Chi tiết tin tức Phật giáo và văn hóa du lịch tâm linh tại tỉnh Khánh Hòa 20:59:00 - 06/06/2023
(PGNĐ) - Du lịch tâm linh vẫn đang là một trong những sản phẩm du lịch được quan tâm, có sức hấp dẫn lớn và là xu hướng phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Trong đó, các di tích tôn giáo, cơ sở thờ tự, chùa chiền, thiền viện,… của Phật giáo cũng có sức hút nhất định và đóng góp không nhỏ vào phát triển du lịch tại các địa phương, thúc đẩy kinh tế, nâng cao các giá trị tinh thần cho đời sống xã hội. Phật giáo Khánh Hòa sở hữu rất nhiều di tích Phật giáo có giá trị lịch sử, những ngôi cổ tự, đại tự thu hút nhiều lượt khách hành hương, tham quan chiêm bái đến từ nhiều quốc gia và các địa phương khác trong cả nước. Phật giáo và du lịch tâm linh Phật giáo đã và sẽ tiếp tục là sợi chỉ mềm xuyên suốt, gắn kết mối quan hệ trao đổi hợp tác song phương không chỉ giữa Việt Nam và Ấn Độ, mà còn mở rộng ra các nền văn hóa khác.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Việt Nam và viếng chùa Quán Sứ ngày 03/9/2016, ông đã khẳng định lại mối quan hệ trải dài hơn 2.000 năm giữa Việt Nam – Ấn Độ, giữa Phật giáo và Hindu giáo chính là sự gắn kết quan trọng và nổi bật nhất. “Những liên kết văn hoá này tự thân đã được phản ánh theo nhiều cách, mà nổi bật nhất là trong mối quan hệ giữa Phật giáo và các di tích của nền văn minh Hindu”, Thủ tướng Modi chia sẻ. VAI TRÒ CỦA DU LỊCH TÂM LINH PHẬT GIÁO Ngày nay, du lịch tâm linh (spiritual tourism) được xem là một sản phẩm du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm cơ sở và mục tiêu đáp ứng nhu cầu của con người về lĩnh vực đời sống tinh thần. Có nhiều hình thái du lịch tâm linh khác nhau, tuy nhiên ở góc độ du lịch tâm linh gắn với tôn giáo và đức tin thì Phật giáo chiếm vị trí ưu thế hơn hết. Đối tượng là khách du lịch tâm linh Phật giáo không chỉ giới hạn và Tăng Ni, Phật tử, hay người có cảm tình với Đạo Phật, mà còn có cả các tín đồ tôn giáo khác. Với phương thức hành hương tâm linh, du khách thường quy tụ về các ngôi danh lam cổ tự, các thánh tích Phật giáo, các địa điểm liên quan đến cuộc đời của các vị cao Tăng trong Phật giáo,… Không như các loại hình du lịch khác mang tính thời vụ, theo mùa, du lịch tâm linh Phật giáo không bị giới hạn trong các dịp lễ, tết cổ truyền mà còn được diễn ra vào các dịp giỗ, kỵ chư Tổ khai sơn, hữu công, chư vị Thánh tổ, uy linh hiển thánh, các dịp lễ vía,… Thông qua hoạt động hành hương, các đối tượng khách du lịch được trải nghiệm các không gian văn hóa Phật giáo, được tương tác, thực hành các giá trị đạo đức, giải thoát của Phật giáo giúp họ cân bằng và củng cố niềm tin nơi Tam bảo và hướng đến những giá trị cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngày nay, du lịch tâm linh không chỉ ở Việt Nam mà mở rộng ra toàn thế giới đang trở thành xu hướng phổ biến, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa đạo đức, niềm tin tôn giáo và gắn kết các giá trị đời sống tinh thần. Phật giáo Việt Nam đã có một quá trình dài gắn bó, đồng hành và mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Các cơ sở thờ tự của Phật giáo hiện nay không những giữ gìn bảo quản các giá trị văn hóa phi vật thể mà còn lưu giữ các di tích kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, lâu đời. Bên cạnh các ngôi cổ tự từ vài trăm đến hàng ngàn năm tuổi thì đền chùa Phật giáo còn được xây dựng quy mô, khang trang với nhiều hạng mục đặc sắc khác nhau vươn tầm thế giới. Vì thế, các ngôi đền, chùa vào các dịp lễ hội quy tụ được rất nhiều du khách, tín đồ về tham dự, vãng cảnh. Với xu hướng phát triển như thế, du lịch tâm linh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu, mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững. TỔNG QUAN VỀ PHẬT GIÁO KHÁNH HOÀ Khánh Hòa còn được biết đến với cái tên Kauthara trong các thư tịch cổ và cũng từng là trung tâm chính trị của vương quốc Champa ở khoảng thế kỷ thứ VIII. Vương quốc Champa xưa có một sự liên kết đặt biệt với Ấn Độ cổ đại, từ thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo và đây cũng là những yếu tố gắn kết sớm nhất tạo tiền đề cho mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam – Ấn Độ. Ở giai đoạn vàng son của lịch sử Champa, Phật giáo và Bà La Môn giáo đóng vai trong chủ đạo trong tín ngưỡng tâm linh của người bản xứ. Với sự phát triển rực rỡ của Phật học viện Đồng Dương, trung tâm tu học, nghiên cứu Phật pháp quy tụ nhiều học giả, tu sĩ không chỉ trong toàn cõi của vương quốc mà còn có cả các Tăng nhân ngoại quốc. Hiện nay, tại thôn Đại Điền Tây, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh có một số ngôi tháp cổ được người dân địa phương gọi là “Tháp Hời”, nhưng theo nhận định của Quách Tấn và các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa thì giả thuyết cho rằng đó là tháp thờ hài cốt (xá lợi) của các Tăng sĩ ngoại quốc như Ấn Độ, Trung Hoa [1]. Ngoài ra, văn bia Võ Cạnh có niên đại từ thế kỷ thứ II cũng đã thể hiện được vị trí của Phật giáo trong niềm tin tôn giáo của người dân xứ Kauthara, vương quốc Champa. Như vậy, Phật giáo đã có mặt tại vùng đất Khánh Hòa từ rất sớm. Trên nền tảng đó, dưới sự ủng hộ của nhà Nguyễn, Phật giáo của người Việt đã kế thừa, phát triển và trở nên phổ biến như hiện nay. Theo thống kê năm 2017, tỉnh Khánh Hòa có 420 cơ sở với gần 1500 Tăng Ni [2]; trong đó, có rất nhiều ngôi chùa có niên đại từ thế kỷ XVIII-XIX và được nhà nước công nhận di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, có thể kể đến như: chùa Hội Phước (1680), chùa Bửu Phong (1683), chùa Kim Sơn (1732 – 1735), chùa Thiên Bửu và chùa Phổ Hóa (1740 – 1747), chùa Linh Sơn (1761), chùa Bửu Phong và chùa An Dưỡng (1753),… Gần 400 năm du nhập và phát triển, Phật giáo Khánh Hòa đã luôn gắn bó, đồng hành cùng với nhân dân địa phương để gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc và thể hiện trọn vẹn tinh thần yêu nước, đấu tranh chống áp bức, xâm lược trong các thời kỳ chiến tranh vệ quốc của dân tộc. CÁC ĐIỂM HÀNH HƯƠNG PHẬT GIÁO NỔI BẬT TẠI KHÁNH HOÀ Gần 400 năm hình thành và phát triển, Phật giáo Khánh Hòa đã có hơn 400 cơ sở, trong đó có rất nhiều ngôi cổ tự, cơ sở được công nhận di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Nhiều cơ sở, chùa, thiền viện trở thành điểm đến không thể thiếu của các đoàn du khách không phân biệt tôn giáo, loại hình du lịch khi đặt chân đến Khánh Hòa. Một số điểm tham quan hành hương tâm linh tiêu biểu, phổ biến nhất, thu hút nhiều lượt khách tham quan và thực hiện các nghi thức tôn giáo có thể kể tên như: Chùa Linh Sơn (Vạn Giã) Chùa còn được gọi là Tổ đình Linh Sơn Vạn giã, tọa lạc tại thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Theo Quyết định số 2228/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh đến ngày 21/12/2017, chùa Linh sơn là cơ sở thờ tự của Phật giáo duy nhất trong tổng số 16 cơ sở được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh xếp hạng quốc gia. Chùa được thành lập dưới thời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 22 (1761). Ban đầu chùa có tên là Sa Long Tự, sau khi bị hỏa hoạn và trùng tu lại dưới triều vua Tự Đức thứ 21 (1867) chùa được đổi tên thành Linh Sơn Tự. Đây là một ngôi chùa có mặt khá sớm trong lịch sử Phật giáo Khánh Hòa. Chùa Linh Sơn trải qua 8 đời truyền thừa. Thượng tọa trụ trì Thích Thiện Dương đã tổ chức trùng tu từ năm 1990 đến nay. Chùa còn giữ bản Sắc tứ ở triều Bảo Đại và quả chuông cổ, cao 1m, có ghi năm chú tạo “Cảnh Hưng nhị thập nhị niên, Tân Tỵ, bát nguyệt”. Đặc biệt, chùa còn gắn liền với tên tuổi của một vị danh Tăng Phật giáo thời hiện đại là Bồ tát Thích Quảng Đức, Ngài là trụ trì đời thứ 5 của ngôi chùa Linh Sơn này. Chùa Long Sơn Chùa Long Sơn – một thắng cảnh Phật giáo được xếp vào hạng bậc nhất ở Khánh Hoà không chỉ với nét đẹp danh lam mà còn có ảnh hưởng rất lớn đối với tín ngưỡng Phật giáo cho cả Khánh Hoà xưa và nay. Chùa Long Sơn còn là một trong những điểm hành hương không thể bỏ qua khi đến thành phố biển Nha Trang. Chùa tọa lạc ngay dưới chân núi Trại Thủy thuộc phường Phương Sơn. Chùa được xây dựng vào thế kỷ XIX, có hơn 100 năm tuổi với nhiều công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo, nhất là tượng Phật Thích Ca tọa thiền được biết đến như là “tượng kim thân Phật tổ ngoài trời lớn nhất Việt Nam”. Pháp viện Thánh Sơn Pháp viện Thánh Sơn được nhiều người biết đến bởi lối kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Ấn Độ và Myanmar. Chùa tọa lạc trên ngọn núi Đế Dài thuộc thôn Khánh Xuân, xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Chùa Thánh Sơn được xây dựng năm 1918, nhưng đã bị hư hại do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh. Đến năm 2006, sư Giác Khoan đã tiếp quản và tiến hành trùng tu, kiến thiết nhiều hạng mục công trình, tạo vẻ mỹ quan độc đáo như hiện nay. Chùa cũng là một điểm đến rất thú vị, thu hút được số lượng lớn khách hành hương trong và ngoài tỉnh. Tổ đình Tịnh xá Ngọc Tòng Tịnh xá Ngọc Tòng, ngôi Tổ đình Nam Trung của Giáo đoàn 3 hệ phái Khất Sĩ, cũng là một địa điểm danh lam thắng cảnh của TP. Nha Trang. Tịnh xá được Trưởng lão Giác An khai sơn và khởi công xây dựng vào năm 1966. Tịnh xá là một quần thể kiến trúc bao gồm Tổ đình Nam Trung, Tịnh xá Ngọc Tòng và Tịnh độ Ni giới, nằm ở khu Võ Tánh, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chùa Suối Đổ Chùa Suối Đổ có tên chữ là Quan Âm Sơn tự, tọa lạc ở phía Tây dãy núi Hoàng Ngưu, thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Chùa nằm men theo triền núi nên có diện tích rất khiêm tốn, rộng chừng vài trăm mét vuông, bên cạnh dòng suối nhỏ chảy qua các khe đá, tạo thành những dòng thác trắng xóa. Quan Âm sơn tự là điểm tập trung đông khách viếng thăm nhất, gồm các hạng mục chính như: Chánh điện thờ Quan Âm Bồ tát, bên phải là miếu Ngũ hành nương nương, bên trái là miếu thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Chùa Suối Đỗ là một ngôi chùa được dân gian tin tưởng là linh thiêng. Chính vì vậy, mỗi dịp lễ, tết rất nhiều khách hành hương về đây chiêm bái. Chùa Suối Đỗ dần trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của huyện Diên Khánh. Chùa Từ Vân Chùa Từ Vân còn có tên gọi khác là chùa Ốc Cam Ranh hay chùa San Hô, tọa lạc tại trung tâm thị xã Cam Ranh. Được xây dựng từ năm 1986, trải qua nhiều biến cố lịch sử của những năm tháng chiến tranh. Chùa không chỉ là chốn hành hương, tu hành thanh tịnh của các nhà sư, mà còn trở thành danh lam thắng canh thu hút nhiều du khách ghé đến. Chùa được xây dựng thủ công từ những vật phẩm có sẵn tại địa phương như: vỏ ốc, ngao, sò và san hô. Các hạng mục như: Tháp Bảo Tích, con đường dẫn xuống địa ngục, đường lên thiên đàng, ao sen, đường đi Bát chánh đạo, thuyền Bát Nhã, Thủy Long cung, cầu Lục Độ,… mang đậm triết lý nhà Phật. Đây cũng là một trong những điểm độc đáo, ấn tượng đối với khách hành hương về ngôi chùa có một không hai này. GÌN GIỮ CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ PHẬT GIÁO TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH TP. Nha Trang từ lâu đã là điểm đến thu hút được số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dưới góc độ tìm hiểu về du lịch tâm linh tại Khánh Hòa và cụ thể là Phật giáo, có thể nói, số lượng khách hành hương, du lịch tâm linh cũng chiếm một tỷ trọng khá lớn. Các hình thức hành hương thập tự, tham dự các lễ hội, khóa tu, dự lễ của các đoàn du khách là Phật tử, tín đồ hầu như đều kết hợp, lồng ghép với việc tham quan, du lịch nghỉ dưỡng ngắn. Tuy nhiên, du lịch tâm linh ở nước ta nói chung, và các địa phương như Khánh Hòa nói riêng vẫn còn đối mặt với một số khó khăn. Dễ nhận thấy nhất đó là một số khách hành hương vì không phải là Phật tử, không hiểu các vấn đề cơ bản về oai nghi, cách thức và hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của từng nơi mình đến, từng lễ hội mình đang tham dự nên chưa hành xử phù hợp với tác phong văn hóa Phật giáo. Hiện nay, các đoàn hành hương, du lịch tâm linh Phật giáo đa phần mang tính tự phát, có rất ít các công ty lữ hành, du lịch tổ chức chuyên nghiệp và thuần túy. Chính vì vậy, các đoàn du khách thực hiện các chuyến tham quan còn thiếu bài bản, chưa được thuyết minh, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về từng điểm đến, cũng như cách ứng xử vơi từng cơ sở khác nhau như: chùa, thiền viện, ni viện,… như thế nào cho phù hợp. Do yếu tố tự phát của các du khách, sự thiếu chuyên nghiệp và đầu tư về mặt nhân sự, phương thức quản lý còn chưa theo kịp tốc độ phát triển của du lịch tâm linh, đã dẫn đến các hiện tượng mà báo chí phản ánh đôi nơi trong thời gian qua, ảnh hưởng không tốt đến môi trường văn hóa và môi trường sinh thái tại địa phương. Do đó, thiết nghĩ, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa trong việc tuyên truyền, hướng dẫn và nâng cao hiểu biết của tín đồ hành hương là Phật tử và người có thiện cảm với Đạo Phật. Đối với du khách nước ngoài, cần trang bị thêm nhiều bản hướng dẫn bằng ngoại ngữ, đáp ứng được vấn đề nhân sự giao tiếp, thuyết minh, giới thiệu bằng ngoại ngữ cho du khách. Từ đó, xây dựng một văn hóa du lịch tâm linh Phật giáo văn minh, hiểu biết và tạo điều kiện cho việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp hơn. KẾT LUẬN Có thể thấy, du lịch tâm linh, hành hương tôn giáo đang trở thành xu hướng du lịch hiện đại, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cũng như lan tỏa những giá trị tinh thần đáng kể trong đời sống cộng đồng địa phương. Từ những nhận định trên, phải thừa nhận rằng nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam trong đó có Khánh Hòa có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh rất lớn và cụ thể là du lịch tâm linh Phật giáo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng nhận thức và đầu tư trong việc phát triển loại hình du lịch này vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hiện hữu. Việc nâng cao hoạt động tiếp thị du lịch tâm linh từ lâu đã được coi là yếu tố sống còn nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Chúng ta thấy rằng Nha Trang (Khánh Hòa) từ lâu đã khẳng định vị trí của mình trong bản đồ du lịch của thế giới, với biển xanh, cát trắng, nắng vàng và các hòn đảo ngọc tuyệt vời giữa đại dương xanh bao la. Thuận lợi hơn nữa, với sự phong phú của các cộng đồng dân cư, với nền lịch sử, văn hóa nhiều màu sắc hình thành nên những niềm tin, tín ngưỡng đặc thù và từ đó Phật giáo Khánh Hòa cũng đã có đóng góp nhật định để tạo nên sự phong phú, sinh động và thu hút khách hành hương, du lịch.
ĐĐ. Thích Nguyên Thế/TCVHPG409
Chú thích: [1] Quách Tấn (2002, tái bản), Xứ trầm hương, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, tr.310. [2] Pháp Đăng, Phật giáo Khánh Hòa xây dựng và phát triển bền vững vùng cao – hải đảo, http://phatgiaokhanhhoa.vn/?ArticleId=e714cc6b-1fb4-4043-8bff-90fd9e88d87e (ngày truy cập 16/6/2022).
Tài liệu tham khảo: 1. Pháp Đăng, Phật giáo Khánh Hòa xây dựng và phát triển bền vững vùng cao – hải đảo, http://phatgiaokhanhhoa.vn/?ArticleId=e714cc6b-1fb4-4043-8bff-90fd9e88d87e (ngày truy cập 16/6/2022). 2. Nguyễn Văn Tuấn, Du lịch tâm linh ở Việt Nam – Thực trạng và định hướng phát triển, Tham luận tại Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững (Ninh Bình, 21-22/11/2013). http://itdr.org.vn/du-lich-tam-linh-o-viet-nam-thuc-trang-va-dinh-huong-phat-trien/. 3. Đỗ Phương Uyên – Phan Thị Hải Yến, Hiện trạng sản phẩm du lịch tỉnh Khánh Hòa, Tạp chí Công Thương, Số 14 (tháng 6/2020), https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hien-trang-san-pham-du-lich-tinh-khanh-hoa-73650.htm.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |