Chi tiết tin tức

Rìa hu trong tâm thức người KHƠ-ME NAM BỘ

22:37:00 - 08/04/2016
(PGNĐ) -  Rìa-hu là vị thần có khuôn mặt dữ tợn được trang trí phổ biến ở các chùa Khơ-me. Ở chùa, Rìa-hu được trang trí tại nhiều nơi như: cổng chùa, hàng cột trong chính điện, trên các vòm cửa phòng của sư sãi…   Hình tượng này nhằm nói lên uy quyền của Đức Phật trong việc chế ngự các loài quỷ dữ.

Đây là tín ngưỡng sơ khai của cộng đồng người Khơ-me Nam Bộ còn mang dấu vết của việc ảnh hưởng Bà-la-môn giáo. Nó phản ánh cái nhìn “của người trồng trọt sơ khai trước sức mạnh huyền bí của thiên nhiên; nghĩa là trước thời tiết, sự vận hành của các thiên thể, thủy triều, và các hiện tượng tự nhiên khác, tức những gì có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nông dân, thậm chí của cả cư dân ven biển.”1

Thông thường, Rìa-hu được trang trí bằng tranh vẽ hoặc tượng tạc trong tư thế hai tay nắm mặt trăng đưa vào miệng để nuốt. Để giải thích cho hành động này, dân gian Khơ-me có câu chuyện kể như sau:

Ngày xưa có ba anh em nhà nọ có đức tốt, mến mộ đạo Phật. Họ thường xuyên dâng cơm cho sư sãi trong chùa cũng như khi thấy các vị sư khất thực đi ngang nhà. Một hôm, theo thường lệ, để dâng cơm cho vị La-hán mỗi ngày đi khất thực qua xóm, hai người anh bảo người em chụm củi nấu cơm. Hôm ấy do củi ướt nên củi không cháy. Sốt ruột, hai người anh giận dữ la mắng người em. Nhưng do cả ba anh em đều có đức tốt nên cuối cùng củi cháy và cơm chín, kịp dâng cho vị La-hán đi ngang nhà. Khi đặt bát dâng cơm, người em nghĩ rằng do mình làm em nên mới bị ăn hiếp nên anh ta cầu nguyện xin kiếp sau đầu thai thành một người có sức mạnh vô biên, xin thành Rìa-hu hay gió bão, mạnh không ai chặn đứng nổi. Hai người anh nghe lời nguyện ấy, sợ sau này bị em làm khổ mới cầu xin cho kiếp sau, người lớn thành mặt trời, người kế thành mặt trăng. Nhờ đức tốt của ba anh em thường xuyên cúng dường cho La-hán nên ước mơ của cả ba đều trở thành hiện thực. Anh cả thành Mặt Trời gọi là Preah A Tik, anh kế thành Mặt Trăng gọi là Preah Chan, em út thành Rìa-hu. Hai anh bị em rượt chạy theo núi Sakmêruk. Rìa-hu chạy không kịp, tức giận vô cùng, bèn xuống ao Anotatak tắm rửa. Ao này do chư Thiên biến hóa ra, giao quyền quản trị cho Thần Komphonlak dặn rằng dù cho chư Thiên, Chằn tinh hay kẻ nào muốn lấy nước hoặc tắm rửa, phải có sự thỏa thuận của vị Thần này, ai trái lịnh Thần có quyền xử tử. Rìa-hu ỷ mình vô địch nên không thèm xin phép trước khi tắm, bị Thần Komphonlak chém đứt ngang ngực. Nhờ có phước lớn, Rìa-hu không chết, nhưng không còn chân để chạy nên bò lên nửa chừng núi Samêruk nằm hả họng chờ mặt trời và mặt trăng đi ngang qua thì nuốt. Quả nhiên mặt trăng bị Rìa-hu nuốt một năm một lần hay hai lần còn mặt trời thì hai, ba năm một lần.2

Một dị bản khác cho rằng:

Ngày xưa, gia đình nọ có ba anh em trai. Hôm nào ba anh em cũng dành phần cơm đặt bát cho các nhà sư khất thực. Một út nấu cơm, nhưng vì củi bị mưa ướt nên người em út nhóm mãi lửa không cháy được. Đến khi đoàn các vị khất thực ngang nhà mà cơm vẫn chưa chín.

Không có cơm để đặt bát cho các tu sĩ, hai người anh giận lắm, quát mắng và lấy vá xúc cơm đánh vào đầu người em út. Người em út bị các anh đánh, tủi thân bỏ ra bờ con sông lớn sau nhà ngồi khóc. Nhìn nước sông chảy xiết, người em út nguyện kiếp sau được hóa thành người có sức mạnh như dòng nước chảy để không ai bắt nạt được mình.

Hai người anh thấy em bỏ ra bờ sông ngồi khóc bèn theo ra xem xét. Nghe em cầu nguyện như vậy, hai người anh lấy làm lo lắng và từ đó họ luôn cầu nguyện được hóa thành những người có sức mạnh hơn dòng nước chảy để em mình không làm hại được.

Về sau, lời nguyện cầu của ba anh em nọ đều được toại nguyện: Người anh cả được hóa kiếp thành Pờ-rặc A-tít, tức là mặt trời, người anh thứ hóa kiếp thành Pờ-rặc Chanh tức là mặt trăng, và người em út hóa thành Rìa-hu, một người to lớn, mặt mũi nhăn nhó, xấu xí, có sức mạnh vô địch, không ai có thể ngăn cản, chống chọi lại nổi.

Vốn có thâm thù với hai anh từ kiếp trước, Rìa-hu thường chặn bắt mặt trời và mặt trăng nuốt vào bụng để trả thù. Lúc đó, trời đất bị mờ đi, hay tối hẳn lại. Thần Pờ-rặc In, vị thần cai quản vũ trụ, thấy vậy bèn dạy cho Pờ-rặc A-tít và Pờ-rặc Chanh hai bài thần chú gọi là Sô bờ-rích/kinh Mặt Trời và Chanh bờ-rích/kinh Mặt Trăng để mặt trời và mặt trăng đọc khi lâm nạn, buộc Rìa-hu phải nhả mình ra. Do vậy, Rìa-hu chỉ nuốt mặt trời và mặt trăng được một lát, thì buộc phải nhả ra: Trời đất lại được sáng sủa như trước.

Rìa-hu ỷ mình to lớn, có sức mạnh, nên rất kiêu ngạo: tự cho mình là người vô địch trong vũ trụ và nghe ở đâu có người phi phàm thì tìm đến để… đòi tỷ thí.

Một hôm, nghe vợ nói Phật Cồ-đàm là người lớn nhất thế gian, Rìa-hu liền cõng vợ, bảo vợ chỉ đường đến gặp bằng được Phật Cồ-đàm. Đức Phật có phép thần thông biết Rìa-hu đến tìm mình, liền làm phép biến ngôi chánh điện của mình đang ở nhỏ lại. Rìa-hu bay đến nơi, thấy ngôi chánh điện nhỏ xíu, chỉ bằng nắm tay của mình, thì tự đắc bảo với vợ là mình có thể bóp nát ngôi chánh điện ấy một cách dễ dàng. Nhưng lạ thay, khi Rìa-hu cõng vợ, lách mình qua cửa, thì lọt vào bên trong ngôi chánh điện không bị vướng mắc gì cả.

Rìa-hu càng ngạc nhiên hơn khi thấy bên trong ngôi chánh điện rộng thênh thang và Phật Cồ-đàm mình đắp chiếc y vàng, dáng cao to như quả núi. Chưa kịp định thần, Rìa-hu liền cất tiếng hỏi:

-Trong vũ trụ có phải ông là người lớn nhất không?

Phật Cồ-đàm đáp:

-Trong vũ trụ này không ai lớn hơn thần Ma-ha Pờ- rum (Đại Phạn Thiên).

Nghe nói vậy, Rìa-hu một mực nài Phật Cồ-đàm đưa mình đến gặp thần Ma-ha Pờ-rum ngay. Phật bằng lòng, bảo Rìa-hu bám vào chéo y của mình, để đưa lên thượng giới gặp Ma-ha Pờ-rum.

Ma-ha Pờ-rum thấy Phật đến, vội đem cơm đặt bát cho Phật. Khi đặt cơm vào bát, thần Ma-ha Pờ-rum thấy Rìa-hu ở chéo áo của Phật, liền hỏi.

– Bạch Đấng Thế Tôn! Sao Ngài để con rệp đu ở chéo áo Ngài thế này?

Ma-ha Pờ-rum vừa nói, vừa bắt Rìa-hu bỏ lên bàn tay mình đưa cho Đức Phật xem. Rìa-hu thấy thần Ma-ha Pờ-rum to lớn quá, sợ hãi van xin tha lỗi luôn miệng. Nhưng vì thần Ma-ha Pờ-rum to lớn quá, nên lời van xin của Rìa-hu không đến tai thần được. Thấy thần Ma- ha Pờ-rum không hề đoái hoài đến mình, Rìa-hu hổ thẹn quay sang nài nỉ Phật Cồ-đàm cho mình trở về.

Trước khi ra về, Phật Cồ-đàm dặn dò Rìa-hu không được xuống uống nước trường sinh ở hồ thiêng A-nô- ti. Nhưng vì đường xa, Rìa-hu khát nước khô cả cổ nên khi đến hồ thiêng A-nô-ti, hắn đánh bạo xuống hồ uống nước. Bất ngờ, Rìa-hu bị thần giữ hồ Kom-phôn-lác thổi luồng gió thiêng Căm-ma-viết (luồng gió nghiệp báo) cắt đứt đôi Rìa-hu ngang ngực. Rìa-hu hốt hoảng bỏ nửa phần dưới thân người lại dưới hồ. Còn nửa phần trên, nhờ uống nước trường sinh nên còn sống, vội vã bay vút đi. Rìa-hu bay đến đâu gây mưa bão, cuồng phong đến đó.

Do vậy, mỗi khi có gió to, đồng bào Khơ-me Nam Bộ gõ thùng, gõ mõ… gây tiếng động, hoặc cầm dao và la lớn: “Tránh ra! Tránh ra!” cốt để xua Rìa-hu đi nơi khác, khỏi gây thiệt hại cho ruộng vườn và nhà cửa.3

Người Khơme tin rằng nếu mặt trăng hoặc mặt trời bị Rìa-hu nuốt hết thì ngũ cốc sẽ hao hụt, còn Rìa-hu nhả ra thì lúa gạo dồi dào, nên mỗi khi xảy ra hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, bà con người Khơ-me đều đổ ra đường cầm theo trống, phèng la, nồi xoong, niêu chảo… đánh ầm ĩ để cứu mặt trăng, mặt trời, mong Rìa-hu ói ra để năm ấy được mùa.

Người Khơ-me cũng tin rằng Rìa-hu là vị thần bảo vệ cho người phụ nữ, giúp cho người phụ nữ sanh đẻ mau mắn. Do đó, mỗi khi có nhật thực, nguyệt thực“phụ nữ Khơ-me mang thai vẫn phải nhịn ăn, ngày xưa còn phải để một bình vôi và một con dao bổ cau vào nếp váy, có lẽ để tự vệ… hay cùng chung một ý nghĩ cầu Rìa-hu bảo vệ sự sinh nở, để đứa trẻ sinh ra được nhanh chóng và được khỏe mạnh.”4 ■

 

Bài & ảnh: TRẦN PHỎNG DIỀU

Chú thích:

  1. Phan Thị Yến Tuyết (1988), Mô-típ Rìa hu ở chùa Khơ-me đồng bằng sông Cửu Long, trong cuốn Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khơ-me Nam Bộ, Nxb Tổng Hợp Hậu Giang, 232.
  2. Lê Hương, Người Việt gốc Miên, Sài Gòn 1969, 37-38.
  3. Dẫn theo Huỳnh Thanh Bình (2012), Câu chuyện về môtíp Rìa hu trang trí ở chùa Phật Khơ-me, Nguyệt san Giác Ngộ online, ngày 24 tháng
  4. Trường Lưu (1993), Văn hóa người Khơ-me vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 54-55.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 195

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin