Chi tiết tin tức Ai “ăn” lộc thánh? 22:51:00 - 01/03/2015
(PGNĐ) - Cuối năm Ngọ vừa qua, tôi được một anh bạn rủ đi lễ đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Vốn không phải là một người mê tín, nhưng do tò mò vì chưa có dịp đến ngôi đền nổi tiếng này, tôi đã đồng ý đi cùng anh bạn.
Giống như nhiều người khác đến đền Bà Chúa Kho vào dịp năm hết, tết đến, anh bạn tôi cũng đi với mục đích trả nợ thánh. Tôi cũng từng được nghe rất nhiều lời đồn đại về sự linh thiêng của ngôi đền này, đặc biệt là với giới kinh doanh, buôn bán. Theo đó, đầu năm người ta đến đây để xin lộc rơi, lộc vãi hoặc vay vốn của bà để làm ăn thì sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn phát tài, và cuối năm họ sẽ phải trở lại đền trả nợ bà cả vốn lẫn lãi, trước khi muốn vay tiếp vào năm mới. ảnh minh họa Nhưng khi tôi hỏi bạn tôi: “Năm nay làm ăn có tốt không?” thì anh trả lời “buôn bán chật vật lắm, còn phải bỏ tiền túi ra bù lỗ”. Tôi thấy lạ, thua lỗ thì cần gì đi trả nợ, nhưng anh lại nói rằng đây là chuyện tâm linh, đã hứa với thánh trả nợ thì phải làm thôi. Tôi không hiểu thủ tục vay nợ Bà Chúa Kho để làm ăn bắt nguồn từ đâu. Chỉ biết rằng khi đọc giới thiệu lịch sử ngôi đền này (được khắc tại đền) thì tôi thấy ngôi đền chẳng liên quan gì đến chuyện kinh doanh buôn bán. Tương truyền, Bà Chúa Kho xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở làng Quả Cảm, có nhan sắc và đảm đang, bà được vua Lý chọn làm vợ. Trở thành cung phi, khi cuộc kháng chiến chống quân Tống xảy ra, bà đảm nhận trông coi kho lương thực của triều đình và đã mất trong cuộc chiến này vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch năm Đinh Tỵ (1077). Tưởng nhớ công lao của bà, nhà vua đã phong cho là Phúc Thần và cho dựng đền thờ Bà ngay tại kho lương thực cũ của triều đình. Tên gọi Bà Chúa Kho bắt nguồn từ đó. Như vậy, có thể thấy sự tích đền Bà Chúa Kho chẳng liên quan gì đến kim tiền và kinh doanh, buôn bán như cách người ta vẫn nghĩ hiện nay. Thế nên, cũng dễ hiểu, khi có nhiều người như anh bạn tôi dù đã cầu lộc, vay tiền Bà Chúa Kho, vẫn làm ăn thất bát. Nhưng theo tôi, có lẽ số đông người đi lễ cũng chẳng mấy bận tâm đến gốc tích lịch sử chính thống. Mà họ chủ yếu bị hấp lực những thứ tam sao thất bản mang sắc thái ma mị, kỳ diệu. Với tôi, họ – những người đi lễ ở đền Bà Chúa Kho – chưa chắc là những người được hưởng lộc của bà. Ngược lại, chỉ có đội ngũ “cò” hùng hậu mới là những người trực tiếp ăn lộc. Hôm tôi và bạn tôi đến đền thì số người ăn theo thậm chí còn đông hơn cả người đi lễ. Họ tạo cảm giác khó chịu cho người đi lễ, khi liên tục đề nghị cúng khấn hộ hay yêu cầu người đi lễ phải đặt tiền ở chỗ này, chỗ kia. Tất nhiên, tôi không tin những người này có quyền năng hiểu ý Thánh để có thể chỉ bảo người khác phải làm thế nào mới đúng yêu cầu của Thánh. Họ chỉ đơn giản là đang tìm cách kiếm lợi từ Thánh. Chưa kể, trước đó, trên đường vào đền chúng tôi đã liên tục bị chèo kéo bởi những hộ bán vàng mã, lễ mặn, lễ ngọt. Tôi nhẩm tính một mâm lễ đơn giản nhất cũng tốn kém vài trăm nghìn, thì một ngày số tiền họ kiếm được không hề nhỏ. Cùng với đó, hàng ngày cũng có một đống tiền lớn bị đốt thành tro bởi hóa vàng vàng mã. Đấy là một sự lãng phí lớn, trong khi lộc đâu thì chưa biết. Hơn nữa, tôi cho rằng đây không phải là câu chuyện ở riêng đền Bà Chúa Kho, mà nó diễn ra đầy rẫy ở những nơi thừa tự khác trong cả nước, nhất là những dịp đầu xuân, năm mới. Đi lễ, bao gồm đi lễ đầu năm, là một phong tục tập quán đẹp của người Việt Nam. Nhưng để nó biến tướng thành hoạt động mê tín, gây lãng phí cho cả xã hội thì lại là một câu chuyện khác hẳn. Chắc chắn sẽ chẳng có ông thần, bà thánh nào đáp lại những lời thỉnh cầu, đảm bảo sự thành công cho bạn, nếu bản thân bạn không cố gắng và giữ cái tâm hướng thiện. Bằng không, niềm tin mù quáng sẽ chỉ là cơ hội để kẻ khác lợi dụng kiếm lời mà thôi! Phan Tất Đức
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |