tìm hiểu một số nội dung giáo dục qua triết lí nhân sinh trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, Tạp chí Giáo dục, Số đặc biệt Kì 1 tháng 5/2018.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin