Chi tiết tin tức Tết Thanh minh 17:19:00 - 03/04/2017
(PGNĐ) - Tết Thanh minh đây không phải là tết lớn, nhưng lại gắn liền với truyền thống đạo đức, với hiếu đạo, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ tiên ông bà, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Quê hương, cội nguồn cũng chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi người dân Việt chúng ta…
Theo quy ước, tiết thanh minh là khoảng thời gian bắt đầu từ khoảng ngày 4 hay 5 tháng 4 khi kết thúc tiết xuân phân và kết thúc vào khoảng ngày 20 hay 21 tháng 4 trong lịch Gregory theo các múi giờ Đông Á khi tiết cốc vũ bắt đầu.
Xét về mặt thời tiết, khí hậu thì từ thời điểm này trở đi ở miền Bắc Việt Nam, do ảnh hưởng của luồng gió mùa Đông - Bắc đã yếu, gió Đông - Nam đã mạnh dần lên và mưa phùn đã gần như chấm dứt hẳn. Điều này làm mất đi hiện tượng nồm (hiện tượng làm hơi nước ngưng tụ lại trên bề mặt các đồ vật tiếp giáp gần với mặt đất cũng như nhà cửa) và tiết trời trở nên trong sáng, dễ chịu hơn do nhiệt độ đã lên cao và độ ẩm giảm xuống. Tuy nhiên, gần như vẫn chưa có mưa rào để bắt đầu cho mùa mưa. Mưa rào thường diễn ra gần tiết Cốc vũ. Từ thời nhà Thanh, sau khi sửa đổi lịch thì Tết Thanh minh diễn ra vào ngày tiết thanh minh. Tại Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao thì tết này là một ngày quốc lễ. Còn ở các khu vực khác ở Đông Á thì không. Nói đến Tết Thanh minh thì bao giờ người ta cũng nghĩ đến lễ tảo mộ và hội đạp thanh.
Nhân ngày Thanh minh, người dân các nước có nền văn hóa tương đồng và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa đều có tục đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ. Công việc chính của tảo mộ là sửa sang các ngôi mộ của Tổ tiên cho được sạch sẽ. Nhân ngày Thanh minh, người ta mang theo xẻng, cuốc để đắp lại nấm mồ cho đầy đặn, rẫy hết cỏ dại và những cây hoang mọc trùm lên mộ cũng như tránh không để cho các loài động vật hoang dã như rắn, chuột đào hang, làm tổ mà theo suy nghĩ của họ là có thể phạm tới linh hồn người đã khuất. Sau đó, người tảo mộ thắp vài nén hương, hoặc đặt thêm bó hoa cho linh hồn người đã khuất. Trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa trở nên đông đúc và nhộn nhịp. Các cụ già thì lo khấn vái Tổ tiên nơi phần mộ. Trẻ em cũng được theo cha mẹ hay ông bà đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho chúng sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.
Trước đây, nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân nên mới có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Do đó trong truyện Kiều của nhà thơ Nguyên Du có đoạn: Ngày xuân con én đưa thoi Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng Ba Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh...
Thanh minh ngày nay, ngoài việc tảo mộ, con cháu có thể quy tập mồ mã của ông cha ngày xưa do không có điều kiện nên chôn rải rác khắp nơi quy về một chỗ, hoặc cải tang đem về chùa, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với các bậc tiền nhân “Uống nước nhớ nguồn”… Tết Thanh minh đây không phải là tết lớn, nhưng lại gắn liền với truyền thống đạo đức, với hiếu đạo, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của tổ tiên ông bà, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung nhắc chúng ta nhớ về quê hương, nguồn cội. Quê hương, cội nguồn cũng chính là tài sản tinh thần vô giá đối với mỗi người dân Việt chúng ta…
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |