Chi tiết tin tức

Nghi thức lễ Hằng Thuận ( 1)

16:00:00 - 17/12/2013
(PGNĐ) -  Hiện nay, trong giới Phật giáo lưu hành khá nhiều Nghi thức lễ Hằng Thuận dành cho Phật tử khi tổ chức Lễ Thành hôn, có thể nói quyển NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN của TT Thích Chơn Không – Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương là một một công trình biên soạn công phu, là tập tài liệu quý báu gồm có 2 phần; phần I là Nghi thức Lễ Hằng thuận, phần II là Phần phụ lục. Trong đó có Nghi thức Truyền Tam quy Ngũ giới ngắn gọn súc tích phù hợp với Lễ Hằng thuận và nhiều tiết mục quan trọng, để chư Tôn đức Tăng Ni Trụ trì các tự viện tham khảo hướng dẫn cho hàng Phật tử tại gia khi thành hôn. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Soạn dịch: TỲ KHEO THÍCH CHƠN KHÔNG
PL.2552 – DL.2008
 
NGHI THỨC
̃ HẰNG THUẬN
(Dành cho thanh niên nam nữ Phật tử khi thành hôn)
 
 
 MỤC LỤC
1. LỜI NÓI ĐẦU                              
2. Ý NGHĨA LỄ HẰNG THUẬN
3. CHƯƠNG TRÌNH LỄ HẰNG THUẬN
4. NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN

             Kệ dâng hoa quả
             Nguyện hương
             Kệ Pháp vương
             Quán tưởng
             Đảnh lễ Tam Bảo
             Kệ khen cành dương
             Kệ sái tịnh
             Chú Đại bi
             Kệ khen Phật
             Kệ an lành
             Truyền Tam quy Ngũ giới
             Huấn thị
             Kệ chúc phúc
             Hồi hướng
             Phục nguyện
             Ba tự quy y
5.    PHẦN PHỤ LỤC

             5.1.  Nghi thức truyền Tam quy Ngũ giới
             5.2.  Tác bạch thỉnh Tăng tác lễ Hằng thuận
             5.3.  Tác bạch cúng dường trai Tăng
             5.4.  Kệ dâng hoa quả
             5.5.  Tiêu chuẩn chọn bạn trăm năm
             5.6.  Hôn lễ ngày xưa
             5.7.  Hôn lễ ngày nay
             5.8.  Chương trình lễ hỏi
             5.9.  Chương trình lễ cưới
             5.10.  Lời khai mạc tiệc cưới
             5.11.  Lời cảm tạ
             5.12.  Mẫu giấy chọn ngày hôn lễ
             5.13.  Mẫu thiệp thỉnh
             5.14.  Mẫu giấy chứng nhận lễ Hằng thuận
             6.  TÀI LIỆU THAM KHẢO
             7.   PHƯƠNG DANH ẤN TỐNG
 
 
LỜI NÓI ĐẦU
 
               Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
               Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni, 
               Kính thưa quý thiện nam tín nữ.
        Theo tục lệ xưa nay, trai lớn lên cưới vợ, gái lớn lên lấy chồng đó là lẽ tự nhiên trong đời sống con người. Tuy nhiên, hôn nhân là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong đời sống lứa đôi, bất cứ thanh niên nam nữ nào cũng mong muốn ngày thành hôn của mình phải là ngày thật ý nghĩa, ấn tượng để ghi nhớ mãi trong lòng. Vì đó là bước ngoặt của sự trưởng thành quan trọng nhất mà chính họ là người quyết định cuộc sống tương lai, bắt đầu từ một gia đình mới mà họ là chủ nhân. Vì thế họ không ngần ngại tổ chức lễ cưới thật linh đình, hoành tráng, có đông người đến dự tiệc, nhưng họ có biết đâu đó chỉ là hư danh, không có lợi ích thiết thực và sau đó họ phải làm việc vất vả trong thời gian dài để bù đắp lại các khoản chi đó. Có những thành phần tiến bộ hơn, họ chú trọng đến nội dung hơn là hình thức; nhất là những Phật tử thuần thành thấm nhuần đạo đức lễ nghi Phật giáo, họ muốn tìm đến niềm an vui trong chánh pháp; xây dựng gia đình hạnh phúc trong chánh pháp. Do đó, họ rất mong muốn có một kỷ niệm tâm linh; họ muốn nghe những lời giáo huấn quý báu và lời chúc phúc của chư Tăng, chư Ni trong ngày trọng đại ấy, để lương duyên được mỹ mãn, hạnh phúc được miên trường. 
Trước những yêu cầu chính đáng ấy, tôi không ngần ngại hiểu biết nông cạn biên soạn quyển Nghi thức Lễ Hằng thuận này, vừa đáp ứng nhu cầu của chư Tôn đức khi tổ chức lễ Hằng thuận, cũng vừa góp phần thực hiện chương trình Phật hóa gia đình của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương GHPGVN. 

        Do đó, chúng tôi rất mong chư Tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện kết hợp chư thiện hữu tri thức hoan hỷ hưởng ứng và tích cực động viên khuyến khích các cháu thanh niên nam nữ đăng ký tổ chức lễ Hằng thuận khi thành hôn, tạo thành nếp sống văn hóa tốt đẹp trong sinh hoạt của người Phật tử.
       Tuy chúng tôi có nhiều nỗ lực nghiên cứu các tư liệu liên quan khi biên soạn Nghi thức này, nhưng không sao tránh khỏi những khiếm khuyết ngoài ý muốn, kính mong các bậc cao minh từ bi chỉ giáo, để bổ sung điều chỉnh cho lần tái bản sau này.
       Thành kính tri ân Hòa thượng Thích Thiện Hòa, Cư sĩ Đồ Nam Tử và chư thiện hữu tri thức, tác giả các tác phẩm trong mục Tài liệu tham khảo.
 
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT.
 
Chùa Thiên Tôn – Q5, ngày 19-02- Mậu Tý. 2008 
Kính bút
 
Thượng tọa THÍCH CHƠN KHÔNG
 
2. Ý NGHĨA LỄ HẰNG THUẬN

             -  Lễ Hằng thuận được đề cập khá nhiều trong thời gian qua, vậy lễ này có ý nghĩa gì trong hôn sự của người Phật tử?
             -  Lễ là những nghi thức nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, một sự kiện có ý nghĩa, lễ bao gồm các phần: Lễ văn, lễ phục, lễ phẩm, lễ nghi… phù hợp với nội dung ý nghĩa của từng cuộc lễ. - Hằng thuận là luôn luôn hòa thuận với nhau,vì có hòa thuận cuộc sống lứa đôi mới hạnh phúc an lạc; muốn hòa thuận thì phải có trách nhiệm và lòng chung thủy với nhau, như thế cuộc sống mới có ý nghĩa. Ngượlại, chỉ làm khổ lẫn nhau; dẫn đến gây gổ bạhành và tan vỡ. Thế nên, lễ Hằng thuận là một phần nghi thức cần có trong ngày thành hôn của đôi bạn trẻ, có nghĩa là ngoài những lễ nghi theo truyền thống dân tộc, là người Phật tử chúng ta nên tổ chức thêm lễ Hằng thuận ở chùa, ở tư gia hoặc ở nhà hàng.               
        Theo nhiều nguồn tư liệu cho rằng, người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ “hằng thuận” tại chùa là cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 - 1940), quê ở Hải Dương. Ông vốn là một nhà Nho, sau khi quy y theo Phật, với lòng nhiệt thành phụng sự Phật pháp, ông nghĩ việc tổ chức lễ “hằng thuận” tại chùa sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống gia đình của người Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh. Năm 1930, Phật tử Tâm Minh tức bác sĩ Lê Đình Thám, đã tổ chức lễ “hằng thuận” cho con gái đầu lòng là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm - Huế. Đây là cuộc lễ “hằng thuận” điển hình được tổ chức tại chùa. Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa – Phó Tăng thống GHPGVNTN, Trụ trì tổ đình Ấn Quang đã chính thức đặt tên cho cuộc lễ nêu trên là lễ HẰNG THUẬN.
        Theo lời của Hòa thượng Đào Như – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Cần Thơ: “Theo truyền thống xa xưa của người Khmer Nam bộ cũng như nhân dân các nước Phật giáo Nam tông, tất cả Phật tử khi thành hôn đều có lệ thỉnh chư Tăng tổ chức lễ Chúc phúc cho tân lang, tân nương và hai họ với nội dung tương tự như lễ Hằng thuận của Phật tử người Việt”.
        Qua những điều trình bày trên, chúng ta nhận thấy lễ Hằng thuận là một tập tục đã có từ lâu trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Phật tử, có ý nghĩa rất quan trọng trong ngày thành hôn của đôi bạn trẻ, mà chư Tăng Ni chúng ta cũng như các bậc cha mẹ nên tích cực động viên khuyến khích và hướng dẫn con em của mình khi kết hôn về chùa đăng ký tổ chức Lễ Hằng thuận.
 
 Thượng tọa Thích Chơn Không
 
3. CHƯƠNG TRÌNH  LỄ HẰNG THUẬN
(Thời gian thực hiện từ 45-60 phút)
 
  1. Mời bà con hai họ và Phật tử vân tập lên chánh điện trước.
  2. Tác bạch thỉnh chư Tôn đức. (chủ hôn hoặc vị điển lễ)
  3. Mời Tân lang, Tân nương và sui Trai, sui Gái dâng hương lễ Tổ.                                                                                        (Đi theo thứ tự: Kiểng dẫn thỉnh, khai lễ do chủ hôn bưng, chư Tăng (Ni), tân lang, tân nương,…)
  4. Cung thỉnh chư Tôn đăng lâm bảo điện.
  5. Nghi thức hành lễ:
Chủ lễ xướng:
             -  Kệ dâng hoa quả
             -  Nguyện hương
             -  Đảnh lễ Tam bảo (Chủ lễ và đại chúng cùng lạy)
             -  Kệ khen cành dương
             -  Kệ sái tịnh
             -  Chú Đại bi (Tùy thời gian có thể lượt bớt)
             -  Kệ khen Phật
             -  Kệ An lành
             -  Thỉnh Tăng/Ni và mời đại chúng an tọa
             -   Nghi thức truyền Tam quy Ngũ giới
(Nếu Tân lang và Tân nương chưa quy y, nên làm lễ Quy y trước, theo Nghi thức ngắn gọn trong phần phụ lục, sau đó mới huấn thị,…)                        
        *. Huấn thị:

             -  Bổn phận làm vợ
             -  Bổn phận làm chồng
             -  Bổn phận làm cha mẹ tương lai
             -  Bổn phận làm dâu
             -  Bổn phận làm rể
             -  Ý nghĩa đôi nhẫn
             -  Tân lang và Tân nương đeo nhẫn (đứng đối diện)
             -  Tân lang và Tân nương phát nguyện (quỳ)
             -  Kệ Chúc phúc
             -  Hồi hướng
             -  Phục nguyện
             -  Ba tự quy y.
6. Cảm tạ (Chủ hôn hoặc điển lễ).
7. Lễ tạ Tổ sư.
 
              Lưu ý: 
1. Để khỏi lúng túng khi thực hiện, vị trụ trì nên phân công đại chúng phụ trách: hương đăng, hoa quả, chung nước sái      tịnh, trang trí và trà nước đãi khách, v.v… Về trang trí nên có: chữ song hỷ, hình trái tim, khăn bàn màu đỏ.  
2. Phải hướng dẫn chi tiết cho Tân lang Tân nương, sui Trai sui Gái và chủ hôn chuẩn bị những gì để phục vụ lễ Hằng     thuận. Ví dụ như: lẵng hoa, lẵng trái, hộp đựng cặp nhẫn cưới, tập lễ lạy, chào hỏi, tác bạch, v…v.
 
4. NGHI THỨC LỄ HẰNG THUẬN
 
(Tân lang, Tân nương ngồi giữa chiếu hàng thứ nhất; sui Trai, sui Gái ngồi hàng thứ hai; chủ hôn hoặc ông mai bà mai ngồi hàng thứ ba, thân bằng quyến thuộvà Phật tử ngồi hai bên. Mỗi người cần có một tấm nệm nhỏ để ngồi. 
Mở đầu khóa lễ, Duy na chập chuông 2 cái, đánh 3 tiếng, 00 00 0)  
 
KỆ DÂNG HOA QUẢ
(Tân lang và Tân nương quỳ dâng hoa quả. Phải sắp xếp 2 vị Tăng hoặc Ni tiếp hoa quả dâng lên Tam bảo. Hoa đặt phía bên chuông, quả đặt phía bên mỏ. Kính cẩn xá 1 xá rồi lui rachủ lễđọc bài kệ):
 
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.

             Hoa thơm ngào ngạt khắp muôn phương,
             Quả chín xinh tươi nguyện cúng dường,
             Chí thành dâng hiến Ba ngôi báu,
             Cầu mong đôi trẻ vẹn một đường.
Nam mô Phổ Cúng Dường Bồ tát Ma ha tát (3 lần).
 
NGUYỆN HƯƠNG
                       CHƠN NGÔN TỊNH PHÁP GIỚI (mật niệm):
               Án lam. (7 lần) 
                       CHƠN NGÔN TỊNH BA NGHIỆP (mật niệm):
                Án ta phạ bà phạ, thuật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ, bà phạ thuật độ hám. (3 lần) 
                 (Vị chủ lễ cầm 3 cây hương, quỳ ngay thẳng, kính cẩn, niệm lớn):
Nam mô Ta Bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, tác đại chứng minh.  0 

             (1 xá)
Nam mô Đông phương Giáo chủ Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật tác đại chứng minh. 0 

             (1 xá)
Nam mô Tây thiên Đông độ Việt Nam Lịch đại Chư vị Tổ sư, tác đại chứng minh.  0 (1 xá)
        Nguyện đem lòng thành kính,
        Gởi theo đám mây hương,
        Phảng phất khắp mười phương,
        Cúng dường ngôi Tam bảo.
        Thề trọn đời giữ đạo,
        Theo tự tánh làm lành,
        Cùng pháp giới chúng sanh,
        Cầu Phật từ gia hộ,
        Tâm Bồ đề kiên cố,
        Chí tu học vững bền,
        Xa bể khổ nguồn mê,
        Chóng quay về bờ giác.  m
        Ngưỡng bạch chư Phật ba đời trong mười phương thế giới:
Tại chùa..…………, xã….…………., huyện…………… tỉnh, ………………ngày … tháng … năm ………. có:
        - Tân lang là thiện nam…………pd………….,….tuổi
        - Tân nương là tín nữ…………...pd….............,….tuổi
Vâng lời cha mẹ đôi bên, kết nghĩa vợ chồng, hôm nay
ngày lành tháng tốt, toàn thể tín chủ, một dạ chí thành, sắm sửa hương đăng hoa quả, phụng Phật thỉnh Tăng, thiết lễ Hằng thuận. Cầu nguyện Tam bảo, Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật từ bi gia hộ đôi trẻ: Phước huệ song tu, thân tâm an lạc, loan phụng hòa minh, sắt cầm hảo hiệp, con thảo cháu hiền, dễ nuôi dễ dạy, gia đạo bình yên, an cư lạc nghiệp, hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý.
           Đồng cầu nguyện chúng con và tất cả chúng sanh, đầy đủ duyên lành, tuân hành lời Phật, noi gương cổ đức, tư cách giữ tròn, tinh tấn tu hành, sớm thành Phật quả.
           Hương xông đỉnh báu,
           Giới định tuệ hương,
           Giải thoát, giải thoát tri kiến quý khôn lường,
           Ngào ngạt khắp muôn phương,
           Thanh tịnh tâm hương,
           Đệ tử nguyện cúng dường.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ tát Ma ha tát. (3 lần) 00 0
KỆ PHÁP VƯƠNG

             Đấng Pháp vương vô thượng,
             Ba cõi chẳng ai bằng,
             Thầy dạy khắp trời người,
             Cha lành chung bốn loại,
             Quy y trọn một niệm,
             Dứt sạch nghiệp ba kỳ,
             Xưng dương cùng tán thán,
             Ức kiếp không cùng tận,
QUÁN TƯỞNG

             Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng,
             Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
             Lưới đế châu ví đạo tràng,
             Mười phương Phật bảo, hào quang sáng ngời
             Trước bảo tọa thân con ảnh hiện,
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. 0
 
ĐẢNH LỄ TAM BẢO
           Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tận hư không biến pháp giới quá hiện vị lai thập phương chư Phật, tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam bảo.0(1 lạy)
           Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Ta Bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương lai Hạ sanh Di Lặc tôn Phật, Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, Đại hạnh Phổ Hiền Bồ tát, Hộ pháp Chư tôn Bồ tát, Linh sơn Hội thượng Phật Bồ tát. 0 (1 lạy)
           Chí tâm đảnh lễ: Nam mô Tây phương Cực Lạc Thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ tát, Thanh tịnh Đại hải chúng Bồ tát.00 0 (1 lạy)
 
KỆ KHEN CÀNH DƯƠNG
(Khai chuông mỏ và tụng)
 
        Cành dương nước sạch, rưới ba ngàn,
        Tánh không tám đức, lợi trần gian,
        Thế giới thênh thang, hết tai nàn,
        Tội khiên lửa dữ, hóa sen vàng.
Nam mô Thanh Lương Địa Bồ tát Ma ha tát. (3 lần) 
00 0
 
KỆ SÁI TỊNH (Chủ lễ):

             Ngọn liễu cam lồ nước ngát hương,
             Một giọt rưới khắp cả mười phương,
             Bao nhiêu cấu uế đều tiêu sạch,
             Khiến đàn tràng này được thanh lương.
Nam mô Thanh Lương Địa Bồ tát Ma ha tát (3 lần) 
00 0
(Bắt ấn Cam lồ họa chữ Án lam và chữ Tiêu tai giáng phước,rưới nước sái tịnh Tân lang, Tân nương và cặp nhẫn cưới):
             1  Nhất sái, thỉnh chư Phật chứng minh,
             2  Nhì sái, tín chủ thọ khương ninh,
             3  Tam sái, đàn tràng đắc thanh tịnh.
 
CHÚ ĐẠI BI (có thể lượt bớt)

           Nam mô Đại bi Hội thượng Phật Bồ tát. (3lần)  0
Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni.
Nam-mô hắc ra đát na, đa ra dạ da.
Nam-mô a rị da, bà lô kiết đế, thước bát ra da, Bồ-đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da.
Án, tát bàn ra phạt duệ số đát na đát tỏa.
Nam-mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da, bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà.
Nam-mô na ra cẩn trì hê rị ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu Du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha.
Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ-đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô kiết mông, độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá-lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ-đề dạ bồ-đề dạ, bồ-đà dạ bồ đà dạ, di đế rị dạ.
Na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta bà ha. Tất đà dạ ta bà ha. Ma ha tất đà dạ ta bà ha. Tất đà dũ nghệ thất bàn ra dạ ta bà ha.
Na ra cẩn trì ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ ta bà ha.
            Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ ta bà ha. Ma bà lợi thắng yết ra dạ ta bà ha.
Nam-mô hắc ra đát na, đa ra dạ da.
Nam-mô a rị da, bà lô kiết đế, thước bàn ra dạ ta bà ha.
Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ ta bà ha. (3 lần
00 0
Nam mô Thập phương Thường trụ Tam bảo.(3 lần) 0
 
KỆ KHEN PHẬT

             Trên trời dưới đất không bằng Phật.
             Thế giới đông tây không thể sánh.
             Nhân vật xưa nay con biết rõ,
             Tất cả không ai bằng được Phật.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần) 0
 
KỆ AN LÀNH

             – Nguyện ngày an lành, đêm an lành.
   
             Đêm ngày sáu thời thường an lành.
   
             Tất cả các thời đều an lành.
   
             Xin nguyện Thượng sư thường gia hộ. 0
             – Nguyện ngày an lành, đêm an lành.
   
             Đêm ngày sáu thời thường an lành.
   
             Tất cả các thời đều an lành.
  
              Xin nguyện Tam bảo thường gia hộ. 0
             – Nguyện ngày an lành, đêm an lành.
  
             Đêm ngày sáu thời thường an lành.
  
             Tất cả các thời đều an lành.
   
            Xin nguyện Hộ Pháp thường gia hộ. 0
Điển lễ: cung thỉnh chư Tôn và kính mời Phật tử an tọa.
 
* NGHI THỨC TRUYỀN TAM QUY NGŨ GIỚI
(Nếu Tân lang hoặc Tân nương chưa quy y thì làm lễ Quy y
theo Nghi thức Truyền Tam quy Ngũ giới trong Phần phụ lục).

 
* HUẤN THỊ
 Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
         Hôm nay ngày lành tháng tốt, lễ Hằng thuận của hai Phật tử:
- Tân lang……………… ……pháp danh………...…,…tuổi
- Tân nương………………… pháp danh……………,…tuổi
Theo lời cổ đức dạy rằng:
         Vợ chồng tốt, trăm năm hòa hợp,
         Con cháu hiền, bảy kiếp vinh quang
         Giờ đây trong bầu không khí trang nghiêm đạo vị của Lễ Hằng thuận, dưới sự chứng minh của mười phương Tam bảo, Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật và hiện tiền chư Tăng (Ni) cùng sự chứng kiến của cha mẹ đôi bên, ông bà cô bác anh chị và bạn bè thân thiết, thầy thay mặt chư Tăng có đôi lời dặn dò hai cháu, vậy hai cháu hãy lắng nghe:
         Làm bậc cha mẹ, ai cũng trông mong con cái trưởng thành, chọn nhà nhân đức, dòng dõi tốt lành, kết tóc se tơ, nên duyên chồng vợ, xây dựng gia đình, duy trì nòi giống, con Lạc cháu Hồng.
         Do đó, muốn lập gia nghiệp, cần phải có chồng có vợ, vui buồn bên nhau, sớm hôm bầu bạn, chia ngọt sẻ bùi, an ủi giúp đỡ, tôn trọng lẫn nhau và điều quan trọng hơn hết là phải hòa thuận, nhường nhịn lẫn nhau, không được khinh khi bội bạc lẫn nhau. Được vậy, chắc chắn gia nghiệp được thành tựu như ý. Nên thánh hiền có dạy: “Phu phụ hòa gia đạo thành” nghĩa là: vợ chồng hòa thuận gia đình hạnh phúc, hoặc là “hòa khí sanh tài” tức là: hòa thuận sinh ra tiền của. Thế nên, hai cháu phải biết:
               Của quý, nhờ gian nan siêng năng mới có,
               Đời vinh, do nhẫn nại khó nhọc mà nên.
         Lại muốn xứng đáng là người Phật tử, hai cháu phải noi theo gương sáng của Đức Phật đã nêu cao, theo giáo pháp mà rèn luyện tâm tánh và vâng lời hướng dẫn của chư Tăng chư Ni, đặc biệt phải giữ gìn năm giới cấm. Vì năm giới chính là năm điều đạo đức căn bản, hoàn thiện tư cách của con người, là nền tảng xây dựng hạnh phúc gia đình, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Nếu vi phạm nghiêm trọng dù chỉ một trong năm giới thôi, hạnh phúc gia đình cũng bị sứt mẻ và cũng có thể bị tan vỡ! m     
         Trong kinh Lễ Sáu phương, Đức Phật dạy Trưởng giả Thi Ca La Việt (Thiện Sanh) rằng:
*Bổn phận vợ đối với chồng có năm việc phải làm:
1.   Khi chồng đi hay về, phải đưa đón niềm nở.
2.   Khi chồng đi vắng, phải lo nấu nướng, quét dọn nhà cửa.
3.   Không được ngoại tình. Của cải đồ vật không được giấu riêng.
4.   Phải nghe lời chồng chỉ bảo. Chồng có la rầy, không nên nóng giận cự lại.
5.   Chồng nghỉ ngơi trước, vợ dọn dẹp nghỉ sau. m
*Bổn phận chồng đối với vợ cũng có năm việc phải làm:
1.   Khi vợ đi hay về, phải đưa đón niềm nở.
2.   Chăm sóc việc ăn uống và áo mền theo thời tiết.
3.   Tùy phận giàu nghèo, cấp cho vợ vàng bạc trang sức.
4.   Trong nhà có tiền của ít nhiều, nên giao cho vợ cất giữ để tiêu dùng, không được tiêu xài lãng phí.
5.   Phải có lòng chung thủy, không được ngoại tình. m
*Trong tương lai hai cháu sẽ làm cha làm mẹ, thế nên hai cháu có năm việc phải lo cho con cái:
1.   Phải nhớ dạy con bỏ dữ làm lành.
2.   Phải dạy con thông suốt mọi việc.
3.   Phải dạy con tụng kinh giữ giới.
4.   Phải lo việc cưới gả hợp thời.
5.   Trong nhà có tiền của nên giúp con cái làm ăn. m
         Cũng theo tinh thần kinh Lễ Sáu phương và các kinh Phật dạy về đạo làm người, Thầy nhắc lại để hai cháu biết bổn phận làm dâu, làm rể cho phải phép:
*Về bổn phậlàm dâu đối với cha mẹ chồng, nên như thế này:
1.   Phải có lòng hiếu kính cha mẹ chồng, tùy thuận lời cha mẹ dạy bảo, không được cãi lại.
2.   Phải luôn luôn nhớ đến công ơn cha mẹ sanh thành dưỡng dục chồng mình nên người tốt, mà bổn phận làm dâu con phải có trách nhiệm nối dòng nối dõi cho gia nghiệp chồng.
3.   Nếu ở nhà trông nôm công việc thì phải ngủ sau dậy trước, lo cơm nước cho chu đáo, chăm sóc cha mẹ chồng tử tế. Nếu bận làm việc ở cơ quan thì tùy nghi linh động, mọi người cùng nhau san sẻ việc nhà.
4.    Khi cha mẹ chồng có đau ốm, làm dâu con phải chăm nom thuốc thang, thay đổi món ăn thức uống, cầu cho cha mẹ sớm mạnh khỏe, an vui.
5.   Nếu thấy cha mẹ chồng làm điều bất thiện, phải hết lòng khuyên can. Khuyến hóa cha mẹ phát tâm bồ đề, cầu đạo giải thoát. Bỏ ác làm lành, được vậy mới trọn lòng hiếu đạo.
        Đó là bổn phận làm con dâu thảo đối với cha mẹ chồng. m
*Về bổn phận làm rể đối với cha mẹ vợ nên như thế này:
1.   Phải có lòng kính yêu cha mẹ vợ như cha mẹ mình. Có mặt hay vắng mặt cha mẹ, đều phải tôn trọng, không được có một lời bất bình, bất kính.
2.   Phải nhớ công ơn cha mẹ vợ, có công sanh thành dưỡng dục vợ mình, coi như vàng như ngọc lại ban cho mình.
3.   Khi cha mẹ vợ có việc gì cần nhờ, con rể hãy hoan hỷ sẵn sàng, không sợ khó khăn, tốn kém.
4.   Khi cha mẹ vợ đau bệnh phải thường tới lui thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ. Cầu mong cha mẹ sớm được bình phục.
5.   Nếu thấy cha mẹ vợ làm điều bất thiện, phải hết lòng khuyên can. Khuyến hóa cha mẹ vợ phát tâm bồ đề, cầu đạo giải thoát. Bỏ ác làm lành, được vậy mới trọn lòng hiếu đạo.
Đó là bổn phận làm con rể hiền đối với cha mẹ vợ. m
        Cổ nhân có dạy rằng:
    
             Một chữ “siêng”, khắp thiên hạ không còn việc khó,
    
             Trăm điều “nhịn”, trong gia đình luôn có niềm vui.
        Hôm nay, nhân lễ Hằng thuận quý thầy có vài lời khuyên bảo nêu trên, mong hai cháu ghi nhớ, thực hành thì sẽ được hạnh phúc miên trường, kiết tường như ý. Cha mẹ nhờ đó mà hãnh diện với mọi người. m
 
* Ý NGHĨA ĐÔI NHẪN CƯỚI
Điển lễ: Xin mời Tân lang, Tân nương và hai họ đứng dậy.
Chủ lễ bước đến trước mặt Tân lang và Tân nương, cầm hộp nhẫn mở ra bảo rằng:
        Hôm nay, nhân dịp lễ Thành hôn hai cháu thành tâm phụng Phật thỉnh Tăng làm lễ Hằng thuận. Trong dịp này, thầy thay lời chư Tôn đức giải thích ý nghĩa đôi nhẫn, để hai cháu trao tặng cho nhau, đánh dấu ngày hai cháu nhất tâm hướng về Tam bảo và đối trước quý thầy cùng cha mẹ đôi bên phát nguyện kết tóc se tơ, nên duyên chồng vợ, làm người Phật tử thuần thành chơn chánh.
        Hai cháu quý mến! Đây là 2 món trang sức quý giá biểu thị đạo lý hôn nhân, nó tên là “nhẫn” đeo ở ngón tay, để hai cháu luôn nhìn thấy, nhằm nhắc nhở những điều hay ý đẹp như sau:
1.   Nhẫn, có nghĩa là nhường nhịn. Muốn trong nhà vui vẻ đầm ấm hạnh phúc, trước phải biết nhường nhịn lẫn nhau, không nên hơn thua, lời qua tiếng lại. Chiếc nhẫn lại được đeo vào ngón tay, để hai cháu dễ nhìn dễ thấy, để tự nhắc mình về sự nhẫn nhịn.
2.   Chiếc nhẫn hình tròn: Tiêu biểu cho phước báo và tiền của đầy đủ, nhà đất thịnh vượng. Muốn được như thế, vợ chồng phải siêng năng làm lụng, dành dụm tiền bạc, tiêu xài chừng mực, không được phung phí và phải biết cúng dường bố thí thì mới được hưởng phước được lâu dài.
3.   Chiếc nhẫn này được làm bằng chất vàng, vàng có đặc tính thứ nhất là “tùy duyên bất biến”, nghĩa là hình dạng tuy có thay đổi, nhưng tính chất vẫn nguyên vẹn. Hay nói rõ hơn, dù ai có vo tròn bóp méo, kéo dài cán mỏng đi nữa. Hình dạng tuy đã thay đổi, nhưng tính chất giá trị của vàng vẫn nguyên vẹn. Đạo vợ chồng cũng thế! Hai cháu chung sống bên nhau, dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa, cũng phải giữ vẹn lòng chung thủy trước sau như một. Cổ nhân có dạy: “Ngọcàng dồcàng sáng, vàngcàng luyệcàng tinh” đừng vì nghịch cảnh, cũng đừng vì: danh lợi, tiền của, sắc đẹp, ăn uống, ngủ nghỉ, v.v… mà thay lòng đổi dạ.
5. Chất vàng có đặc tính thứ hai là màu sắc “tươi đẹp”, không bao giờ phai nhạt dù trải qua bao lần mưa nắng, dù có rơi rớt, vùi dập nơi nào, nhưng nó vẫn mãi tươi đẹp. Đạo vợ chồng cũng thế! Hai cháu đã thệ nguyện chung sống bên nhau, dù gặp cảnh ngộ nào đi nữa, hoặc mai kia có già nua, bệnh tật, nhưng tình nghĩa vợ chồng cũng phải nồng nàn tươi đẹp như thuở ban đầu mới cưới nhau.
6. Trên chiếc nhẫn này lại có đính hạt kim cương xinh đẹp. Trong các loại ngọc, kim cương rắn chắc, bền vững và quý hiếm hơn hết. Kim cương tiêu biểu cho ý chí, niềm tin, sức sống và tình yêu vĩnh cửu. Thầy mong tình nghĩa vợ chồng của hai cháu bền vững như kim cương vậy. (Nếu nhẫn có đính kim cương, thì giảng, còn không thì bỏ mục này. Nếu có nạm ngọc, tùy loại ngọc mà giải thích ý nghĩa theo hướng tích cực phù hợp với hôn nhân).
         Chính vì những lý do trên, đôi nhẫn này nó có ý nghĩa rất thiêng liêng trong tình nghĩa vợ chồng, hai con phải giữ nó làm kỷ niệm, xem nó là gia bảo vô giá. Hơn nữa, chư Tăng (Ni) đã gia trì chú nguyện, nên người giữ gìn trân trọng nó sẽ được sự hộ niệm của Tam bảo và các vị Thiện thần. Giờ đây hai con hãy đeo cho nhau để kỷ niệm một cuộc đời mới, cuộc sống lứa đôi tràn đầy hạnh phúc an lạc. Cháu trai lấy chiếc nhẫn nhỏ đeo cho cháu gái, cháu gái lấy chiếc lớn đeo cho cháu trai. 
00 0
Sau khi đeo nhẫn, hai cháu lạy Phật ba lạy và quỳ xuống phát nguyện kết nghĩa vợ chồng (học thuộc lòng hoặc cầm giấy đọc):
1. Tân lang phát nguyện:
        Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Trong giờ phút thiêng liêng này, dưới sự chứng minh của Tam bảo và sự chứng kiến của cha mẹ, họ hàng hai bên, con tên là……........, pd ……. xin xác nhận em .........., pd………, …tuổi là vợ của con. Con xin phát nguyện trọn lòng chung thủy với vợ, giữ gìn năm giới, làm người Phật tử chân chính, để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc an vui.
Nam mô A Di Đà Phật. 0
2. Tân nương phát nguyện:
        Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Trong giờ phút thiêng liêng này, dưới sự chứng minh của Tam Bảo và sự chứng kiến của cha mẹ, họ hàng hai bên, con tên là ………..., pd ....... xin xác nhận anh …......., pd……., …tuổi là chồng của con. Con xin phát nguyện trọn lòng chung thủy với chồng, giữ gìn năm giới, làm người Phật tử chân chính, để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc an vui.
Nam mô A Di Đà Phật. 0
                            
KỆ CHÚC PHÚC:

             Mừng cho đôi trẻ Thành hôn
             Trăm năm kết tóc, kiền khôn lâu dài.
             Sắt cầm hảo hợp bền dai
             Phụng loan ứng lứa, đẹp thay duyên lành.
             Tơ hồng nguyệt lão đành rành
             Se tơ kết tóc, sẵn dành từ lâu
             Tóc xanh cho đến bạc đầu
             Chồng hòa vợ thuận, là câu muôn đời. 0
 
HỒI HƯỚNG
                 Nguyện đem công đức hiện tiền,
        Hướng về khắp cả các miền gần xa.
                 Con và cha mẹ ông bà,
         Chúng sanh giác ngộ, chan hòa pháp thân 00 0
 
PHỤC NGUYỆN

        Nam mô A Di Đà Phật m
        Phục nguyện:
             Đèn thiền na tỏ rạng,
             Chuông cảnh tỉnh reo vang.

             Ánh từ quang che khắp nhơn gian,
             Cả trăm họ đượm nhuần Phật hóa.
             Khuyên đại chúng ráng tu cho khá,
             Đem Tam thừa phổ hóa chúng sanh,
             Nhắc Đàn na mỗi việc làm lành,
             Tu Thập thiện hòa bình xã hội. 0
             Vừa rồi, chúng con một dạ chí thành,
             Thiết lễ Hằng thuận, có bao công đức,
             Hồi hướng phương Tây, trang nghiêm cõi Tịnh,
             Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu ba đường khổ. 0
 
         Duy nguyện:
              Cầu an chư Phật tử:
Tân lang: .................... , pháp danh:................ , ................................... tuổi,
Tân nương:................. , pháp danh:................ , ................................... tuổi.
               Và tất cả chúng sanh

               Phước huệ song tu, thân tâm an lạc,
               Thường được kiết tường, xa lìa khổ ách,
               Tinh tấn tu hành, sớm thành đạo quả. 0  
        Thứ nguyện:

               Cầu siêu cửu huyền thất tổ,
               Nội ngoại hai bên,
               Chiến sĩ trận vong,
               Đồng bào tử nạn,
               Nương nhờ Tam bảo,
               Bước đến đạo tràng,
               Nghe kinh nghe kệ,
               Sớm thoát đường mê,
               Sanh về Cực Lạc. 0
        Phổ nguyện:

               Thế giới hòa bình,
               Chúng sanh an lạc,
               Mưa gió thuận hòa,
               Mùa màng thịnh vượng.
               Cả trăm họ cải tà quy chánh,
               Suốt bốn loài nhập thánh siêu phàm, 
               Bao nhiêu phước thiện đều làm,
               Pháp giới chúng sanh, đồng thành Phật đạo
        Nam mô A Di Đà Phật  00 0
BA TỰ QUY Y

          o Con về nương Phật,
             Nên nguyện chúng sanh,

             Tỏ ngộ đạo lớn,
             Phát tâm vô thượng. 0 (1 lạy)
         o  Con về nương Pháp,
             Nên nguyện chúng sanh,
             Thấm nhuần tạng kinh,
             Trí huệ như biển. 0 (1 lạy)
         o  Con về nương Tăng,
             Nên nguyện chúng sanh,
             Hòa hợp đại chúng,
             Tất cả vô ngại. 00 0 (1 lạy)
 
         

Biểu tượng tình yêu

 
Quang cảnh Lễ Hằng thuận tại chùa Thiên Tôn, P6, Q5, TPHCM


Chư Tôn đức huấn thị Tân lang và Tân nương

   

Tân lang và Tân nương dâng hoa quả cúng dường Tam bảo
      (Dâu rể đứng sai vị trí, nếu đúng là NAM TẢ NỮ HỮU- tính từ ngoài nhìn vào)         
 

Thượng tọa THÍCH CHƠN KHÔNG

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin