Chi tiết tin tức Tín ngưỡng cúng tế của người Việt Nam qua nhãn quan của Đạo Phật 14:57:00 - 08/02/2023
(PGNĐ) - Tín ngưỡng cúng tế là một bộ phận của văn hóa dân gian nước ta. Vào mỗi dịp lễ, Tết, hoạt động cúng tế lại diễn ra, mang đến những giá trị tâm linh-văn hóa cho cộng đồng. Thông qua việc phân tích lời dạy của Đức Phật ở các bài kinh trong Kinh tạng Nikaya, bài viết cho thấy tế đàn (cúng tế) không sát sanh mới thực sự đem lại an lạc, lợi ích tâm linh cho người thực hiện cúng tế và những người xung quanh.
DẪN NHẬP Trong văn hóa dân gian nước ta, cúng tế trong dịp Tết là một trong những hoạt động tín ngưỡng. Nó thể hiện niềm tin vào đấng thiêng liêng có sức mạnh chi phối số phận của con người [1, tr.20]. Theo An Nam phong tục sách, việc cúng tế trong những ngày tết phải tính từ ngày 23 tháng Chạp kéo dài hết cả tháng giêng năm sau [2, tr. 15]. Đó là khoảng thời gian cho thấy tín ngưỡng cúng tế thần linh của người Việt vô cùng phong phú: Lễ đưa ông Táo về trời (vào ngày hai mươi ba tháng chạp), Lễ rước ông Táo (vào ngày 30 tháng Chạp), Lễ tiễn thần Hành khiển cũ và đón thần Hành khiển mới trong đêm trừ tịch. Nói đến việc cúng tế các vị thần, lễ vật là một phần vô cùng quan trọng không thể thiếu. Mâm lễ thường là có đồ mặn. Người cúng tế dâng lễ với mong mỏi các vị thần che chở cho gia đình được bình an và ban phát sự thịnh vượng trong năm mới. Do đó, bài viết này sẽ đi vào khảo sát một số bài kinh có liên quan được kết tập trong bộ kinh Nikaya nhằm xem xét bản chất của việc cúng tế và cách người Phật tử thực hiện cúng tế cho đúng với tinh thần Phật dạy. LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT VỀ CÚNG TẾ Thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, việc cúng tế các vị thần linh rất phổ biến ở những người Bà-la-môn bởi đó là xu hướng của họ [3, tr. 138]. Đức Phật không phủ nhận toàn bộ việc cúng tế đó mà chỉ hướng họ thực hiện hợp với đạo lý. Với câu hỏi “Có phải Tôn giả Gotama không tán thán tế đàn?” của các vị Bà-la-môn, Đức Phật đã trả lời rằng: “Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn. Trong loại tế đàn nào, này Bà-la-môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại, loại tế đàn ấy, này Bà-la-môn, liên hệ đến sát sanh; Ta không tán thán loại tế đàn ấy […]. Tại tế đàn nào, này Bà-la-môn, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gia cầm, heo bị giết, không có các sinh vật khác bị giết, này Bà-la-môn, Ta tán thán tế đàn không có sát sanh như vậy, tức là bố thí thường làm từ lâu, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình” [4, tr. 629-632]. Câu trả lời nêu trên của Đức Phật cho thấy việc cúng tế không có sát sanh thì mới thực sự là cầu sự bình an và sung túc cho bản thân và gia đình. Nhìn thấy một người đánh bắt cá và giết cá, Đức Phật đã bảo với các đệ tử của Ngài: “Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: ‘Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, hay được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống” [5, tr. 43]. Cuộc sống an lành và sung túc chỉ đến với những ai có phước báo. Phước báo có được lại là từ những việc thiện lành. Chuyện Lâu đài của Chatta trong Tiểu bộ Kinh đề cập đến một thanh niên Bà-la-môn có tên là Chatta gặp được Đức Phật, thọ Tam quy, Ngũ giới và hành trì [6, tr. 270-271]. Nhờ vậy, khi chết đi người thanh niên trên được tái sanh lên cõi trời ba mươi ba, trở thành một vị thiên tử và hưởng đầy đủ phước báo. Vị thiên tử xuất hiện trở lại thế gian cùng với tòa lâu đài của mình và nói rõ nguyên nhân cho mọi người được biết: Con đến gần người Chiến thắng huy hoàng Ðể quy y Giáo pháp với Tăng đoàn, Bạch Thế Tôn, con nói “không” trước nhất, Sau đó con hành trì theo giới luật. Không sống theo tà hạnh tạo đau thương, Vì các trí nhân không thể tán dương Sự buông thả đối với loài sinh vật, Bạch Thế Tôn, con nói “không” trước nhất, Rồi về sau con giữ đúng luật Ngài. Việc tu tập và giữ giới trong đó có giới không được sát sanh là một trong những việc làm thiện để đem lại phước báo cho con người. Nhờ phước báo đó con người mới có được hạnh phúc. Việc sát sanh để cúng tế cầu phước báo là một điều gây tổn hại cho chính bản thân. Trong Kinh Kandaraka, Đức Phật cũng đã chỉ ra hành vi sát sanh để thực hành tế lễ là hành vi gây khổ cho mình và gây khổ cho người [7, tr. 19-20]. Gây khổ cho mình và cho người mà cầu một sự bình an là một điều khó đạt được. Có thể trong hiện tại, người thực hiện hành vi chưa nhận lấy quả báo, nhưng điều đó không có nghĩa là nghiệp xấu sẽ mất đi. Trong Kinh Tiểu bộ, Đức Phật đã kể một câu chuyện tiền thân của Ngài vốn là một vị thần cây bàng trong làng [8, tr. 145]. Khi nhìn thấy một người mang lễ vật gồm thịt chúng sanh bị giết hại trước đó đến tạ lễ vì được bình an sau chuyến đi buôn, thần cây bàng đã khuyên người đó bằng bài kệ: Nếu muốn thoát hiện tại, Hãy nghĩ thoát đời sau, Thoát hiện tại như vậy, Là trói buộc thật chặt, Bậc trí không thoát vậy, Thoát vậy, buộc kẻ ngu. Bài kệ trên đề cập đến sự “trói buộc” ở đời sau. Sự “trói buộc” đó chính là quả báo xấu người thực hiện hành vi bất thiện phải nhận lấy. Đức Phật đã từng thuyết trong Đại Kinh Nghiệp phân biệt như sau: “[…] có người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham dục, có sân tâm, có tà kiến; sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục” [9, tr. 488]. Đức Phật đã khẳng định trong Tiểu Kinh Nghiệp phân biệt: “[…] các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu” [10, tr. 473]. Đã là “thừa tự của nghiệp” bất thiện thì không thế lực siêu nhiên nào có thể cứu được. Vì vậy, Thiền sư Thích Thanh Từ đã nhắc nhở Phật tử: “[…] lẽ thật của cuộc sống này là chúng ta tự tạo nhân tốt hay tạo nhân xấu, từ nhân đó đưa tới quả tốt hay xấu, chớ không ai có quyền chen vô hết” [11, tr. 26]. CẦN TÔN TRỌNG SINH MỆNH CỦA LOÀI HỮU TÌNH Như trên đã đề cập, cúng tế cũng là một biểu hiện của tín ngưỡng. Ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín nếu không nhận thức rõ sẽ khá là mong manh [1, tr. 21]. Từ đó cho thấy giáo dục tâm linh nói chung và giáo dục Phật giáo nói riêng dành cho cộng đồng là rất cần thiết [15, 16] nhằm chuyển hóa đau khổ, giới thiệu con đường giải thoát đúng đắn cho mọi người. Trên thế giới, xu hướng ở các nước hiện đại hiện nay là con người chuyển sang ăn thức ăn không chế biến từ động vật [17]. Có thể các nước phương Tây ít chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo hơn so với các nước phương Đông trong đó có Việt Nam, nhưng xu hướng ăn chay ngày càng tăng [18]. Họ ăn chay không phải là xuất phát từ yếu tố tâm linh mà chỉ nhằm mục đích giữ gìn sức khỏe, bảo vệ môi trường và giữ gìn đạo đức; và đạo đức ở đây chính là sự tôn trọng quyền sống của động vật vì chúng cũng bình đẳng với con người [19, 20, 21]. Việc tôn trọng quyền sống của động vật ở các nước phương Tây rất gần với tinh thần của Đạo Phật. Việt Nam, một đất nước đã tiếp nhận văn hóa Phật giáo cách nay khoảng 2.000 năm, như nhận định của Giáo sư Trần Văn Giàu: “Suốt một vài nghìn năm tồn tại phổ biến trên đất nước ta, Phật giáo tất đã phải in dấu ấn khá sâu sắc vào văn hóa dân tộc, phong tục nhân dân, đức tính con người, nghĩa là đến các giá trị tinh thần truyền thống” [22, tr. 124]. Do đó, chúng ta nên phát huy chân giá trị Phật giáo vốn đã hiện hữu trong giá trị văn hóa truyền thống để xây dựng đời sống hiện đại trên tinh thần tôn trọng tuân thủ Ngũ giới mà nhất là giới không sát sanh. KẾT LUẬN Việc khảo sát một số bài kinh tiêu biểu có liên quan trong bộ kinh Nikaya cho thấy việc sát hại động vật không mang lại lợi ích cho bản thân và những người xung quanh. Đạo Phật không phê phán việc thực hiện cúng tế các vị thần, nhưng thiết nghĩ việc cúng tế làm sao đừng để rơi vào mê tín và đặc biệt là không nên giết hại động vật để làm lễ vật. Những lời khuyên răn của vua Trần Thái Tông, một vị vua giác ngộ Đạo Phật ở Việt Nam trong thời đại nhà Trần, có thể làm cho những ai thực hiện hoặc góp phần thực hiện hành vi sát sanh nên xét lại mình: “Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác. Ngày trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau. Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân. Luống lo tham sống sợ chết, lại không một lời kêu đau khổ. Ngươi giết nó, nó giết ngươi, hắn ăn mày, mày ăn lại hắn, hằng không ngày dứt, mãi tạo oan trái. Kiếp kiếp trả nhau, đời đời thù nhau” [23, tr. 47]. Nếu đã nhận thức được rằng giết một con vật mà tiền kiếp vốn dĩ là người thân thích của mình để cúng tế thần linh nhằm cầu phước báo cho chính mình và cho những người thân trong hiện tại thì chắc rằng không ai đành lòng thực hiện.
NCS. Lê Tấn Lộc/TCVHPG405Chú thích và tài liệu tham khảo: * Nghiên cứu sinh Lê Tấn Lộc, Viện Trần Nhân Tông – Đại học Quốc gia Hà Nội. 1. Phạm Minh Thảo và Phạm Lan Oanh (2015), Tín ngưỡng, tôn giáo và mê tín dị đoan, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội. 2. Mai Viên Đoàn Triển (2008). An Nam phong tục sách (Nguyễn Tô Lan dịch), Nxb. Hà Nội, Hà Nội. 3. HT. Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng chi bộ 3, Chương sáu pháp, Phẩm Dhammika. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 4. HT. Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng chi bộ 1, Chương bốn pháp, Phẩm Bánh xe, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 5. HT. Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng chi bộ 3, Chương sáu pháp, Phẩm Cần phải nhớ, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 6. HT. Thích Minh Châu (dịch, 1999). Kinh Tiểu bộ 3, Phẩm Đại xa, Chuyện thứ 3: Lâu đài của Chatta, Nxb. Tp.HCM, TP. Hồ Chí Minh. 7. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2000), Kinh Trung bộ 2, Kinh Kandaraka (số 51), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 8. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2001). Kinh Tiểu bộ 4, Phẩm giới, Chuyện Lễ cúng do có lợi, Nxb. Tp.HCM, TP. Hồ Chí Minh. 9. HT. Thích Minh Châu (dịch, 1992), Kinh Trung bộ 3, Kinh Đại nghiệp phân biệt (số 136), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 10. HT. Thích Minh Châu (dịch 1992), Kinh Trung bộ 3, Kinh Tiểu nghiệp phân biệt (số 135), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh. 11. HT. Thích Thanh Từ (2013), Chúng ta đi chùa là để cầu xin hay tu theo Phật, Nxb. Văn hóa-Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. 12. HT. Thích Thanh Từ (2013), Mê tín chánh tín, Nxb. Văn hóa-Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh. 13. Linh Giang (2018), “Ngăn chặn tệ mê tín dị đoan”, Báo Nhân dân, Truy cập tại địa chỉ https://nhandan.vn/ngan-chan-te-me-tin-di-doan-post317642.html (ngày truy cập: 30/11/2022). 14. Hồng Chuyên (2022), “Văn hóa tâm linh và phòng, chống mê tín, dị đoan”. Quân đội nhân dân, Truy cập tại địa chỉ https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/van-hoa-tam-linh-va-phong-chong-me-tin-di-doan-685524 (ngày truy cập: 01/12/2022). 15. Đoàn Minh Huấn và Nguyễn Quỳnh Trâm (2014), “Giáo dục Phật giáo với phát triển bền vững”, Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo 10(136): 70-79. 16. Trần Văn Sỹ (2021) “Giáo dục tâm linh, tại sao không?”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, Truy cập tại địa chỉ https://lsvn.vn/giao-duc-tam-linh-tai-sao-khong1614180446.html (ngày truy cập: 01/12/2022). 17. Loh, H. C., Hoo, F. K., Kwan, J. N., Lim, Y. F., & Looi, I. (2021), “A bibliometric analysis of global trends in vegan-related research”, International Journal of Disease Reversal and Prevention 3(2): 51-62. 18. Dorgbetor, I. K., Ondrasek, G., Kutnjak, H. & Mikus, O. (2022), “What if the world went vegan? A review of the impact on natural resources, climate Cchange, and economies”, Agriculture 12(10), https://doi.org/10.3390/agriculture12101518 19. Engel, M. (2016), “Vegetarianism”. In Encyclopedia of global bioethics, edited by H. Ten Have, pp. 2925-2936, Springer, Cham Switzerland. 20. Petti, A., Palmieri, B., Vadalà, M. & Laurino, C. (2017), “Vegetarianism and veganism: not only benefits but also gaps. A review”, Progress in Nutrition 19(3): 229-242. 21. Hopwood, C. J., Bleidorn, W,, Schwaba, T. & Chen, S. (2020), “Health, environmental, and animal rights motives for vegetarian eating”, PLoS One 15(4): 20-24. 22. Trần Văn Giàu (2011), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 23. Trần Thái Tông (2017), Khóa hư lục (HT. Thích Thanh Từ dịch và giảng giải), Nxb. Văn hóa-Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |