Chi tiết tin tức Một thoáng Tết ở Làng... 19:12:00 - 23/02/2015
(PGNĐ) - Tháng Chạp đang về, trong chùa ấm áp tiếng cười đùa trẻ thơ cùng hoa trái hạnh phúc của những thiền sinh về dự Khóa tu gia đình. Và ý thức rằng một năm nữa dần trôi.
Giữa thời khắc giao mùa này, để dành một chút không gian ngồi yên, lắng đọng tâm tư nhìn lại và nhận ra xung quanh mình có quá nhiều điều kiện hạnh phúc. Tôi đang được sống trong gia đình tâm linh ấm áp tình thầy, nghĩa bạn. Tăng thân luôn có mặt, nâng đỡ, dìu dắt tôi trên con đường chế tác bình an, hạnh phúc, tình huynh đệ.
Thiền sư Nhất Hạnh viết thư pháp đầu xuân - Ảnh: L.M Với tôi mỗi ngày là một tặng phẩm, mỗi ngày đều là ngày vui. Tôi đang có thêm một ngày nữa và nhiều ngày nữa để sống yêu thương, để thấy: Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương Tâm linh một thoáng bừng giao cảm Lặng hết bao nhiêu lớp sóng cồn. Xuân không chỉ là xuân của đất trời mà còn là xuân của muôn người, xuân của sum vầy, đoàn tụ, với những nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc bên bếp hồng, bên nồi bánh chưng xanh, bên chén trà đệ huynh. Nét đẹp văn hóa ngày Tết Việt ở chùa tôi nói riêng hoặc các trung tâm Làng Mai, dù là ở Việt Nam hay Tây phương đều được gìn giữ, bồi đắp. Tết chạm ngõ, mang khí xuân vào chùa từ cuối tháng Chạp, lúc này đã được nửa mùa An cư kiết đông. Tuy không ra ngoài tổ chức khóa tu nhưng những ngày quán niệm cho Tăng thân địa phương hoặc ngày chánh niệm cho cộng đồng đều diễn ra mỗi tuần, mỗi tháng. Đây cũng là cơ hội để bạn bè, thiền sinh Tây phương cùng tu tập và thưởng thức không khí Tết Việt - một phần văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Đông phương nói chung. Nhiều cô bác Phật tử người Việt đến thăm chùa thời điểm này cũng cảm nhận như đang được đón Tết ở quê nhà. Khóa tu, công việc luôn đều đặn, có khi cuối năm lại dồn nhiều việc hơn nhưng huynh đệ tôi luôn nhớ lời thầy dạy là làm sao chế tác năng lượng chánh niệm, hỷ lạc trong bước chân hơi thở, trong công việc hàng ngày. Dĩ nhiên là công phu chánh niệm khó lòng trọn vẹn - miên mật hoàn toàn nhưng lời thầy mãi luôn còn đó, như tiếng chuông tỉnh thức, gọi các con trở về những khi tâm tư xao lãng. Không khí bốn chúng đồng tu, bốn chúng cùng đón Tết thật ấm cúng. Có những bạn thiền sinh đăng ký ở dài hạn, hai tuần, một tháng cũng cùng góp tay quét dọn, trang trí nhà cửa, cắt lá, vút nếp, gói bánh, làm mứt... Dọn dẹp bên ngoài cũng là cơ hội dọn dẹp thân tâm thật sự an yên mới mẻ. Mỗi cuối năm thầy đều viết câu đối dưới dạng thư pháp dịch ra nhiều thứ tiếng đề tặng tứ chúng, xem như là đề tài thực tập trong năm. Bắt đầu 23 tháng Chạp là lễ cúng tiễn ông Táo, dựng nêu, gói bánh. Đêm cuối năm được nghe thầy bình thơ, làm lễ đón giao thừa, đọc lời phát nguyện đầu năm, văn nghệ Tết. Ngày đầu xuân mồng một, sau lễ chúc thọ Sư ông là phần quý thầy quý sư cô lạy nhau đầu năm. Đây là thực tập thiêng liêng cho mỗi xuất sĩ, thắp sáng ý thức trong mỗi vị xuất gia nam là hiện thân của Bồ-tát Phổ Hiền và trong mỗi vị xuất gia nữ là hiện thân của Bồ-tát Quan Âm. “Chúng tôi là con của Bụt và đệ tử của thầy; quý vị cũng đều là con của Bụt và đệ tử của thầy. Vì vậy chúng tôi và quý vị đều là con một nhà, và ba cái lạy cung kính này là để chúng tôi tự nhắc nhở chúng tôi và cũng để nhắc nhở quý vị về sự thật ấy. Chúng ta phải nhớ xem nhau như anh chị em ruột thịt một nhà và phải bảo vệ cho nhau để tất cả mọi người trong chúng ta đều có thể sống trọn vẹn được suốt đời cuộc sống đẹp đẽ và có ý nghĩa của một người xuất gia”. Bói Kiều là tham khảo ý kiến cụ Nguyễn Du, Ni sư Giác Duyên và đạo cô Tam Hợp về tình trạng hiện tại của mình và để biết tu tập tiếp xử cách nào cho có hạnh phúc và thành công trong năm tới. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, tuy hình hài cụ Tiên Điền không còn, nhưng tinh anh của thi hào vẫn còn mãi mãi trong ta, chung quanh ta và trong sức sống của dân tộc. Bói Kiều và quý thầy quý sư cô thực tập lạy nhau là những đặc sản ngày Tết của Làng Mai. Chương trình đón Tết những ngày tiếp theo được tổ chức ở mỗi xóm như thăm phòng chúc Tết, trò chơi dân gian.
Vui xuân đón Tết, dù bận với việc thường ngày nhưng huynh đệ luôn có mặt đó cho nhau, nâng đỡ nhau trong tu học, làm việc và không quên mời nhau ly trà thân hữu. Cùng nhau thưởng trà là một trong những cơ hội xây dựng tình đệ huynh. Thường thế nhân hay nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” còn ở chùa tôi thì uống trà là một nghệ thuật cho sư anh, sư chị, sư em gần gũi hơn trong tình bạn đạo, trong những sẻ chia về tu học, nâng đỡ, sách tấn nhau. Bên chén trà, cùng nhau cảm nhận thời khắc linh thiêng, lắng nghe nhịp thở của đất trời và không quên lời thầy: “Nếu chúng ta có tình huynh đệ, nếu chúng ta có hạnh phúc trong đời sống hàng ngày thì thế nào lý tưởng của chúng ta cũng sẽ được thành tựu viên mãn”.
Đông Nguyên (Đức)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |