Chi tiết tin tức

Sen & người

21:55:00 - 06/06/2018
(PGNĐ) -  Thời thơ ấu, đi học tiểu học trong một thị xã nhỏ, tôi không hề có ấn tượng nào về hoa, trừ hoa phượng đỏ rực nắng trên con đường đến trường, hoa phượng cúng và hoa cẩn đỏ thân thuộc trong vườn nhà. Tôi không hề biết đến hồ sen. Thế mà tôi biết hoa sen.

Hoa sen trắng trên mũ, trên áo của cha tôi, vào mỗi Chủ nhật cha tôi đi sinh hoạt Gia đình Phật tử. Hoa sen trên đài sen của tượng Đức Phật cao cao trên chánh điện của chùa Tỉnh Hội. Một cách tự nhiên, Phật đi vào tâm thức tôi từ hoa sen, mặc dầu tôi chưa nhìn đích thực hoa sen.
 

hoa sen 4.jpg
Sen trên phố Hà Nội - Ảnh: Thanh Niên

Cũng như thế, hoa sen đi nhè nhẹ vào tâm hồn tôi bằng mấy câu ca dao quá quen thuộc mà chắc mọi người đều thuộc từ nhỏ:

Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Đứa trẻ không thấy mà đã mê lá xanh, bông trắng, nhị vàng, cho hay tác dụng của ca dao đối với đầu óc trẻ thơ quan trọng biết dường nào! Hơn thế nữa, trẻ con mà cũng thích đạo đức, “triết lý” “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, phải chăng căn cốt đạo đức đã ở trong đầu trẻ từ thuở ban đầu, “nhân chi sơ tính bổn thiện”?

Mãi cho đến độ tuổi thiếu niên, vào trung học ở Huế, tôi mới biết hồ sen, ngắm được hoa sen, không những bông trắng mà còn nhị vàng, bông hồng, lá xanh, trong không gian bát ngát với làn gió đưa hương thoang thoảng của thành nội và của hồ Tịnh Tâm. Hoa đầu đời mà tôi thưởng thức là hoa sen mà bây giờ dư hương vẫn còn đó: Hoa sen trong hồ là của trời đất, không của riêng ai, vươn lên tỏa hương trong không gian, dịu nhẹ, thoáng ngọt, pha chút ngai ngái của lá, chút tanh tanh của bùn. Và câu ca dao “trong đầm gì đẹp bằng sen…” càng được tô thắm trong tâm trí tôi.

Sen từ trong hồ, dần dần sen cũng vào nhà tôi, trước hết do cha tôi rất thích hoa sen cúng Phật, và sen phải là sen trắng. Ấn tượng nhất là sáng rằm tháng Tư âm lịch nhìn lên bàn thờ Phật, những cánh sen trắng muốt bung tròn, phô bày nhụy vàng, thơm ngát. Chợt nhớ huyền thoại: Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh, đi bảy bước huyền diệu trên bảy đóa sen!

hoa sen 3.jpg

Sen thanh khiết nơi hoa, và sen cũng hiến cho đời tất cả thân xác. Quý nhất là hột sen, lại là sen Tịnh thì thượng hạng. Sen Tịnh là món quà rất có ý nghĩa của người Huế tặng người đi xa Huế. Chè hột sen là thứ cao cấp trong các loại chè. Mẹ tôi xem chè hột sen là phẩm vật dâng cúng thiêng liêng. Chè nấu xong được mẹ tôi múc vào chén, đều nhau, số hột được chia đều, vừa phải, nước trong, hột nào hột nấy vừa muốn tách hai, vừa không rời ra. Còn lá sen? Mẹ tôi cũng bắt chước thiên hạ làm cơm sen thập cẩm gói trong lá sen, đem chưng cách thủy vừa độ để cho mùi lá sen thoang thoảng bay lên với hơi nóng tỏa ra. Củ sen cũng là món ăn độc đáo. Thông thường, củ sen dùng để nấu canh, làm mứt, làm gỏi, nhưng cầu kỳ hơn, củ sen được nhồi nếp và đậu, đem hầm rồi cắt lát, ăn với chút đường, có hương vị thơm bùi. Một thành phần quý xem như không có hình tướng nhất định là hương sen. Một chút hương thơm tự nhiên của nhị sen đi vào trà, cho người thưởng thức hương vị của chén trà nóng ban sớm. Còn ngó sen nữa, cũng được dùng làm món ăn, đó là phần rễ ở dưới bùn sâu, màu trắng, xốp, bên trong có nhiều ống dọc nhỏ, nhựa dính sít, nếu bẻ ngó sen thì vẫn còn dây tơ. Ngó sen thì thường ít được ngó ngàng tới, tuy nhiên, ngó sen nổi tiếng vì… câu Kiều: “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Dầu chút nghĩa cũ càng, Kim Trọng đã xa Kiều mười mấy năm rồi, mà ngó ý vẫn còn tơ vương!

Liên quan đến hoa sen và cành sen, một bài ca dao sau đây rất nổi tiếng mà ai ai cũng thuộc, và càng nổi tiếng hơn khi được phổ nhạc:

Hôm qua tát nước đầu đình

Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen

Em được thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà

Nhưng coi chừng đi lạc đề. Chiếc áo trên cành hoa sen, làm sao có chuyện đó? Mà sao anh chàng để áo trên hồ sen khi đi tát nước? Thế mới đúng là ca dao bịa chuyện, ỡm ờ, khi diễn tả tình cảm “được” và “xin” vô cùng lãng mạn, lấy không gian cái đình và hồ sen là nơi đẹp nhất ở chốn quê.

hoa sen 2.jpg
Thưởng trà bên sen - Ảnh minh họa

Trở lại ý nghĩa của hoa sen, một loài hoa được tôn vinh khắp nơi, từ Á sang Âu, trong đạo lẫn ngoài đời, mà tôi được tiếp thu kiến thức sau này. Màu hoa sen có ý nghĩa gì? Theo Ban Biên tập Tạp chí Phật giáo Lion‘s Roar, sen trắng tượng trưng cho sự tinh khiết và hoàn thiện tâm linh. Sen đỏ là biểu tượng của tình thương và từ bi. Sen xanh tượng trưng cho trí tuệ, sự thông minh và luôn luôn ở trạng thái hé nở. Sen vàng tượng trưng cho sự thành tựu của giác ngộ viên mãn. Trong một vài trường phái Phật giáo, mức độ nở của hoa biểu thị các mức độ khác nhau trên con đường tu tập đến giác ngộ. Hoa sen búp tượng trưng cho giai đoạn tiền giác ngộ, hoa sen bung nở hoàn toàn tượng trưng cho giác ngộ viên mãn. Còn hoa sen mới nở một phần, phong kín nhụy vàng, chỉ ra rằng, giác ngộ là ở bên kia của cái nhìn nội tâm thông thường.

Với cảm quan của người đời, hoa sen tượng trưng cho sự thanh khiết, không lấm mùi bùn, dầu sen sinh ra và lớn lên ở chốn bùn lầy, và ngay cả khi tàn, những cánh sen tả tơi chỉ khô đi, sạch sẽ và vẫn giữ màu. Có những cây khác cũng có những tính chất tương đồng như thế, nhưng các nhà khoa học vẫn gọi các đặc tính trên là “hiệu ứng sen” (lotus effect). Năm 1964, hiệu ứng này được các nhà khoa học nghiên cứu lần đầu tiên và sau đó, sen được đưa vào ứng dụng trong công nghiệp.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu tại Đại học Adelaide (Australia) đã tiết lộ thêm những bí ẩn của sen. Trọng tâm nghiên cứu của họ là về khả năng của sen sản sinh ra hơi nóng và điều hòa nhiệt độ như một động vật máu ấm. Nhìn từ bên ngoài, lợi ích biến hóa của loài hoa ấm này chính là sự quyến rũ những côn trùng thụ phấn. Hoa sen có một lộ trình sinh hóa dùng để tạo hơi nóng và có khả năng chuyển đổi bật - tắt, tùy theo lợi ích cần thiết.

Một bài nghiên cứu trên trang mạng Science Alert, đã trích dẫn câu của nữ giáo sư Jenny Watling1(Anh): “Những cây hoa khác cũng có lộ trình chuyển hóa đó, nhưng ít có cây nào sự chuyển hóa ngoạn mục như cây sen”. Và đây là dẫn chứng: “Loài sen thánh thiện này (sacred lotus), một trong những loài hoa cổ nhất trên thế giới, sản sinh ra hạt mà thời gian sử dụng rất dài. Hạt sen có thể tồn tại hơn một ngàn năm”.

Như vậy, phải chăng hoa sen và hạt sen kết thành một thực thể hoàn chỉnh: hoa sen bung tròn, cánh nhẹ, mỏng, nở chỉ trong hai ngày, trong khi hạt sen nhỏ, tròn, rắn chắc, có thể duy trì sự sống lâu dài ngàn năm?

Nhưng không chờ đến ngày nay, khoa học phát hiện tính ưu việt của sen, mà từ xa xưa, con người đã nhận biết sen có quá nhiều tinh túy trong trời đất để xứng đáng đứng tên cho một bộ kinh Đại thừa nổi tiếng: Diệu pháp Liên hoa kinh, nhằm mục đích khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật. 

Nhan đề kinh tiếng Phạn là Saddharma Pundarika Sutra. Từ “Sad”, ngài Cưu-ma-la-thập dịch là Diệu; “Dharma” là pháp; “Pundarika” là hoa sen trắng; “Sutra” là kinh. Dịch là Diệu pháp Liên hoa kinh, gọi tắt là kinh Pháp hoa. Hoa sen trắng tượng trưng cho sự thanh khiết, thanh tịnh, không ô nhiễm. Diệu pháp là thực tướng không tách khỏi cuộc đời ô trọc, thế nhưng chúng sanh vẫn có thể vươn lên giải thoát hoàn toàn, như hoa sen mọc ở trong bùn mà vươn lên trên bùn, không bị ô nhiễm mà còn tỏa sắc hương.

hoa sen 1.jpg
Sen dâng Phật - Ảnh: Pyxabay

Kinh Pháp hoa được rất nhiều Phật tử theo Đại thừa ở khắp nơi trên thế giới trì tụng một cách miên mật, với niềm tin sâu xa và vi diệu. Tại Nhật Bản, câu tụng “Nam-myoho-renge-kyo” (Nam-mô Diệu pháp Liên hoa kinh) là câu tụng căn bản của một tông phái Phật giáo có tên Soka Gakkai International (SGI), hiện đang phát triển tại Mỹ và có 12 triệu tín đồ tại 192 nước. Tông phái này chính là tiếp nối của Nhật Liên tông, do Đại sư Nichiren khai sinh ở Nhật vào thế kỷ thứ XIII, trên căn bản kinh Pháp hoa, chủ trương một phương pháp tu hành bằng cách niệm Nam-myoho-renge-kyo, thêm vào đó, tụng một trích đoạn của phẩm hai: Phẩm Phương tiện, và của phẩm mười sáu: Như Lai thọ lượng.

Trở về chốn cố đô Huế, nhiều đạo tràng từ nông thôn đến thành thị, từ khuôn hội đến chùa lớn thường tụng kinh Pháp hoa. Những năm cuối đời, cha tôi đã cùng tổ chức một đạo tràng tụng kinh Pháp hoa tại một khuôn hội. Vào mùa sen nở, nhằm mùa Phật đản, có vài lần cha tôi rủ tôi đi dạo buổi sáng trên con đường nhỏ giữa hồ Tịnh Tâm. Cha tôi vừa đi khoan thai vừa vận động thở trong không gian thoáng mát, vắng lặng, thoang thoảng hương sen. Đối với cha tôi, có vẻ như hương sen và hương đạo hòa quyện làm một.

Hương đạo như thế đã thấm nhuần từ xa xưa trong câu thần chú linh diệu tiếng Phạn của Phật giáo Tây Tạng: Om Mani Padme Hūm. Nghĩa theo từng từ là ”Om Ngọc Quý trong Hoa Sen Hūm”, đó như là một lời khấn nguyện đến Chenrezig (Avalokiteshvara hay Bồ-tát Quán Thế Âm), Bồ-tát của Từ Bi. Hoa sen là biểu tượng của Trí Tuệ và Ngọc Quý tượng trưng cho phương tiện thiện xảo. Tuy nhiên sự giải thích câu thần chú này, dầu rất phong phú, thì cũng chỉ có giá trị rất hạn chế, trong khi sự linh diệu nằm ngoài ngôn từ.

Những hiểu biết của tôi về hoa sen, thu nhặt được rải rác trong đời, tuy có được rộng rãi và sâu sắc hơn qua thời gian, cuối cùng vẫn tô đậm câu ca dao: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Bùn và sen, có bùn thì mới có sen. Sen và người, sen từ bùn, người cũng từ bùn. Tôi sống trong cõi nhân gian này như sống trong bùn cùng với mọi người, bị nghiệp chướng tham sân si, vướng nhiều dục lạc, chịu ô nhiễm trong môi trường xã hội, mê mờ bởi đủ thứ tư tưởng, nhưng may thay biết Phật để nhận ra hoa sen trong tâm, và hoa sen đó có tỏa chút hương nào là tùy ở mình có thanh khiết và an tịnh hay không.

Tháng Ba-2018
Cao Huy Hóa

---------------------

1 Lotus genome reveals secrets, website Science Alert, 13-5-2013.

Tài liệu sử dụng:

- Lion’s Roar staff, What is the Meaning of the Lotus in Buddhism, website Lion‘s Roar, 17-1-2018.

- Andrea Miller, Science and the sacred lotus, website Lion‘s Roar, 14-5-2013.

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin