Chi tiết tin tức

Tín ngưỡng thờ Long Vương trong Phật giáo Nam bộ

17:40:00 - 14/04/2024
(PGNĐ) -  Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật giáo thường nhắc đến Thiện Trụ Long Vương, Nan Đà, Bạt Nan Đà Long Vương, A Nậu Đạt Long Vương,… đều là những Long Vương theo Phật pháp Đại thừa, tinh tấn tu hành.
Tượng Long Vương ở Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương).

LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO
Trong Phật giáo, rồng là một trong Bát bộ chúng thủ hộ Phật pháp. Lãnh tụ của Long tộc gọi là Long Vương, có đầy đủ uy lực lớn mạnh, thường theo bảo vệ Phật. Trong các kinh sách Phật giáo thường nhắc đến Thiện Trụ Long Vương, Nan Đà, Bạt Nan Đà Long Vương, A Nậu Đạt Long Vương,… đều là những Long Vương theo Phật pháp Đại thừa, tinh tấn tu hành.

Theo ghi chép trong quyển thứ hai bộ Phiên dịch danh nghĩa tập thì: Rồng có bốn loại, một giữ Thiên Cung điện, trì giữ không cho rớt xuống, vì vậy trong nóc nhà của dân gian thường có làm hình của rồng; hai gọi gió làm mưa, làm lợi ích cho nhân gian; ba Địa Long, mở sông dẫn hồ; bốn Phục Tàng, ẩn theo bảo vệ Chuyển Luân Vương có phúc lớn. Quyến thuộc của rồng rất ít sân tâm và thường nghĩ việc phúc đức, dùng thiện tâm mà làm mưa khiến cho ngũ cốc của thế gian được nảy nở [1].

Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đản sanh, có chín con rồng phun hai dòng nước ấm, mát tắm cho Đức Phật, nên có câu kệ rằng “Cửu long phúng thủy thiên ngoại lai”, hiện nay ở các chùa có thờ tòa Cửu Long ghi nhận sự kiện này. Trong lần đi Huế, Quốc ân Đại Hòa thượng Từ Nhẫn, một vị danh Tăng của Nam bộ được vua Khải Định ban cho tòa Cửu Long bằng đồng, nay đang thờ tại chùa Sắc Tứ Thới Bình (tỉnh Long An).

Tượng Long Vương ở chùa Long Quang (Cần Thơ).

Trong những ngôi chùa ở Nam bộ có thờ bộ tượng Thập bát La Hán được chạm khắc mang đậm chất dân gian, trong 18 tượng La Hán có tượng Hàng Long La Hán. Tương truyền, ở Ấn Độ cổ có một tên ác ma đã xúi giục, kích động người dân sát hại Tăng nhân, hủy tượng Phật, cướp kinh sách. Long Vương đã dùng nước bao phủ đem kinh Phật về long cung, sau Tôn giả Khánh Hữu (Nandimitra Arahat) đã hàng phục Long Vương thu hồi kinh Phật, cho nên người đời gọi ông là Hàng Long La Hán, tượng của ông trong bộ Thập bát La Hán thường được tạc với một con rồng [2].

Ở các chùa hay trong pháp hội trai đàn thường bày bộ tượng (hoặc tranh) Tứ Thiên vương. Bốn vị Thiên vương thường được nhắc đến trong các kinh Phật, có Quảng Mục Thiên Vương tay cầm con rồng biểu trưng cho chữ “thuận” trong câu “phong điều vũ thuận”.

TỤC THỜ LONG VƯƠNG TRONG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Việc thờ cúng Long Vương trong các chùa Phật giáo ở miền Bắc và miền Trung không đậm nét nhưng phổ biến ở miền Nam. Theo ông Đào Đức Minh, ở miền Bắc, Long Vương, Thủy thần đa phần được thờ tại các đình, đền hay miếu, ít thấy thờ ở chùa, trong số ít các chùa có thờ Long Vương xưa nhất còn các tượng thời Lê. Các chùa ở miền Trung hầu như không có thờ tượng Long Vương, Thượng tọa Thích Đồng Dưỡng cho biết, trong bản Kinh Nhật Tụng ở Quảng Ngãi có nghi thức “Kỳ tuyền tỉnh” có câu thỉnh Long Vương giáng kiết tường:
“Long Vương thánh chúng
Công đức nan lường
Ngũ hồ tứ hải tán huỳnh tương
Nhứt trích sái thanh lương
Khâm giả trừ ương

duy nguyện giáng kiết tường”.

Bàn thờ Long Vương ở Tổ đình Giác Viên (TP. Hồ Chí Minh)

Nhiều ngôi cổ tự ở Nam bộ thờ tượng Long Vương hay thực hành các nghi thức về Long Vương. Việc thờ cúng Long Vương phổ biến trong các chùa ở Nam bộ bên cạnh ý nghĩa rồng hộ trì Phật pháp còn do ảnh hưởng từ vùng đất – nơi hội tụ nhiều tộc người, trong đó có sự giao thoa văn hóa Việt – Hoa mà Phật giáo đã nhập thế tiếp nhận tín ngưỡng thờ Long Vương vào cúng ở chùa.

Tổ đình Giác Viên, Tổ đình Phụng Sơn, Tổ đình Phước Tường (TP. Hồ Chí Minh), Tổ đình Hội Khánh (Bình Dương), chùa Long Quang (Cần Thơ), chùa Tây An (An Giang),… cùng nhiều ngôi cổ tự ở Nam bộ có thờ tượng Long Vương. Đa số các tượng thờ được chạm khắc gỗ rất mỹ thuật, mang đậm chất dân gian tạo nên sự độc bản cho từng pho tượng. Tượng Long Vương trong các chùa được tạc với tướng một vị vua có đầu rồng, mặc áo bào, đội mão bình thiên, tay cầm hốt, ngồi trên ngai.

Bàn thờ Long Vương ở chùa Tây An (An Giang).

Bàn thờ Long Vương thường được các chùa đặt một bên ở chánh điện, trên bàn thờ ở giữa đặt tượng, một số chùa hai bên Long Vương có tượng người thuộc thủy tộc hầu cận cùng các đồ thờ tự như: bộ lư đồng, bát hương, Đông bình, Tây quả,… Ngoài ra, còn có các chùa phối thờ Long Vương cùng Thập Điện Minh Vương, Già lam thánh chúng. Long thần với vai trò hộ trì Tam bảo nên thường thấy thờ cùng trên bàn thờ Hộ pháp Vi Đà với tôn hiệu “Long thần Hộ pháp” hay biểu hiện qua hình tượng rồng ngậm giáng ma xử của Hộ pháp, trong lễ Thù ân thập bát bái có lạy “Đại vì Thiên Long Bát bộ, Hộ pháp thánh chúng ân, đảnh lễ thường trụ Tam bảo”.

Trong nghi lễ thiền môn ở Nam bộ, vào thời công phu khuya các ngày sóc, vọng (tức mùng 1 và ngày 15 nông lịch) hàng tháng ở các cổ tự còn thực hiện nghi thức chúc tán tại các bàn thờ, trong đó có nghi thức chúc Long Vương, nghi thức này được thầy cả (chủ lễ) thực hiện tại bàn thờ Long thần Hộ pháp, những chùa có bàn thờ Long Vương thì thực hiện nghi thức tại bàn thờ này. Thầy cả cùng duy na, duyệt chúng và đại chúng trong chùa đến trước bàn thờ chúc tán, lễ bái, trong đó có bài tán Long Vương thánh chúng (như đã nêu ở phần trên).

Tượng Long thần Hộ pháp gốm Cây mai Sài Gòn xưa ở Tổ đình Phước Lưu (Tây Ninh)

Khi xưa, làm nông nghiệp, trồng lúa là chủ yếu nên thời tiết rất quan trọng đối với người dân. Những mong muốn về Quốc thái dân an – Phong điều vũ thuận được thể hiện trong câu chúc, văn khấn hay các bức hoành phi trong đình, chùa. Dân gian quan niệm rồng có khả năng gọi gió làm mưa, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân. Chư Tổ xưa hằng năm tổ chức cầu an, cầu phong điều vũ thuận nên ở các chùa xưa còn có nghi thức Kỳ vũ Long Vương, trong khoa cúng có tán tụng và đọc chú “Án đa điệt tha, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, na dà nẫm, xà bà xà bà, thị ti thị ti, thọ phù thọ phù, Phật thần lực cố, đại Long Vương đẳng tốc lai, ư thử, diêm phù đề nội, giáng chú đại võ, giá ra giá ra, trí rị trí rị, châu lậu châu lậu, ta bà ha”.

LONG VƯƠNG TRONG NGHI THỨC PHẬT GIÁO NAM BỘ
Trong ứng phú đạo tràng ở Nam bộ, nghi thập khoa hay còn gọi là “Khoa Việt”, tức là các lễ thức do chư tổ người Việt sáng tác dùng trong các lễ trai đàn [3]. Trong đó có khoa Cấp thủy thỉnh Long Vương, Hà Bá, Thủy Quan. Đặc biệt, với Phật giáo Tây Ninh, khoa Cấp thủy là một phần trong lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu được thực hiện theo nghi thức Phật giáo tại chùa Linh Sơn Tiên Thạch và điện Bà ở núi Bà Đen, góp phần làm nên di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghi thức thực hiện tại bàn thờ Giám Trai – sứ giả Bồ tát ở nhà trù (bếp), thầy cả đắp y, đội mão cùng duy na, duyệt chúng và đại chúng tán tụng, lễ bái trước bàn thờ, có đánh tum, đẩu và nhạc lễ. Trong nghi thức có câu thỉnh Long Vương: “Nhất tâm phụng thỉnh quyền tri thủy giới chức thuộc hải tào oai linh kiểm soát ư giang hà cảm ứng khứ trừ ư nguyên phái tỉnh tuyền Long Vương thủy tư chơn tể”. 

 

Nghi thức Cấp thủy trong lễ vía Linh Sơn Thánh Mẫu (núi Bà Đen)

Trong cuộc xuôi về mảnh đất phương Nam, hoàn cảnh xã hội buổi đầu khá phức tạp, dân cư thưa thớt phải quy tụ nhau lại để khai hoang lập ấp, sản xuất sinh sống và chống trả thiên tai, thú dữ và ngoại xâm. Sinh mạng con người bị nhiều mối đe dọa, họ cầu trời, Phật phù hộ và việc thờ trời. Cúng Phật là việc không thể thiếu trong cuộc sống của người dân lúc ấy. Phật giáo khi này ở Nam bộ có thể giúp người dân cầu an và cầu siêu.

Khi xưa, Tổ đình Giác Lâm (TP. Hồ Chí Minh) có lễ cúng kỳ yên tại chùa. Có rạp che trước sân chùa, trên nền sân gạch vuông, lễ cầu nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. Nghi lễ tập trung hàng trăm người trong vùng tụ về, cùng hướng lòng cầu nguyện cho Tổ quốc và nhân dân. Hình thức cúng bái này, qua nghiên cứu tìm hiểu về nhiều phương diện khác nhau, đã cho phép nghĩ đến sự tồn tại và lưu hành trước đây một đàn xã tắc vào ngày Rằm tháng giêng hàng năm tại chùa [4].

Quyển “Cấp Thủy Tuyền khoa nghi” in từ mộc bản chùa Sắc Tứ Từ Ân (TP. Hồ Chí Minh)

Các khoa cúng Long Vương ở chùa Nam bộ xưa gắn với việc cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận cũng là một hình thức cầu an trong Phật giáo. Các kinh sách xưa ở Nam bộ về nghi lễ Phật giáo cổ truyền phần lớn đều được in từ mộc bản tại các trung tâm ứng phú đạo tràng, những ngôi chùa có đào tạo nghi lễ. Bên cạnh đó, khi xưa việc biên soạn sách về nghi lễ bằng cách viết tay cũng khá phổ biến vì không có đủ điều kiện để cho khắc mộc bản. Đây là nguồn tư liệu quý góp phần vào di sản văn hóa Phật giáo.

Đến nay, các chùa Nam bộ còn lưu giữ nhiều thư tịch khoa nghi, kinh sách gắn liền với tín ngưỡng thờ Long Vương như quyển “Cấp Thủy Tuyền khoa nghi” in từ mộc bản chùa Sắc Tứ Từ Ân (TP. Hồ Chí Minh), trên mỗi quyển đều có đóng ấn “Sắc Tứ Từ Ân tự”; quyển “Cấp thủy khoa nhất quyển” được Giáo thọ Nguyên Tấn – Từ Quang ở Tổ đình Phước Lưu (Tây Ninh) biên soạn trong những năm 1924-1928 bằng chữ Nho; khoa Cấp thủy còn được Hòa thượng Nguyên Cần – Giác Hạnh ở chùa Linh Sơn Tiên Thạch (núi Bà Đen, Tây Ninh) biên soạn trong hai bộ sách “Khoa Việt” bằng chữ Nho vào hai năm 1933-1934… Về sau chư sơn thiền đức đã biên soạn, phiên âm, dịch nghĩa sang chữ Quốc ngữ và sử dụng phổ biến trong Phật giáo Nam bộ.

Quyển “Cấp thủy khoa nhất quyển” do Giáo thọ Nguyên Tấn ở Tổ đình Phước Lưu (Tây Ninh) biên soạn

Rồng là linh vật trong dân gian, được Đạo Phật tiếp nhận trên tinh thần nhập thế để trở thành một trong Bát bộ chúng hộ trì Phật pháp. Trong Phật giáo Nam bộ, rồng đã hiện diện trong tín ngưỡng ở các chùa qua việc thờ tự và các nghi lễ. Qua đây, có thể thấy, chư Tổ Phật giáo Nam bộ đã khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ tức dựa trên nền tảng giáo lý của Đức Phật mà hành đạo phù hợp với hoàn cảnh, con người, vùng đất và bản chất xã hội đương thời để hoằng pháp lợi sanh.

 

Phí Thành Phát/TCVHPG419 

 

Chú thích:
* Phí Thành Phát – Nhà nghiên cứu, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
[1] Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2008), Toàn tập giải thích các thủ ấn Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 212.
[2] Thích Huệ Phát (2017), Chùa Vĩnh Tràng một ngôi chùa nhiều mỹ hiệu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr. 14.
[3] Thích Đồng Bổn (2007), Phong tục dân gian Nam Bộ và Phật giáo, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr. 19.
[4] Trần Hồng Liên (2008), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử văn hóa, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.175-176.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin